Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Như đã nói ở kì trước, năm 270 TCN, Phạm Thư diện kiến Tần vương, lập ra sách lược “viễn giao cận công”, lấy nước Hàn và nước Nguỵ làm mục tiêu tấn công đầu tiên. Năm này là năm mà nước Tần tấn công vùng Yên Dữ của nước Triệu, bị Mã Phục Quân Triệu Xa đánh bại…
Năm 262 TCN, danh tướng Bạch Khởi của nước Tần công chiếm Dã Vương, đem lãnh thổ nước Hàn chia thành hai vùng bắc nam. Vùng Thượng Đảng ở phía bắc có 17 toà thành, tình thế lúc đó vô cùng nguy cấp. Thái thú Thượng Đảng là Phùng Đình đem 17 toà thành hiến cho nước Triệu. Bình Nguyên Quân Triệu Thắng phụng mệnh Triệu Hiếu Thành Vương đi nhận đất.
Điều này đã kích phát đại nộ của Tần vương, khiến ông trực tiếp xúc tiến trận quyết chiến giữa hai nước Tần – Triệu, đây là trận chiến Trường Bình rất nổi tiếng trong lịch sử (Trường Bình chi chiến – 長平之戰).
Trận chiến Trường Bình bắt đầu từ năm 262 TCN, khi đó Bình Nguyên Quân phụng mệnh Triệu vương đến Thượng Đảng nhận đất. Lúc Triệu Hiếu Thành Vương phái Bình Nguyên Quân đi nhận 17 thành thì có mang theo một lệnh phong thưởng, phong cho Thái thú Thượng Đảng là Phùng Đình làm Hoa Dương Quân.
Phùng Đình rơi nước mắt nói: “Tôi không muốn trong cùng một lúc mà làm ba việc bất nghĩa. Việc bất nghĩa thứ nhất là, tôi giúp nước Hàn trấn thủ Thượng Đảng, nhưng tôi không thể lấy thân chết theo nước (1), không thể cùng tồn vong với thành trì.
Việc bất nghĩa thứ hai là, Hàn vương từng nói với tôi: ‘Nếu bảo vệ không được 17 toà thành, thì hãy đem 17 toà thành cống nạp cho nước Tần’. Tôi đã không nghe lời của Hàn vương, đem 17 toà thành hiến dâng cho nước Triệu, đây là làm trái mệnh lệnh. Việc bất nghĩa thứ ba là, nếu tôi lại tiếp nhận phong thưởng chức Hoa Dương Quân, tương đương với việc bán nước cầu vinh, cho nên tôi không thể nhận phong chức được”.
Ông cũng đưa ra một cảnh cáo cho Bình Nguyên Quân Triệu Thắng: “Vốn dĩ nước Tần cho rằng, 17 toà thành của Thượng Đảng là nằm trong túi nước Tần, lập tức có thể hạ được. Nhưng hiện tại nó lại rơi vào tay nước Triệu, tương đương với việc người nước Tần gieo trồng còn người nước Triệu thu hoạch. Nước Tần nhất định sẽ rất phẫn nộ, thỉnh mong nước Triệu hãy chuẩn bị thật tốt sách lược đối phó với nước Tần”.
Triệu vương không nghe kiến nghị của Phùng Đình. Hai năm sau tức năm 260 TCN, nước Tần lại một lần nữa tấn công Thượng Đảng. Năm 261 TCN, nước Tần không lập tức tấn công nước Triệu, mà là tấn công vùng đất Câu Thị của nước Hàn (nay thuộc đông nam thành phố Yển Sư tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), còn tấn công thêm một thành thị của nước Hàn là Lận (nay thuộc huyện Liễu Lâm tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc).
Năm 260 TCN, nước Tần phái Đại tướng quân Vương Hột tấn công Thượng Đảng. Do Thượng Đảng không có bất cứ phòng hộ tác chiến nào nên nhanh chóng thất thủ, bách tính 17 thành trì lũ lượt lánh nạn qua nước Triệu. Triệu vương khi đó mới phái binh cứu viện Thượng Đảng, tướng lãnh quân khi đó là Liêm Pha.
Liêm Pha trong lần này viện trợ cho Thượng Đảng quả thật là không thuận lợi, có vài lần chạm trán đánh nhau với nước Tần, hễ đánh là thua. Cho nên Liêm Pha mới thay đổi chiến lược của ông, không phát sinh xung đột chính diện nữa, mà là lui về Trường Bình, nay là phụ cận huyện Cao Bình tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ở nơi đó ông xây doanh trại, thành luỹ, dự tính hạ gục nước Tần bằng loại phương thức làm tiêu hao sức chiến đấu của quân Tần.
Vì nước Tần xuất binh viễn chinh nên việc đảm bảo hậu cần là vô cùng khó khăn, trong khi trận quyết chiến giữa hai nước Tần – Triệu lại tiêu tốn binh lực vô cùng lớn, vì thế việc tiêu hao lương thực, cỏ cho ngựa, cung tiễn… cũng rất lớn. Vì thế cách làm của Liêm Pha đã kéo đổ sức mạnh quân Tần. Khi đó quân Tần tự nhiên sẽ thoái binh.
Lúc này Triệu Hiếu Thành Vương lại phạm một sai lầm, chính là đang trong lúc quyết chiến giữa hai nước Triệu – Tần, ông lại muốn… giảng hoà với nước Tần. Khi đó ở triều đình có hai luồng ý kiến. Một luồng ý kiến là phái một người rất có địa vị, rất có thân phận đến nước Tần, nói rằng nước Triệu rất coi trọng quan hệ ngoại giao với nước Tần, phái người đó đến Tần giảng hoà. Người đề xuất kiến nghị này là vị đại thần tên là Lâu Xương.
Nhưng kiến nghị này bị Thượng khanh Ngô Khanh kiên quyết phản đối. Ngô Khanh nói: “Hiện tại chúng ta muốn giảng hoà với nước Tần, chúng ta không nên phái người đi Tần, mà là nên phái người đi nước Nguỵ và nước Sở. Nếu nước Nguỵ và nước Sở muốn giúp nước Triệu, họ có thể tấn công nước Tần từ phía sau, nước Tần tương đương với phía bắc tác chiến với Triệu còn phía nam đánh nhau với Sở – Nguỵ. Với hai tuyến tác chiến như vậy họ sẽ không chịu được. Dưới tình huống này, nước Tần khẳng định sẽ giảng hoà với nước Triệu ta”.
Kết quả Triệu Hiếu Thành Vương đã phạm sai lầm thứ hai. Nói về sai lầm thứ nhất, ông đã không phái người trấn thủ Thượng Đảng. Còn sai lầm thứ hai là thất bại trên bình diện ngoại giao. Ông đã phái một người có địa vị rất cao tên là Trịnh Chu đến nước Tần giảng hoà.
Trịnh Chu đến nước Tần, cách thức nước Tần tiếp đãi ông rất trịnh trọng, nên ông cảm thấy nước Tần rất coi trọng việc giảng hoà với nước Triệu.
Ở nước Triệu, Triệu Hiếu Thành Vương hỏi đại thần Ngô Khanh: “Ngươi thấy viễn cảnh giảng hoà này sẽ như thế nào?”. Ngô Khanh đáp: “Nước Triệu coi như thất bại nhục nhã rồi. Vì sao nước Tần khách khí với Trịnh Chu như vậy, họ muốn phóng đại chuyện này lên. Nước Tần phóng đại ầm ĩ sự kiện này, chính là tín hiệu minh xác cho các nước chư hầu. Nước Triệu không muốn đánh với nước Tần, ngay cả nước Triệu đều không muốn đánh với nước Tần, thế thì các nước khác còn có thể đến cầu cứu nước Triệu không? Điều này tương đương với đoạn dứt ý định cầu cứu nước Triệu của các nước chư hầu”.
Ngô Khanh nói thêm: “Hiện tại sứ giả các nước đã lần lượt đến nước Tần để chúc mừng thắng lợi trong cuộc chiến ngoại giao này”.
Nhưng nước Tần xác thực gặp phải sự kháng cự ngoan cường của Liêm Pha, họ làm thế nào cũng không tấn công vào được thành luỹ mà Liêm Pha đã dựng lên. Khi đó Ứng Hầu Phạm Thư của nước Tần đề xuất một sách lược, chính là kế phản gián.
Ông phái người đến nước Triệu tung tin đồn nhảm nói: “Con người Liêm Pha này, người nước Tần không sợ ông bởi vì ông đánh đâu thua đấy. Ông giao chiến mấy lần với Vương Hột, mỗi lần đánh là mỗi lần thua, cho nên lão già Liêm Pha này không thể dùng được nữa.
Nước Tần sợ ai? Người nước Tần sợ nhất là danh tướng Triệu Quát khí huyết sục sôi (2). Nếu để Triệu Quát lãnh binh, nước Tần không dám tấn công, quân Tần khẳng định sẽ cuốn gói về nước”.
Tin này được lan truyền khắp nước Triệu, truyền đến tai của Triệu vương. Triệu vương muốn dùng Triệu Quát để thay cho Liêm Pha. Quyết định này nhận phải sự kiên quyết phản đối của ba người. Người thứ nhất là phụ thân của Triệu Quát, danh tướng Triệu Xa.
Lại nói, phụ thân của Triệu Quát là danh tướng nước Triệu, chính là Mã Phục Quân Triệu Xa. Năm 270 TCN, khi nước Tần tấn công vùng Yên Dữ của nước Hàn, rất nhiều người đều không dám kháng cự nước Tần, nhưng Triệu Xa dám dấn thân bước ra (3), ở Yên Dữ mà đại phá quân Tần, uy danh chấn động thiên hạ.
Con trai của Triệu Xa chính là Triệu Quát. Triệu Quát thuở thiếu thời cũng rất thích đọc binh thư. Phàm là binh thư của phụ thân đã đọc thì ông đều xem, hơn nữa ông còn rất thích đàm luận cùng phụ thân, như làm thế nào để dùng xe đánh trận (Nguyên gốc là Hành xa đả trượng – 行軍打仗: chạy/dùng xe đánh trận) mỗi lần đàm luận đều rất rõ ràng mạch lạc (4), Triệu Xa nói không bằng cậu ta. Cậu ta cảm thấy sách lược dùng xe đánh trận dễ như ăn bánh (5), như trò chơi con trẻ.
Mẫu thân của Triệu Quát cũng rất cao hứng, bà nói với Triệu Xa: “Ông xem con trai của chúng ta có tầm nhìn rộng làm sao! Cả nhà đều là hổ tướng. Với phong thái như vậy, tương lai cậu có thể làm một vị tướng tuyệt vời”.
Triệu Xa khi ấy biến sắc, ông nói: “Triệu Quát không thể làm tướng quân đâu, chính vì cậu nói đánh trận dễ như ăn bánh, nói ra rất nhẹ nhàng, chính vì nguyên nhân đó nên không thể làm tướng.
Chiến tranh là rất nguy hiểm, sự việc trên chiến trường là thiên biến vạn hoá, trong chớp mắt xảy vạn biến… Làm một vị tướng, trên vai mình không chỉ là thắng thua của cuộc chiến mà còn là tất cả tính mệnh của binh sĩ. Một quyết sách sai lầm có thể đưa mấy chục vạn binh sĩ lâm vào tử địa (chỗ chết). Đây là trách nhiệm lớn như thế.
Cho nên làm tướng thì phải hết sức thận trọng (6), giống như đi vào vùng nước sâu, như đi giày trên mặt băng, phải vô cùng cẩn thận dè chừng. Đồng thời phải tham khảo kĩ càng từ quần chúng, trưng cầu ý kiến rộng khắp, dù như thế vẫn còn sợ có những chỗ không chu toàn”.
Triệu Quát đàm luận về dụng binh đánh trận thì nói giống như trò chơi con trẻ, nếu làm tướng quân, cậu ta nhất định là một con người ương bướng cố chấp, cậu ta cảm thấy rất nhẹ nhàng, cảm thấy bản thân rất dũng mãnh, cậu ta nhất định sẽ không trưng cầu ý kiến của mọi người. Vì không nghe ý kiến của người khác, cho nên nếu Triệu Quát lãnh binh, tương lai nhất định sẽ huỷ hoại chôn vùi quân đội của nước Triệu.
Triệu Xa lúc lâm chung có cho gọi Triệu Quát đến bên giường nói: “Phụ thân đây lãnh binh đánh trận nhiều năm như thế, mỗi ngày đều phải kiêng dè thận trọng chính là sợ bại trận. Hôm nay ta đang nằm trên giường, cũng sắp chết rồi, mới dám buông lỏng để nói một lời khẩu khí. Con không có tài của một đại tướng, ngàn vạn lần không được gánh vác trách nhiệm này, nếu không trong tương lai sẽ có một ngày, con sẽ làm bại hoại gia phong họ Triệu ta, bại hoại danh dự nước Triệu ta”.
Sau đó ông lại bảo mẫu thân của Triệu Quát (vợ ông) lại nói: “Tương lai nếu có một ngày Triệu vương muốn bổ nhiệm Triệu Quát làm tướng quân, bà hãy đem những lời khi nãy của ta nói rõ cho Triệu vương, nhất định không thể để Triệu Quát làm tướng quân”.
Ông phó thác xong mới nhắm mắt xuôi tay. Sau khi Triệu Xa mất, Triệu vương vô cùng thương nhớ ông. Vì ông lập rất nhiều công lao hiển hách, Triệu vương mới để Triệu Quát kế thừa tước vị Mã Phục Quân của Triệu Xa.
Lời bạch: Triệu Hiếu Thành Vương tiếp nhận 17 thành của quận Thượng Đảng đã chọc tức nước Tần. Năm 260 TCN, nước Tần phái Tả thứ trưởng Vương Hột đánh hạ Thượng Đảng. Triệu vương phái Liêm Pha cứu viện. Liêm Pha chuẩn bị “đường dài” để kháng cự nước Tần, ông kiên trì cách thức: thủ chứ không đánh. Vì điểm yếu là chi phí hậu cần của nước Tần quá lớn nên đã kéo đổ sức mạnh Tần binh.
Nước Tần đành chịu. Sau đó Phạm Thư mới nghĩ ra cách phái người lan rộng tin đồn, Triệu vương lại nghe và tin những điều đó, chuẩn bị đưa Triệu Quát thay thế Liêm Pha. Khi đó Triệu Xa đã tạ thế, mẫu thân Triệu Quát liệu có nghe di ngôn của phu quân, ngăn trở Triệu Quát làm tướng quân, bà có thể thuyết phục được Triệu vương chăng?
Mẫu thân Triệu Quát nghe nói con trai muốn lãnh binh đánh trận, bà tự mình yết kiến Triệu vương, truyền đạt những lời di ngôn lúc Triệu Xa lâm chung. Bà nói với Triệu Hiếu Thành Vương: “Tôi rất hiểu phu quân quá cố của tôi. Khi ông ấy làm tướng, mỗi ngày đều cung cung kính kính nâng bát cơm, dâng cho những người lớn tuổi, những người có đạo đức, bưng bát cơm đến chỗ họ, ông ấy rất biết tôn kính người khác.
Đồng thời hễ ông tiếp nhận mệnh lệnh của quân vương, lúc yêu cầu lãnh binh đánh trận, ông đem tất cả tiền mà quốc vương thưởng tặng, phân phát cho tướng quân, binh sĩ, thủ hạ bên dưới, còn bản thân ông một đồng cũng không lấy. Hơn nữa ngày ấy khi tiếp nhận mệnh lệnh, ông lập tức truyền đến bên trong quân doanh. Ông đặc biệt giỏi trong việc lắng nghe kiến nghị của người khác, cho nên Triệu Xa là một vị tướng vô cùng tốt”.
Bà nói thêm: “Nhưng Triệu Quát, nó hoàn toàn không giống phụ thân nó. Hễ nó nghe việc quốc vương bổ nhiệm nó làm tướng, nhận gánh trách nhiệm lớn như thế, nó không phải vô cùng cẩn thận, vô cùng kiêng dè; mà là thích thú nghênh ngang, không có binh sĩ nào dám ngẩng đầu nhìn nó, nó là người rất uy phong.
Đồng thời nó còn lấy tất cả tiền quân vương thưởng tặng đem về nhà. Nó còn chuẩn bị đất đai, chỗ nào làm nhà thì tốt, chỗ nào đất đai phì nhiêu… trang bị cho mình những miếng đất tốt. Cho nên người con trai này không giống phụ thân của nó, không thể dùng được”.
Rốt cuộc Triệu Hiếu Thành Vương có nghe những khuyến cáo của mẫu thân Triệu Quát không? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Chú thích:
(1) Nguyên gốc là Tuẫn quốc – 殉國: chết/hy sinh vì nước.
(2) Nguyên gốc là Huyết khí phương cương – 血氣方剛: Khí huyết cứng cỏi, ở đây dịch là khí huyết sục sôi.
(3) Nguyên gốc là Đĩnh thân nhi xuất – 挺身而出: dấn thân bước ra phía trước.
(4) Nguyên gốc là Đầu đầu thị đạo – 頭頭是道: từng chút từng chút đều là con đường rõ ràng, rõ ràng mạch lạc, đâu ra đó.
(5) Nguyên gốc là Tiểu thái nhất điệp – 小菜一碟: như món ăn nhẹ để đầy trên đĩa, dễ như ăn bánh.
(6) Nguyên gốc là Chiến chiến căng căng – 戰戰兢兢: hết sức dè dặt thận trọng.
Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch