Bốn bậc quân sư kỳ tài trong lịch sử Trung Quốc, phải chăng cùng là một người chuyển thế đầu thai?
Dân gian có câu rằng: “Tiên Khương Thượng, hậu Tôn Tẫn, ngũ bách niên tiền Gia Cát Lượng, ngũ bách niên hậu Lưu Bá Ôn”. Tạm dịch: Trước là Khương Tử Nha (Khương Thượng), sau là Tôn Tẫn, năm trăm năm trước là Gia Cát Lượng, năm trăm năm sau là Lưu Bá Ôn. Khương Tử Nha, Tôn Tẫn, Gia Cát Lượng và Lưu Bá Ôn rốt cuộc là có mối liên hệ gì? Dưới đây là câu chuyện được lưu truyền trong dân gian để giải thích cho câu nói này…
Khương Tử Nha
Khương Tử Nha, tức Khương Thượng là người phò tá Chu Võ vương phạt Trụ, khai lập nước Tề. Sau khi phong Thần, Khương Thượng vốn định quay trở về núi Côn Luân để tu Đạo thành Tiên. Nhưng Nguyên Thủy Thiên Tôn nói với Khương Tử Nha rằng, phước đức của ông chưa đủ nên hãy chuyển thế tiếp tục tu hành, cũng tự hứa sẽ ban cho ông quả vị Đại La Thần Tiên.
Vì việc Khương Tử Nha phong Thần đối với bổn giáo là có công lao to lớn, do đó Nguyên Thủy Thiên Tôn đặc biệt sai người truyền đạt ý chỉ đến Địa Phủ rằng, Khương Thượng cần phải là bậc kỳ tài, thông minh tuyệt đỉnh, có Cửu Khiếu Linh Lung Tâm (trái tim có 9 lỗ) mới được chuyển thế. Cửu Khiếu Linh Lung Tâm, phải 500 năm mới xuất hiện một lần. Vì thế, sau khi Khương Tử Nha qua đời, phải đợi mãi đến thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, Cửu Khiếu Linh Lung Tâm mới xuất hiện.
Tôn Tẫn
Khương Tử Nha chuyển thế thành Tôn Tẫn để tiếp tục con đường tu luyện, nên khi vừa ra đời, Tôn Tẫn đã thông minh hơn người thường. Sư phụ của Tôn Tẫn là Quỷ Cốc Tử biết rõ lai lịch của ông, nên đặc biệt yêu quý người học trò này. Thật không ngờ, Tôn Tẫn bị sư huynh của ông là Bàng Quyên đem lòng ganh ghét đố kỵ, bị hãm hại chặt đứt đôi chân.
Tôn Tẫn sau khi tu Đạo, biết rõ về lai lịch của mình nhưng lại phát hiện đôi chân đã mất, ông nghĩ nếu cứ như vậy mà thành Tiên thì cả đời chỉ có thể ngồi trên xe lăn, trong lòng vô cùng buồn phiền nên cuối cùng đành phải chuyển sinh lần nữa.
Gia Cát Lượng
Địa Phủ theo lời căn dặn của Nguyên Thủy Thiên Tôn trước kia, lại để ông chờ đợi 500 năm nữa, đến khi Cửu Khiếu Linh Lung Tâm tái xuất lần nữa mới để ông chuyển sinh đến dương gian. Ở kiếp này, ông chính là Gia Cát Lượng. Theo ghi chép, Gia Cát Lượng, văn thì có tài trị quốc của Khương Thượng, võ thì có đạo luyện binh của Tôn Tẫn. Ông tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Vì Tôn Tẫn bị chặt mất đôi chân chỉ có thể ngồi xe lăn, vậy nên sau khi chuyển sinh thành Gia Cát Lượng, ông vẫn rất thích ngồi xe lăn (thói quen từ đời trước). Về sau, cả đời ông lại khổ sở vì Lưu Bị, hỏa thiêu đội quân Giáp mây, âm đức bị tổn hại, nên không thể thành Tiên.
Lưu Bá Ôn
Gia Cát Lượng bất đắc dĩ đành phải chuyển sinh. Lần chuyển sinh này, ông chính là Lưu Bá Ôn, trợ giúp Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Mông Nguyên. Ông công thành thân thoái, tu Đạo thành Tiên.
Truyền thuyết kể rằng, Lưu Bá Ôn trợ giúp Chu Nguyên Chương lấy được thiên hạ, được phong làm quan lớn. Một hôm, ông tình cờ đi ngang qua một ngôi miếu, nhìn thấy bên trong có một tấm bia đá, trên tấm bia đá có viết: “Tiền Khương Thượng, hậu Tôn Tẫn, ngũ bách niên tiền Gia Cát Lượng, ngũ bách niên hậu Lưu Bá Ôn”. Xem xong, ông biết rõ mình chính là Gia Cát Lượng chuyển sinh nên toại nguyện mà từ quan về ở ẩn.
Lại có tương truyền rằng: Lưu Bá Ôn, tể tướng triều Minh là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, trăm trận trăm thắng. Lưu Bá Ôn sống ở Thiếu Thành, lại chính là phủ Khổng Minh, trên phủ có treo một bảng hiệu: “Thiên hạ đệ nhất nhân”. Ông liền hỏi rằng đây là ai mà lại to gan như vậy, dám tự phong bản thân là “thiên hạ đệ nhất nhân”.
Tùy tùng nói cho ông biết, đó là Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc. Lưu Bá Ôn nghe xong, vô cùng tức giận, thầm nghĩ: “Khổng Minh tuy là bậc kỳ tài, nhưng cũng không thể tự xưng mình là “thiên hạ đệ nhất nhân” được! Lưu Bá Ôn ta nếu sinh sớm mấy trăm năm, nói không chừng có khi còn vượt xa hơn cả ông ta!”.
Lưu Bá Ôn ra lệnh: “Các người mau dẹp bỏ tấm bảng hiệu này cho ta!”. Khi tùy tùng tháo bỏ tấm bảng đó đi, lại phát hiện thấy bên trong còn có một tấm bảng nữa, trên đó ghi một bài thơ: “Tiền triều quân sư Gia Cát Lượng, hậu triều quân sư Lưu Bá Ôn, Ngũ bách niên tiền ngô tri nhu, ngũ bách niên hậu nhu tri thùy?” (Tạm dịch: Quân sư triều trước là Gia Cát Lượng, quân sư triều sau là Lưu Bá Ôn, năm trăm năm trước ta biết ngươi, năm trăm năm sau ngươi có biết ta?). Lưu Bá Ôn đối mặt với tấm bảng hiệu, quỳ mãi không dậy nổi.
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Video: Trí huệ người xưa: Nói là một năng lực, nhưng im lặng mới là cách hành xử của bậc cao nhân