Một người họ hàng của tôi từng nói đùa: “Xã hội ngày nay ly hôn là điều bình thường, không ly hôn mới là bất thường”. Mặc dù đó chỉ là câu nói đùa song nó đã phản ánh một trạng thái đáng buồn sau khi đạo đức của xã hội hiện đại đã trượt dốc rất xa.
Người ngày nay đã không còn tin vào Thần Phật, không còn biết đạo gia đình là gì, cũng không biết giữa vợ chồng với nhau dựa vào điều gì để gắn bó lâu dài. Quan hệ vợ chồng nếu dựa trên sự ích kỷ cá nhân, tham lam và ham muốn thì làm sao có thể lâu dài? Trên thực tế, tình nghĩa giữa vợ và chồng ngoài “Ân” còn có “Nghĩa”.
Tôi còn nhớ khi mình còn nhỏ, thế hệ ông bà tôi có quan niệm văn hóa truyền thống rất mạnh mẽ. Từ chuyện giao tiếp hàng ngày, tôi có thể thấy được tình cảm của ông bà như thế nào. Người xưa dạy: “Phu thê tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng đối đãi với nhau như khách quý. Đã là khách quý, ta sẽ đem tất cả những gì tốt đẹp nhất trong nhà ra đãi khách. Thoạt nghe có vẻ buồn cười: Đã là vợ chồng sao lại khách sáo? Nhưng ngẫm ra, việc quá thân thiết lại nảy sinh vấn đề, “xa thương gần thường” là vậy. Gần nhau quá sẽ nhìn thấy khuyết điểm của nhau và dẫn đến coi thường nhau. Khi ấy sự hấp dẫn sẽ nhạt phai, lòng say mê lẫn nhau cũng sẽ chẳng còn. Nếu đãi nhau như khách quý, ta sẽ luôn giữ sự tôn trọng lẫn nhau, tế nhị với nhau trong lời ăn tiếng nói, lắng nghe nhau để đáp ứng nhu cầu của nhau. Khi đó, mối quan hệ vợ chồng sẽ không chỉ dừng lại ở “cơm áo gạo tiền” mà còn tiến đến sự kết nối về tinh thần.
Tôi còn nhớ thời đại của ông bà tôi, ly hôn là việc rất mất mặt, còn bị lời ra tiếng vào, đàn ông thì không thể thăng tiến trong công danh, mất chức vụ. Vậy mà chỉ trong vài thập kỷ, ly hôn đã trở thành một trạng thái bình thường của xã hội tới mức mọi người không còn thấy ngạc nhiên, thậm chí còn được gọi là “theo đuổi hạnh phúc cá nhân”.
“Ân” và “Nghĩa” trong văn hóa truyền thống
Hàm nghĩa chữ “Ân”
Người xưa có câu: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân, trăm ngày vợ chồng thì tình nghĩa còn sâu hơn biển”. Giữa vợ chồng không chỉ có tình cảm mà quan trọng hơn là còn có “Ân”.
Chữ “Ân” (恩 – ơn, ân) là do chữ “Nhân” (因 – trong nhân quả, nhân duyên) đặt trên chữ “Tâm” (心 – trái tim) mà ra, vậy nên mới nói hai con người xa lạ có thể nên duyên vợ chồng chính là do duyên nợ mà thành. Cũng bởi vì cái ân ấy mà hai con tim cần phải nâng đỡ lẫn nhau, không xa rời, không bỏ quên nhau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, không vì ngoại cảnh mà đổi thay hay bội bạc.
Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Vì vậy, khi đến với nhau, có tình cảm thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ. Giữa vợ chồng thì “ân” được coi là nền tảng, hơn nữa tình yêu cũng cần có lý tính, vì thế mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão.
Trong mối quan hệ phu thê, ân chính là tiền đề, phải nhờ ân huệ của trời Phật mới có thể nên duyên vợ chồng. Hai người có thể thành vợ thành chồng là duyên phận thiên định, không có Nguyệt Lão xe duyên kiếp này sao có thể tới được với nhau? Chữ “Ân” còn có một tầng ý nghĩa khác mà chúng ta thường không nhìn thấy. Có nhiều người là vì tiền kiếp nhận ân huệ của người khác, nên kiếp này nguyện kết đôi để báo ân, giữa vợ và chồng đôi khi chính là sự cảm kích ân nghĩa. “Phu thê ân ái” cũng là chữ Ân đứng đầu, kính trọng yêu thương lẫn nhau, sau đó mới “tương kính như tân”. Vợ chồng còn cần có ơn cảm tạ cha mẹ hai bên. Không có sự chăm sóc dưỡng dục của cha mẹ, giúp tổ chức hôn lễ để mọi người công nhận, vợ chồng sao có thể có chỗ đứng trong xã hội?
Trong “Thuyết Văn Giải Tự” có câu: “Ân, huệ dã, tòng tâm, tòng nhân”, nghĩa là ân cũng có nghĩa là huệ, là từ tâm, từ lẽ đó mà ra. Vì vậy, nghĩa đen của “Ân” là chỉ giải thích cho “Huệ”, là ý nói tình nghĩa, lợi ích mà người khác dành cho ta hoặc ta dành cho người khác được gọi là ân. Giữa vợ chồng hàm ý của chữ “Ân” càng sâu sắc hơn, bởi nó còn có nhân duyên tiền kiếp, là an bài của Thần Phật.
Hàm nghĩa chữ “Nghĩa”
Chữ “Nghĩa” (義) gồm bộ Dương (羊 – con dê), bộ Ngã (我 – cái tôi). Loài dê hay sống thành bầy đàn, chúng ăn cỏ và rất lương thiện. Chữ “Dương” đứng trên chữ “Ngã” thể hiện rằng luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình. Chữ “Nghĩa” (義) là quên đi cái tôi vị tư, là vị tha, luôn nghĩ tới người khác, duy trì đạo nghĩa, đạo lý, lợi ích tập thể của những người khác.
Hàm ý của chữ “Nghĩa” giữa vợ chồng thể hiện ở trách nhiệm sống giữa hai người, không vì những khó khăn vất vả, không vì ‘trăng hoa tuyết nguyệt’ vui thú bên ngoài mà chia tay, mà ruồng bỏ nhau, cùng nhau sống tới đầu bạc răng long.
Hai câu chuyện về nội hàm chữ “Nghĩa” giữa vợ và chồng
Trong “Mộng Khê Bút Đàm ” do Trầm Quát thời nhà Tống biên soạn có kể câu chuyện rằng:
Thời Bắc Tống có một Nho sinh tên là Lưu Đình Thức, tự là Đức Chi, người Tề Châu. Sau khi thi đậu tiến sĩ, Lưu Đình Thức được phái đến Mật Châu làm thông phán quan, đúng vào thời gian đại văn hào Tô Đông Pha làm quan thứ sử ở vùng này. Tô Đông Pha rất quý trọng nhân phẩm của ông.
Khi Lưu Đình Thức còn chưa thi đậu tiến sĩ, ông từng đính hôn với một cô gái ở quê nhà, chỉ là chưa đưa sính lễ thành thân. Sau khi ông thi đậu tiến sĩ và làm quan, được những người nổi tiếng như Tô Đông Pha mến mộ thì tiền đồ của Lưu Đình Thức được xem là tươi sáng vô cùng. Nhưng lúc này, cô gái kia ở quê nhà lại lâm trọng bệnh, dẫn đến hai mắt mù loà. Cha mẹ cô gái là nông dân, chỉ làm ruộng, gia cảnh bần hàn, vì thế không còn dám nhắc đến chuyện hôn nhân với nhà họ Lưu nữa.
Trong số bạn bè của Lưu Đình Thức có người khuyên rằng: “Cô gái kia đã bị mù lòa hai mắt, vì chính tiền đồ và hạnh phúc tương lai của mình, anh hãy lấy người khác đi! Nếu như nhất định phải giữ hôn ước với nhà họ thì lấy em gái của cô ấy cũng tốt hơn”.
Lưu Đình Thức trả lời: “Năm đó, ta đính ước với cô ấy là đã hứa giao tình cảm chân thành cho cô ấy rồi. Nay tuy cô ấy bị mù nhưng tấm lòng của cô ấy vẫn như xưa. Giờ nếu ta làm trái lại với tâm nguyện trước đây, nghĩa là cái tâm của ta đã bị biến thành xấu xa. Hơn nữa, ai rồi cũng đến tuổi già, khi vợ già hương sắc tàn phai, chúng ta cũng không thể nào bỏ đi lấy cô gái trẻ đẹp được đúng không? Con người cần giữ thành tín, không thể thay lòng đổi dạ”.
Về sau, hai người đã kết hôn như lời hẹn ước. Sau khi kết hôn, Lưu Đình Thức luôn hết lòng chăm sóc người vợ mù lòa của mình. Hai vợ chồng sống hòa thuận vui vẻ, tình cảm đằm thắm, sinh hạ và cùng nhau nuôi dưỡng mấy người con.
Sau khi biết sự việc này, Tô Đông Pha vô cùng cảm phục Lưu Đình Thức. Ông nói: “Lưu Đình Thức thật là người có tình cảm chân thành, cao thượng!”. Vì sao Lưu Đình Thức có thể làm được như thế? Thực ra, đó là vì quan điểm hôn nhân của người thời xưa khác xa với quan điểm hôn nhân của người hiện đại ngày nay.
Một câu chuyện khác xảy ra vào năm Giáp Ngọ thời vua Thuận Trị triều đại nhà Thanh. Lúc ấy, ở Thành Đông huyện Võ Tiến, tỉnh Giang Tô có người con trai của vị trông coi thành kết hôn với người vợ họ Tiền. Lần nọ, Tiền Thị xin phép về nhà thăm cha mẹ, không lâu sau nơi vùng quê gia đình chồng xảy ra nạn ôn dịch truyền nhiễm. Bệnh tình lan truyền khắp vùng với diện tích rất rộng và rất nhanh, số người chết cũng ngày một tăng lên. Mọi người đều sợ hãi, bất an lo sợ tới mức không dám tới thăm viếng cha mẹ mà chỉ tìm cách trốn tránh vì sợ lây nhiễm.
Vợ chồng ông Cố Thành cũng không may bị lây bệnh, sau đó cả gia đình 8 người và chồng Tiền Thị cũng mắc. Ở bên nhà mẹ, nghe tin cả gia đình chồng bị bệnh truyền nhiễm, Tiền Thị vội vàng muốn về nhà. Cha mẹ Tiền Thị vì lo lắng cho con gái, sợ cô về nhà cũng lây nhiễm nên năm lần bảy lượt khuyên răn cô không nên về.
Là người am hiểu sâu sắc đạo nghĩa vợ chồng, cô nói với cha mẹ: “Anh ấy cưới con làm vợ, là vì hy vọng con có thể giúp đỡ anh phụng dưỡng cha mẹ khi bệnh tật ốm đau, tuổi già sức yếu. Giờ họ đều đang ở tình huống nguy cấp, nếu con nhẫn tâm không quay trở về thì có khác gì loài thú vật”. Cuối cùng, dù cha mẹ phản đối và tìm mọi cách ngăn cản, cô vẫn trở về nhà chồng.
Sau khi Tiền Thị về nhà, cả gia đình chồng cô bỗng nhiên khỏi bệnh một cách kỳ tích. Mọi người trong vùng đều tin rằng đó là vì tấm lòng hiếu thuận của Tiền Thị đã cảm động tới cả trời xanh.
***
Giữ lời hứa, giữ sự chân thành và tin tưởng trong hôn nhân là điều rất quan trọng. Người xưa vì sao không dễ dàng chia tay, không dễ dàng phản bội, không thay lòng đổi dạ? Đó là bởi vì họ xem trọng lời hứa, xem trọng hôn ước. Đây chính là một hành trình của cả cuộc đời! 20 năm, 30 năm, 50 năm, 60 năm, trong những tháng năm dài đằng đẵng ấy hai người sẽ cùng nhau trải qua như thế nào? Vinh hoa, phú quý, nghèo khổ, loạn lạc, ly biệt… liệu có thể nắm mãi tay nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào hay không?
Người hiện đại sẽ thấy khó hiểu về cách hành xử của Lưu Đình Thức và Tiền Thị, thậm chí sẽ cảm thấy họ thật là ngu ngốc. Đó là bởi vì người hiện đại không xem trọng hôn ước, “có hay không cũng chẳng sao”. Không có hôn ước thì chỉ cần hai người yêu nhau là có thể chung sống cùng nhau. Có hôn ước nhưng tình yêu không còn thì sẵn sàng chia tay. Không ai nợ ai, không cần suy nghĩ về cảm nhận của đối phương, càng không nói đến chuyện con cái hay tình cảm khi về già.
Chúng ta hãy cùng suy ngẫm một chút: Liệu người nhỏ nhen, ích kỷ có thể tìm được người bạn đời có tấm chân tình hay không? Cái gọi là “chung sống tự do không cần hôn ước” liệu có thể vững bền mãi mãi và đáng tin cậy được chăng? Suy cho cùng, kẻ ngốc thật sự là cổ nhân giữ lời hứa hay chính là người hiện đại có suy nghĩ hời hợt ngày nay?
Kiên Định
Theo Chánh Kiến