Ông Hồng Cát Hoằng vô cùng buồn phiền: Tại “địa bàn” của mình mà vẫn khiến Thầy phải trả tiền! Khi đến gần Đài Đông, tối nay dù bất kể giá nào mình cũng không thể để Thầy trả tiền nữa, phải mời Thầy Lý “ăn một bữa thật thịnh soạn” để bù lại. Nhưng một chuyện ông không thể ngờ tới đã xảy ra…
- Tiếp theo Phần 13.2
- Xem trọn bộ Hạt giống vàng
Một buổi gặp mặt ngắn đầy bất ngờ
Vào ngày 15 tháng 11 năm 1997, Lưu Hoàng Ảnh nhận một cuộc điện thoại, anh được thông báo qua điện thoại rằng “vào tối nay, sẽ có một cuộc họp trên tầng mười hai của Đài truyền hình Đài Loan”. Nội dung cuộc họp và các thông tin liên quan không được nói trên điện thoại. Lưu Hoàng Ảnh nghĩ: “Chúng tôi thường xuyên họp mặt, nhưng hôm nay sao lại thần bí như vậy!”
Bước vào phòng họp tầng 12, Lưu Hoàng Ảnh nhìn thấy sáu bảy học viên đã đến, không bao lâu sau lại có thêm vài học viên cùng tham gia, anh đang định hỏi về chủ đề của cuộc họp hôm nay, bỗng cánh cửa phòng họp lại mở ra lần nữa, mọi người đều ngước mắt nhìn. Người bước vào lúc đó lại chính là Sư phụ Lý Hồng Chí. “Tất cả mọi người đều thật sự ngây người ra!” Lưu Hoàng Ảnh và các học viên có mặt đều mở to mắt, không ai bảo ai mọi người cùng đứng dậy kính chào Sư Phụ. Sư phụ Lý mỉm cười và yêu cầu mọi người ngồi xuống, sau đó giảng Pháp trong gần một giờ đồng hồ. Cuối cùng, Sư Phụ thông báo chiều hôm sau sẽ giảng Pháp cho các học viên Đài Loan, và muốn mọi người hãy trở về thông báo cho tất cả các học viên Đài Loan biết.
“Nhất định phải thông báo cho tôi khi Sư Phụ đến Đài Loan”. Một học viên Hồng Kông đã từng nhiều lần dặn dò em gái của Hồng Cát Hoằng là Hồng Nguyệt Tú như vậy.
Hóa ra, nhiều học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại đã nghe nói rằng Sư phụ Lý có thể đến Đài Loan, nên không ít người đã chuẩn bị trước ngày đó để đến nghe giảng Pháp. Vì lý do này, để học viên các nơi chuyên tâm tu luyện và không bị chậm trễ tiến trình đề cao, Sư phụ Lý đã đặc biệt yêu cầu Nhiếp Thục Văn, người phụ trách vấn đề tiếp đón, không được tiết lộ hành trình. Vì vậy, hầu hết học viên, kể cả các học viên ở Đài Loan, đều không biết trước về việc Sư phụ Lý đến.
Ngay khi Sư phụ Lý đến Đài Loan, học viên Hồng Kông này đã gọi điện và hỏi Hồng Nguyệt Tú rằng: “Có phải Sư phụ Lý đã đến Đài Loan không?” Ngay khi Hồng Nguyệt Tú băn khoăn không biết làm sao cô ấy biết được, thì chỉ nghe thấy bên kia nói: “Trong giấc mơ của tôi tối hôm qua, tôi đã thấy rất nhiều chư Thần Phật tụ hợp khắp Đài Loan, tôi đoán: Sư phụ Lý đã đến Đài Loan!”
Sau khi kết thúc cuộc họp ngắn ở Đài truyền hình Đài Loan, lúc mọi người trở về nhà đã là tối muộn. Lưu Hoàng Ảnh cầm danh bạ lên, trong lòng nghĩ thầm: “Gọi điện thoại cho mọi người trễ như vậy chắc chắn sẽ bị mắng!” Nhưng anh lại thay đổi suy nghĩ: “Nếu không thông báo cho họ, sau chuyện này họ cũng nhất định mắng mình một trận”. Vì vậy anh đã lần lượt quay số gọi. Bằng cách này, mọi người ngay lúc nửa đêm đã phân chia nhau thông báo cho tất cả biết về các hoạt động giảng Pháp của Lý Sư phụ vào ngày mai.
Anh Trương Chấn Vũ sống ở Hoa Liên, người đã nhận được cuộc gọi từ ông Hồng Cát Hoằng vào giữa đêm khuya nói: “Có nhân vật quan trọng đến, anh hãy đến Đài Bắc một chuyến”. Cuộc gọi không rõ đầu đuôi như này ngược lại đã khiến anh lập tức nghĩ về cảnh tượng trong giấc mơ tối qua của mình khi thấy tự mình lái xe trên đường cao tốc Tô Hoa. Anh ý thức ngay được rằng “nhân vật quan trọng” đó chính là Sư phụ Lý, vì vậy đã lập tức liên lạc với các học viên và bạn bè ở Hoa Liên, rạng sáng liền lái xe trên đường cao tốc Tô Hoa để đến Đài Bắc.
Khi Lưu Hoàng Ảnh liên lạc xong vào đêm khuya, anh không thể ngủ được vì quá phấn khích. Và có rất nhiều người hào hứng chờ đợi như anh, trong số đó có bà Diệp Thục Chinh, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan.
Luyện công chưa đầy một năm, những cơn đau đầu vốn đã hành hạ bà Diệp Thục Chinh suốt hơn hai, ba mươi năm qua cùng căn bệnh dính ruột không thể chữa được và bệnh tiểu đường đều đã được chữa khỏi hoàn toàn mà không cần thuốc men gì. Như được sinh ra một lần nữa, khi bà biết được tin Sư phụ Lý đến Đài Loan để giảng Pháp, bà đã đặc biệt đến hội trường giảng Pháp là “Trường tiểu học Tam Hưng” Đài Bắc từ rất sớm. Ngày hôm đó, bà ngồi ngay ở hàng ghế đầu tiên của hội trường, xúc động chờ đợi sự xuất hiện của Sư phụ Lý.
Bên ngoài hội trường, một chiếc xe buýt du lịch từ Phong Nguyên tới, chở đầy học viên Đài Trung cùng với nhóm bạn muốn tới cầu đạo được Liệu Tuyết Hà thông báo trong đêm. Cùng ngày, Sư phụ Lý đã giảng Pháp cho mọi người trong khoảng năm giờ đồng hồ liên tục. Sau khi giảng Pháp xong Ngài lại để cho các học viên được đặt câu hỏi. Có hơn một nghìn người từ khắp Đài Loan đã kịp đến nghe giảng, và hơn một nửa trong số họ là những người chưa từng học Pháp luyện công nhưng vì ngưỡng mộ danh tiếng của Lý Đại sư mà tới.
Anh Trần Hinh Lâm nhớ rằng: ngày hôm đó Sư phụ Lý có nói rằng người Đài Loan rất trọng nghĩa, trọng tình, giữa bạn bè với nhau trọng nghĩa khí, đây chính là những điểm đặc biệt mà người Đài Loan có được. Vào thời điểm đó, hầu hết người Đài Loan đều là học viên mới, và nhiều người trong số họ đều chưa bước vào tu luyện. Do đó, các câu hỏi mà họ đưa ra thường rất nông cạn. Mặc dù vậy, Sư phụ Lý vẫn rất kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi với đủ các phương diện vấn đề.
Có người hỏi, sự khác biệt giữa người Trung Quốc Đại Lục đắc Pháp và người Đài Loan đắc Pháp là gì? Sư phụ Lý đã trả lời đại ý rằng: ở Đại Lục [vào thời hiện đại] thì [nhiều người] không có khái niệm về các vị Thần Phật vì vậy nên sẽ khó đắc Pháp hơn, nhưng một khi đắc Pháp thì lại rất kiên định, không lay chuyển. Người Đài Loan thì tôn giáo nào cũng đều tiếp nhận, rất dễ đắc Pháp, nhưng cũng rất dễ không chuyên nhất. Sư phụ Lý lúc đó còn nói rằng, Đại Pháp ở Đài Loan sẽ được hồng truyền rất tốt trong tương lai.
Sau khi kết thúc giảng Pháp, Sư phụ Lý đã nói với bà Nhiếp Thục Văn rằng: Tôi giảng Pháp một lần là được. Bà Nhiếp Thục Văn lúc này rất lo lắng: “Có rất nhiều học viên ở miền Nam nghĩ rằng Sư phụ sẽ đến miền Trung và miền Nam giảng Pháp, vì vậy hôm nay họ đều không tới Đài Bắc để nghe Pháp”. Với sự khẩn thiết thỉnh cầu của bà, Sư phụ Lý đã đồng ý giảng Pháp một lần nữa ở Đài Trung.
Chứng kiến phong thái của Sư phụ Lý
Trong hai lần giảng Pháp, gần 2.000 người nghe có mặt tại đó đều lần đầu tiên chứng kiến phong thái của Sư phụ Lý.
Sư phụ Lý ăn mặc giản dị, bộ âu phục sẫm màu hơi cũ nhưng được chỉnh trang sạch sẽ phẳng phiu, tóc cũng được chải gọn gàng.
Trong phòng chờ của hội trường giảng Pháp, một nhóm người đang vây quanh Lý Sư phụ để xin chữ ký, thậm chí một số còn tranh cãi với nhau. Ông Hồ Nãi Văn, một bác sĩ Trung y nhìn thấy Sư phụ Lý trong hoàn cảnh đó vẫn luôn mỉm cười mà không nói một lời nào: “Tôi liền cảm thấy một người có tu dưỡng như vậy mình nhất định cần phải học hỏi, nhìn điều này đã khiến tâm tôi sinh hoan hỷ”. Vì vậy một người chưa hề bước vào tu luyện như ông đã quyết định tu luyện kể từ đó.
Ông Khâu Thiêm Hỷ, người chịu trách nhiệm sắp xếp địa điểm giảng Pháp tại Đài Trung thể hội sâu sắc nhất đó là Sư phụ Lý không hề “tự cao tự đại”. Ông vốn đã từng bái Sư luyện khí công trong nhiều năm, cũng từng tiếp xúc với rất nhiều khí công sư nổi tiếng, những điều ông thấy đều là họ thường rất cao cao tự đại, “Nhưng Sư phụ Lý nhìn thấy các học viên đều cười rất thân thiết, từ bi hòa ái”. Không những vậy “Sư phụ Lý còn rất đúng giờ”, thời gian được sắp xếp để giảng Pháp là bắt đầu từ 1 giờ chiều, ông Khâu Thiêm Hỷ chú ý rằng: đúng 1 giờ chiều Sư phụ Lý liền bước vào lớp.
Giảng Pháp ở Đài Trung từ 1 giờ chiều đến 7 giờ tối, chỉ có một khoảng thời gian nghỉ ngắn giữa giờ, Sư phụ Lý đến nước cũng không uống. Sau khi bài giảng kết thúc có rất nhiều người vây quanh Sư phụ Lý, có người muốn đặt câu hỏi, có người muốn bắt tay Sư phụ, lúc đó ông Khâu Thiêm Hỷ có chút lo lắng: “Tôi nghĩ rằng Sư phụ Lý đã giảng lâu như vậy rồi, đã đến lúc cần nghỉ ngơi ăn uống rồi, nhưng tôi nhìn thấy Sư phụ rất nhẫn nại, không ngại phiền phức mà mỉm cười trả lời từng người một, cũng bắt tay với từng học viên một”.
Điều khiến ông Lưu Hoàng Ảnh khó quên nhất đó là sau khi kết thúc bài giảng ở trường tiểu học Tam Hưng, khi ông giúp mọi người dọn dẹp địa điểm và đứng ở giữa bục giảng, Lưu Hoàng Ảnh mới để ý tới những chiếc đèn chiếu ở hai bên khán đài nhằm mục đích quay phim. Ánh sáng trực tiếp mạnh đến nỗi khiến ông không thể mở nổi mắt. Lúc này ông nghĩ tới Sư phụ Lý đã đứng ở đây tới 5 tiếng đồng hồ…
Lý Sư phụ ghé thăm hai nơi…
Khi Sư Phụ Lý đến Đài Loan lần này, ngoài việc giảng Pháp, Ngài chỉ muốn thăm hai nơi: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan và Hồ Nhật Nguyệt.
Ngày 17 tháng 11 năm 1997, Sư phụ Lý Hồng Chí cùng một số học viên đã đến Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan. Ông Hồng Cát Hoằng vì không muốn để Sư phụ phải đi tham quan mà không có người thuyết minh nên đã nhanh chóng liên hệ xin một hướng dẫn viên du lịch nhằm hướng dẫn cho mọi người. Tuy nhiên, trước khi chờ người hướng dẫn viên đến, Sư phụ đã tự dẫn các học viên đi tham quan.
Mọi người bắt đầu đi tham quan từ tầng ba của Bảo tàng Cố Cung rồi dần dần xuống theo từng tầng, Sư phụ giải thích cho các học viên về nguồn gốc của từng di tích văn vật, cách sử dụng, quy trình chế tạo thời đó cũng như cách thưởng thức nét đẹp của nó. Các học viên mỗi người đều lắng nghe rất thích thú. Ông Hồng Cát Hoằng nói rằng, thông qua lời giải thích của Sư phụ, mọi người mới hiểu làm thế nào để thưởng thức hay đánh giá những đồ vật cổ xưa này. Ông Hồng Cát Hoằng vẫn còn nhớ rằng lúc đó còn có một khúc xương màu vàng mà ngay cả các chuyên gia của Viện Bảo tàng cũng không biết nguồn gốc. Sư phụ đã nói với mọi người rằng đó là xương của rồng. “Đồng thời yêu cầu các học viên dùng thiên mục để nhìn các lạp tử vi quan của nó, chính là [thấy] hình tượng của con rồng đó”.
Mặc dù, trước đây mọi người đều tôn kính Sư phụ Lý, nhưng sau khi cùng Sư phụ Lý đi thăm Bảo tàng Cố Cung, lòng tôn kính của các học viên càng mở rộng, và mọi người đều có trải nghiệm rõ ràng và cụ thể hơn về sự phi thường của Sư phụ Lý. Ông Hồng Cát Hoằng không thể không cảm khái nói rằng: “Sư phụ thật sự hiểu biết hết tất cả mọi thứ, đối với ngọn nguồn của các văn vật di tích lịch sử, Sư phụ đều nắm rõ như lòng bàn tay”.
Ngày hôm sau, Sư phụ Lý khởi hành đến Hồ Nhật Nguyệt, ông Hồng Cát Hoằng lái xe cùng với vợ và một học viên khác vốn cùng theo Sư phụ đến Đài Loan. Ông Hồng Cát Hoằng nhớ lại: “Sư phụ đã đề cập tới ba lần về việc đến Hồ Nhật Nguyệt, lúc đó ông chỉ nghĩ Thầy thật hiếm có cơ hội đến Đài Loan, vì vậy mình nhất định phải đưa Thầy thăm quan Đài Loan thật tốt”. Ông Hồng Cát Hoằng lên kế hoạch đi từ phía Đông đến tận cùng của phía Nam là Khẩn Ninh, rồi sau đó lại từ Cao Hùng đến Hồ Nhật Nguyệt. Sư phụ cũng đồng ý với hành trình này.
Trong chuyến đi có đi qua Nghi Lan, họ đã đến nhà của vợ chồng ông Trịnh Văn Hoàng – những người di cư tới Nghi Lan. Khi họ tới nhà họ Trịnh, Sư phụ đã nhìn thấy trên bức tường có treo những bức ảnh của vợ chồng ông Trịnh Văn Hoàng và bà Hà Lai Cầm được chụp khi tham gia khóa giảng Pháp của Sư phụ tổ chức tại Tế Nam và Quảng Châu Trung Quốc, còn có cả những bức ảnh họ chụp cùng Sư phụ và các học viên khác, Sư phụ xem lại từng bức rồi nói: “Đã hơn ba năm rồi!” Sau đó Sư phụ cùng hai vợ chồng họ đã nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ. Sư phụ còn hỏi vợ chồng họ về tình hình hồng Pháp ở Đài Loan như thế nào. Bà Hà Lai Cầm hồi tưởng: khi đó các biểu ngữ dùng để hồng Pháp đều là do con gái bà đích thân may vá và viết chữ bằng tay. Bà đã hỏi Sư phụ xem cách làm như vậy có phù hợp không? “Sư phụ đã nói với tôi rằng, hãy theo cách đó mà làm”.
Sư phụ cũng đặc biệt đề cập rằng trong tương lai sẽ có rất nhiều giáo viên sẽ đến tìm bà Hà Lai Cầm để học công. Bà Hà Lai Cầm trong lòng cảm thấy bối rối: Trình độ học vấn của mình thấp như vậy, người quen biết cũng rất ít, làm sao lại có nhiều giáo viên đến tìm mình để học đây? Nhưng quả thật đúng như dự đoán, sau này đã có rất nhiều giáo sư đại học đều đến tìm họ để học Pháp Luân Công.
Chia tay nhà họ Trịnh, ông Hồng Cát Hoằng lái xe đến Hoa Liên, nhưng trên đường cao tốc Tô Hoa, ông phát hiện bình xăng sắp hết nhiên liệu, ông sợ mình sẽ làm lỡ việc, trong lòng trở nên căng thẳng. May mắn thay, ông đã sớm nhìn thấy một ngôi làng, ông Hồng Cát Hoằng vội vã rẽ vào ngôi làng nhưng dù có tìm thế nào cũng không thể tìm thấy một trạm xăng nào trong ngôi làng này. Ông vội hỏi dân làng: “Xin hỏi có trạm xăng nào ở đây không?”
Dân làng nói: “Chúng tôi ở đây không có trạm xăng nào cả. Bất kỳ một chiếc xe nào cũng có thể đổ đầy xăng tại Nghi Lan và đến thẳng được Hoa Liên”. Ông Hồng Cát Hoằng nghe vậy liền cảm thấy lạnh sống lưng.
Lúc này, từ gương chiếu hậu, ông nhìn thấy Sư phụ Lý nhắm mắt và không nói gì, sau một lúc ông nhìn lại bảng điều khiển phía trước, thì đột nhiên thấy kim chỉ xăng đang chỉ từ đáy bình chạy lên vị trí đầy bình. Điều này khiến ông không khỏi kinh ngạc, ông liền ra hiệu cho vợ, vợ ông sau khi nhìn thấy sự việc cũng lộ rõ vẻ kinh ngạc khác thường. Nhờ đó, họ đã thuận lợi lái xe đến Hoa Liên.
Đêm hôm đó, ông Hồng Cát Hoằng dự định ở lại khách sạn Trung Tín thuộc tập đoàn mà ông vốn làm việc. Sau khi vào khách sạn, ông Hồng Cát Hoằng lấy thẻ tín dụng của mình đưa cho quầy, nhưng Sư phụ Lý đứng sau lưng ông Hồng Cát Hoằng không đợi nhân viên quầy kịp tiếp nhận, đã cầm lấy thẻ của ông. Sư phụ nói với một nụ cười: “Cái này hiện sẽ được bảo quản tại chỗ của tôi, ngày mai sẽ trả lại cho các vị”. Sau đó, Sư phụ Lý đã thanh toán tiền thuê khách sạn.
Ngày hôm sau, ông Hồng Cát Hoằng vô cùng buồn phiền: Tại “địa bàn” của mình mà vẫn khiến Thầy phải trả tiền! Khi đến gần Đài Đông, tối nay dù bất kể giá nào mình cũng không thể để Thầy trả tiền nữa, phải mời Thầy Lý “ăn một bữa thật thịnh soạn” để bù lại, ông Hồng Cát Hoằng dự tính sẽ như vậy thì đúng lúc này nghe thấy Sư phụ nói: “Dừng xe”, ông Hồng Cát Hoằng nghe vậy liền dừng xe lại, nhưng vẻ mặt đầy hoài nghi: “Thầy muốn dừng xe lại để làm gì?”
“Ăn cơm”.
Ông Hồng Cát Hoằng nhìn quanh, tự nghĩ “nhưng không có nhà hàng nào ở đây cả!”
Sư phụ đi thẳng về phía trước, mọi người đi theo sau, đi đến trước cửa một gia đình ông mở cửa chính, hóa ra đây là một quán ăn tự phục vụ. Quán ăn này không treo biển, là một kiểu quán ăn gia đình không hề thu hút sự chú ý với nội thất đơn sơ, đồng thời họ chỉ phục vụ một vài món ăn đơn giản. Ông Hồng Cát Hoằng nói: “Vẫn là do Thầy Lý trả tiền”.
Trên thực tế, chuyến thăm của Lý Sư phụ tới Đài Loan trong bảy ngày, thì từ vé máy bay cho đến tất cả các chi phí đi lại, ăn ở đều do đích thân Sư phụ một mình trả hết. Bà Nhiếp Thục Văn, người phụ trách tiếp đón nói rằng, theo kế hoạch ban đầu các chi phí tại những địa điểm mà Sư phụ ghé thăm, đều do học viên Đài Loan phụ trách hết: “Sư phụ sống rất giản dị, nhưng khi Ngài đến Đài Loan, Ngài kiên quyết không để cho học viên trả tiền, không muốn gây thêm bất kỳ rắc rối hay gánh nặng nào cho học viên”. Bà cũng nhắc tới khi tham gia các lớp học ở đại lục: Sư phụ Lý dạy hơn 50 lớp ở đại lục, Ngài tự trả tiền cho mỗi lớp và mỗi lần đều mang theo một hoặc hai thùng mì gói để ăn hàng ngày. “Có một học viên thường đi cùng với Sư phụ, vì Sư phụ ăn mì gói nên học viên này cũng theo đó ăn mỳ gói. Bây giờ nhìn thấy mì gói là thấy váng đầu”.
Trong chuyến hành trình này, ông Hồng Cát Hoằng mang cảm nhận trong tâm hướng về phía Sư phụ Lý trịnh trọng nói : “Thầy Lý, từ bây giờ trở đi, con sẽ gọi Ngài là “Sư phụ”.
Đến Hồ Nhật Nguyệt…
Trên suốt lộ trình, ông Hồng Cát Hoằng cố gắng hết sức để dẫn Sư phụ Lý đi xem ngắm cảnh đẹp của Đài Loan, từ Bình Đông đến Khẩn Ninh, Cao Hùng, từ Gia Nghĩa đến Hồ Nhật Nguyệt, mỗi lần đến một điểm du lịch ông lại mời Sư phụ xuống xe chụp ảnh, có một lần, Sư phụ cười mà nói với ông: “Rốt cuộc chư vị lại muốn đưa tôi đi đâu?”
Cả nhóm đến Hồ Nhật Nguyệt đã vào giữa đêm, trước khi vào phòng, Sư phụ đã đặc biệt dặn dò mọi người buổi sớm ngày hôm sau, trước 7 giờ sáng không được làm phiền Ngài.
Sau bữa ăn sáng ngày hôm sau, ông Hồng Cát Hoằng đã nói với Sư phụ rằng: “Con sẽ dẫn Sư phụ đi tham quan Đền Văn Võ ở Hồ Nhật Nguyệt”. Nhưng Sư phụ đã từ chối lời đề nghị này.
“Vậy con sẽ đưa Ngài đến Làng văn hóa dân tộc Thiệu? Nơi đó có một nền văn hóa đặc sắc mang tính bản địa”.
“Không cần”.
“Vậy con sẽ đưa Ngài đi một vòng quanh hồ?”… “Nửa vòng”?” trong tâm ông Hồng Cát Hoằng bắt đầu nghi hoặc.
“Không cần. Chúng ta về thôi!” Sư phụ trả lời.
Ông Hồng Cát Hoằng nghĩ trong tâm: “Sư phụ mỗi ngày đều nói với ông rằng cần đến Hồ Nhật Nguyệt, đến Hồ Nhật Nguyệt thì cũng đã giữa đêm rồi, đến hồ thậm chí cũng không ngắm, ngàn dặm xa xôi vội vã tới đây không phải là để thưởng thức phong cảnh ư?”
Có lẽ biết được nỗi nghi hoặc của ông Hồng Cát Hoằng, Sư phụ nói: “Vị Thần ở Hồ Nhật Nguyệt này, vốn ban đầu là một vị Thần không tồi, nhưng vì nơi đây bị khai phá quá độ đã kinh động đến ông ấy”. Những lời nói này càng khiến ông Hồng Cát Hoằng bối rối không hiểu rõ rốt cuộc là có chuyện gì, nhưng ông cũng không có hỏi thêm vào thời điểm đó.
Nhiều năm sau, ông Hồng Cát Hoằng vẫn mang trong tâm nỗi băn khoăn này, nên đã một lần nữa hỏi Sư phụ: “Sư phụ năm đó khi Ngài đến Đài Loan, mỗi ngày đều nói rằng cần phải đến Hồ Nhật Nguyệt, kết quả đến Hồ Nhật Nguyệt rồi đến ngắm cũng không ngắm liền rời đi”. Sư phụ đã trả lời: Sự tồn vong của Hồ Nhật Nguyệt liên quan tới toàn bộ chuỗi sinh mệnh của Đài Loan.
Đối với câu trả lời được cho là chưa thật sự rõ ràng này nhưng ông Hồng Cát Hoằng lần này đã có được sự lý giải. Sau này, nhớ lại ông có chút tiếc nuối vì lúc đó đã không hề hiểu tâm tình của Sư phụ muốn nhanh chóng tới Hồ Nhật Nguyệt.
Ngay trước khi họ rời khỏi Hồ Nhật Nguyệt, Sư phụ đã đưa cho vợ của ông Hồng Cát Hoằng một tờ giấy, trên đó có viết một bài thơ, bài thơ này sau đó đã được đưa vào trong cuốn sách “Hồng Ngâm” (Tên bài thơ là “Thăm đầm Nhật Nguyệt”–> Bấm xem)
Sư phụ Lý đến Đài Loan để giảng Pháp, đã giúp các học viên Pháp Luân Công Đài Loan vốn nhiều người chưa quen biết nhau, nay được gặp gỡ và làm quen với nhau lần đầu tiên. Những lời nói và việc làm của Sư phụ Lý cũng để lại nhiều ấn tượng vô cùng tốt đẹp cho các học viên noi theo, cộng thêm ba chuyến đi đến đại lục giao lưu, các học viên đã hiểu rõ hơn về sự quý giá và trân quý cơ duyên hiếm có của lần hồng truyền Đại Pháp này. Kể từ năm 1998, các học viên Pháp Luân Công Đài Loan đã dần đi vào trạng thái tu luyện ổn định, từ đó đến tháng 7 năm 1999, số lượng học viên nhanh chóng tăng lên gần 10.000 người, chỉ trong vòng hơn một năm ngắn ngủi, số lượng học viên Pháp Luân Công đã tăng lên hàng chục lần.
(Còn nữa…)
Quý vị muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, hãy bấm vào link: https://vi.falundafa.org (tiếng Việt); và: www.falundafa.org (tiếng Anh).
Cuốn sách “Hạt giống vàng – Câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan” như một trang sử sống động, ghi chép lại mạch lạc phát triển của Pháp Luân Công ở Đài Loan với những câu chuyện cảm động và những lịch trình trân quý.
Năm 1994, từ cơ duyên kỳ diệu của một cặp vợ chồng Đài Bắc, tới chuyến đi của một bác sĩ Thượng Hải đến Đài Loan, và một lão ông từ Quý Châu đến thăm họ hàng ở Hoa Liên, họ đã mang theo ‘hạt giống’ Đại Pháp đến Đài Loan, và tạo ra một cơ duyên tu luyện hiếm có cho người dân của quốc gia này.
Vào tháng 2 năm 2016, nhóm biên tập đã triển khai các cuộc phỏng vấn độc quyền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Đài Loan. Sau ba năm nghe các tệp ghi âm, so sánh đối chiếu và tương tác, cuối cùng đã có thể biên tập thành một cuốn sách, dù khó khăn hơn so với dự kiến ban đầu.
Hôm nay, chúng tôi xin đăng toàn văn cuốn sách “Hạt giống vàng”, hy vọng lưu lại cho độc giả một kiến chứng lịch sử hoàn chỉnh hơn về Pháp Luân Đại Pháp từ góc nhìn của người Đài Loan.
Theo Epoch Times
Phóng viên và biên tập: Tăng Tường Phú – Hoàng Cẩm
An Liên biên dịch