Nói đến vị danh tướng thời Tam Quốc là Quan Vũ, không ai là không biết. Một chiến tướng oai phong lẫm liệt nổi tiếng với tấm lòng trung nghĩa sắt son, trước sau như một. Đây cũng là một nhân vật được xây dựng nên nhiều giai thoại nhất trong lịch sử Trung Hoa với những câu chuyện không những được truyền miệng lại mà còn xuất hiện cả trong nghệ thuật và diễn xướng suốt 2000 năm nay. 

Quan Vũ (160 – 220) là một danh tướng sống ở cuối nhà Đông Hán, thời Tam Quốc. Tên chữ của ông là Trường Sinh, sau đổi thành Vân Trường, sinh ra và lớn lên tại Giải Lương, Hà Đông (nay là Vân Thành, tỉnh Sơn Tây). Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, đồng thời cũng là anh em kết nghĩa với hoàng đế Lưu Bị và danh tướng Trương Phi. 

Xung quanh nhân vật lịch sử được thần thánh hóa này có rất nhiều chuyện kỳ bí và thú vị. 

Tại sao Quan Công mặt đỏ phừng phừng?

Một truyền thuyết kể rằng, Quan Vân Trường vốn là rồng đỏ – Xích Long Tinh – ở thiên cung. Hồi ấy dân một vùng vì làm trái ý Ngọc Hoàng nên bị phạt hạn hán kéo dài để họ gặp phải nạn đói. Xích Long biết điều ấy, nhưng khi dân chúng kêu cầu, ngài thương xót, không nỡ ngoảnh mặt quay lưng để họ chết đói, nên đã tự ý làm mưa, trái với ý trời. 

quanvantruong 1

Thượng đế sai binh tướng đi tiêu diệt Xích Long. Ngài chạy trốn đến một ngôi chùa, vị trụ trì lấy cái chuông úp lại, dặn các đệ tử trong chừng ấy ngày không được mở ra. Nhưng các đệ tử không nén được tính tò mò, mở ra xem có con gì ở trong, khiến Xích Long phải chịu nạn đầu thai xuống trần.

Quan Vũ hiển linh sau khi chết

La Quán Trung trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có kể lại, Tôn Quyền sau khi chiếm được Kinh Châu và chém đầu Quan Công thì mở tiệc khao quân, và tự tay rót rượu thưởng cho Lã Mông. Lã Mông cầm chén rượu, nâng lên định uống thì bỗng ném ngay xuống đất, nhảy đến chộp lấy Tôn Quyền quát: “Thằng mặt xanh râu đỏ và bọn chuột kia có biết ta là ai không?”. Rồi họ Lã xô Tôn Quyền xuống đất, nhảy lên ngồi ghế của Quyền mà hét: “Ta là Hán Thọ Đình hầu Quan Vân Trường đây”. Tôn Quyền kinh hãi, vội quỳ lạy, lạy xong thì Lã Mông ngã xuống đất, hộc máu mà chết.

Tào Tháo cũng bị anh linh của Vân Trường dọa cho chết khiếp. Lúc Đông Ngô mang đầu của Quan Công sang dâng Tào với thâm ý “gắp lửa bỏ tay người”, không muốn đón nhận cơn giận dữ của Lưu Bị. Tào Tháo đến nhìn cái đầu của Quan Công, cười và nói đùa rằng: “Lâu không gặp, Vân Trường vẫn mạnh giỏi chứ?”. Bỗng thấy cái đầu Vân Trường trợn tròn mắt, tóc râu dựng lên, Tào Tháo thất kinh té nhào, sinh bệnh, phải làm một cái hình nhân bằng gỗ lắp vào đầu để tống táng, đích thân làm đại lễ trước mộ cùng ba quân tướng sĩ.

Có vẻ như cái chết bất ngờ và oan uổng đã khiến Quan tướng quân quá phẫn uất, không cam lòng nên linh hồn không thể siêu thoát mà liên tục hiện về dương gian. Ông không chỉ báo mộng cho Lưu Bị, đòi đại ca phải xuất quân trả thù cho mình, mà còn hiển linh xuất hiện nhiều nơi để đòi trả lại đầu cho mình.

quanvantruong 2

Theo tương truyền thì linh hồn Quan Công, cưỡi ngựa Xích Thố, tả hữu có Quan Bình và Châu Thương, đêm đêm bay phiêu diêu khắp nơi, kêu gào, “Trả lại đầu cho ta”. Tiếng kêu như sấm rền khiến bá tánh thảy điều kinh hồn động phách. Khi đến núi Ngọc Tuyền, nhà sư Phổ Tĩnh nhìn lên thấy một vị tướng mặt đỏ râu dài cưỡi ngựa xích thố, tay cầm thanh long đao, hai bên có hai tùy tướng, tất cả từ trên không bay xuống, liền bước ra khỏi am, cầm cây phất trần gõ vào cửa chùa mà hỏi: “Vân Trường đấy chăng?”. Câu hỏi đơn giản đó khiến hồn ngài sực tỉnh, liền hạ mã xuống trước am để nghe thuyết pháp. Sư Phổ Tĩnh muốn điểm hóa cho vị danh tướng huyền thoại này loại bỏ tâm oán hận, oan oan tương báo, quy y Phật Pháp.

Quan Vân Trường: “Sư phụ ơi, ta đi khắp nơi kiếm cái thủ cấp mình mà không thấy.  Xin sư phụ chỉ đường cho.” Sư Phổ Tĩnh nói: “Nhân trước, quả sau. Nay tướng công bị Lã Mông làm hại mà đòi trả lại đầu, vậy thì trước kia Nhan Lương, Văn Sú cùng với 6 tướng ở 5 ải bị tướng quân chém đầu, và biết bao quân tướng nữa chết dưới tay tướng quân thì đòi đầu ở đâu?”. Vì câu hỏi đó mà Quan Công giật mình tỉnh ngộ, hiểu rõ được mất trong nhân gian, luật nhân quả chẳng sai, gieo nhân nào gặt quả nấy, không có gì là ngẫu nhiên. Hồn ông vui vẻ rời đi, từ đó không còn hiển linh để đòi báo oán nữa mà sau đó còn tu và giác ngộ thành Thánh, sống ở cung trời Đao Lợi trong tam giới.

Kiếp trước là Sở bá vương Hạng Võ

Sở Bá vương Hạng Võ là một nhà chính trị, một vị tướng lừng lẫy từng góp phần lật đổ nhà Tần, rồi tranh chấp một chín một mười với Hán vương Lưu Bang. Cuối cùng chỉ vì chủ quan khinh địch, Hạng Võ sa cơ, cơ đồ đổ vỡ, quân binh tan nát, bản thân cùng đường, phải tự sát bên bờ sông Ô Giang.

704_518135_332062
Hạng Vũ quyết tử bên bờ sông ô giang, một cái chết oanh liệt! (Ảnh: 5011)

Tương truyền, Lưu Bang sau khi diệt Hạng Võ để giành lấy cả giang sơn, lên ngôi hoàng đế, đã giết hại các công thần như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt. Những điều thất đức ấy kết thành án oan ở dưới âm phủ, nhưng qua mấy đời không vị Diêm vương nào xử được. Có anh học trò nghèo họ Tư Mã trên dương thế khi làm bài thi có cạnh khóe đến chuyện này, bảo là thần minh bất công. Các vị Diêm vương cho là phạm thượng, bắt anh ta xuống âm phủ hỏi tội. Anh chàng không hề sợ hãi, bảo nếu cho tôi ngồi vào ghế Diêm vương, tôi sẽ xử án ấy ngon lành.

Thập điện Diêm vương đồng ý. Thế là anh học trò xử những linh hồn oan gia trái chủ phải đầu thai trở lại để trả nợ kiếp trước: Bành Việt đầu thai làm Lưu Bị, Anh Bố làm Tôn Quyền, Hàn Tín làm Tào Tháo, Hạng Sư – Hạng Bá (hai người dưới trướng Hạng Võ nhưng sau phản bội ông) làm Nhan Lương – Văn Sú (hai tướng bị Quan Công chém đầu), còn Hạng Võ đầu thai thành Quan Vân Trường. Theo truyền thuyết dân gian này, cả 6 vị tướng bị Quan Công chém đầu (khi đi qua 5 cửa ải thuộc đất của quân Tào để về với Lưu Bị) kiếp trước đều là người của Hạng Võ nhưng đầu hàng Lưu Bang, đem quân đuổi chủ cũ đến tuyệt lộ, phải tự sát bên bến Ô Giang.

Còn Lã Mông, tướng của Tôn Quyền, người chiếm được Kinh Châu mà Quan Vân Trường coi giữ, đồng thời bắt sống Quan Công, được cho là người có nợ nần tiền kiếp với họ Quan. Kiếp trước, Lã Mông là ông thợ rèn mà Quan Công thuê rèn thanh long đao theo một công thức bí mật mà ông không muốn người thứ hai nào biết. Sau khi lấy đao, ông giết luôn thợ rèn để giữ bí quyết. Bởi thế, khi đầu thai ở hậu kiếp, ông thợ rèn – Lã Mông đã đòi nợ bằng việc quyết tâm truy sát Quan Công.

Các triều đại Trung Hoa phong Thánh cho Quan Vân Trường

Tương truyền, hoàng đế Càn Long hồi mới lên ngôi mỗi lần đi lại đều nghe phía sau mình có tiếng lẹp kẹp như ai đó mang dép đi theo, nhưng ngoảnh lại thì không thấy ai cả. Một lần quay đầu lại như vậy, Càn Long cất tiếng hỏi: “Ai vẫn hay theo sau hộ giá trẫm thế?”. Lập tức có tiếng trả lời: “Là nhị đệ Quan Vân Trường”.

72100073d0f6e492c7e
Hoàng đế Càn Long của đại Thanh. (Tạo hình trên phim: i-yl)

Cũng trong đời Càn Long, có lời đồn rằng chính Quan Vũ hiển linh giúp quân Thanh thắng giặc, khiến binh lính nhà Thanh treo ảnh ông trong doanh trại, và đeo tượng của ông như thứ bùa hộ mệnh. Vì vậy triều Thanh đã  phong ông là Trung Nghĩa Thần Võ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Quan Thánh Đại Đế, đồng thời tôn vinh là Võ Thánh, tức là ngang hàng với danh xưng Văn Thánh của Khổng Tử.

Các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng nhiều lần ca tụng và phong tặng những mỹ từ dành cho Quan Vũ, vua nhà Minh coi ông là vị thần hộ quốc. Ngay từ thời Đường, ông đã được thờ trong võ miếu, bên cạnh danh tướng nhà Chu là Khương Tử Nha. Không những thế, hình tượng Quan Vũ còn được thờ cúng phổ biến trong Phật giáo Tạng truyền vùng Tây Tạng. Ông được truy phong là Gia Khâm hộ pháp Quan Vân Trường.

download
Quan Vân Trường trong tín ngưỡng của Phật giáo Tạng truyền là Gia Khâm Hộ Pháp. (Ảnh: 360doc)

Bên cạnh đó, Quan Vũ còn được dân gian thờ phụng như Thần hộ mệnh. Giới thương nhân coi ông như thần tài. Tầng lớp nho sĩ coi ông như thần văn học (tượng Quan Vũ trên 1 tay có cầm Kinh Xuân Thu). Giới quân sự coi ông như vị thần bảo vệ bản mệnh. Các đao phủ thường giấu đao trong đền thờ ông vì họ cho rằng uy linh của ông sẽ ngăn trở oan hồn về báo oán.

Tuy nhiên Quan Vũ không phải là tài thần, thần văn học như người ta vẫn tưởng tượng và tôn sùng. Ông chỉ đơn giản là một võ linh, võ thánh. Nếu chỉ vì thuở bình sinh ông đã từng “động” đến một thứ gì, ví như thuở hàn vi từng đi bán đậu phụ, mà tôn ông lên làm ‘tài thần’, chỉ vì ông từng cầm sách đọc mà tôn ông lên làm ‘thần văn học’ thì có đúng hay không?

Đó chỉ là những quan niệm được sinh ra cho phù hợp với tư tưởng của những đối tượng khác nhau. Người buôn bán quan tâm đến tiền, phong ông là tài thần. Tầng lớp Nho sĩ quan tâm đến tri thức thì phong ông làm thần văn học. Còn nói về hình tượng chân thực mà ông để lại cho hậu thế, chỉ là 2 chữ ‘trung nghĩa’ của một võ tướng kiệt xuất thời Tam Quốc, sáng chói trong lịch sử Trung Hoa.

Ánh Trăng 

Xem thêm: