Những khán giả yêu thích phim “Tể tướng Lưu gù”, “Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam”… một thời đều không xa lạ gì với nhân vật Hoà Thân – đại tham quan nổi tiếng dưới thời Càn Long, Trung Quốc. Về mức độ tham nhũng, xa hoa của Hoà Thân, nhiều bài viết đã phân tích khối tài sản khổng lồ 1.100 triệu lạng bạc của ông ta tương đương 15 năm thu quốc khố của triều Thanh. Bài viết này xin lạm bàn về luật Nhân quả báo ứng trong cuộc đời của tham quan họ Hoà.
Tiểu sử
Hoà Thân (1750-1799) sinh năm Càn Long thứ 15, ba tuổi đã mồ côi mẹ, chín tuổi lại mồ côi cha. Thuở nhỏ đi học, Hoà Thân bộc lộ tài năng xuất chúng, nhưng tham gia khoa cử không đỗ.
Hoà Thân được thế tập chức Khinh xa đô uý, về sau lần lượt kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, tới tận Thượng thư bộ Lại, thượng thư bộ Hộ, lĩnh ban quân cơ đại thần, tổng quản nội vụ phủ, thậm chí được ban “công tước”, còn cao hơn cả quan nhất phẩm triều đình.
Được Càn Long sủng ái và che đỡ, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường, vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, bòn rút của công. Tài sản của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian tương truyền rằng “Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có”. Cung Vương Phủ nơi Hoà Thân ở là toà kiến trúc đồ sộ xa hoa bậc nhất, với tổng diện tích 60.000 m2, trong đó phủ đệ chiếm 32.000 m2, hoa viên chiếm 28.000 nghìn m2.
Sở Văn lục đời sau viết: “Đời Thanh Cao Tông Càn Long, Hòa Thân làm quan, quyền thế khuynh đảo thiên hạ, kết bè kết đảng, đi lệch chính đạo mà kẻ sĩ trong triều chẳng dám ngăn trở”.
Tham ô vơ vét của cải, khiến quốc khố cạn kiệt, dân chúng bần cùng
Khi Càn Long về già, các việc trọng đại trong triều rơi vào tay Hòa Thân. Ông ta không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm dâng lên hoàng đế đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung. Hoàng đế Càn Long chẳng hỏi han gì, những người khác chẳng ai dám cáo nên lòng tham của Hòa Thân ngày càng lớn.
Theo quy định của triều đình nhà Thanh, các quan lại không được tham gia vào việc kinh doanh và thu lợi nhuận từ những dịch vụ như cầm đồ, buôn bán… Tuy nhiên, khi đương chức, Hòa Thân đã tự mình mở hàng loạt những cơ sở kinh doanh hái ra tiền như cửa hàng lương thực, cửa hàng buôn bán vũ khí, nhà hàng, quán rượu, ngân hàng. Dựa vào thân thế quyền lực của mình, Hòa Thân đã thâu tóm hầu hết những cửa hàng buôn bán cùng nhiều mặt hàng tại kinh thành và nhiều tỉnh lớn khác tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Tất cả chuỗi cửa hàng của Hòa Thân tại kinh thành đều có những kẻ có máu mặt cầm đầu và sẵn sàng trừ khử những đối thủ không thích nằm dưới trướng của đại thần họ Hòa.
Vào năm 1788, trong 3.000 vạn lạng bạc tiền thu thuế, Càn Long đã để Hòa Thân tự do chi phí cho mọi hoạt động của triều đình. Với tài biến hóa sổ sách, Hòa Thân đã đút túi không dưới vài vạn lạng. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại “bị hút” về phủ Hòa Thân.
Chuyện kể rằng, có vị quan tuần phủ vì muốn được thăng chức sau nhiều năm phải giữ chân tèm nhèm trong tỉnh, đã mang số tiền 5.000 lạng bạc làm lộ phí lên kinh đô. Kết quả là viên quan này chỉ được một tên hầu trong phủ họ Hòa ra tiếp kiến. Trong buổi gặp gỡ này, tên hầu đánh tiếng rằng muốn gặp được Hòa Thân ít nhất phải mang 20 vạn lạng, còn dưới mức đó thì đừng bao giờ bước chân tới phủ.
Một số triều thần và các quan địa phương đã ra sức đi vơ vét của cải châu báu để đến cầu thân với Hòa Thân. Đại quan ép tiểu lại, tiểu lại nặn bóp dân chúng, đời sống dân chúng đương nhiên ngày càng khốn khó.
Ác giả ác báo
Gia Khánh nguyên niên năm 1796, Càn Long tổ chức đại lễ truyền ngôi hoàng vị cho Hoàng thập ngũ tử Gia Thân vương Vĩnh Diễm, còn mình thì làm Thái Thượng hoàng. Càn Long vẫn chưa thực sự trao quyền cho tân hoàng đế, nên Hoà Thân vẫn làm mưa làm gió trong triều. Vương pháp chưa trị được Hoà Thân, nhưng “thiên pháp” là luật nhân quả báo ứng đã bắt đầu trừng phạt ông ta.
Kinh điển Đạo gia là “Thái thượng cảm ứng thiên” có viết:
Dùng thế lực áp bức
Đoạt tài sản của người
Thì thân gia quyến thuộc
Cũng chịu chung ác báo
Cho đến chết mới thôi.
Chúng ta hãy xem điều này ứng nghiệm thế nào lên Hoà Thân:
Tháng 7 năm Gia Khánh nguyên niên (1796), con trai thứ vốn được Hòa Thân quý như vàng như ngọc mới được 2 tuổi thì qua đời.
1 tháng sau, người em trai thân thiết Hòa Lâm chết vì bệnh dịch ở quân doanh Quế Châu, Hoà Thân mất đi một cánh tay đắc lực.
Năm tiếp theo, Hòa Thân lại đau đớn mất đi đứa cháu đích tôn duy nhất.
Đến tháng 2 năm Gia Khánh thứ 2 (1797), người vợ tào khang Phùng thị cũng ra đi. Vậy là trong vòng 3 năm liên tiếp, Hòa Thân đã mất đi 4 người thân yêu.
“Thái thượng cảm ứng thiên” cũng viết:
Đoạt tiền tài phi nghĩa
Như ăn thịt độc vào
Uống rượu độc giải khát
Ác nghiệp tránh khỏi sao!
No nê đâu chẳng thấy
Thần chết đến sẵn rồi.
Mùng 3 tháng 1 năm Gia Khánh thứ 4, tức ngày 7/2/1799, Thái Thượng hoàng Càn Long băng hà, thọ 88 tuổi, thế là chỗ dựa vững chắc của Hòa Thân sụp đổ. Mùng 4, Hoàng đế Gia Khánh bất ngờ bãi miễn chức Quân cơ đại thần của Hòa Thân, lệnh cho ngày đêm phải túc trực linh cữu Thái Thượng hoàng trong Đại nội không được phép ra ngoài, tạm thời giam lỏng trong cung, cách li không cho liên lạc với bên ngoài.
Ngày mùng 8, cùng với việc thông báo di chiếu của Thái Thượng hoàng, Gia Khánh tuyên bố miễn chức của Hòa Thân, giao cho Hình bộ tống giam, đồng thời giao cho Thành Thân vương Vĩnh Tinh, Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền, Ngạch phụ Lạp Vượng Đa Nhĩ Tế, Định Thân vương Miên Ân, Đại học sĩ Lưu Dung, Đổng Cáo, Binh bộ Thượng thư Khánh Quế phụ trách điều tra gia sản và thẩm vấn.
Ngày 11, sau khi thẩm vấn và kê biên tịch thu tài sản, Gia Khánh công bố 20 tội lớn của Hòa Thân, đồng thời thông báo việc này đến tất cả Tổng đốc và Tuần phủ các tỉnh để cùng bàn luận và định tội Hòa Thân.
Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Sau đó, Gia Khánh quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, bắt ông ta tự vẫn tại phủ ngày 22 tháng 2 năm 1799. Cuộc đời đại tham quan kết thúc trong đau đớn lạnh lẽo ở tuổi 49.
Mạn đàm về “cái mê” của Hoà Thân
Hoà Thân nhờ được sự sủng ái của hoàng đế mà phất lên như diều, đây có thể là phúc phận tích từ đời trước của ông ta. Ở địa vị “dưới một người, trên vạn người”, nếu Hoà Thân làm quan thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước, thì có lẽ phúc báo của ông sẽ càng ngày càng nhiều, chẳng những không mất phú quý vinh hoa mà còn được cả gia quyến an khang, diên niên trường thọ.
Nhưng Hoà Thân không cưỡng nổi dục vọng vật chất, nên đã dùng nhiều thủ đoạn bất chính đoạt lấy tiền tài. Ông ta tưởng rằng tiền tài này có được nhờ những thủ đoạn của mình; nhưng kỳ thực, tiền tài này đều “khấu hao” từ phúc đức của ông ta mà ra. Bởi nếu một người không có phúc đức ấy, thì có giỏi dùng thủ đoạn cỡ nào cũng uổng công. Vơ vét hưởng thụ càng nhiều thì phúc đức càng chóng hết. Khi phúc đức hưởng hết sạch rồi, mà nghiệp ác đã tạo đầy thân rồi, thì báo ứng lập tức đến. Vợ con, em trai, cháu đích tôn chết, rồi chính mình bị xử tử, chưa chắc đã đền hết nợ nghiệp, còn phải đền tội dưới âm gian.
Bài học của Hoà Thân còn đó, thế nhưng hôm nay vẫn có hết vụ án tham nhũng này đến vụ án tham ô nọ. Thậm chí có người còn cho rằng: những kẻ bị sa lưới là vì “xui xẻo”, “kém khôn”, còn nếu có ô che đỡ, hành sự cẩn thận thì không hề gì. Hỡi ôi! Khi người ta mất đi tâm kính sợ với Trời Đất Thần linh, không còn tin vào thiện ác hữu báo, thì mới u mê phóng túng dục vọng đến thế.
Nhưng “Người đang làm, Thần đang nhìn”, nhân quả báo ứng không sai một ly! Ai có thể “hạ cánh an toàn” ở đời này, cũng không thể “hạ cánh an toàn” ở đời sau; ai có thể tránh sự trừng phạt của pháp luật, cũng không thể tránh sự trừng phạt của luật Nhân quả. Câu chuyện Hoà Thân còn đó, chẳng phải là lời răn của lịch sử đó sao?
Thanh Ngọc
Tham khảo: Wikipedia.