Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm:  Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5, Kỳ 6 , Kỳ 7, Kỳ 8

Kiến An năm thứ 14 (tức năm 209), mùa xuân, tháng 3, Tào Tháo dẫn quân đến huyện Tiêu, đóng thuyền nhẹ, luyện thủy binh. Mùa thu, tháng 7, từ sông Qua tiến vào sông Hoài, lại ra Phì Thủy, đóng binh ở Hợp Phì, khai hoang lập đồn điền, trồng thược dược xen lẫn ruộng lúa.

Khi ấy, Tháo ban tờ lệnh, viết rằng: “Từ trước đến nay, quân mã chinh hành, hoặc gặp bệnh dịch, quân sĩ tử vong không thể trở về, thân nhân oán thán, trăm họ ly tán, kẻ nhân có thể lấy làm vui được sao? Chính là chuyện bất đắc dĩ vậy. Nay lệnh rằng, gia quyến những kẻ chết trận phàm là người không có sản nghiệp để tự sinh nhai thì quan huyện không được cắt lương, trưởng lại phải cứu tế, thăm hỏi để tỏ rõ ý nguyện của ta“.

Sau cuộc chiến Xích Bích, Chu Du tiến đánh Tào Nhân ở Giang Lăng, suốt một năm trời hao binh tổn lực. Sau Tào Nhân phải bỏ Giang Lăng mà chạy, dẫn quân về thủ ở Tương Dương, Phàn Thành. Lúc ấy, Lưu Bị chia một phần binh hợp lực cùng Chu Du công đánh Giang Lăng, còn quân chủ lực thì xuôi xuống phía Nam tiến đánh Kinh Châu, men theo phía Nam Trường Giang mà chiếm luôn 4 quận: Vũ Lăng, Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng.

Ít lâu sau, tướng Tào là Lôi Tự, thống soái ở Lư Giang, dẫn mấy vạn người đến theo Lưu Bị. Những quân binh Kinh Châu cũ trước đây nghe lời chiêu dụ cũng trở về quy thuận Lưu Bị không ít. Ở Đông Ngô, Tôn Quyền lấy Chu Du làm Thái thú Nam Quận, đóng ở Giang Lăng. Trình Phổ lĩnh chức Thái thú Giang Hạ, Lữ Phạm làm Thái thú Bành Trạch, Lã Mông làm Tầm Dương lệnh.

Lưu Bị dâng biểu lên Hán đế xin phong cho Tôn Quyền làm Hành xa kỵ tướng quân, lĩnh chức Từ Châu mục, lại dâng biểu xin phong Lưu Kỳ làm Thứ sử Kinh Châu. Lúc Lưu Kỳ chết, Lưu Bị tự lập làm Kinh Châu mục. Sau khi Chu Du chết, Tôn Quyền lấy một phần đất phong của Chu Du ở phía Nam (tức huyện Giang Lăng) trao cho Lưu Bị, tiếng là “cho mượn” để kết tình đồng minh. Bị lập doanh trại tại Du Khẩu, sau đổi tên thành Công An. Tôn Quyền lại gả em gái cho Lưu Bị. Hai nhà Tôn Lưu kết tình thông gia, củng cố đồng minh, quan hệ hữu hảo.

Sau đại chiến Xích Bích, Tôn- Lưu tiếp tục liên minh kháng Tào Tháo, đồng thời mở rộng quyền ảnh hưởng và tạo thành thế chân vạc sau này. (Ảnh: www.tipelse.com)

Kiến An năm thứ 15 (tức năm 210), Tào Tháo xây đài Đồng Tước ở Nghiệp Thành. Đài cao mười trượng, hai bên có hai đài phụ là Ngọc Long và Kim Phượng. Các đài cách nhau 60 bộ. Tào Tháo cho làm hai chiếc cầu nối vào đài trung tâm, tựa như hai chiếc cầu vồng ở lưng trời. Đài có hơn 100 gian điện ốc, hình dáng phóng khoáng tựa như cánh chim đang thong dong bay về núi.

Kiến An năm thứ 17 (tức năm 212), Tào Tháo lệnh cho bá quan triều đình lên đài Đồng Tước, dự yến dùng tiệc, làm phú vịnh thơ. Con thứ của Tháo là Tào Thực tư chất thông minh, hào hoa phong nhã, giỏi nghề văn chương, viết một mạch ra bài “Đồng Tước Đài phú“, cảm thán cảnh đẹp thiên nhiên, ngợi ca công đức Tào Tháo, còn lưu truyền đến nay:

Tòng minh hậu dĩ hì du hề,
Đăng tằng đài, dĩ ngu tình.
Kiến thái phủ chi quảng khai hề.
Quan Thánh đức chi sở dinh
Kiến cao môn chi tha nga hề,
Phù song khuyết hồ Thái thanh.
Lập trung thiên chi hoa quan hề,
Liên phi các hồ Tây Thành.
Lâm Chương thuỷ chi trường lưu hề,
Vọng viên quả chi tư vinh.
Lập song đài ư tả hữu hề,
Hữu Ngọc Long dữ Kim Phụng.
Liên nhị kiều ư đông tây hề,
Nhược trường không chi đế đống.
Phủ hoàng đô chi hoành lệ hề,
Khám vân hà chi phù động.
Hán quần tài chi lai tuỵ hề.
Hiệp phi hùng chi cát mộng.
Ngưỡng xuân phong chi hoà mục hề.
Thính bách điểu chi bi minh.
Vân thiên tuyên kỳ ký lập hề,
Gia nguyện đắc hồ song sinh.
Dương nhân hoá vu vũ trụ hề,
Tận túc cung vu thượng kinh.
Duy hoàn, văn chi duy thịnh hề,
Khởi túc phương hồ thánh minh.
Hưu hỹ! Mỹ hỹ!
Huệ trạch viễn dương.
Dực tá ngã hoàng gia hề.
Ninh bỉ tứ phương.
Đồng thiên địa chi quy lượng hề.
Tề nhật nguyệt chi huy quang.
Vĩnh quý tôn nhi vô cực hề.
Đẳng quân thọ ư đông hoàng.
Ngự long kỳ dĩ ngao du hề
Hồi loan giá nhi chu chương.
Tư hoá cập hồ tứ hải hề,
Gia vật phụ nhi dân khang.
Nguyện tư đài chi vĩnh cô hề,
Lạc chung cổ nhi vị hương!

Dịch thơ (Bản dịch Tử Vi Lang):

Noi đức sáng thánh quân rực rỡ,
Lên lầu đài hớn hở lòng xuân.
Xem công Thái Thú chăn dân,
Đức cao vời đã thấm nhuần nơi nơi.
Dựng lên giữa lừng trời xanh ngắt,
Đài nguy nga bát ngát không trung.
Mỹ quan nào kém non Bồng,
Gác cao, tây vực nhìn thông nẻo đoài.
Dòng Chương Thuỷ chảy dài trong suốt,
Tưới nhuần vườn cây tốt quả tươi…
Hai bên tả hữu hai đài:
Ngọc Long, Kim Phượng sáng ngời ánh dương.
Bắc hai cầu tây đông nối lại
Như cầu vồng sáng chói không gian.
Ngồi cao nhìn xuống cõi trần,
Đế đô mây ráng xoay vần nổi trôi…
Mừng rỡ thấy anh tài quy tụ,
Ứng mộng hùng chuyện cũ Văn Vương.
Gió xuân đầm ấm đưa hương,
Muôn chim đua hót du dương hài hoà.
Cao đẹp tựa trời mây muôn thuở,
Phúc nhà may chất chứa dài lâu.
Khắp cùng vũ trụ nhiệm màu,
Đề cao nhân hoá, kính chầu thượng kinh.
Noi Tề, Tấn nghĩ mình hưng thịnh,
Phò thánh minh cùng sánh công lao.
Xinh tươi bền vững biết bao!
Ơn sâu nước ngấm, đức cao xa đồn.
Phò tá đấng Chí Tôn gìn giữ
Xây thái bình thịnh trị bốn phương.
Phép trời khuôn đất đo lường.
Ánh trăng cùng với ánh dương điều hoà.
Tôn quý ấy truyền xa mãi mãi,
Thọ vô cùng, thọ với chúa Xuân!
Ngự long kỳ buổi an nhàn,
Hoặc khi vội vã, xe loan trở về.
Ơn giáo hoá tràn trề bốn biển
Vui mừng thay vật kiện dân khang!
Đài này đứng mãi hiên ngang,
Điểm tô kim cổ, son vàng thắm tươi…

Đài Đổng Tước được Tào Tháo xây dựng để cảm tạ trời cao phù hộ và tổ chức yến tiệc, ngắm cảnh, ngâm thơ. (Ảnh: blog.naver.com)

Bấy giờ, Tào Tháo lấy Nghiệp Thành làm trung tâm, xây dựng thành đô cho riêng mình. Ông cho xây đắp lại cung thành, bố trí lại hương xã, phố phường xung quanh, thay đổi bố cục phân tán, lỏng lẻo trước kia dưới thời Viên Thiệu. Nghiệp Thành dưới quy hoạch của Tào Tháo, từng phân khu đều có chức năng rõ ràng, kết cấu kiến trúc nghiêm cẩn. Tuyến đường lớn nhất chạy xuyên qua cổng thành, các đường nhánh chạy song song, tạo thành hình chữ Đinh, giao nhau ở ngay trước cửa cung điện. Các công trình ở Nghiệp Thành đều xây theo kiểu đối xứng qua một trục giữa như thế.

Lúc này, Nghiệp Thành không chỉ là trung tâm chính trị, quân sự, nghị bàn quốc sự mà còn trở thành trung tâm văn hóa lớn nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ. Ba cha con Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực cũng là ba thi hào lớn nhất đương thời, gây dựng nên một nền văn học Kiến An rực rỡ, phồn thịnh giữa cảnh chiến loạn liên miên thời Tam Quốc.

Cùng lúc đó, Tào Tháo thắt chặt kỷ cương, trừ sạch thói dâm dật, phóng túng của quan dân, dẹp bỏ hết việc tế tự các loại tà yêu, loạn quỷ, nêu cao chính giáo, gìn giữ sự toàn vẹn của văn hóa Thần truyền không bị bóp méo, xuyên tạc, bảo trì chính tín của người trong thiên hạ.

Tào Tháo lại tập hợp phương sĩ khắp nơi đưa về Nghiệp Thành. Các môn các phái phương thuật, đạo thuật đua nhau phát triển. Nghiệp Thành khi ấy trở thành trung tâm văn hóa Đạo giáo, phương thuật của cả nước. Người nước Ngụy trên dưới, già trẻ tu Đạo, gây nên phong trào, thúc đẩy sự phát triển hưng thịnh của Đạo giáo.

Tháng 12, Tào Tháo viết: “Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh“, trả lại vua Hán 3 huyện được phong, tỏ rõ ý chí của mình:

“Ta trước được cử Hiếu liêm, thuở trẻ tự thấy mình không phải là kẻ sĩ nổi danh nơi hang núi, sợ bị người trong nước thấy cái ngu hèn, muốn làm một chức Quận thú, ưa sửa nắn giáo hóa để gây tiếng tốt, khiến cho người đời biết rõ ta. Cho nên ngày trước ở Tế Nam, bắt đầu trừ tà diệt xấu, tuyển chọn công bằng, trái ý các quan Thường thị. Cho nên bị bọn cường hào giận, ta sợ gây họa cho người nhà, do đó xưng bệnh về quê.

Sau khi bỏ quan, tuổi vẫn đang trẻ, ngoảnh xem trong bọn cùng làm quan thì có kẻ tuổi đã năm mươi, còn chưa cho là già… Cho nên bỏ về quê nhà, ở phía đông huyện Tiêu năm mươi dặm đắp ngôi nhà nhỏ, muốn mùa xuân mùa hạ thì đọc sách, mùa đông mùa xuân thì săn bắn, tìm địa vị ở dưới đáy, muốn lấy nước bùn tự che thân, dứt ý qua lại với tân khách, nhưng không được như ý. Sau bị gọi làm Đô úy, chuyển làm Điển quân hiệu úy, muốn vì nước nhà mà đánh giặc lập công, mong được phong Hầu làm Chinh tây tướng quân, rồi đó đề chữ trên bia mộ là: “Mộ của Chinh tây tướng quân của nhà Hán là Tào Hầu”.

Đấy là chí của ta vậy. Nhưng lại gặp nạn Đổng Trác, bèn dấy nghĩa binh. Bấy giờ tụ quân được nhiều, nhưng thường tự giảm bớt, không muốn có nhiều. Vì sao như thế? Là vì quân nhiều thì ý nhiều, nếu tranh với địch mạnh thì chỉ chuốc lấy mầm họa, cho nên đánh mấy nghìn trận ở sông Biện, sau đó về đến Dương Châu tuyển quân, cũng không quá ba nghìn người, đấy là chí ta có hạn vậy.

Sau lĩnh chức ở Duyện Châu, phá hàng hơn ba mươi vạn quân Khăn Vàng. Lại gặp lúc Viên Thuật tiếm hiệu ở quận Cửu Giang, kẻ dưới đều xưng thần, đặt tên cửa là cửa Kiến Hiệu, áo mặc đều là loại của Thiên tử, hai vợ cùng tranh làm Hoàng hậu. Mưu chí đã định, có người khuyên Thuật lên ngôi Đế, bố cáo thiên hạ, hắn nói: “Tào Công vẫn còn, không nên”. Sau ta đánh bắt được bốn tướng của Thuật, bắt được nhiều người của Thuật, bèn khiến cho Thuật thua chạy tan vỡ, phát bệnh mà chết.

Kịp lúc Viên Thiệu chiếm miền Hà Bắc, thế quân mạnh mẽ, ta tự biết sức, thực không địch nổi, nhưng nghĩ rằng nhảy vào chỗ chết là vì nước, vì nghĩa mà diệt thân, cũng đủ truyền danh tiếng cho người sau. May mà phá được Thiệu, treo đầu hai con của hắn.

Lại nữa Lưu Biểu tự cho là hoàng tộc, ôm giữ lòng gian, chợt tiến chợt lùi để xem sự biến, chiếm được bản châu, ta lại định được, cuối cùng bình thiên hạ. Thân làm Tể tướng thế là tôn quý tột cùng của tôi thần rồi, còn mong gì hơn. Nay ta nói lời này, như là tự đại, nhưng muốn nói hết, không gì né tránh. Nếu nước nhà không có ta, thì không biết sẽ có mấy người xưng Đế, mấy người xưng Vương? Có kẻ thấy ta thế mạnh, tính vốn không tin vào mệnh Trời, ta sợ họ bàn riêng với nhau cho rằng ta có chí không khiêm tốn, mưu kế xằng bậy, ta thường đau đáu.

Dù được phong làm thừa tướng nhà Hán nhưng Tào Tháo vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo thống nhất thiên hạ trong khi có quá nhiều địch thủ. (Ảnh: Facebook)

Tề Hoàn, Tấn Văn lưu tiếng tốt đến nay là vì thế quân của họ rộng lớn mà vẫn tôn thờ nhà Chu vậy. Luận ngữ chép “Thiên hạ chia ba phần thì nhà Chu có đến hai phần trong đó, vậy mà còn thờ nhà Ân, thế thì đức của nhà Chu có thể nói là lớn lắm”. Đấy là có thể lấy nước lớn mà thờ nước nhỏ vậy.

Xưa kia Nhạc Nghị chạy đến nước Triệu, vua Triệu muốn cùng Nhạc Nghị đánh nước Yên. Nhạc Nghị cúi xuống mà khóc, đáp rằng: “Thần thờ Chiêu Vương, cũng thờ Đại vương. Nếu thần có lỗi, xin đày đến nước khác, đến chết là cùng, vẫn không nỡ hại lây đến dân chúng của nước Triệu, huống chi người nối tự của nước Yên!”.

Vào lúc Hồ Hợi giết Mông Điềm, Điềm nói: “Từ thời tổ tiên ta cho đến đời con cháu, được ba đời vua Tần tin cậy, nay thần lĩnh hơn ba mươi vạn quân, sức này đủ để làm phản, nhưng tự biết rằng chết mà giữ nghĩa, không dám làm nhục cái đạo của tổ tiên mà quên ân của Tiên vương vậy”.

Ta hễ đọc sách về hai người này, chưa từng không thương cảm rơi lệ. Từ ông nội ta cho đến ta, đều tự thân nhận chức trọng, có thể nói là được tin cậy vậy. Cho đến con ta là anh em bọn Thực, Hoàn là hơn ba đời rồi. Ta không chỉ đối với với các ông mà nói thế, mà còn nói với vợ con, đều sai phải nhớ kĩ lời này. Ta bảo họ rằng: “Đợi sau khi ta muôn tuổi, các ngươi đều được xuất giá, mong hãy theo ý ta, khiến cho người khác đều biết”.

Lời này của ta đều là từ gan ruột. Ta dốc lời thành thật từ gan ruột là vì thấy Chu Công có sách Đằng kim để tự bày tỏ tấm lòng, cũng lo người khác không biết được nguyên nhân. Nhưng muốn ta giảm bớt quân sĩ và quyền bính mà ta nắm giữ, trả lại tước Vũ Bình Hầu quốc, thực là không được vậy. Vì sao?

Là vì nếu ta bỏ binh quyền thì sẽ bị người khác gây họa. Ta chỉ vì nghĩ kế cho con cháu, lại nữa nếu ta thua thì nhà nước cũng sẽ nghiêng đổ, cho nên không được cầu cái danh hão mà chuốc phải họa lớn. Đấy là điều không nên làm vậy. Ngày trước triều đình phong tước Hầu cho ba người con của ta, ta cố nhường không nhận, nay lại muốn nhận lấy, không phải là muốn được vinh hiển, chỉ là muốn để làm phên giậu giúp đỡ ở bên ngoài, định kế vẹn toàn vậy.

Trong buổi yến tiệc tại đài Đổng Tước, Tào Tháo khẳng định rằng nếu giao lại binh quyền lúc này thì người khác sẽ gây loạn thiên hạ. (Ảnh: tube10x.co)

Ta nghe nói Giới Thôi đẩy tránh tước phong của nước Tấn, Thân Tư trốn né ban thưởng của nước Sở, chưa từng không vứt sách mà than, lấy đó tự răn mình vậy. Nhận lệnh của nhà nước, cầm lưỡi rìu đi đánh dẹp, lấy yếu để thắng mạnh, dùng nhỏ mà bắt lớn. Mưu mà ta nghĩ làm chẳng sai lầm, điều mà ta mưu, việc gì chẳng thành? Rốt cuộc dẹp bằng thiên hạ, không làm nhục thân mình, có thể nói là trời giúp nhà Hán, không phải là sức của người vậy.

Nhưng được phong cả bốn huyện, thực ấp vạn hộ, có đức gì mà được nhận! Nhưng bốn cõi chưa yên, không thể nhường chức, còn như đất phong thì có thể nhường. Nay dâng trả hai vạn hộ ở ba huyện Dương Hạ, Chá, Khổ, chỉ ăn lộc vạn hộ ở huyện Vũ Bình, tạm mong chia sẻ lời chê giễu, giảm bớt lời trách oán ta vậy”. 

Những lời đó, quả thực xuất ra từ gan ruột của Tào Tháo. Ông tự mình nhìn lại cuộc đời từ khi xuất đạo đến nay, giương cờ nghĩa, phạt Đổng Trác, phá Khăn Vàng, diệt hai Viên (Viên Thiệu, Viên Thuật), hết lòng trung thành, không để trong bụng những lời gièm pha, thà chịu chết mà thủ nghĩa lớn.

Ấy là lúc trận Xích Bích mới bại, thế chân vạc vừa thành, trong triều đình lời phỉ báng nổi lên bốn phía. Tào Tháo trả lại 3 huyện được phong cho Hán Hiến Đế, chính là mượn cơ hội mà nói lên sự thật rằng: “Giả sử nước nhà không có ta, chẳng biết đã có mấy người xưng Đế, mấy người xưng Vương!“. Tào Tháo cũng khẳng khái nói rõ: “Ta mà bại thì nước nhà cũng sẽ nghiêng đổ. Cho nên không được cầu cái danh hão mà chuốc phải họa lớn. Bốn biển chưa yên nên không thể nhượng quyền“.

Tào Tháo nếu bình định được thiên hạ thì ông chính là một anh hùng chứ không phải gian hùng như người ta vẫn tưởng tượng.( Ảnh: daichung10.blogspot.com)

Tào Tháo an định Trung Nguyên, thanh lọc hủ Nho, phò tá chính đạo, cứu giúp dân đen, khuông phò Hán thất. Nhà Hán nhờ một tay Tào Tháo mà vận nước kéo dài thêm mấy chục năm, không phải rơi vào cảnh vong quốc. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để sáng tỏ cho người đời rằng Tào Tháo chính là bậc đại trung, đại nghĩa, lấy việc thiên hạ làm chức phận của mình.

Đó mới là Tào Tháo đích thực của lịch sử, chứ không phải Tào Tháo gian hùng, quỷ ác, bị gọi là “quốc tặc” trong các tác phẩm văn nghệ vốn đã bị thổi phồng, làm lệch lạc đi suốt hàng nghìn năm vậy.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Văn Nhược biên dịch