Hai người ăn xin này là bạn của nhau đã lâu. Thường ngày, ông mù cõng ông sáng mắt bị què hai chân đi ăn xin. Ông mù đi theo chỉ dẫn của ông sáng.

Họ dừng lại ở chỗ đông người. Ông mù đặt ông sáng xuống đất, hai ông cùng nhau hát. Họ ca được cải lương, nhạc tiền chiến và cả nhạc đỏ. Những bài song ca nam nữ thì ông sáng hát giọng nam, ông mù chơi giọng nữ.

Được bà con cho đồng nào ông sáng mắt cho vào hai túi áo ngực bạc màu của ông mù, nói là chia đều. Cuối ngày ông sáng lấy tiền ở túi bên phải, ông mù nhận tiền túi bên trái. Ông mù cõng ông sáng về túp lều của mình dưới chân cầu rồi ông sáng bắt xe ôm về căn nhà ọp ẹp của ổng.

Một thời gian trôi qua, ông mù phát hiện ông sáng ăn gian, tờ tiền nào to thì đút vào túi phần ông mù, tự cho mình những tờ tiền nhỏ. Ông khóc, trách bạn lừa cả người mù. Ông sáng thanh minh vì ông mù phải cõng nên xứng đáng được phần hơn.

Nghe hai ông cãi nhau, đám bụi đời gần đó không cầm được nước mắt!

Sau vụ cãi lộn đó, ông mù nhận phần chia tiền. Ông rờ rờ tờ giấy bạc, xếp theo kích thước của chúng thành dãy trên vỉa hè rồi chia chúng làm hai phần bằng nhau.

Năm tháng qua đi, hai ông đã quá già, ông mù không còn đủ sức cõng ông sáng nữa. Họ thuê xe chở đến đầu chợ ngồi hát, không đi lang thang như trước.

Noel năm ngoái rất lạnh. Ông mù chết co quắp trong túp lều của mình. Như mọi khi ông sáng đến nơi thì bạn đã lạnh cứng, hai tay ôm chặt túi tiền bọc kỹ bằng giấy xi măng ngoài đề dòng chữ xiêu vẹo viết bởi người mù: “Tiền này để lại cho bạn sáng”.

Ông sáng lo ma chay cho bạn đâu vào đấy rồi tiếp tục hát đầu chợ.

Chiều nào người ta cũng thấy ông thuê xe ôm chạy về chỗ trước đây là túp lều của ông mù, thắp một nén hương, ca một câu vọng cổ rồi mới về căn nhà xiêu vẹo của mình.

Tiêu đề do ĐKN đặt, độc giả có thể đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__