Thế nào là yêu tinh, thế nào là quỷ quái? Yêu tinh so với quỷ quái có điểm gì khác biệt? Trong Tây Du Ký, vì sao Tôn Ngộ Không hét lên rằng: “Yêu quái, hãy nếm thử một gậy của lão Tôn!” mà không phải là: “Quỷ quái, chạy đâu cho thoát!”?

Sự thật là, yêu có thể tu thành tinh, nhưng lại không thể luyện thành quỷ. Những yêu tinh trong truyền thuyết đều không có nguyên hình của con người, ví dụ như tỳ bà tinh (cây đàn tỳ bà thành tinh), xà tinh (rắn thành tinh), mộc tinh (cây thành tinh), hồ ly tinh (cáo thành tinh), v.v. Trong khi đó, quỷ lại mang hình tướng con người, ví dụ như quỷ chết treo, quỷ nước, quỷ xúi quẩy, v.v. Bây giờ bạn đã biết được Nhiếp Tiểu Sảnh trong phim Thiệu Nữ U Hồn là yêu hay là quỷ rồi chứ?

Quỷ mị võng lượng, yêu ma quỷ quái, mỗi loại đều có một đặc tính riêng. “Vạn vật hữu linh”, cổ nhân cho rằng dù là động vật hay thực vật thì sau khi đắc linh khí đều sẽ trở thành yêu. Bởi thiên lý không cho phép động vật tu luyện, chỉ có con người mới xứng được nghe Pháp, thông qua tu luyện mà trở thành Phật, Đạo, Thánh, Thần. Vậy nên từ xa xưa trong giới tu luyện lưu truyền câu nói rằng: “Nhân thân nan đắc“, nghĩa là khó đắc được thân người.

Theo thuyết lục đạo luân hồi, động vật phải chuyển sinh thành người thì mới được nghe Pháp, mới được tu luyện. Nhưng con người dễ bị mê lạc trong danh, lợi, tình nơi trần thế, không còn nhớ đến ước nguyện thuở ban sơ, bởi vậy thay vì chuyển sinh làm người, rất nhiều động vật lại tìm cách chiếm hữu thân thể người để tu luyện. Đó cũng là lý do mà những giới tu luyện xưa nay đều có nhiệm vụ trảm yêu trừ ma.

Nói đến yêu ma, hẳn nhiều người không khỏi thắc mắc: Vì sao Đát Kỷ mê hoặc Trụ Vương lại là hồ ly tinh, mà không phải là miêu tinh, cẩu tinh, hay một loại yêu tinh nào khác? Kỳ thực, mỗi loại yêu quái đều có vai trò và những đặc tính khác nhau.

Hồ ly Đát Kỷ mê hoặc Trụ Vương. Ảnh dẫn theo Thoibao.today

Hồ mị

Hồ ly tinh là một đại yêu tộc trong quan niệm của người xưa. Nhắc đến đây, hầu hết chúng ta đều liên tưởng tới hồ ly Đát Kỷ trong truyền thuyết dân gian. Trên thực tế, hình tượng hồ ly có liên hệ với người phụ nữ lẳng lơ và đã xuất hiện từ rất lâu về trước.

Bài “Hữu hồ” trong “Thi Kinh – Vệ Phong” viết rằng:

Hữu hồ tuy tuy, tại bỉ kỳ lương. Tâm chi ưu hĩ, chi tử vô thường.
Hữu hồ tuy tuy, tại bỉ kỳ lệ. Tâm chi ưu hĩ, chi tử vô đái.
Hữu hồ tuy tuy, tại bỉ kỳ trắc. Tâm chi ưu hĩ, chi tử vô phục.

Tạm dịch là:

Có con hồ ly đi lang thang một mình, ở trên cây cầu đá của sông Kỳ kia. Lòng em lo sầu, lo cho người ấy không có áo mặc.
Có con hồ ly đi lang thang một mình, ở chỗ nước sâu của sông Kỳ kia. Lòng em lo sầu, lo cho người ấy không có đai nịt.
Có con hồ ly đi lang thang một mình, ở bên sông Kỳ kia. Lòng em lo sầu, lo cho người ấy không có quần áo.

Phiên dịch thành bạch thoại: Có con hồ ly chầm chậm bước đi, phong thái yêu kiều tìm bạn đời. Ở trên mặt cây cầu nước lũ đó, con hồ ly giống như góa phụ gặp được người đàn ông goá vợ. Người đàn ông chàng hỡi, chàng khiến cho lòng thiếp buồn lo, vì không có ai may áo ấm cho chàng.

Đến thời nhà Tấn, trong “Sưu Thần Ký” tác giả Can Bảo viết: “Hồ ly là dâm phụ từ thời viễn cổ, tên là A Tử, sau hóa thành hồ ly. Vậy nên loài yêu này phần nhiều tự xưng là A Tử”.

Từ đó, hồ ly dựa vào vẻ đẹp ma mị đã chen chân vào hàng ngũ dâm phụ, vậy nên trong các câu chuyện dân gian sau này đều liên hệ hồ ly với người đàn bà lẳng lơ phóng đãng. Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam cũng có khá nhiều ghi chép liên quan đến hồ ly tinh. Bây giờ, hẳn bạn đã rõ vì sao Đát Kỷ trong “Phong Thần diễn nghĩa” là cáo chín đuôi rồi chứ?

Hầu tinh

Nhắc đến Hầu tinh, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến Tôn Ngộ Không? Đúng vậy, Đại Thánh là hầu tinh, hơn nữa lại là một hầu tinh có Phật tính rất cao. Nhưng dẫu vậy, Đại Thánh vẫn không giấu được bản tính của loài khỉ, đó là ngông cuồng tự đại, nghịch ngợm phá phách, và thích trêu ghẹo người.

Ngoài ra còn có một số câu chuyện về hầu tinh hóa người, sớm nhất là trong “Ngô Việt xuân thu” của Triệu Diệp vào thời Đông Hán. Chuyện kể rằng, một ngày Việt vương hỏi ý Phạm Lãi về thuật đánh cận chiến, Phạm Lãi đã tiến cử ông một nữ tử nước Việt. Khi cô gái nhận lời mời của Việt vương, trên đường đi đã gặp một ông lão tự xưng là Viên Công, muốn được lĩnh giáo võ nghệ của nàng. Thế là, hai người nhặt cây gậy trúc trong rừng giao đấu với nhau. Viên Công bại trận, trèo tuốt lên cây, hóa thành con vượn trắng rồi biến mất. Câu chuyện đơn giản nhưng đã nói rõ đặc điểm leo trèo nhảy nhót của hầu tinh.

Tôn Ngộ Không là Hầu Tinh có Phật tính cao. Ảnh dẫn theo youtube.com

Xà mị

Vào thời viễn cổ, một số vị Thần trong truyền thuyết đều mang hình tượng của rắn, ví dụ như Phục Hy và Nữ Oa là mặt người thân rắn. Ngay cả thần long mà người Á Đông sùng bái, thì bên cạnh các đặc điểm như mặt ngựa, sừng hươu, vẩy cá, chân gà, bờm sư tử, v..v… phần thân chính cũng là hình tượng của rắn.

So với những truyền thuyết thượng cổ, hình tượng của xà tinh về sau lại là yêu tinh hại người. «Bạch Xà truyện» trong «Cảnh Thế Thông Ngôn» của Phùng Mộng Long kể rằng, nàng Bạch Tố Trinh vốn là một con xà tinh, về sau đã kết duyên với Hứa Tiên ân ái phu thê. Hứa Tiên sau khi biết sự thật về Tố Trinh đã hoảng sợ vô cùng, chàng bèn cầu xin thiền sư Pháp Hải cứu độ. Vì vậy bạch xà bị Pháp Hải thu vào trong chiếc bát rồi chịu hành hình ở dưới tháp Lôi Phong. Từ đó lưu lại dự ngôn rằng: “Tây Hồ nước cạn, sông hồ chẳng lên, tháp Lôi Phong đổ, Bạch Xà xuất thế”.

Sau đó Hứa Tiên tình nguyện xuất gia, lễ bái thiền sư làm thầy, trở thành hòa thượng trấn Lôi Phong tháp, về sau tịch hóa mà rời đi.

Rùa báo ân

Vào thời thượng cổ, rùa là loài vật có thể thông hiểu Thiên ý.

Bởi rùa là loài vật linh thiêng, nên những người cứu rùa đều đắc được phúc lộc. Trong “Kinh Tập Lục Độ” có câu chuyện kể về một vị thiện nhân tốt bụng đã bỏ ra 1 vạn quan tiền mua một con rùa lớn rồi mang đi phóng sinh. Không lâu sau, vào một buổi tối ông nghe thấy có tiếng lạch cạch bên ngoài, Ông mở cửa ra xem, thì ra đó là con rùa từng được ông cứu sống. Con rùa nói rằng:

“Ân nhân, không lâu nữa ngôi thành này sẽ gặp nạn lớn. Dân chúng trong thành nghiệp tội rất nặng, bây giờ đã đến thời phải trả, không thể nào tránh khỏi tai họa. Ngày đó tháng đó, cả toà thành này sẽ chìm dưới nước lũ. Xin ân nhân sớm chuẩn bị tìm người đóng tàu, khi thấy nước lớn dâng lên thì mau lên tàu, thuận theo dòng nước mà đi, tự nhiên sẽ tìm được nơi nương náu”.

Ðúng như lời cảnh báo, không bao lâu sau, nạn lụt xảy ra trong thành. Khi nước lũ vừa ập đến thì con rùa kia cũng xuất hiện, thôi thúc vị thiện nhân lên tàu rời đi.

Rùa là loài vật có thể thông hiểu Thiên ý. Ảnh dẫn theo soha.vn

Hổ biến

Hổ biến là biến hóa qua lại giữa hổ và người. Thời xưa rừng cây nhiều, hổ cũng nhiều, nên tai họa do hổ mang đến cũng nhiều. Đối với vị chúa tể sơn lâm này, người xưa hoặc là bị hổ ăn thịt rồi hóa thành ma cọp vồ, hoặc trở thành anh hùng đả hổ. Phùng Phụ bắt hổ, Lý Quảng bắn chết hổ, Võ Tòng đả hổ, đã trở thành những giai thoại lưu truyền hậu thế. Hổ ăn thịt người, người giết chết hổ, giữa hổ và người có oán kết thật sâu nặng. Trăm nghìn năm nay, những câu chuyện liên quan đến hổ rất nhiều, hầu hết đều gặp nhau ở điểm chung là hổ và người biến hóa qua lại lẫn nhau.

Trong “Sưu Thần Ký” có ghi chép câu chuyện về một đình trưởng hóa thân thành hổ. Trong “Thuật Dị Ký” kể câu chuyện quận trưởng biến thân thành hổ, còn ăn thịt người dân. Câu chuyện về quan lại biến hóa thành hổ loại như vậy rất nhiều, nhiều không kể xiết, trong đó có chút ý vị của câu “chính trị hà khắc còn đáng sợ hơn cả hổ dữ” mà Khổng Tử giảng.

Thụ quái

Một hình thức của thụ quái là cành cây hoặc thân cây mọc thành hình người hoặc hình động vật. Trong “Sưu Thần Ký” quyển 8 có viết: “Tháng 2 những năm đầu niên hiệu Vĩnh Thủy thời Hán Thành Đế, cây thầu dầu ở đường Hà Nam mọc cành giống như cái đầu người, mặt mày râu ria đều có đủ cả, chỉ thiếu tóc tai. Đến tháng 10 năm thứ 3 niên hiệu Kiến Bình trong thời Hán Ai Đế, làng Toại Dương vùng Tây Hồ, Nhữ Nam có cái cây giống như hình người, thân màu vàng xanh, mặt trắng, đầu có tóc, thân rộng 6 tấc 1 phân”.

Khi thấy cây mang hình dáng giống người, con người thời nay thường cho đó là bàn tay tinh xảo của tạo hóa, lại có người tô điểm thêm nữa để tạo thành tác phẩm nghệ thuật chạm khắc, coi đó là thưởng thức cái đẹp của tự nhiên. Tuy vậy, người xưa sống trong văn hóa nửa Thần, “Thiên nhân hợp nhất”, cho rằng hết thảy vạn vật đều có linh tính. Thân cành của cây mọc thành hình người hoặc động vật, nhất định là biểu hiện của một điềm linh dị nào đó, là điều không bình thường, là điềm báo trước của tai họa.

Thụ quái – cây hình người. Ảnh minh họa dẫn theo 6giosang.com

Hoa yêu

Trong “Tập Dị Ký” có câu chuyện kể rằng, ở núi Tồ Lai, vùng Duyện Châu có ngôi chùa tên là Quang Hoa tự, có chàng thư sinh lưu trú trong chùa. Vào một ngày hè, tiết trời mát mẻ, chàng thư sinh say sưa nhìn ngắm bích hoạ nơi hành lang. Bỗng nhiên chàng gặp một thiếu nữ mặc toàn đồ trắng, tuổi chừng mười lăm mười sáu, dung mạo tuyệt trần. Chàng lân la dò hỏi thiếu nữ từ đâu đến, thiếu nữ cười trả lời rằng, nhà ở trước núi. Trong lòng chàng biết rõ phía trước núi không có người ở, nhưng vẫn không chút nghi ngờ thiếu nữ ấy là yêu tinh. Bởi trong lòng chàng si mê dung mạo của người thiếu nữ, nên đã trêu ghẹo cười đùa, rồi dẫn nàng vào phòng, cá nước vui vầy, tình ý dạt dào, không nỡ chia xa.

Đến khi bạch y thiếu nữ nói lời cáo từ, trong lòng chàng lưu luyến mãi không thôi, nghĩ đủ mọi cách để giữ nàng lại. Cuối cùng chàng tặng nàng một chiếc nhẫn ngọc trắng: “Mong nàng nhìn thấy sẽ mau chóng trở về”, nói rồi cất bước tiễn đưa. Chàng thư sinh lưu luyến không nỡ rời xa, đưa mắt dõi theo người thiếu nữ. Thiếu nữ đi được khoảng chừng trăm bước, bỗng biến mất không còn dấu vết.

Chàng thư sinh chạy một mạch đến nơi tìm kiếm. Nơi đây dù là cành cây ngọn cỏ, cho đến cả cọng tóc cũng không thể ẩn núp được. Chàng rất thân thuộc nơi này, nhưng tìm mãi cũng không thấy tung tích người thiếu nữ đâu cả. Đến khi trời sắp tối, chàng nhìn thấy trong đám cỏ có một cây hoa bách hợp trắng ngần, đẹp một cách lạ thường. Chàng liền đào lên mang về phòng, đến lúc này mới phát hiện chiếc nhẫn ngọc trắng nằm ở trên thân cây. Chàng thư sinh vừa kinh ngạc sợ hãi, vừa hối hận khôn nguôi, trong lúc hốt hoảng, chàng đổ bệnh rồi qua đời.

Hoa bách hợp biến thành mỹ nữ, cùng trăng gió với thư sinh, vị thư sinh này lại tin yêu sâu sắc, vô tình hủy hoại cây hoa, rồi lại vì hối hận mà chết, thật đúng là bi kịch giữa người và yêu. Thời xưa cổ nhân vẫn xem yêu tinh là giống quái dị, là điềm không may, sẽ mang đến tai hoạ. Đối với tinh quái, con người đều mau mau tránh xa. Vậy nên trong văn hóa truyền thống, yêu tinh quỷ quái phần nhiều đều là tác quái hại người.

Hoa bách hợp biến thành mỹ nữ. Ảnh dẫn theo kilala.vn

Linh điểu

Những ai từng đọc truyện “Nàng Tinh Vệ lấp biển” đều sẽ cảm động sâu sắc bởi khí phách và tinh thần của nàng Tinh Vệ, một mẫu hình kiên cường bất khuất của dân tộc Hoa Hạ. Trong số các cầm điểu (chim thú) thì loại giống như Tinh Vệ được xem là tinh linh trong các loài chim. Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài yêu nhau nhưng lại không thể đến được với nhau, cả hai đều tuẫn tình, hóa thành đôi chim tương tư chắp cánh cùng bay (có dị bản lại cho là đôi bướm). Các cặp tình nhân nguyện ước chưa thành, sau khi chết hồn phách không tan sẽ biến thành loài chim tương tư này.

Thời xưa có câu nói “hồng nhạn trao sách, thanh điểu đưa thư”, chim thường đảm nhiệm vai trò sứ giả của thần linh. Được biết, Thanh Điểu là thần điểu của Tây Vương Mẫu, chuyên tìm kiếm thức ăn cho Tây Vương Mẫu, về sau lại trở thành sứ giả đưa thư.

Một loại tình huống thần bí khác là chim tiên, được biết đến nhiều nhất là tiên hạc. Hạc sống rất thọ, có vài phần tiên phong đạo cốt, thường trở thành vật cưỡi của tiên nhân, bởi vậy trong chí quái truyền kỳ, tiên hạc luôn gắn liền với Đạo gia. Trong “Tử Bất Ngữ” có ghi chép câu chuyện tiên hạc nghìn năm biến hình thành đạo sĩ.

Phi Long biên dịch

Xem thêm: