Lão Tử nói: “Đa tàng tất hậu vong”. Thu về càng nhiều thì mất cũng càng nhiều. Trở ngại mê hoặc lớn nhất đời người là nằm ở chữ ‘Tàng’. Một khi bị chữ này vây khốn thì con người sẽ không thể có được cuộc sống hạnh phúc. 

1. Tàng là tham lam

Trong lễ sinh nhật của Nghiêm Tung, vị quan đứng đầu nội các triều đại nhà Minh, cả triều văn võ đều tới chúc tụng, quà mừng chất đầy như núi. 

Khi đó, Nghiêm Tung bán quan bán tước, Nghiêm Thế Phiên nắm giữ Công bộ, tài sản của ông nhiều hơn cả ngân khố quốc gia. 

Khi yến tiệc kéo dài đến nửa đêm, khách khứa đều đã ra về, Nghiêm gia bắt đầu khóa cửa cài then. 

Thời điểm đó là mùa đông, khí trời rất lạnh, không may có vị quan ngự sử bị lạc đường, ở trong sân lạnh cóng đến phát sợ. Đại tổng quản của Nghiêm gia liền mời viên quan đến chỗ của mình nghỉ ngơi và cho ngủ lại một đêm. Vì thế, vị quan Ngự sử tỏ ra rất cảm kích. 

Quản gia nói: “Bây giờ ta giúp ông, thế nhưng tương lai rất có thể phải nhờ ông giúp ta. Ông nợ ta một ân tình, ngày sau xin hãy tha cho ta một mạng”

Nghe vậy, trong lòng viên quan Ngự sử cảm thấy rất lo lắng và nói: “Lão Nghiêm ở nội các giống như mặt trời lúc giữa trưa, thân phận của ngài cũng tôn quý như vậy, đâu cần đến lượt ta tới tha mạng cho ngài chứ”. 

Kết quả mấy năm sau, thế lực của Nghiêm Tung bị lật đổ, Nghiêm Thế Phiên bị giết, Nghiêm phủ nhận tra xét. Viên quản gia cũng bị bỏ tù vì tội nhận tham ô hối lộ, sau khi phán hình phạt, vị quan Ngự sử cũng giúp giảm bớt tội danh cho ông. Cuối cùng vị quản gia được miễn tử hình, bị lưu đày tới vùng biên cương.

Phùng Mộng Long từng nói: “Nghiêm Tung và Nghiêm Thế Phiên đã đọc đủ các loại thi thư, nhưng nhận thức của họ lại không bằng một quản gia, mạng mất nhà vong, còn gì đáng tiếc hơn chứ”. 

Trăng tròn rồi lại khuyết, nước đầy thì sẽ tràn. Thịnh cực tất suy, đây chính là thiên đạo. Nếu không biết kiềm chế thì chỉ có thể nhận về sự bại vong.

Hòa Thân, viên quan thời nhà Thanh, làm quan 20 năm đã vơ vét 1,1 tỷ lượng bạc trắng, mấy ngàn khoảnh đất, mấy trăm căn nhà. Sự giàu có của ông vượt quá thu nhập ngân sách quốc gia trong 15 năm.

Thế nhưng về sau thì sao? Hòa Thân té ngã, Gia Khánh ăn no. Cuối cùng Gia Khánh ban cho ông một dải lụa trắng để kết liễu cuộc đời. Cho đến hôm nay, cuộc đời của Hòa Thân bất quá cũng chỉ là một trò đùa viết nên chuyện cười mà thôi. 

2. Tàng là chiếm giữ của riêng 

Chu Quốc Bình từng kể một câu chuyện. 

Một con thỏ trắng rất yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên. Nó đặc biệt thích mặt trăng, trong mắt thỏ, việc tròn khuyết của mặt trăng đều ẩn chứa nét đẹp riêng. Vì vậy, Vương của chư Thần đã gặp mặt và nói rằng nó có tài năng ngắm trăng nên đã quyết định ban mặt trăng cho nó. Từ đó trở đi, mặt trăng không còn thuộc về mọi người nữa mà chỉ thuộc về một mình con thỏ trắng này.

Hằng đêm thỏ trắng vẫn vào rừng và nằm trên bãi cỏ ngắm trăng. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, tâm trạng nhàn nhã trước đó đã không còn, trong đầu nó chỉ còn một suy nghĩ: “Đây là ánh trăng của ta!” Nó nhìn mặt trăng một cách chăm chú, giống như một người giàu nhìn chằm chằm vào kho vàng của mình. Khi mây đen che khuất mặt trăng, nó lại trở nên lo lắng, sợ rằng kho báu sẽ bị mất. Mỗi khi trăng tròn khuyết, lòng nó đau như cắt, giống như có ai đó đã cướp mất của nó vậy. Ở trong mắt con thỏ này, sự tròn khuyết của mặt trăng không còn đẹp như trước nữa, thay vào đó là chứa đựng mối nguy hiểm, khiến nó lún sâu vào sự được mất. 

Nhưng khác với con người, thỏ trắng cuối cùng cũng vẫn giữ được trái tim trong sáng, nó đi bái kiến Vua của các vị Thần, thỉnh cầu thu hồi lại quyết định kia. 

Ngày nay có rất nhiều người thực hiện việc tàng trữ. Họ làm vậy đơn giản chỉ vì thích, lặng lẽ chiêm ngưỡng cũng thấy bằng lòng. Thế nhưng khi bắt đầu thực hiện việc mua đi bán lại thì việc thưởng thức cái đẹp đối với món đồ mà bản thân cất trữ liền bị che mất. Tâm trạng cũng dần dần thay đổi. Để cho văn vật có giá trị hơn, ngọc khí đẹp hơn, họ không quan tâm đến sức khỏe của bản thân, từ mặt bạn bè, thậm chí còn buông thả nguyên tắc sống của chính mình. 

Lão Tử nói: Yêu thích càng nhiều thì hao tổn càng lớn. Tham lam quá mức thì tất nhiên sẽ có tiêu hao lớn. Mọi thứ bên ngoài đều chỉ là mây khói thoảng qua, sao cứ phải cố chấp sở hữu, lo được lo mất mà khiến cho nội tâm không còn được an bình. 

Ngàn năm trước, ở nơi mà trận chiến Xích Bích diễn ra, Tô Đông Pha đã cảm khái nói: Gió mát trên sông, trăng sáng trên đỉnh núi, tai nghe được âm thanh, mắt nhìn thấy cảnh sắc. Tay có thể lấy không giới hạn và dùng mãi không hết, đây là kho báu vô tận của Tạo Hóa. 

Hưởng thụ gió mát trăng thanh là niềm vui lớn nhất của cuộc đời, sao cứ phải giữ cho riêng mình?

3. Tàng là không biết nên làm thế nào

Một đạo diễn từng cảm khái rằng: “Sau khi bước sang tuổi 50, xem ngắm cảnh sắc chỉ để khiến bản thân vui vẻ, những điều khác đều không cần thiết”. 

Nhưng thật không hiểu vì sao mấy đồng bạc lẻ tiền lời mà có thể khiến anh em trở mặt? Thứ đó có lực lớn mạnh như vậy sao? Kiếm bao nhiêu tiền mới đủ, liệu có thể mang đi được không? 

Khi đi ngắm cảnh vùng Sơn Tây, tôi nhìn thấy hơn chục khu nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Chủ nhân của những ngôi nhà này đều đã qua đời và không thể tìm được thông tin về họ. Người cầm chìa khóa nhà đều không có liên hệ gì với họ. 

Vậy mới nói, những đồ vật ngoài thân, sinh chẳng đem đến chết không mang theo. Thời gian người sống trên đời bất quá cũng chỉ mấy chục năm, sao cứ phải chấp nhất vào những thứ đó? 

Lão Tử nói: “Người biết đủ mới giàu có”. 

Biết đủ, biết thỏa mãn mới là tài phú của con người. Người biết đủ sẽ không nghĩ quá nhiều, không đặt mục tiêu quá cao, không để cho ham muốn lợi dục làm vấy bẩn thân tâm, không lừa gạt thì tâm không sầu lo, sống được thoải mái an nhiên. 

Trên đời có hàng ngàn thứ cám dỗ, ham muốn quá nhiều sẽ khiến thân tâm mệt mỏi và nhận lấy cái chết, cho nên đến lúc cần buông tay thì hãy cứ bình thản buông tay đi. 

Có đủ cơm ăn áo mặc, không lo âu đã là một chuyện may mắn rồi. Không bị bệnh tật hay tai họa thì bản thân đã có đủ phúc trạch. Đời người không có không hạnh phúc mà chỉ có không biết đủ nên mới khiến người sầu khổ mà thôi.

Theo Vision Times
San San biên dịch

 

Từ Khóa: