Ở độ tuổi còn “ăn chưa no lo chưa tới”, bé Danh Tú (8 tuổi) đã trở thành trụ cột gia đình, một tay chăm sóc mẹ bị liệt, chỉ nằm một chỗ.
Mẹ của Tú là cô Thị Chai, người dân tộc Khơ me, làm nghề đan – bán chổi. Cách đây khoảng 2 năm, trong một lần đang đi bán chổi, cô bị một chiếc xe máy đâm phải rồi bỏ chạy. Tai nạn ấy đã khiến cô bị liệt một bên tay và chân, không nói chuyện được, phải nuôi sọ não trong bệnh viện. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, không đủ tiền chạy chữa, nên cô phải trốn viện về, khi ấy vẫn nợ bệnh viện khoản viện phí lên đến 12 triệu đồng, bỏ dở lịch hẹn với bác sĩ, 3-6 tháng đến ráp hộp sọ một lần.
Trớ trêu thay, khi bệnh tình của cô Chai trở nặng, cha của Danh Tú cũng là người chồng thứ hai liền bỏ nhà đi biển mất hút. Đứa con trai lớn 18 tuổi của người chồng trước cũng bỏ nhà đi làm ăn xa, cả năm chỉ về được một lần vào dịp tết, cho được mẹ 500 ngàn rồi cũng biền biệt, chỉ còn một mình Tú loay hoay xoay trở với bệnh tình của mẹ.
Cũng may mẹ con Tú còn có thể dựa dẫm vào dì Út là cô Thị Điệp nhà gần kế bên. Dì giúp Tú chăm sóc mẹ, dạy Tú nấu cơm, giặt giũ… Những ngày đầu cậu bé cũng lóng ngóng lắm nhưng làm riết rồi thành quen. Hiện tại mọi công việc trong gia đình, từ tắm giặt, đổ bô cho mẹ, cho đến chuyện giặt giũ, lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa đều đã trở nên thành thục và chẳng mấy khó khăn với cậu bé 8 tuổi.
Ngoài đảm đương hết mọi công việc trong nhà, Tú còn phải lo tiền chi tiêu, thức ăn cho hai mẹ con, bởi mẹ em đã không còn khả năng lao động nữa. Mỗi ngày em đều đi mò cua bắt ốc và phụ dì Út chăm sóc vườn rau muống, rau cải, tưới cây, nhổ cỏ, để có rau mang bán. Dù thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng đỡ đần phần nào gánh nặng cho dù Út, bởi dì còn có gia đình và 2 con nhỏ, hơn nữa công việc bán chổi, bán chiếu cũng chẳng dư dả đồng nào.
Trong căn nhà đang làm dở dang, bởi lúc đang thi công thì cô Chai bị tai nạn, hai mẹ con Tú chỉ biết nương tựa vào nhau mà lặng lẽ sống qua ngày. Nhìn bàn tay đã chai sạn, đầy những vết sẹo chằng chịt của Tú, nghe những lời chia sẻ của em “Con muốn đi học lắm, nhưng con cần mẹ hơn”, bất giác ai nấy đều cay khóe mắt. Tương lai phía trước sao mà gian nan và lắm chông gai đến vậy, biết đến khi nào em mới có được một tuổi thơ đúng nghĩa như các bạn cùng trang lứa?
(Nguồn ảnh: tin24h)
Hải Dương