Tám mươi mốt nạn tai ương trọn,
Dựng cơ huyền, chí hướng sắt son.
Ma lui là bởi lòng bền,
Muốn thành chính pháp phải nên tu trì.
Chớ bảo lấy kinh kia là dễ,
Công thánh tăng chịu khổ xiết bao.
Xưa nay hòa hợp tuyệt sao!
Một ly sai biệt kết nào nổi đan!

Trải qua 81 nạn trên hành trình thỉnh kinh, cuối cùng thầy trò Đường Tăng cũng tới được Linh Sơn, bái kiến Phật Tổ. Đường Tăng đắc quả vị Phật, được Như Lai phong chức Chiên Đàn Công Đức Phật. Có người nói Đường Tăng từ đầu đến cuối dựa vào sự bảo hộ của các đồ đệ, chỉ xét tấm lòng thành hướng Phật và nhẫn nại chịu khổ mà thành công quả. Đó cũng là một phương diện. Bên cạnh đó, quả vị đắc được nhất thiết phải tương ứng với cảnh giới tâm tính của người tu luyện. Bạn đọc yêu mến Tây du ký [1]  đã bao giờ tự hỏi, trước khi đắc quả vị Phật, Đường Tăng đã tu đến cảnh giới nào chưa?

Đường Tăng kiếp trước vốn là đồ đệ thứ hai của Như Lai, tên gọi Kim Thiền Tử. Vì không chịu nghe thuyết pháp, coi thường đạo giáo, nên bị Phật Tổ đày linh hồn xuống cõi phương Đông, đầu thai tu luyện lại từ đầu. Kiếp này, Đường Tăng làm con trai của trạng nguyên Trần Quang Nhị và tiểu thư Mãn Đường Kiều, con gái của thừa tướng Ân Khai Sơn. Trên đường đi nhậm chức tri phủ Giang Châu, Trần Quang Nhị bị hai tên lái đò đánh chết, quẳng xác xuống sông. Một tên cướp giả mạo làm trạng nguyên, ép tiểu thư phải lấy hắn. Tiểu thư nhẫn nhục sống thừa, khi vừa sinh hạ Đường Tăng thì lén thả trôi sông, hy vọng trời thương, sau này mẹ con được đoàn tụ. 

Đường Tăng trôi theo dòng nước đến cửa chùa Kim Sơn, được hòa thượng Pháp Minh nuôi nấng, đặt tên là Giang Lưu. “Thời gian thấm thoát, ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc Giang Lưu đã mười tám tuổi, trưởng lão bèn cắt tóc đi tu, đặt pháp danh là Huyền Trang. Huyền Trang từ ngày làm lễ thụ giới, bền lòng tu đạo”. Vì đức hạnh vẹn tròn, Huyền Trang được Hoàng đế Đường Thái Tông mời thuyết pháp tại “Đại hội thuỷ lục”, siêu độ cho vong hồn. Vừa hay, Quán Thế Âm Bồ Tát vâng mệnh Phật Tổ sang phương Đông tìm người đi lấy kinh, biết được pháp sư Huyền Trang là người có đạo đức, bèn báo cho vua Đường hay ở chùa Đại Lôi Âm, nước Thiên Trúc có pho kinh Đại thừa có thể cứu vớt các vong hồn thoát khổ, bất tử trường sinh. Đường Tăng chẳng hiềm gian nan, ngay lập tức ứng mệnh vua sang Tây Trúc thỉnh kinh, lời rằng: “Nếu không sang tới nơi, không thỉnh được chân kinh, thần xin chết, không dám trở về nước, mãi mãi chịu đắm chìm nơi địa ngục”. 

Tạo hình Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong phim Tây Du Ký

Hoàng đế Thái Tông cảm ân đức của Đường Tăng, đến trước bàn thờ Phật, lạy pháp sư bốn lạy, và gọi là “ngự đệ thánh tăng”. Trước khi Đường Tăng lên ngựa, nhà vua mời ông một chén rượu thuần khiết để tỏ lòng lưu luyến, còn nhặt một nhúm đất bỏ vào trong chén, mong thánh tăng “Nhớ nhung mảnh đất quê hương/ Đừng ưa đất khách bạc vàng ngàn cân”. Chịu ơn sâu của Thái Tông hoàng đế, suốt dọc đường thỉnh kinh vào sinh ra tử, Đường Tăng dường như không giây phút nào quên sứ mệnh vua trao, chỉ tâm tâm niệm niệm mau chóng tới được Linh Sơn, bái kiến Phật Tổ.

Ví như ở hồi thứ 32: “Núi Bình Đính, Công tào truyền tín/ Động Liên Hoa, Bát Giới gặp tai”, Đường Tăng trải lòng với các đồ đệ:

Ngày nào vâng lệnh vượt Tràng An
Bái Phật đinh ninh suốt dọc đường
Xá lị tượng vàng phô rực rỡ
Phù đồ ánh ngọc tỏa huy hoàng
Vượt nhiều sông thẳm trong trời đất
Trải mấy non cao khắp thế gian
Khói sóng mịt mờ và bát ngát
Thân này bao thuở được thanh nhàn?

Hay ở hồi thứ 36: “Ngộ Không xử đúng muôn duyên phục/ Đạo tà phá bỏ thấy trăng soi”, sau khi vượt qua đại nạn ở núi Bình Đính, thầy trò tiếp tục lên đường, “kể sao cho xiết bao nỗi ăn gió nằm sương, tắm mưa gội nắng”. Tam Tạng hỏi các đồ đệ rằng: “Các đồ đệ ạ, trời Tây làm sao mà khó đi thế? Ta nhớ từ ngày rời Tràng An, dọc đường xuân qua hè tới, thu hết đông tàn, kể đã bốn năm năm rồi, mà sao đi mãi không tới?”.

Trước cảnh núi non hiểm trở, hơi lạnh bốc cao, chim ngàn khắc khoải, ông cũng cảm thán mà rằng:

“– Ngộ Không ơi, ta:

Từ ngày ích tri thề non ấy
Vương bất lưu hành tiễn ngoại thành
Gặp gỡ dọc đường tam lăng tử
Thúc roi trên nẻo mã đâu linh
Trèo non lội suối tìm kinh giới
Vượt vách qua khe hái phục linh
Phòng kỷ một thân như trúc lịch
Hồi hương bao thuở đến triều đình?” [2].

Nỗi niềm tha thiết ấy của Đường Tăng là động lực giúp ông nhẫn chịu nhiều khổ nạn, dẫu sa vào hang hùm miệng cọp cũng quyết chẳng quay đầu. Tới hồi thứ 44: “Thần thông vận phép đun xe nặng/ Tâm chính trừ yêu vượt cổng cao”, sau khi thu phục được Đà Long ở sông Hắc Thuỷ, Tây du ký lại có thơ rằng:

Thoát nạn sang Tây quyết lấy kinh
Qua bao núi đẹp, trải bao thành
Ác là thỏ lặn ngày rồi tháng
Hoa rụng chim kêu hạ gối xuân
Thế giới ba nghìn thu đáy mắt
Đại châu bốn vạn giẫm bàn chân
Nằm sương ăn gió bao lao khổ
Ai biết ngày nào lấy được kinh?

Hành trình thỉnh kinh gian nan đằng đẵng, không biết bao giờ mới tới nơi, chẳng biết những yêu ma quỷ quái nào đang chờ đợi. Từ đầu đến cuối, ta thấy một Đường Tăng thân người yếu đuối, sợ hãi lo âu, nhưng luôn sắt son một lòng tiến về Linh Thứu. Thậm chí, có khi vì vội vàng lên ngựa cho khỏi lỡ độ đường, ông đã mắc mưu yêu quái, rơi xuống đáy sông Thông Thiên. Ở đây, ông mới thổ lộ rõ sơ hở trong lòng: “Việc đời chỉ có danh lợi là tối trọng. Bọn họ chỉ vì lợi mà liều chết quên sống. Thầy trò tôi vâng mệnh vua giữ vẹn lòng trung cũng là vì danh. So với họ cũng chẳng khác nhau mấy tý”.

Hành trình đi Thiên Trúc thỉnh kinh bản chất chính là một hành trình tu luyện, những yêu ma quỷ quái cản đường cũng là biểu hiện của ma tâm, ma tính trong mỗi người. Có thể nói, nếu như cầu chân kinh cứu độ chúng sinh là thệ nguyện tốt đẹp cảm động trời đất của Đường Tăng, thì giữ vẹn lòng trung chính là động lực ban đầu đưa ông dấn thân trên con đường tu luyện. Đối với người bình thường, động lực này là hoàn toàn chân chính; nhưng với đệ tử Phật môn, nó đã trở thành một chấp trước căn bản cần buông bỏ trên hành trình trở về chân ngã. 

Tạo hình Đường Tăng trong Tây Du Ký

Giữ vẹn lòng trung, ở một chừng mực nào đó phản ánh tâm cầu danh, vì danh, bảo vệ danh tiết của bản thân mà dấn bước. Vì cái danh này mà Đường Tăng rơi xuống đáy sông Thông Thiên, cũng vì cái danh này mà ông bắt Tôn Ngộ Không cõng yêu quái Ngân Giác, đến nỗi bị hắn đè cả ba ngọn núi lên vai, máu bảy khiếu phun ra. Tâm vì danh này khiến Đường Tăng chấp trước vào hình tướng bề ngoài, nên mới dễ dàng bị Hoàng Mi quái đánh lừa khi hắn biến hoá thành hình dạng Phật Tổ, ở trong chùa “Tiểu Lôi Âm”. Trong khi đó, tu luyện chân chính là tu cái tâm này của con người, chứ không phải biểu hiện tốt đẹp cho người khác xem, cũng không phải tụng kinh, quét tháp, xây chùa, bái Phật mà thành. 

Tới trước ngày đến được Linh Sơn, Đường Tăng vẫn ôm trong lòng cái tâm cầu mong bái Phật. Vì mong cầu nóng ruột nên ông càng lo lắng mỗi khi gặp núi hiểm sông sâu, chỉ sợ gặp yêu ma cản lối. Tới tận hồi 85, sau khi vượt nạn ở nước Diệt Pháp, Tôn Ngộ Không mới nhắc nhở ông rằng:

Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu,
Linh Sơn tại tâm có xa nào.
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp.
Chân tháp tu hành tốt biết bao!

và rằng:

“Tâm lắng có mình riêng chiếu, tâm còn vạn cảnh đều trong, sơ suất lỡ lầm thành biếng nhác, nghìn đời muôn kiếp chẳng thành công, chỉ cần một tấm lòng thành, Lôi Âm ở ngay trước mặt. Cứ nhìn sư phụ hốt hốt hoảng hoảng, thần trí bất an, thì đạo lớn còn xa lắm và Lôi Âm cũng xa lắm! Sư phụ chớ nghi ngờ cứ đi theo con”.

Tôn Ngộ Không với hình tượng con khỉ là biểu hiện cho cái tâm của Đường Tam Tạng (“tâm viên”), lời nhắc nhở ấy của Ngộ Không cho thấy đến bước này, Đường Tăng đã ngộ ra được yếu chỉ của tu hành. Đó là hướng nội tu tâm, vô cầu mà tự đắc. 

Chẳng mấy chốc, thầy trò đã đến chân núi Linh Sơn. Tây du ký, hồi thứ 98: “Vượn ngựa thục thuần nay thoát xác/ Công quả viên mãn gặp Như Lai” có viết:

“Bốn thầy trò Đường Tăng đi thẳng ra đường cái. Thật đúng là Tây phương đất Phật, khác hẳn các nơi khác. Nhìn thấy nào là cỏ ngọc hoa ngà, thông xưa tùng cổ. Nơi đây, nhà nào cũng làm việc thiện, người nào cũng muốn nuôi sư, chân núi gặp người tu hành, rừng sâu thấy người niệm Phật. Bốn thầy trò ngày đi đêm nghỉ được chừng sáu bảy hôm, bỗng nhìn thấy một dải lầu cao, mấy tầng gác thẳm. Thật là:

Trăm thước vút trời,
Chọc tầng Vân Hán.
Cúi đầu thấy mặt trời lặn,
Với tay hái được sen trời.
Khung cửa sổ thoáng rộng như nuốt vũ trụ xa xôi,
Điện các hệt tấm bình phong chắn tầng mây bạc.
Hạc vàng báo tin thu, cây cỗi,
Loan tía đưa thư muộn, gió hòa.
Thật chính nơi cung báu ngọc ngà,
Quả một cõi tụng kinh đàm đạo.
Hoa đón xuân về khoe đỏ rực,
Tùng cao mưa gội tán xanh om.
Hoa thắm quả thơm chiu chít quanh năm,
Linh thiêng phượng múa ôi tuyệt đẹp!

Thầy trò Đường Tăng đã đến Phật quốc.

Tam Tạng chỉ roi, nói:

– Ngộ Không ơi, vùng này đẹp quá! 

Hành Giả nói:

– Sư phụ những lúc gặp cảnh giả, Phật tượng giả, thì vội sụp người lạy. Bây giờ gặp cảnh thật, Phật tượng thật lại chẳng xuống ngựa là cớ sao?

Tam Tạng nghe vậy, vội vàng xuống ngựa…”

Chi tiết tưởng chừng bâng quơ mà nội hàm thật sâu sắc. Lúc này đây, không còn một Đường Tăng truy cầu bái Phật, chỉ có một thánh tăng tâm cảnh điềm nhiên, thưởng ngoạn vẻ thù thắng của Linh Sơn mà lòng không gợn chút âu lo giữ vẹn lòng trung hiếu. Đường Tăng lúc này đây đã thực sự đạt đến cảnh giới của “vô cầu”. 

Trong “U song tiểu ký” có hai câu cũng nói về cảnh giới vô dục, vô cầu như thế:

“Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc,
Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”.

Tạm dịch:

Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn,
Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan.

Bao tháng ngày Đường Tăng mong cầu sốt ruột tới được Linh Sơn thì toàn gặp yêu ma quỷ quái, mà giây phút tâm ông lắng lại, Linh Sơn đã ở ngay trước mặt rồi. Nên mới nói, người tu luyện nhờ xả bỏ nên mới đắc được, làm việc không mang chấp trước thì ý – ngôn – hành tự nhiên ở trong Đạo. 

Kết thúc hành trình thỉnh kinh, Đường Tăng được Như Lai phong cho chính quả chức to là Chiên Đàn Công Đức Phật. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đã đều thành chính quả, Bạch Long mã cũng được trở về với chân như. Có bài thơ làm chứng rằng:

Một thể chân như lạc xuống trần,
Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch,
Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn.
Chính quả chiên đàn theo đại giác,
Hoàn thành phẩm chức thoát trầm luân,
Kính truyền thiên hạ ân vô lượng,
Năm thánh ngồi cao bất nhị môn.

Chú thích:

[1] Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học. 

[2] Bài thơ làm bằng tên các vị thuốc: ích tri, vương bất lưu hành, tam lăng tử, mã đâu linh, kinh giới, phục linh, phòng kỷ, trúc lịch, hồi hương.

Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986

Thanh Ngọc