Khi ông lão 85 tuổi bắt đầu học cách làm đàn là gần ba thập niên trước và lúc đó ông còn chưa biết cách làm thế nào để chế tạo một nhạc cụ. Nhưng ông vẫn muốn bắt đầu từ con số không tròn trĩnh đó chỉ vì một giấc mơ…
Một vài mẩu gỗ từ nhà máy cưa chính là thứ duy nhất mà ông Ed Stilley có gần ba thập niên trước khi ông bắt đầu ý định làm những cây đàn guitar. Ông thậm chí còn chẳng có một tài liệu hướng dẫn hay dụng cụ nào. Nhưng ông có một nhiệm vụ quan trọng: làm đàn miễn phí cho trẻ em. Và theo lời ông Stilley kể lại thì, Chúa đã giao cho ông nhiệm vụ đó thông qua một giấc mơ… Chính vì điều đó, Stilley không bao giờ ký tên mình lên những cây đàn mà ông tạo ra. Thay vào đó, ông khắc lên các tác phẩm này dòng chữ: “niềm tin chân chính, ánh sáng chân chính, hãy tin vào Chúa”.
Trong suốt 25 năm tiếp theo, ông Stilley đã làm đàn guitar với đủ loại kích cỡ, cũng như những cây ximbalum, violin, và các loại nhạc cụ khác trong căn nhà của mình tại bang Arkansas, Mỹ. Ông học cách làm gỗ mềm ra để có thể uốn chúng, và biết được những bí quyết quan trọng khác khi chế tác một cây đàn, ví dụ như làm thế nào để phần cổ của cây đàn trở nên cứng cáp và không dễ bị vỡ. Ông cũng thu thập các lưỡi cưa, lò xo, và những vật dụng bị vứt bỏ khác để trang trí thêm cho tác phẩm của mình.
“Âm thanh tạo ra từ chúng cũng đẹp như chính chúng vậy“, nhiếp ảnh gia Tim Hawley, người bạn và cũng là tác giả của những bức ảnh chụp ông lão Stilley bên những cây đàn, chia sẻ.
Tim Hawley đã tìm đến ông lão Stilley sau khi xem một chương trình TV địa phương vào năm 2010. Cả hai trở thành bạn tâm giao vào năm 2011, và kể từ đó đến nay, Hawley liên tục tìm kiếm những tác phẩm mà ông lão Stilley đã tặng đi. Hawley tìm được 40 cây đàn và chụp ảnh chúng bên những người chủ. Mỗi bức ảnh mà Hawley chụp, vị nhiếp ảnh gia đều cố gắng lột tả hết khí chất của cây đàn.
“Một số người chủ rất quý trọng và tự hào về chúng. Một số khác thì lôi những cây đàn ra từ kho thóc với đầy bụi bẩn. Tôi nghĩ đó cũng là một phần của câu chuyện. Vì thế, thay vì lau sạch những cây đàn, tôi muốn chụp chúng là chính chúng“, Hawley chia sẻ.
Vì lý do sức khỏe, ông Stilley không thể chế tạo những nhạc cụ mới kể từ năm 2005. Tuy nhiên Hawley cứ nài nỉ ông lão để được sở hữu một cây đàn. Thế là, sau nhiều lần Hawley không thể thương lượng mua lại nhạc cụ từ những chủ nhân trước đó, cuối cùng, cụ Stilley cũng đồng ý tặng cho nhiếp ảnh gia một cây guitar.
Hawley phấn khởi kể: “Đàn guitar của ông ấy, tôi thề, nó chỉ thích chơi nhạc phúc âm mà thôi. Nó không muốn chơi nhạc jazz. Chỉ khi tôi chơi nhạc phúc âm thì nó mới ‘sống’. Có lẽ thật sự có một sinh mệnh bên trong nó.“
Theo Slate.com
Quang Minh
Xem thêm: