Những khán giả yêu mến phim truyền hình Tây du ký (1986) hẳn đã quen thuộc với hình ảnh năm thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không xông xáo mở đường, Tam Tạng cưỡi Bạch Long mã, Trư Bát Giới dắt ngựa, Sa Tăng cần mẫn gánh hành lý theo sau. Thực ra, trong nguyên tác Tây du ký* của Ngô Thừa Ân, người gánh hành lý suốt dọc đường thỉnh kinh không phải là Sa Tăng, mà chính là Trư Bát Giới.
Độc giả có thể thắc mắc, vì sao lại để một người béo ú, chậm chạp nặng nề như Bát Giới gánh hành lý trên vai? Chẳng phải sẽ khiến hành trình lấy kinh ngày càng chậm trễ sao?
Tây du ký, hồi thứ 100: “Về thẳng phương Đông, Năm thánh thành Phật”, sau khi năm thầy trò thỉnh được chân kinh, mang về phương Đông, thì theo tám vị Kim Cương bay vút lên tầng mây cưỡi gió về lại Linh Sơn yết kiến Phật Tổ. Đức Như Lai xét công trạng của từng người mà gia phong quả vị. Phật Tổ nói:
“Trư Ngộ Năng, nhà ngươi vốn là thủy thần Thiên Hà, giữ chức Thiên Bồng nguyên soái, chỉ vì nhà ngươi say rượu trong hội Bàn Đào, trêu ghẹo tiên nga, cho nên bị đày xuống đầu thai hạ giới, thân làm súc vật. May mà nhà ngươi biết quý thân người, làm yêu quái ở động Vân Sạn núi Phúc Lăng, biết theo về đại giáo, vào cửa Sa Môn của ta, dọc đường bảo vệ thánh tăng. Tuy tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết, nhưng dọc đường gánh hành lý có công, gia phong nhà ngươi chức chính quả là Tịnh Đàn Sứ Giả”.
“Còn Sa Ngộ Tĩnh, nhà ngươi vốn là Quyển Liêm đại tướng, do đánh vỡ chiếc chén ngọc lưu ly trong hội Bàn Đào, nên bị đày xuống hạ giới, trú ở sông Lưu Sa làm yêu quái bắt người ăn thịt, sau đó may mắn theo giáo lý của ta, thành kính giữ gìn, bảo hộ thánh tăng, dắt ngựa trèo non có công, gia phong chính quả chức to làm La Hán Mình Vàng”.
Như vậy, trong nguyên tác, người có công gánh hành lý dọc đường là Trư Bát Giới, chứ không phải Sa Tăng như trong phiên bản điện ảnh. Tây du ký là một đại danh tác, một bộ thiên thư đồ sộ với tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm liên quan đến tu luyện Phật và Đạo, thế nên sự lựa chọn nhân vật của tác giả hẳn phải có dụng ý thâm sâu đặc biệt.
Từ lâu, chúng ta đã biết năm thầy trò Đường Tăng thực ra chỉ là cùng một người, “ngũ vị nhất thể”. Trong đó, Đường Tăng tượng trưng cho thân thể, Tôn Ngộ Không là ẩn dụ của cái tâm, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người. Đường Tăng thu phục được Ngộ Không, Bạch Long mã, Bát Giới và Sa Tăng, nghĩa là “thân, tâm, tình, tính, ý” – đoàn thể hoàn mỹ nhất này đã hợp thành, kiên định tu luyện. Trư Bát Giới mang hình hài lợn, xấu xí thô kệch nặng nề, lại ham ăn háo sắc biếng làm, chính là hình tượng hoá sinh động của cái Tình, của ham muốn phàm tục hiện hữu trong mỗi người.
Suốt một đời, người ta vì cái Tình này mà sống. Vì cái Tình mà người ta mải mê tích cóp tiền của, tranh đấu cho địa vị, quyền lực, bảo vệ sĩ diện, luyến ái sắc đẹp… Kết quả là càng đi càng tích lũy được nhiều, là tài sản cũng là gánh nặng, mỗi bước đi đều gồng gánh trên vai. Chưa nói gì sâu xa, chỉ cần nhìn những ai nuôi chó bây giờ, mỗi khi muốn đi du lịch cũng phải suy nghĩ xem gửi chó nhờ ai trông, nếu không nhờ được thì phải tha lôi cả con chó theo nghìn dặm, hoặc đóng cửa ở nhà chẳng đi đâu nữa hết. Thế nên những bậc chân tu thuở xưa như Đường Tăng mới cắt đứt mọi duyên trần tục, mang theo y bát vân du, hóa độ chúng sinh.
Có pháp môn xuất gia tu luyện, có pháp môn tu luyện giữa đời thường. Tu luyện trong đời thường thì không thể không có gia đình, nhà cửa, danh vị và tiền bạc. Vậy nên theo thiển ý của người viết, gánh nặng mà Trư Bát Giới cõng trên vai không phải là bản thân những thứ vật chất ấy, mà chính là chỉ tâm chấp trước, dính mắc của con người với chúng.
Ví như khi gặp nạn ở núi Bình Đính, lợi dụng Đường Tăng có lòng từ bi hiếu thiện, lại có tính sĩ diện bề ngoài, nên yêu quái Ngân Giác biến hoá thành đạo sĩ bị thương, lừa cho Tôn Hành Giả cõng rồi dùng phép đè cả mấy trái núi lên vai Ngộ Không, sau đó bắt Đường Tăng về động. Ngộ Không mới than thở rằng: “Cây đón gió bị gió rung cây, người tham danh bị danh vùi xác!”.
Hay như lúc mấy thầy trò đi qua Trần Gia trang, hồi thứ 48 “Ma nổi gió hàn sa tuyết lớn, Sư mong bái Phật giẫm băng dày” có viết:
“Tam Tạng cùng mọi người đến bên bờ sông dừng ngựa quan sát, thấy đúng là trên sông có người đi lại, bèn hỏi:
– Thưa cụ, mấy người đi lại trên băng kia, họ đi đâu vậy?
Cụ Trần thưa:
– Bên kia sông là Tây Lương nữ quốc. Mấy người kia đều là thương nhân cả. Thứ hàng bên chúng tôi giá trăm đồng, sang đến bên kia đáng giá vạn đồng. Có thứ bên kia chỉ độ trăm đồng, sang tới bên này cũng đáng giá vạn đồng. Vốn ít lời nhiều. cho nên họ ham lắm, chẳng kể gì đến sống chết. Thường thường họ cứ dăm bảy người một thuyền; hoặc mười lăm người một thuyền, lênh đênh vượt sang bên kia, năm nay nước sông đóng băng, họ cũng cứ liều mạng đi bộ.
Tam Tạng nói:
– Việc đời chỉ có danh lợi là tối trọng. Bọn họ chỉ vì lợi mà liều chết quên sống. Thầy trò tôi vâng mệnh vua giữ vẹn lòng trung cũng là vì danh. So với họ cũng chẳng khác nhau mấy tý”.
Vì nóng ruột bởi cái danh này mà Tam Tạng phen ấy đã vội vàng vượt sông trong đêm, yêu quái làm phép phá băng khiến Đường Tăng rơi tọt đáy sông, suýt nữa “bị danh vùi xác”!
Quay trở lại việc Bát Giới gánh hành lý, chú ngốc dọc đường liên tục kêu mệt, cần tìm nhà trọ nghỉ ngơi, xin bữa cơm chay, di dưỡng tinh thần… Một người mang nặng tâm phàm như con thuyền chất đầy gánh nặng, sao có thể cưỡi gió giong buồm vượt trùng khơi?
Nhưng cuối cùng, dẫu thời gian dằng dặc, mấy thầy trò cũng tới được Linh Sơn. Bát Giới cõng hành lý trên vai cũng được tính là có công, có lẽ bởi vì tu luyện giữa đời thường cần lưu lại chút ít nhân tâm để có thể phù hợp với xã hội mà sinh sống. Chính là phải biết khắc chế bản thân, trên hành trình tu luyện thì dần buông bỏ nhân tâm chấp trước, không ngại khó ngại khổ, thì cuối cùng mới công thành viên mãn. Thế mới là:
Ngoại vật coi nhẹ, nhàn thay
Âm dương vũ trụ đủ đầy trong ta.
Công quả viên mãn chan hòa,
Sáng lòng thấy tính trở về cố hương.
Ảnh minh họa: Trong “Thanh Thái Hội Toàn Bản Tây Du Ký”
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
Video: Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký