Lịch sử có ghi chép lại, một ngày, vua Nghiêu đang đi trên đường thì thấy có hai người phạm tội bị bắt. Sau khi vua Nghiêu thấy được, trong lòng rất lo lắng: “Người dân của ta sao lại bị bắt, lẽ nào họ phạm pháp sao?”.

Ngài vội bước tới, tìm hiểu sự việc rõ ràng thì biết được rằng họ đã ăn trộm đồ nhà người. Vua Nghiêu hỏi tiếp: “Các ngươi vì sao lại ăn trộm đồ nhà người ta vậy?”.

Hai phạm nhân này liền nói: “Tại vì trời hạn hán không có mưa, nhà chúng tôi đã không còn gì để ăn nữa, nên đành bất đắc dĩ mới ăn trộm đồ nhà người ta”.

Vua Nghiêu nghe xong thì rất khó chịu, ông liền nói với quân lính áp giải: “Ngươi hãy thả hai người này ra, và bắt ta đi”.

Những người có mặt khi đó đều rất kinh ngạc: “Sao lại có thể bắt quân vương được chứ?”.

Vua Nghiêu liền nói: “Ta đã phạm phải hai tội lớn. Thứ nhất, vì ta không có đức hạnh, cho nên mới chiêu cảm đến trời đất, dẫn đến hạn hán không có mưa. Thứ hai, là ta đã không giáo dục nhân dân của mình cho tốt, nên họ mới đi ăn trộm nhà người ta”.

Sự kiểm điểm hối lỗi chí thành của vua Nghiêu, tấm lòng chân thành này, trời đất đều cảm động, mây đen lập tức kéo đến làm mát dịu cả bầu trời, mang đến những hạt mưa trong lành.

Sở dĩ vua Nghiêu được người đời ca ngợi là bậc Thánh vương, là mẫu mực cho việc quản lý quốc gia bằng đức trị, chính là bởi ông luôn tự tìm lỗi ở bản thân mình. Ông là tấm gương cho các vua chúa, quan lại, trí thức hàng nghìn năm nay học tập.

Khi người dưới sự quản lý của mình mắc lỗi, việc đầu tiên ông tìm lỗi ở chính mình, rằng với trách nhiệm người đứng đầu, đã không giáo dục, chỉ bảo cho cấp dưới tránh xa cái xấu, cái ác, tránh xa tội lỗi. Chỉ người có đạo đức rất cao, tinh thần mạnh mẽ và lòng nhân ái bao dung mới có thể có được hành xử như thế.

Thiên tai nhân họa ập đến cũng chỉ vì đạo đức con người đi xuống. (Ảnh: ekonomski.mk)

Với các bậc cổ nhân xưa, khi xảy ra thiên tai, tai họa tự nhiên trong địa phận mình quản lý, họ cũng tìm lỗi ở chính bản thân, từ đó mà tu sửa đức hạnh để càng ngày càng hoàn thiện hơn. Việc này nghe có vẻ vô lý và không thể tin được đối với con người trong xã hội hiện đại, nhưng lại rất phổ biến trong các xã hội truyền thống xưa. Các sử sách thư tịch cổ cũng có chép chuyện vua Thang cầu mưa như sau:

Thương Thang lật đổ Hạ Kiệt, khi mới lên ngôi, thiên hạ đại hạn 5 năm liên tiếp, không có thu hoạch. Vua Thang lệnh cho sử quan đốt củi ở ngoại ô, lấy bò, dê, lợn làm vật tế thần, tế lễ Thượng Đế, cầu xin giáng mưa. Khi vua Thang cầu khấn, ông tự trách mình, kể ra sáu sai lầm mà ông có thể đã phạm phải, cầu xin Thượng Đế ban phúc giáng mưa, nhưng không có chút hiệu quả nào.

Đại hạn kéo dài sang năm thứ bảy, dân không có đường sống, vua Thang lại lập đàn ở Tang Lâm (rừng dâu), tế trời cầu mưa. Sử quan sau khi bốc quẻ nói, phải dùng người sống làm vật tế Thần, Thượng Đế mới giáng mưa. Vua Thang nói: “Cầu mưa vốn là để vì dân, sao có thể vì thế mà hại dân được?”.

Vua Thang quyết định lấy chính mình làm vật tế thần. Ông cắt tóc, móng chân móng tay, tắm gội sạch sẽ, rồi ngẩng mặt lên trời cầu khẩn rằng: “Chỉ mình con có tội, không thể trừng phạt muôn dân, nếu muôn dân có tội, đều giáng tội xuống mình con, không được vì mình con bất tài mà hại đến sinh mệnh bách tính”.

Cầu khẩn xong ông liền ngồi lên đống củi, đúng lúc đồng cốt sắp châm lửa đốt củi thì mưa lớn bỗng nhiên trút xuống, kéo dài suốt mấy vạn dặm. Bách tính vui sướng, hát ca nhảy múa ca ngợi đại đức của vua Thang.

Khi có thiên tai, tai họa xảy ra ở vùng nào đó, thì người đứng đầu vùng đó (vua, quan) đều tự tìm lỗi ở bản thân mình, rằng đã không đủ đức khiến muôn dân bị vạ lây.

Vua Thang lấy bản thân làm thành vật tế lễ, một lòng vì dân mà làm cảm động trời cao trút cơn mưa xuống. (Ảnh: bosmurah.com)

Trong Phật giáo cũng giảng cộng nghiệp. Khi một vùng nào đó, con người sống không thiện lương, các hành vi giả dối, lừa lọc, xảo trá để giành giật lợi ích cá nhân, đánh giết lẫn nhau vì tình, tiền, quyền… thì vùng đó đã tạo ra cộng nghiệp, tức nghiệp lực do mọi người tạo ra. Khi đó, các thiên tai, tai họa, dịch bệnh sẽ giáng xuống, theo luật nhân quả, ác giả ác báo, thiện giả thiện báo.

Do đó để tránh tai họa thì chỉ có cách duy nhất là hành thiện tích đức. Khi làm việc thiện thì sẽ tiêu trừ bớt nghiệp lực (nghiệp ác). Khi người dân cả vùng đều biết sửa lỗi, trừ ác phục thiện, cái cộng nghiệp kia sẽ được tiêu trừ, thì tai họa sẽ không xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì rất nhỏ, rất yếu, chỉ nhắm vào những người chưa phục thiện, hoặc đại ác mà thôi.

Trong hàng ngàn năm lịch sử, cứ thời nào vua, quan và người dân đều biết tuyên dương đức, tự tìm lỗi ở chính bản thân mình, tu sửa mình trừ bỏ cái xấu, cái ác, hành thiện tích đức, thì khi đó xuất hiện thời thái bình thịnh trị. Ngược lại, bất kỳ thời kỳ nào, vua, quan, người dân bỏ việc tu thân, không biết ước thúc bản thân, buông thả phóng túng dục vọng cá nhân, thì khi đó cái ác hoành hành, các tai họa như thiên tai, nhân họa, dịch bệnh cũng hoành hành… Đó chính là luật Nhân Quả, và cũng là điềm báo để con người nhận thức được cái sai trái, xấu xa, ác độc của mình mà tu sửa trừ bỏ, trước khi quá muộn.

Nam Phương