Tôi gặp em lần đầu vào ngày hôm nay của 3 năm về trước. Em có đôi môi hồng chúm chím và làn da trắng mịn màng khiến tôi vừa nhìn thấy đã xiêu lòng. Em là tiểu thư lá ngọc cành vàng, còn tôi chỉ là gã trai nông thôn lập nghiệp trên thành phố. Tôi tự thấy bản thân mình không xứng, nhưng vì yêu em nên tôi vẫn cố theo đuổi đến cùng…

Lần đầu tiên về ra mắt ba mẹ tôi, em nhăn mặt lưỡng lự đứng ở cửa ra vào rồi thì thầm với tôi: “Anh Mẫn à! Trong nhà anh có mùi gì là lạ?” Mẹ tôi thu gom phế liệu quanh năm nên cả trong lẫn ngoài đều chồng chất phế phẩm. Dùng dằng mãi, cuối cùng em cũng chịu vào nhà.

Mẹ tôi bưng cốc nước hương bưởi từ trong nhà đưa cho em và nói: “Thực xin lỗi! Gần đây bác bận rộn nhiều việc nên chưa kịp thu dọn nhà cửa. Cháu cũng chớ xem thường những thứ phế phẩm này, nó có thể dùng để tái chế lại được đấy.”

Em nhìn mẹ tôi với bàn tay đen đầy chai sạn, rồi nhận lấy chén trà và đi về ghế ngồi, nhưng không uống một ngụm nào.

Rồi em muốn trở về thành phố ngay trong ngày hôm đó, còn tôi thì lưu luyến muốn ở lại với mẹ vài ngày mà không còn cách nào khác. Trên đường trở về, em phàn nàn: “Chẳng phải anh nói mẹ anh làm buôn bán sao? Sao lại thu gom phế liệu? Sau khi kết hôn, chẳng lẽ em lại ở cùng với đống rác như thế này sao? Anh có ý định mua nhà không? Không có nhà riêng, em sẽ không sẵn lòng kết hôn đâu…”  

Em cứ nói đi nói lại, lời nói đó như cứa vào tim tôi. Rồi em nói rằng ba mẹ em sẵn lòng mua nhà cho hai vợ chồng, chỉ cần sau này tôi hiếu kính với ba mẹ vợ là được.

Ba tôi không đồng ý, nói: “Mẫn con! Con muốn ở rể nhà vợ, nhưng bố mẹ chỉ có mình con, hôn sự này ba không đồng ý!”

Năm ngoái, ba tôi gặp tai nạn tại công trường, mẹ tôi khóc liên tục, chuyện hôn sự này bà cũng không đồng ý. Lúc này, em lại đổi sang cầu khẩn và khích lệ tôi: “Anh tạm thời đồng ý ở rể, sau này cưới xong rồi thì hai vợ chồng chuyển ra ngoài ở, được không anh?” Thấy em có thể thỏa hiệp cùng thay đổi, trái tim tôi cũng bị lay động.

Mẹ nhìn thấy tôi rất kiên định nên cuối cùng bà cũng đồng ý. Nhưng vừa lấy giấy đăng ký kết hôn, em đột nhiên hỏi: “Mẹ anh cũng đến tham dự hôn lễ của chúng ta phải không?” Tôi nói: “Tất nhiên rồi!” Em suy nghĩ cả nửa ngày rồi nói với tôi: “Anh bảo mẹ chú ý đến ăn mặc một chút nha! Vì chúng ta cử hành hôn lễ tại khách sạn, không nên để ba mẹ em mất mặt …”

Vào lúc đó, nét mặt em biểu lộ rằng không ưa mẹ chồng, khiến trái tim tôi vô cùng đau đớn và nổi giận. Sau rồi em cũng chấp nhận cái sự chân chất nhà nông của mẹ chồng, không khinh thường và phải tôn trọng bà. Vì vậy, mọi chuyện đã tốt lên.

Ngày cưới, hôn lễ được tổ chức linh đình, đó đều là do ba mẹ vợ sắp xếp. Nhưng mẹ tôi mãi vẫn không xuất hiện khiến lòng tôi lo lắng không yên. Tôi tự hỏi, phải chăng mẹ không tới?

Hôn lễ bắt đầu khai mạc, mẹ bất ngờ bước vào hội trường. Mẹ ăn mặc rất bình thường và giản dị. Vợ tôi trước đó đã đưa quần áo và giày cho mẹ nhưng bà không mặc. Nhìn thấy mẹ như vậy, vợ tôi lúng túng không biết nên làm thế nào.

Thời điểm cha mẹ hai nhà tiến lên lễ đài, mọi người đều chăm chú nhìn và xì xào đánh giá mẹ tôi. Mới có 48 tuổi, nhưng bà đã lấm tấm tóc bạc và trông rất già. Đến thời điểm cả hai gia đình trao của hồi môn, lúc mẹ đưa tiền lì xì cho vợ, em liền gấp gấp lại rồi không nói tiếng nào mà đưa lại cho tôi. Ngay cả câu cảm ơn mẹ em cũng không có.

Đến thời điểm hai gia đình phát biểu ý kiến, mẹ tôi lại nói giọng địa phương khiến toàn hội trường ai nấy đều bật cười. Em cảm thấy xấu hổ không dám ngước mặt nhìn lên. Kế tiếp, tôi đã rất bất ngờ khi nghe mẹ phát biểu: “Con trai! Con dâu! Hôm nay là ngày thành hôn của các con, mẹ cũng không biết nên tặng gì cho hai con, mẹ chỉ biết mua cho các con chiếc xe mới, mẹ nhờ người lái đến đây làm lễ vật cho hai con. Hy vọng các con sau này có thời gian, về thăm nhà nhiều một chút…”

Tất cả mọi người đều ngạc nhiên và vỗ tay nồng nhiệt. Lúc đó dường như mẹ trở thành ngôi sao rực rỡ nhất.

Sau bữa tiệc, mẹ vợ đã coi như người một nhà mà nói với tôi: “Con nên mua một vé xe hạng tốt để tiễn mẹ con về.”

Mẹ tôi ngớ người một lúc rồi mới mỉm cười hiền hòa và nói: “Con trai à, con còn bận việc, để mẹ tự bắt xe về. Ở nhà còn rất nhiều việc bề bộn, mẹ về trước, sau này có thời gian, con nhớ về thăm nhà con nhé…”

Mẹ vợ không thích mẹ tôi, vì thế bà không muốn mẹ tôi ở lại qua đêm. Tôi thì muốn mời mẹ ở lại vài ngày nhưng bà nhất định đòi trở về quê.

Khi khách đã ra về, vợ tôi bắt đầu mở phong bao lì xì. Ba mẹ vợ mừng cho vợ chồng tôi 100 triệu. Vợ tôi cười mãn nguyện. Sau đó, vợ lấy bao lì xì của mẹ chồng ra mở, nét mặt em thể hiện rõ vẻ xem thường. Em bĩu môi rồi lẩm bẩm: “Không cần đoán cũng biết…”

Nhưng khi mở bao lì xì, hai vợ chồng đều ngây dại, bên trong là cả một gia tài. Tôi thốt lên: “Chuyện gì thế này? Mẹ lấy đâu ra lắm tiền thế?”

Thì ra bao nhiêu năm thu gom phế liệu, mẹ tôi đã tích cóp được kha khá tiền. Nhưng bà tuyệt nhiên không chăm chút cho bản thân mình mà đều dành dụm cho ngày đại sự của tôi.

Vợ tôi nhìn những nếp nhăn trên bao lì xì liền bật khóc: “Con xin lỗi! Con đã hiểu lầm mẹ! Trước đây con đã coi thường mẹ… Con thật có lỗi…”

Câu chuyện này hẳn đã cho chúng ta một bài học, đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Trong đạo nghĩa phu thê, vợ chồng quý ở sự chân thành và bao dung cho nhau. Trong đạo làm dâu làm rể, mỗi người cũng cần phải hiếu thuận với cả cha mẹ hai bên. Làm được vậy thì gia đình hòa thuận, vạn sự đều hưng thịnh.

San San biên dịch

Xem thêm: