Cảm xúc chi phối mọi quyết định trong cuộc sống, ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ, tâm lý và sức khoẻ thể chất. Khoa học tâm lý đã khẳng định, hạnh phúc và thành công của con người sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng ta thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc.
Khả năng kiểm soát cảm xúc chính là chìa khoá của hạnh phúc, nhưng hầu hết mọi người hiếm khi nghĩ về điều này một cách nghiêm túc. Chúng ta học để đỗ đại học, học để làm giàu, nhưng không mấy ai nghĩ mình cần làm gì để hạnh phúc. Vì vậy, ngay cả khi giỏi giang và thành công, rất nhiều người vẫn không thấy hạnh phúc.
Dưới đây là 3 cách đối phó với cảm xúc sai lầm mà nhiều người mắc phải.
Từ chối cảm xúc của bản thân thân
Chúng ta dễ dàng chấp nhận một vết đứt tay để bôi thuốc và băng bó cho mau khỏi. Tuy nhiên, đối với những vết thương trong tình cảm, nhiều người lại có xu hướng chối bỏ.
Việc trốn tránh cảm xúc khó chịu bằng cách nói “Tôi không quan tâm” hay phủ nhận sự bực bội “Tôi không cáu đâu”, cố gắng thể hiện ra bên ngoài mình đang ổn trong khi tâm trạng không hề cảm thấy như vậy. Sự chối bỏ, hạ thấp cảm xúc bản thân đôi khi còn làm bạn khó chịu hơn.
Nhiều người nghĩ rằng kìm nén được cảm xúc để thấy mình mạnh mẽ, nhưng thực ra đang suy nghĩ sai lầm. Người mạnh mẽ là người dám đối diện chứ không phải chạy trốn cảm xúc.
Chấp nhận mình đang đau khổ, tức giận, ghen ghét… không bao giờ là dễ dàng. Song, chỉ khi hiểu và dám đối mặt với cảm xúc của chính mình thì bạn mới tìm ra được cách “chữa trị” vết thương “lòng”.
Né tránh cảm xúc khó chịu
Sợ hãi, buồn bã, bối rối và thất vọng chỉ là những cảm xúc khó chịu mà con người ai cũng phải trải qua. Tuy nhiên, chính những cảm xúc này lại là nấc thang giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Khi bạn sống trong cảm xúc tiêu cực sẽ hiểu được giá trị của cảm xúc tích cực. Khoảnh khắc dám đối mặt với những tình huống không thoải mái là cơ hội để bạn rèn luyện sự tự tin vào bản thân. Học cách chịu đựng sự khó chịu, vượt qua nỗi sợ hãi, là cách bạn khiến bản thân trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Theo đuổi hạnh phúc
Hầu hết chúng ta đều đặt ra những mục tiêu để hạnh phúc thông qua: bằng cấp, mức lương, tài sản, địa vị xã hội…
Tuy nhiên, chính quan điểm “theo đuổi hạnh phúc” này lại là vật cản làm chúng ta không cảm thấy vui vẻ, hài lòng với cuộc sống. Suy nghĩ mình chưa đủ hạnh phúc khiến con người tự đặt áp lực vào cuộc sống.
Chẳng hạn như bạn có mức lương 4-5 triệu nhưng lại nghĩ phải chục triệu mới hạnh phúc; mua được xe máy lại muốn có ô tô. Liên tiếp nâng tiêu chuẩn hạnh phúc có thể là lý do bạn mãi không thoả mãn với những gì mình có.
Một số người lại quá dễ dàng nuông chiều bản thân để có cảm giác vui vẻ, đây cũng không phải cách tạo dựng hạnh phúc chân chính. Ăn uống vô tư sẽ thoải mái hơn ăn kiêng, nhưng là hậu quả béo phì sau này. Đi chơi dễ chịu hơn đi làm, đi học, nhưng chỉ có phấn đấu mới giúp ta thành công hơn.
Lựa chọn thoả mãn nhất thời sẽ khiến bạn có nguy cơ chịu hậu quả về sau. Tự kỷ luật khiến bản thân khó chịu, nhưng lại giúp cuộc đời bạn hạnh phúc về lâu dài.
Minh Lan