“Cổ văn quan chỉ” (古文观止) là bộ tổng tập tản văn của dân tộc Hán qua các triều đại. Sách do học giả Ngô Sở Tài (1655 – ?) và Ngô Điệu Hầu đời nhà Thanh biên soạn, Ngô Hưng Tộ (1632 – 1698) thẩm định.
Sách được tuyển chọn vào năm vua Khang Hy thứ 34 (1695). Từ “Quan chỉ” có nguồn gốc từ «Tả truyện», nghĩa là: Tác phẩm này tuyển chọn những bài tinh hoa, tiêu biểu nhất của thể văn ngôn (viết bằng ngôn từ sách vở cổ của Trung Quốc).
Tác phẩm tuyển chọn chủ yếu là loại tản văn, thơ và văn biền ngẫu. Thời Tiên Tần chọn chủ yếu những áng văn từ Tả truyện, thời Hán chủ yếu từ Sử ký, thời Đường – Tống chủ yếu từ Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Thức… Những bài tản văn ghi lại câu chuyện về con người và sự việc, kèm theo bình luận với những câu ngụ ngôn sâu sắc, lời ít ý nhiều, trong đó có nhiều câu nói kinh điển. Dưới đây trích lại một số câu.
1. Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi. Cư miếu đường chi cao tắc ưu kỳ dân, xử giang hồ chi viễn tắc ưu kỳ quân.
Xuất xứ: Nhạc Dương lâu ký
Tác giả: Phạm Trọng Yêm (范仲淹, 989 – 1052).
Đại ý:
Người có phẩm đức cao thượng không vui hay buồn vì chuyện được mất vật ngoài thân. Làm quan trong triều thì lo lắng cho muôn dân; lưu lạc chốn giang hồ thì lo lắng cho quốc quân.
2. Cổ giả phú quý nhi danh ma diệt, bất khả thắng ký, duy thích thảng phi thường chi nhân xứng yên.
Xuất xứ: Báo Nhậm an thư
Tác giả: Tư Mã Thiên (司马迁, 145 – 87 TCN).
Đại ý:
Người dù phú quý nhưng tên tuổi không lưu truyền lại thì rồi cũng đi vào quên lãng, chỉ có những người vượt trội mới để lại danh tiếng trên đời.
3. Cổ chi sở vị hào kiệt chi sĩ giả, tất hữu quá nhân chi tiết, nhân tình hữu sở bất năng nhẫn giả.
Xuất xứ: Lưu Hầu luận
Tác giả: Tô Thức (苏轼, 1037 – 1101)
Đại ý:
Những kẻ sĩ được người xưa xem là hào kiệt chắc chắn có tiết tháo hơn người, có lòng nhẫn nại mà người thường không có.
4. Giản năng nhi thắng chi, trạch thiện nhi thung chi, tắc trí giả tận kỳ mưu, dũng giả kiệt kỳ lực, nhân giả bá kỳ huệ, tín giả hiệu kỳ trung.
Xuất xứ: Gián Thái Tông thập tư sơ
Tác giả: Ngụy Trưng (魏徵, 580 – 643).
Đại ý:
Chọn người tài năng mà trọng dụng họ, chọn người có ý kiến hay mà tiếp nhận họ. Người trí sẽ phát huy hết mưu lược của họ, người dũng sẽ dốc hết sức mạnh của họ, người nhân ái sẽ thực hiện ân đức của họ, người thành tín sẽ báo đáp bằng lòng trung của họ.
5. Phu di dĩ cận, tắc du giả chúng; hiểm dĩ viễn, tắc chí giả thiếu. Nhi thế chi kỳ vĩ, quế quái, phi thường chi quan, thường tại vu hiểm viễn, nhi nhân chi sở hãn chí yên, cố phi hữu chí giả bất năng chí dã.
Xuất xứ: Hoa Sơn ký
Tác giả: Vương An Thạch (王安石, 1021 – 1086).
Đại ý:
Nơi đường đi dễ và khoảng cách gần thì người đến chơi nhiều; nơi đường đi khó và khoảng cách xa thì người đến chơi ít. Nhưng những phong cảnh kỳ vĩ, hiếm thấy thường ở nơi hiểm trở, xa xôi, ít người đến. Vì thế, người không có ý chí thì không thể đến được.
6. Phu chiến, dũng khí dã. Nhất cổ tác khí, tái nhi suy, tam nhi kiệt. Bỉ kiệt ngã doanh, cố khắc chi.
Xuất xứ: Tào Quệ luận chiến
Tác giả: Tả Khâu Minh (左丘明, 502 – 422 TCN).
Đại ý:
Chiến đấu nhờ vào dũng khí. Hồi trống đầu kích động dũng khí quân sĩ, hồi trống thứ hai và thứ ba thì dũng khí giảm dần. Khi dũng khí của địch cạn còn dũng khí của ta lên thì có thể khắc chế được kẻ địch.
7. Nhàn tĩnh thiếu ngôn, bất mộ vinh lợi. Hảo đậu sách, bất cầu thậm giải; mỗi hữu hội ý, tiện hân nhiên vong thực.
Xuất xứ: Ngũ Liễu tiên sinh truyền
Tác giả: Đào Uyên Minh (陶渊明, 365 – 427 TCN).
Đại ý:
Ông Ngũ Liễu sống yên tĩnh nhàn hạ, ít nói chuyện, cũng không thèm vinh hoa phú quý. Thích đọc sách, khi đọc chỉ mong lãnh hội được ý chính, không sa đà theo đuổi giải thích từng câu từng chữ; mỗi khi lãnh hội được một nội dung trong sách thì vui mãi không dứt.
8. Đệ tử bất tất bất như sư, sư bất tất hiền vu đệ tử. Vấn đạo hữu tiên sinh, thuật nghiệp hữu chuyên công, như thị nhi dĩ.
Xuất xứ: Sư thuyết
Tác giả: Hàn Dũ (韩愈, 768 – 824).
Đại ý:
Trò không hẳn không bằng thầy, thầy không hẳn giỏi hơn trò. Học vấn mỗi người có sở trường riêng, chỉ vậy mà thôi.
9. Lão đương ích tráng, ninh di bạch thủ chi tâm? Cùng thư ích hiền, bất trụy thanh vân chi chí.
Xuất xứ: Đằng Cương các tự
Tác giả: Vương Bột (王勃, 649 – 676).
Đại ý:
Tuổi tuy đã cao, nhưng chí khí vẫn mạnh mẽ, sao có thể thay đổi tâm tính khi bạc đầu? Cảnh ngộ tuy gian khổ, nhưng ý chí càng kiên định, quyết không thể từ bỏ chí khí hiên ngang của mình.
Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: