Nhiệt tình giúp đỡ người khác mà không mong cầu báo đáp là một hành động đẹp, nhưng không phải điều này lúc nào cũng là tốt, đôi khi câu trả lời ‘Không’ mới là sự giúp đỡ.
Nhiệt tình giúp đỡ người khác luôn là một đức tính thật đẹp, nhất là khi chúng ta làm điều đó mà không mong cầu nhận được sự báo đáp. Nhưng điều gì cũng không có tuyệt đối. Ta cũng cần học cách nói “không”, và từ chối những yêu cầu bất hợp lý.
Câu chuyện thứ nhất
Vài ngày trước có một đồng nghiệp đến nhờ tôi làm hộ báo cáo cuối tuần. Tôi thấy việc này cũng không quá phức tạp, lại chỉ là báo cáo dùng trong nội bộ, nên đồng ý giúp. Vậy mà sau đó những người khác “thuận nước đưa thuyền“, liên tiếp nhờ tôi làm hộ báo cáo. Tôi thấy sự việc này có gì đó không ổn, nhất là xem qua có những số liệu trong đó không chính xác. Vậy mà bởi vì chót nhận lời anh đồng nghiệp kia, chả nhẽ giờ lại từ chối những người khác? Tôi sợ họ bảo mình “phân biệt đối xử” nên miễn cưỡng nhận lời.
Làm xong đống báo cáo cũng chẳng dễ dàng gì, tôi mới thấm thía cái dại của mình. Số liệu sai còn phải tự mình đi chỉnh lý. Vậy nên qua mấy ngày vất vả, tôi trả lại chỗ công việc đã hoàn thành cho chủ nhân của chúng rồi tuyên bố: “Thôi từ nay mình không nhận làm hộ các bạn nữa đâu. Công việc của ai người đó có trách nhiệm. Mình không sợ tốn thời gian, mà sợ nhất là không hiểu đủ, làm báo cáo sai thì ảnh hưởng tới phòng chúng ta.”
Đằng nào cũng phải nói những lời không muốn nói, nhưng nếu như ngay từ đầu tôi nhận ra sớm hơn và từ chối họ thẳng thừng thì bản thân cũng không phải khó nghĩ suốt mấy ngày như vậy.
Tôi nghĩ lại cũng do mình thích thể hiện. Tôi hay nói với các đồng nghiệp rằng: “Mình không tin việc nào người khác làm được mà mình lại phải bó tay!!”. Tôi nghĩ rằng việc họ đưa số liệu sai cho tôi cũng bởi họ vốn không vừa ý về sự kiêu ngạo của tôi từ lâu. Họ muốn xem tôi vất vả một trận, trả giá cho những lời nói ngông cuồng của mình, buộc tôi phải thừa nhận mình không đủ khả năng làm tất cả mọi việc.
Trải qua sự việc này, tôi cũng đã rút ra cho mình được một vài chiêm nghiệm. Thứ nhất, đừng nên quá tự tin vào bản thân, con người sống trong xã hội đều có ưu điểm riêng, cũng có khuyết điểm riêng, không ai là “thập toàn thập mỹ” cả. Thứ hai, năng lực của mỗi người là để họ thực hiện tốt công việc được phân phó của mình, đừng nên ôm việc vào người trong khi đó không phải việc mình nên làm. Thứ ba, việc phiền phức tìm đến mình không có nghĩa kết quả đều là xấu. Chẳng phải sau việc này tôi đã đúc rút được 3 bài học cho bản thân đó sao?
Câu chuyện thứ hai
Giang là một cô gái mới tốt nghiệp đại học ra trường, may mắn xin được 1 công việc trên tỉnh. Ông cô thấy cháu mình sống xa nhà, cũng không mấy yên tâm, nên chưa được 10 ngày đã lên thăm cháu.
Nhân dịp ông lên chơi, Giang dành cả cuối tuần để đưa ông thi thăm thú đây đó. Đến cuối ngày hai ông cháu đều thấy đói, ông chỉ vào một nhà hàng lớn và bảo:
– Chúng ta vào đây ăn đi. Ông muốn xem nhà hàng lớn ở tỉnh ra sao.
Giang nghe vậy thì trong lòng thấp thỏm, cô mới đi làm, lương tháng đầu còn chưa lĩnh. Trong người giờ chỉ còn có 200 nghìn. Nhưng thấy ông vui vẻ như vậy, cô cũng không nỡ từ chối.
Ấy vậy mà ông vừa ngồi vào bàn đã gọi rất nhiều món. Món nào giá cũng không dưới 80 nghìn. Cô thầm nghĩ: “Mình giờ có thể để lại chứng minh thư rồi ghi nợ không nhỉ? Hay mình gọi điện cho ai đó để mượn tạm ít tiền, gọi cho ai đây nhỉ?”
Mải lo lắng và nghĩ ngợi, Giang hầu như chẳng động đũa là mấy.
Cuối cùng, điều cô lo nhất cũng đến, nhân viên mang ra hoá đơn thanh toán đến gần 1 triệu đồng. Giang ấp a ấp úng chưa biết phải nói thế nào, thì ông cô đã lấy tiền từ trong túi áo ra rồi trả đủ. Sau khi ra khỏi nhà hàng, ông mới nói với cô:
– Giang này, ông biết con cảm thấy thế nào trong suốt bữa ăn. Nhưng ông muốn cho con trải qua toàn bộ cảm xúc cho tới hết buổi, để con biết được rằng, có những lúc từ chối người khác không phải là điều gì sai trái hết, ngược lại nó còn giúp đôi bên tránh được hậu quả không đáng có. Kể cả đối với người thân thiết nhất, đôi khi con cũng cần có dũng khí nói “không” với họ. Thẳng thắn với nhau mới là điều đáng quý. Lần này ông lên thăm con, chính là muốn con hiểu được đạo lý này.”
Minh Xuân
Xem thêm: