Trong một ngọn núi ở Nguyên Châu, Hồ Nam có một người nông dân tên là Triệu Tử Thọ. Anh ta cậy mình giàu có mà kiêu ngạo, suốt ngày uống rượu, ăn chơi và đánh bạc.
Không lâu sau, Tử Thọ đã đem toàn bộ tài sản có giá trị của gia đình tiêu hết. Lúc này, trong nhà anh ta chỉ còn hơn 20 mẫu ruộng cằn cỗi, quanh năm thiếu nước. Cuối cùng anh ta cũng muốn đem số ruộng này bán nốt đi.
Nhưng mà số ruộng ấy vốn cằn cỗi nên không có người nào muốn mua cả. Trong gia tộc nhà anh ta có một người tên là Hữu Dung vì không đành lòng nhìn anh ta đói khát nên đã bỏ ra 500 lượng để mua lại.
Một hôm, Tử Thọ đột nhiên nghe thấy trên núi phát ra một tiếng gầm như tiếng sấm. Từ trong núi đá chảy ra một dòng suối bao quanh khu ruộng mà anh ta đã bán. Nguồn suối này có thể tưới tiêu nước cho lúa từ lúc cấy đến lúc trưởng thành. So với mấy năm trước thì hoàn cảnh này đã trở nên thuận lợi gấp 3 đến 4 lần. Phần ruộng của nhà anh ta từ thiếu chất dinh dưỡng giờ đây đã trở nên màu mỡ phì nhiêu. Ai nhìn thấy cũng tiếc rẻ.
Lúc ấy, một người trong dòng tộc của Tử Thọ là Hữu An thấy tiếc quá. Anh ta thèm muốn có mảnh ruộng đó bởi vì nếu có mảnh ruộng đó thì chẳng mấy chốc số lúa thu hoạch được sẽ đủ số vốn bỏ ra, thậm chí còn giúp anh ta giàu có hơn. Thế là Hữu An đã nói với Tử Thọ rằng: “Cậu bán ruộng cho Hữu Dung trước đây ruộng cằn cỗi nên giá rẻ quá, bây giờ ruộng đã màu mỡ nên giá tăng lên gấp mấy lần. Cậu có thể đi đến chỗ Hữu Dung mà thương lượng tăng giá, nếu không được thì ta sẽ cho cậu vay số tiền chuộc lại số ruộng kia. Sau đó cậu bán lại cho ta, ta sẽ trả thêm cho cậu 300 lượng nữa.”
Sau khi trao đổi xong, Tử Thọ đã làm theo những lời này. Anh ta đến nhà Hữu Dung và đòi tăng giá ruộng. Hữu Dung trả lời: “Ruộng này ta vốn không muốn mua đi bán lại. Bởi vì trước đây thấy cậu nghèo khó khổ sở nên muốn mua lại để cậu có chút vốn làm ăn. Nay ta không thể nâng giá lên được, nếu như cậu muốn lấy lại thì cứ trả lại cho ta đủ số tiền ta mua là được rồi.”
Hữu An bấy giờ mang đủ số tiền 500 lượng đến cho Tử Thọ chuộc lại mảnh ruộng kia và còn bỏ thêm 300 lượng để mua lại.
Đến tháng 9 năm đó lại bắt đầu vào vụ mới. Bỗng nhiên một đêm nọ, sấm sét và mưa gió kéo đến khiến núi đá sụp đổ và lấp kín dòng suối nhỏ. Ruộng màu mỡ bây giờ lại trở thành ruộng cằn cỗi. Không lâu sau, gia nghiệp nhà Hữu An và Tử Thọ đều suy bại, còn Hữu Dung vẫn giàu có như cũ.
Hữu Dung không vì lợi ích mà động tâm thậm chí còn không gợn một chút lòng tham nên vẫn giàu có. Hữu An vì tham lam nên từ giàu có mà chuyển thành bần cùng. Cổ nhân nói “giới tham mà dưỡng đức,” những lời giáo huấn này vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta học tập.
Mai Trà
Xem thêm: