Nhìn ánh mắt trong sáng ngây thơ chưa lấm láp cuộc đời của 3 cháu Ngà, Son, Phấn khiến người đối diện không khỏi chạnh lòng. Tương lai của các cháu sẽ ra sao khi cha mất sớm, mẹ bỏ đi, chị em Ngà phải nương tựa vào ông nội già yếu năm nay đã 60 tuổi?

Đó là tình cảnh đáng thương của 3 chị em Ngà trú tại ấp Đông Mỹ, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Em Ngà hiện đang học lớp 6 trường THCS Đông Hiệp, em Huỳnh Thị Son – lớp 4 và em Huỳnh Thị Phấn – học lớp 1, hai em cùng học trường tiểu học Đông Thắng. Ba em hiện đang ở cùng ông nội là ông Huỳnh Văn Giám.

Các em từng có gia đình hạnh phúc như các bạn bè đồng trang lứa. Nhưng rồi không chịu nổi cái nghèo mẹ Ngà bỏ đi. Ba Ngà cảnh gà trống nuôi con, vừa là trụ cột gia đình vừa là chỗ dựa tinh thần cho các con trong cảnh bần hàn. Tuy cuộc sống khổ cực ba cha con vẫn nương tựa vào nhau với hy vọng: đời cha nghèo cuộc đời các con sẽ sang trang mới. Nỗi đau tận cùng, anh Huỳnh Văn Trân cũng bỏ 3 em mà đi trong cơn bạo bệnh khi không có tiền chạy chữa thuốc thang. Chị em Ngà thành những đứa trẻ mồ côi phải về sống với ông nội.

Trong căn nhà trống, tường gạch chưa trát vôi giữa cái trưa tháng 4 nắng như thiêu như đốt, ông Giám tâm sự: “Mang tiếng nuôi dưỡng các cháu nhưng đến cọng rau, con cá… chị em Ngà cũng lo cho ông vì cứ trở trời toàn thân tui đau nhức”.

Khi biết các phóng viên muốn gặp mặt các cháu của mình ông nói:

“Cháu Son và Phấn đang ở ngoài đồng hái rau bắt cá, cháu Ngà thì đi học chưa về”.  

Trên cánh đồng còn trơ gốc rạ sau mùa thu hoạch hai chị em Son, Phấn đang cặm cụi bắt cá ở con mương đầy bùn, cái thau trắng bên cạnh có một ít rau muống và cá rô đồng. Nhìn gương mặt đen vì nắng, tóc xém vàng hoe, dáng người nhỏ bé vì thiếu cái ăn của hai em không ai cầm được nước mắt.

2 chị em Son, Phấn sau giờ học chạy ăn từng bữa

Đem cho chúng tôi xem thành quả mà hai chị em nhọc công cả buổi sáng mới có được, Son cho chúng tôi biết em phải để dành những con cá còn sống sáng mai ra chợ bán để có tiền mua sách vở. Xong việc Son dắt em ra tắm rửa tại “giếng trời” gọi giếng trời cho sang thật ra nhà không có buồng tắm nên chỗ tắm của các em đầy nắng và gió trời…


Hai chị em tự chăm sóc nhau.

Hàng xóm cho chúng tôi biết thêm vợ ông Giám đã mất, một mình ông Giám chăm nom 3 đứa cháu là quá sức, đã vậy ông còn phải lo cho đứa con trai nát rượu đang sống một mình, vì vợ y không chịu nổi nên bỏ đi từ lâu.

Để lại trong lòng chúng tôi ấn tượng sâu sắc nhất là cô bé Ngà. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng vì gia đình không có bàn tay người phụ nữ trông nom nên em đã sớm biết lo toan. Vừa đi học về em loăn xoăn vào bếp phụ ông nội dọn cơm. Ăn cơm xong, Ngà lo quần áo, sách vở cho các em đi học. Từ lúc về tới nhà chúng tôi thấy Ngà chẳng ngơi tay. Ngà đưa hai em ra ngõ đến trường rồi vội vàng vào nhà khệ nệ bê thau đồ to gấp mấy lần cơ thể em mang đi giặt. Rồi Ngà quét dọn nhà, lấy sắp áo cũ của hai em Son, Phấn ra vá.

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Ngà phải “tay hòm chìa khóa” gây dựng một tổ ấm mà ở đó em phải vừa làm cha vừa làm mẹ là quá sức với em. Trong hoàn cảnh tối tăm, một khoảng trống, thiếu thốn không thể lấp đầy, khi mất đi cả hai đấng sinh thành, các em đã khiến chúng tôi ai cũng phải rưng rưng nước mắt: “Tụi cháu nhớ cha, nhớ mẹ nhiều lắm, nhất là ngày Tết, các bạn cháu được mặc áo mới, nhận bao lì xì… còn chị em cháu chỉ mặc đồ cũ nhưng tụi cháu thấy vui vì ông nội cho chị em cháu đi học.”


Đơn cầu cứu của ông Huỳnh Văn Giám gửi đến báo Dân trí

Có lẽ với những gia đình khá giả được đến trường là điều rất đỗi tự nhiên, không cần ao ước. Nhưng với 3 chị em Ngà niềm vui được đến trường đã trở thành nghị lực sống, đó cũng là hy vọng về tương lai tươi đẹp…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Ông Huỳnh Văn Giám – ngụ ấp Đông Mỹ, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

ĐT: 0971 209. 735

Nguồn ảnh: Dân trí

Thuần Khiết

Xem thêm: