Nhu cầu căn hộ giá rẻ đang rất lớn, nhưng nguồn cung của loại hình nhà ở này trên thực tế không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các chuyên gia cho rằng hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc khiến các chủ đầu tư không mấy mặn mà với phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ.
Nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ hay giới kinh doanh bất động sản thường gọi là dòng sản phẩm “nhà ở vừa túi tiền” là các căn hộ có từ 1-2 phòng ngủ, giá tiền từ 1-1,5 tỷ đồng, tương đương mức giá dao động từ 10-25 triệu đồng/m2. Loại nhà này đã được chú trọng đầu tư, phát triển tại nhiều nước trên thế giới.
Trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay diện tích nhà ở bình dân mới đạt gần 40% yêu cầu, đồng nghĩa với tiềm năng của phân khúc này còn rất lớn, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Tuy nhiên, trên thị trường đang tồn tại một nghịch lý là nhu cầu nhà giá rẻ cao nhưng nguồn cung hạn chế, các nhà đầu tư tập trung nhiều cho tầng lớp trung lưu, với các sản phẩm cao cấp hoặc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng…
Phát biểu tại hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều-cung ít, vì sao?” tổ chức trong tuần qua, TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết hiện nay nhu cầu căn hộ bình dân rất bức thiết bởi sự phát triển của các giai đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn, di dân đô thị hóa, mong muốn có nhà ở Hà Nội và TP. HCM của người dân các địa phương cũng như các học sinh, sinh viên cả nước về đô thị.
Về thực trạng thị trường nhà giá rẻ, ông Chung đánh giá phân khúc này có nhu cầu lớn nhất, chiếm tới 60-70% tổng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung nhà giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng/căn) rất khan hiếm.
“Năm 2018, cung phân khúc nhà giá rẻ ít hơn trung và cao cấp. Phân khúc giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%; loại căn hộ có diện tích chỉ 60 m2 và giá bán 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%”, TS Chung nói.
Lý giải nguyên nhân điều này, đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng hiện Nhà nước chưa có nhiều chính sách để hỗ trợ thúc đẩy các nhà phát triển tham gia đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc nhà giá rẻ.
Bên cạnh đó, do giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao nên gần như không có khả năng phát triển nhà thương mại giá rẻ, bình dân tại các khu vực này mà chỉ có thể đầu tư loại hình này ở các khu vực xa trung tâm. Trong khi đó, các khu vực có thể phát triển mạnh nhà giá rẻ, bình dân thường thiếu nhiều điều kiện về hạ tầng giao thông với các khu vực khác và đặc biệt là với trung tâm thành phố.
Cùng với đó, chủ đầu tư khi tham gia phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân thường không có lợi nhuận cao từ việc kinh doanh bán sản phẩm đến khai thác sử dụng sau đầu tư. Đó là chưa kể nguồn vốn chi phí thấp để phát triển nhà ở giá rẻ vẫn còn rất hạn chế.
Thực tế cho thấy gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội chững lại cả về nguồn cung lẫn cầu. Sau khi gói vay kết thúc, Chính phủ có quyết định mức cho vay ưu đãi nhà ở xã hội nhưng việc triển khai vẫn dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn.
Để giải quyết bài toán nguồn vốn phát triển nhà giá rẻ, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng Việt Nam nên tiếp tục đàm phán vay ODA với các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phân khúc này.
VOV dẫn lời GS. Đặng Hùng Võ đánh giá các chính sách của Việt Nam đưa ra để phát triển nhà ở xã hội đang mang tính bao cấp của Nhà nước. Đối với vấn đề phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, Việt Nam chưa động viên được mọi nguồn lực. Hệ quả là những dự án đang bị “hụt hơi” từ gói tín dụng ưu đãi. Trong dự án đó, chi phí vốn quá cao, Nhà nước lại định giá dự án đó để bán, doanh nghiệp sẽ thấy không có lãi, họ không muốn làm.
(Tổng hợp)