Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

Xưa Trọng Ni, học Hạng Thác

Thánh hiền xưa, còn chăm học.

Triệu Trung lệnh, đọc Lỗ luận

Làm quan to, học vẫn chăm.

Diễn giải

Khổng Tử là một người hiếu học, phàm là có chỗ không hiểu, ông đều sẽ khiêm tốn thỉnh giáo. Bấy giờ nước Lỗ có một thần đồng bảy tuổi tên Hạng Thác, Khổng Tử thường đến thỉnh giáo cậu ta. Một Thánh nhân vĩ đại như Khổng Tử còn có thể không quên học tập, không ngại khi hỏi, chúng ta càng nên nhìn Thánh hiền mà gắng sức.

Triệu Phổ triều Tống đã làm đến chức Trung thư lệnh còn không ngừng đọc Luận Ngữ, không vì bản thân làm quan lớn mà quên đi việc cần cù đọc sách.

Câu chuyện tham khảo: Hạng Thác biện luận với Khổng Tử 

Thời Xuân Thu có một thần đồng tên Hạng Thác. Có một ngày, Hạng Thác cùng đám bạn chơi trò xây thành trên đường, dùng bùn đắp nên một tòa thành bằng đất. Đúng lúc Khổng Tử ngồi trên xe ngựa cùng các học trò chu du liệt quốc (chu du các nước), những đứa trẻ khác thấy xe ngựa đều lũ lượt tránh ra, chỉ có Hạng Thác vẫn ngồi trên tòa thành nhỏ ở trên đường.

Thế là Khổng Tử xuống xe hỏi cậu bé: “Xe ngựa đến rồi, vì sao cậu không tránh ra?”. Hạng Thác ngẩng đầu nhìn Khổng Tử, trả lời một cách lý trí hùng hồn:

“Thánh nhân đã nói, con người phải: trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa rõ nhân tình (lòng người). Từ xưa đến nay, chỉ nghe qua xe có thể đi vòng qua thành mà chạy, chứ chưa nghe qua lấy thành dời đi để xe thông qua cả”. Khổng Tử cảm thấy Hạng Thác nói rất có đạo lý, không có lời nào để bác bỏ cậu ấy, bèn gọi học trò cưỡi xe ngựa đi đường vòng mà qua, và nói với Hạng Thác rằng: “Cậu nhỏ tuổi vậy, đã hiểu được không ít đạo lý”.

Hạng Thác chưa phục vì Khổng Tử nói cậu nhỏ tuổi, lại nói với Khổng Tử rằng: “Cháu nghe nói cá nhỏ sau khi sinh ba ngày có thể bơi lội tự do tự tại trong sông biển; thỏ sinh ra sau ba ngày cũng biết chạy được một đoạn cự ly; người ta sinh ra sau ba tháng đã có thể nhận biết được cha mẹ. Đây là bản năng mang đến khi sinh, nó so với tuổi tác lớn hay nhỏ thì có quan hệ gì đây?”.

Khổng Tử cảm thấy đứa trẻ này rất thú vị, muốn thử xem tài năng và tri thức của cậu, lại hỏi Hạng Thác: “Cậu đã nói như thế, ta lại muốn hỏi cậu chút nữa. Cậu có biết: Cái gì là núi mà không có đá? Cái gì là nước mà không có cá? Cái gì là cửa mà không khóa? Cái gì là như xe mà không có bánh? Cái gì là bò mà không sinh bê? Cái gì là ngựa mà không sinh ngựa non? Cái gì là đao mà không có khâu đao (khoen sắt ở cán đao để cầm cho chắc)? Cái gì là lửa mà không có khói? Cái gì là cây mà không có nhánh?”. 

Hạng Thác hầu như không suy nghĩ quá lâu mà đáp rằng: “Khối đất là núi không có đá. Nước trong giếng không có cá. Cổng của trời không có khoá. Kiệu không có bánh. Trâu không sinh bê. Ngựa gỗ không sinh ngựa non. Rìu không có khâu đao. Đèn đom đóm không bốc khói. Cây khô không có nhánh”.

Khổng Tử nghe Hạng Thác trả lời xong lấy làm cao hứng, liên tục xưng tán rằng: “Trả lời tốt! Trả lời tốt”. Hạng Thác nghe xong cũng rất đắc ý, cũng đề xuất vấn đề hỏi Khổng Tử: “Lão tiên sinh, ngài có biết, ngỗng và vịt vì sao có thể nổi trên mặt nước mà bơi? Nhạn và hạc vì sao có thể phát ra tiếng kêu? Tùng và bách vì sao bốn mùa vẫn xanh tốt?”.

Khổng Tử đáp: “Ngỗng và vịt có thể nổi trên mặt nước bơi lội, là vì chân chúng có màng. Nhạn và hạc có thể kêu, là vì cổ chúng dài. Tùng và bách có thể xanh tốt quanh năm, là vì lõi cây của chúng rất chắc chắn”.

Hạng Thác không cho là như vậy, lắc đầu nói: “Không đúng rồi. Ếch có thể kêu lẽ nào vì cổ nó dài? Rùa, ba ba có thể bơi lẽ nào là vì chân chúng có màng? Tre trúc bốn mùa xanh tươi lẽ nào lõi của chúng chắc chắn?”.

Nhận được phản biện của Hạng Thác, Khổng Tử nhất thời nói không được lời nào, không nén nổi cảm thán mà nói học trò: “Thật không đơn giản! Thật sự là hậu sinh khả uý! Xem ra ta còn phải học tập học tập cậu ấy rồi!”. 

(Theo “Khổng Tử, Hạng Thác tương vấn thư”).

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh: Hạng Thác ba lần làm khó Khổng Tử

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

昔仲尼 師項橐

古聖賢 尚勤學。

趙中令 讀魯論

彼既仕 學且勤。

Âm Hán Việt

Tích Trọng Ni, sư Hạng Thác

Cổ Thánh hiền, thượng cần học.

Triệu Trung lệnh, đọc Lỗ luận

Bỉ ký sĩ, học thả cần.

Pinyin Hán ngữ

Xī zhòng ní – shī xiàng tuó

Gǔ shèng xián – shàng qín xué.

Zhào zhōng lìng – dú lǔ lún

Bǐ jì shì – xué qiě qín.

Chú giải

(1) Tích: trước đây.

(2) Trọng Ni: Khổng Tử tự Trọng Ni.   

(3) Sư: hướng về người nào đó mà học tập hoặc thỉnh giáo.

(4) Hạng Thác: thần đồng của nước Lỗ thời Xuân Thu.

(5) Thượng: còn, vẫn.

(6) Triệu trung lệnh: Triệu Phổ thời Tống, đảm nhiệm chức Trung lệnh, chuyên môn quản lý văn thư của Hoàng đế. 

(7) Lỗ luận: chính là “Luận Ngữ”. Có một lần, Tống Thái Tổ ở trong nhà của Triệu Phổ, thấy Triệu Phổ đang đọc Luận Ngữ, Thái Tổ lấy làm lạ mới hỏi: “Luận Ngữ từ nhỏ đã đọc qua rồi, vì sao hiện nay vẫn đọc nữa?”. Triệu Phổ đáp rằng: “Đạo lý ‘Tu thân’, ‘Tề gia’, ‘Trị quốc’, ‘Bình thiên hạ’ trong Luận Ngữ, cần phải không ngừng đọc sâu, mới có thể dựa vào đó mà làm căn cứ làm người và xử sự”.

(8) Ký: đã.

(9) Sĩ: làm quan.

Khổng Tử dạy học trò (ảnh minh họa: chụp màn hình video Chánh Kiến).

Đọc sách bút đàm

Bài này giáo dục về thái độ học tập và làm người; khuyên bảo học trò dù có học vấn cao đến đâu cũng không thể kiêu căng tự đại, từ đầu đến cuối phải giữ thái độ khiêm tốn kính cẩn. 

Khổng Tử là Thánh hiền thời cổ đại, là nhà giáo dục mà vạn thế kính ngưỡng. Điều đáng học hỏi nhất ở ông là không ngại học hỏi, có thể tôn trọng tất cả mọi người; không lấy thân phận, địa vị, tuổi tác để luận cao thấp; đãi người bình dị gần gũi; có thể khiêm tốn hạ mình thỉnh giáo trẻ nhỏ. Câu đầu tiên của đoạn kinh văn đề cập đến câu chuyện nổi tiếng về Khổng Tử thỉnh giáo và học hỏi cậu bé bảy tuổi tên Hạng Thác với cái tâm khiêm tốn.

Khi Khổng Tử được đứa trẻ chỉ ra lỗi sai một cách thẳng thắn, ông không vì bảo vệ thể diện mà tức giận, trái lại còn thản nhiên thừa nhận bản thân không bằng đứa trẻ. Khổng Tử từng nói: “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy”; “Ba người đi cùng ta, ắt có người là thầy ta”. Ông còn nói, nếu chỉ lấy một chữ để dạy dỗ đệ tử làm người như thế nào, chữ “thứ” (tha thứ) là quan trọng nhất. Đó là đức của người quân tử. Trong câu chuyện bên trên, ba phương diện này Khổng Tử đều làm được đến nơi đến chốn.  

Ngôn hành của ông là nhất trí, ông là người quân tử thật sự, không hư giả, không che giấu, có thể ở trước mặt học trò mà khen đứa trẻ hiểu biết hơn mình. Đây chính là làm được “không biết thì nói là không biết”. Thực ra chính là ông đang thân giáo (lấy mình làm gương) cho học trò. Làm người không thể kiêu ngạo, dù bản thân có học thức cao đến đâu cũng không thể biết rõ tất cả sự tình, cũng không thể tinh thông mọi thứ. Mỗi cá nhân đều có kiến thức độc đáo riêng của mình, ông đều có thể thỉnh giáo và học hỏi trực tiếp. Đây chính là làm được “Ba người đi cùng ta ắt có người là thầy ta”. Ông cũng không trách cứ đứa trẻ không chú ý đến thể diện của ông, đây càng là tấm lòng khoan dung, làm đến được “thứ” lỗi của người, không tính toán so đo.

Trong chương đầu của Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Không kết giao bằng hữu với người không bằng mình”, một số người lý giải rằng Khổng Tử bảo người ta không được qua lại với người không bằng ta, kỳ thực đây là ý hiểu sai lầm. Câu nói này thực ra là dạy bảo đệ tử rằng: Bất kỳ bạn bè nào đều có tài năng cá biệt, đều có chỗ mạnh hơn ta, rất đáng để học tập, cho nên phải khiêm tốn. Nếu phải phiên dịch, chính là: Không có người bạn nào giống như ta cả!

Cho nên, Khổng Tử bảo các đệ tử hãy xem điểm tốt của người khác, bản thân sai thì phải cải chính.

Câu chuyện Khổng Tử thỉnh giáo Hạng Thác đã chứng thực được điều ấy. Nếu kiến thức của đứa trẻ cao hơn ông, hiểu biết nhiều hơn ông, thì ông nguyện ý thụ giáo. Ông cũng cho phép học trò đưa ra vấn đề nghi hoặc, sau đó nhẫn nại giải đáp, lấy lý phục người, không bao giờ áp đặt người khác.

Khổng Tử đã lưu lại cách giáo dục không phân nền tảng, dạy theo năng khiếu mà phù hợp nhân tính. Điều thể hiện ra là tôn trọng và lý tính, là thẳng thắn chân thành, là thương yêu thân thiết. Chính vì thế, dù là bần, phú, quý, tiện, thì ông đều đối đãi bình đẳng, khiến ba nghìn môn hạ, đệ tử đều có thể thật lòng khâm phục mà tôn ông làm thầy. Nếu chỉ có học thức uyên bác, thì sẽ không nhận được kính ngưỡng của người đời. 

Do đó, đệ tử của ông mới nói, một cá nhân chỉ cần hành vi phù hợp với đạo nhân nghĩa, thì dù anh ta không đọc qua sách, cũng là người có học vấn. Trái lại, đọc rất nhiều sách nhưng lại lấy việc khoe khoang học vấn là vinh diệu thì là làm trái lời dạy của Khổng Tử; Khổng Tử gọi những người như vậy là tiểu nhân. Người đọc sách rất dễ quên mất điểm này.

Theo Chánh Kiến

Mạn Vũ biên dịch

Video: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao

videoinfo__video3.dkn.tv||d572a4f07__