Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm: Phần 1 

Lý Bạch sinh vào năm thứ nhất đời Đường Trung Tông (năm 701) ở làng Thanh Liên, Quảng Hán (nay là Chương Minh), Tứ Xuyên. Làng này tên gốc là Thanh Liêm, sau này do tên hiệu của Lý Bạch là “Thanh Liên cư sỹ”, nên đã đổi tên thành làng Thanh Liên.

Tương truyền, mẹ Lý Bạch mơ thấy sao Tràng Canh rơi vào trong thai (tức là sao Thái Bạch Kim Tinh), do đó đặt tên tự cho Lý Bạch là Thái Bạch. Lý Dương Băng trong “Thảo Đường Tập Tự” đã gọi Lý Bạch là “Thái Bạch Tinh Tinh” (Thần tiên sao Thái Bạch). Phạm Truyền Chính sau này viết văn bia cho Lý Bạch cũng dùng cách gọi tên này: “Phu nhân mộng Tràng Canh là điềm lành, nên đặt tên tự cho tiên sinh, lấy theo thiên tượng”. 

Lý Bạch có cốt cách thần và đạo, có thể cùng thần tiên du chơi bát cực (ảnh : Wikipedia).

Sau này, Lý Bạch tự lấy tên hiệu cho mình là Thanh Liên cư sỹ. Ông đã tự thuật thân thế trong “Đáp tộc điệt tăng Trung Phu tặng Ngọc Tuyền Tiên Nhân Chưởng trà – Tự” (Lời tự – trả lời cháu họ tăng nhân Trung Phu đã tặng trà Ngọc Tuyền Tiên Nhân Chưởng):

Thanh Liên cư sỹ trích tiên nhân,
Tửu tứ tàng danh tam thập xuân.
Hồ Châu cư sỹ hà tu vấn,
Kim Túc Như Lai hậu thế thân.

Dịch nghĩa: Cư sỹ Thanh Liên là ông tiên bị giáng xuống trần. Ẩn danh nơi quán rượu 30 năm. Cư sỹ Ôn Châu sao phải hỏi. Chính là hậu thân của Kim Túc Như Lai chuyển thế.

Dịch thơ:

Cư sỹ Thanh Liên thực Trích Tiên,
Ẩn danh tửu quán mấy mươi niên.
Ôn Châu cư sỹ đâu cần hỏi,
Kim Túc Như Lai tại nhãn tiền.

Thanh Liên vốn có nguồn gốc từ Tây Vực, trong tiếng Phạn gọi là hoa Ưu bát la (cũng có tên là hoa Ưu đàm bà la), trắng xanh rõ ràng, không nhiễm bụi trần. Kinh Phật viết: “Khi hoa Ưu bát la nở, Pháp Luân Thánh Vương – Vương của vạn vương sẽ đến thế gian phổ độ chúng sinh“.

Lý Bạch tự xưng là Thanh Liên, và “hậu thân của Kim Túc Như Lai”, ngụ ý khi hoa Ưu bát la nở, Chuyển Luân Thánh Vương đem chân lý như ý xuống thế gian. 

Những bông hoa Ưu Đàm Bà La, một loài thiên hoa nhỏ li ti trắng muốt, thân hoa mỏng như sợi tơ, trong suốt, sắc trắng như tuyết, xung quanh tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt…Ảnh chụp thật bởi Thời Báo Epochtimes, kích cỡ phóng to 400 lần, nhìn rõ thân hoa trong suốt như pha lê và từng lớp cánh mỏng phát sáng.

Từ các bài thơ dưới đây của Lý Bạch, chúng ta cũng có thể nhìn ra chút thân thế của ông. Trong bài thơ “Thù vương bổ khuyết Huệ Dực Trang Tống Thừa Thử tống biệt” (Mời rượu tiễn biệt Tống Thừa Thử được vua bổ nhiệm Huệ Dực Trang), ông viết: 

Học đạo tam thập niên,
Tự ngôn Hy Hoàng nhân.
Hiên cái uyển nhược mộng,
Vân tùng trường tương thân.

Dịch nghĩa: Học đạo ba mươi năm. Tự nói là vua Phục Hy chuyển sinh. Chốn triều đình như giấc mộng. Nên làm bạn lâu dài với mây và tùng.

Dịch thơ:

Học Đạo ba mươi xuân,
Vốn Phục Hy hạ trần.
Cung đình như giấc mộng,
Mãi mãi bạn mây tùng.

Trong bài thơ: “Hý Trịnh Lật Dương” ông cũng viết:

Thanh phong bắc song tiểu,
Tự vị Hy Hoàng nhân.
Hà thời đáo Lật lý?
Nhất kiến bình sinh thân.

Dịch nghĩa:

Gió mát thổi nhẹ ngoài cửa sổ phía bắc. Tự nói là vua Phục Hy chuyển sinh. Khi nào đến vùng sông Lật Thủy. Thoáng nhìn sẽ thấy rất thân quen.

Dịch thơ:

Ngoài song cơn gió nhẹ,
Hy Hoàng xuống trần gian.
Lúc đến sông Lật Thủy,
Ắt sẽ rất thân quen.

“Hy Hoàng” trong thơ Lý Bạch tức là vua Phục Hy, vị vua đứng đầu trong “Tam Hoàng” của lịch sử văn minh Hoa Hạ. 

Lý Bạch từ nhỏ đã đọc sách, luyện chữ, 5 tuổi đã bộc lộ tài năng thiên bẩm hơn người. Trong “Thượng An châu Bùi Trường Sử thư” (Thư gửi Bùi Trường Sử châu Thượng An), ông có viết:

Ngũ tuế thông lục giáp, thập tuế quan bách gia” (Năm tuổi đọc thông lịch pháp, mười tuổi đọc Chư tử Bách gia – Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tạp gia, Nông gia, Tiểu Thuyết gia, Tung Hoành gia). 

Và “Thường hoành kinh tịch tư, chế tác bất quyện” (Thường đọc thư tịch, sáng tác không mệt mỏi). Lục Giáp là lịch pháp dạy cách tính ngày tháng năm, còn Bách gia là các trước tác của Bách gia Chư Tử. 

Lúc Lý Bạch 5 tuổi, cha ông đã cho đọc “Tử Hư phú” (Tác phẩm thơ phú thời Hán do Tư Mã Tương Như viết). Năm lên 10, ông đã sáng tác “Minh đường phú” (Tập thơ Minh đường), đã có thể sánh vai với Tư Mã Tương Như. 

Trong bài “Tặng Trương Tương Cảo”, Lý Bạch cũng tự nhận rằng: “Thập ngũ quan kỳ thư, tác phú lăng Tương Như” (15 tuổi xem được sách kỳ lạ, làm thơ phú vượt cả Tương Như). 

Cha Lý Bạch đã từng gửi ông đến núi Tượng Nhĩ (My Châu) học. Ban đầu Lý Bạch học không chuyên tâm, vẫn còn trốn học. Theo “Phương dư thắng lãm – My Châu – Ma Châm khê” ghi chép, Lý Thái Bạch học trong núi, chưa học xong đã trốn đi chơi. Đi qua con suối nhỏ, gặp một bà lão bên bờ suối đang mài một cái gậy sắt to bằng cái chày giã gạo.

Lý Bạch lấy làm lạ hỏi, bà lão trả lời: “Mài thành cái kim thêu”. Lý Bạch hỏi: “Gậy sắt mài thành kim, có thể được không?”. Bà lão đáp: “Chỉ cần công phu sâu!”. 

Lý Bạch nghe xong rất cảm động, quay về núi khổ công học tập, đạt được bước tiến lớn. Bà lão vốn họ Vũ, ngày nay bên Ma Châm Khê (suối mài kim) có hòn đá Vũ Thị Nham (hòn đá bà Vũ). Đời sau lưu truyền điển cố “Mài sắt nên kim” là bắt nguồn từ đây. 

Năm Khai Nguyên thứ 6 (năm 718) Lý Bạch rời nói Tượng Nhĩ, ẩn cư ở núi Đai Khuông đọc sách, học thuật Tung Hoành của Triệu Nhuy. Ở núi Đại Khuông mấy năm, ông đến Bàng Quận, dạo chơi Kiếm Các, Tử Châu.

Năm 20 tuổi du ngoạn Thành Đô, yết kiến Tô Đĩnh, Trường Sử Ích Châu. Lúc đó, Tô Đĩnh và Trương Thuyết là hai cây bút lớn, Lý Bạch đem thơ văn của mình ra xin thỉnh giáo.

Tô Đĩnh đọc xong ca ngợi rằng: “Ông thiên tài hoa lệ, hạ bút không dừng. Tuy phong cách chưa định hình nhưng có thể thấy cốt cách riêng, nếu học rộng thêm, có thể sánh cùng Tương Như đó”. 

Sách “Thiên Bảo di sự” viết, Lý Thái Bạch lúc thiếu thời mơ thấy các cây bút ông đã dùng trên đầu đều sinh hoa, sau này thiên tài vòi vọi, nổi danh khắp thiên hạ. Người đời sau thường nói đến câu “Diệu bút sinh hoa” (đầu bút nở hoa) là có xuất xứ từ đây. 

Năm Khai Nguyên thứ 13 (năm 725), Lý Bạch 25 tuổi, sau khi đã du ngoạn khắp Thục Trung, bắt đầu xách kiếm viễn du. Ở Giang Lăng, ông tình cờ gặp Đan Khâu Sinh, qua Đan Khâu Sinh đã kết giao với Tư Mã Thừa Trinh, đạo sỹ Thiên Thai nổi tiếng. 

Tư Mã Thừa Trinh, tự Tử Vi, hiệu Bạch Vân Tử, là đạo gia danh tiếng triều Đường. Ông đã nhiều lần được 3 đời Hoàng Đế: Võ Tắc Thiên, Duệ Tông, và Huyền Tông triệu kiến. 

Tư Mã Thừa Trinh không chỉ là một đạo sỹ nổi tiếng, đạo thuật tinh sâu, mà còn là viết chữ Triện rất đẹp, thơ cũng bay bổng như tiên. Vua Huyền Tông rất tôn kính ông, đã từng mời ông vào nội cung, thỉnh giáo đạo pháp, rồi lại xây Dương Đài Quán cho ông. Em gái Huyền Tông là công chúa Ngọc Chân còn bái ông làm thầy. 

Lý Bạch phong độ hiên ngang, tư chất bất phàm, Tư Mã Thừa Trinh vừa thấy đã rất vui thích, vừa ý. Đến khi đọc thơ Lý Bạch, Tư Mã Thừa Trinh càng kinh ngạc khen ngợi không ngớt : “Có cốt cách thần và đạo, có thể cùng thần tiên du chơi bát cực”. 

Đây là thiên tài mà mấy chục năm qua, khắp trong ngoài triều đình, ông chưa từng gặp. Tư Mã Thừa Trinh đã dùng từ khen ngợi cao nhất của Đạo gia dành để ca ngợi Lý Bạch. 

Nói Lý Bạch có “Tiên căn”, tức là có mang cốt cách thần tiên. Sau này Hạ Tri Chương cũng ca ngợi Lý Bạch là “Trích tiên nhân” (Ông tiên bị đày giáng trần) là cũng cùng một ý, cả hai người đều coi Lý  Bạch không phải là người phàm trần. 

Một phần bức tranh “Tàng vân đồ” do Thôi Tử Trung đời Minh vẽ, lưu giữ ở Viện bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, miêu tả Lý Bạch ngồi xếp chân song bàn ngay ngắn trên xe, chầm chậm đi trên đường núi, ngẩng đầu chăm chú nhìn mây trên đỉnh đầu. 

Sau khi gặp Tư Mã Thừa Trinh, Lý Bạch viết “Đại bằng ngộ hy hữu điểu phú” (Bài phú chim bằng gặp chim hiếm). Đây chính là bài phú khiến tên tuổi Lý Bạch nổi danh thiên hạ. 

“Đại bằng ngộ hy hữu điểu phú cập tự” (Bài phú và lời tựa chim bằng gặp chim hiếm) “Tôi từng hội ngộ Tư Mã Thừa Trinh ở Giang Lăng, ông nói tôi có cốt cách thần và đạo, ông có thể cùng tôi vân du bát cực. Tôi liền sáng tác “Bài phú chim bằng gặp chim hiếm” để mở rộng ý này. Bài phú này đã truyền ra thế gian, người thường cũng đã thấy. Vì là tác phẩm thiếu thời, chưa hết được ý rộng lớn thoáng đạt, nên đến trung niên thì vứt bỏ.Đến khi đọc “Tấn thư”, thấy Nguyễn Tuyên Tử viết bài thơ “Ca ngợi đại bằng”, tự cho là chỉ có vậy mà thôi. Nhớ lại năm xưa viết “Bài phú đại bằng gặp chim hiếm”, nó có nhiều chỗ khác với bản đang lưu truyền thế gian. Hiện còn lưu bản thảo, không phải truyền cho mọi người, chỉ muốn cho các đệ tử xem mà thôi.Trang tử ở Tất Viên có linh cơ thiên phú, nói ra lời đàm luận cao chót vót, giảng lời kỳ lạ mênh mông. Từ sách “Tề Hòa” thu thập các chuyện quái dị, nói về Bắc Hải có con cá lớn, tôi không biết nó dài mấy nghìn dặm, tên nó là Côn.Côn hóa thành Đại Bằng, bản thể ngưng kết thành phôi thai hỗn độn. Thoán rụng vây trên hải đảo, trước cổng trời giương cánh, Bột Hải trỗi vạn dặm sóng xuân, bay về phía đông nơi triều dương ấm áp. Lừng lẫy vũ trụ, bay vút cao vượt Côn Luân. Mỗi lần vỗ cánh, khói mây mù mịt, đất cát mịt mù. Ngũ Nhạc vì vậy mà rung chuyển, trăng sông vì vậy mà sạt trôi.Đạp đất vút lên, xông thẳng thiên không, xuyên qua chín tầng mây, vượt qua các trùng dương. Bắn ra ba ngàn con sóng lớn, bay vọt chín vạn tầng trời xanh. Sống lưng như dãy núi nguy nga, đôi cánh như mây dài ngang dọc. Lắc lư quay tròn, quấy đảo cả bỗng nhiên sáng rực, đột nhiên tối mịt.Thân thể cường tráng bay xuyên các tầng trời, bay đến cổng trời cao vòi vọi. Làm chấn động thiên giới hỗn nguyên, bùng lên vạn sấm sét lôi đình. Các sao dịch chuyển, thiên thượng động, núi cao rung lắc, biển lớn lộn nhào. Nổi giận, chẳng ai dám đánh nhau với nó. Xưng hùng, chẳng ai dám cùng nó cạnh tranh. Phảng phất có thể thấy khí thế và hùng tư của nó.Chân có cầu vồng bao quanh, mắt nó sáng như nhật nguyệt. Bay lượn xoay tròn, vun vút như chớp nhoáng. Phun khí, bốn phương rực sáng mây màu. Rũ lông, ngàn dặm tuyết hoa bay. Từ nơi hoang sơ cực bắc, bay đến cực nam. Hoặc vung cánh xoay tròn, hoặc cưỡi gió bay thẳng. Bắc cực Chúc Long Hàm Hỏa Tinh chiếu sáng cho nó, thần phóng điện vung roi dài vì nó mở đường.Ba trái núi chỉ là mấy hòn đất, ngũ hồ nhỏ như mấy bát nước. Nó động thì có Thần hưởng ứng, nó đi thì có Đạo tùy tùng. Nhiệm Công Tử nhìn thấy chẳng buông câu, Hữu Cùng Thị không dám giương cung bắn tiễn, ném cần câu, vứt cung tên, chỉ biết ngửa mặt lên trời kêu kinh ngạc.Dáng nó oai hùng hoành tráng, che cả đất trời. Trên chạm trời xanh, dưới trùm mặt đất. Bàn Cổ khai thiên nhìn mà cũng chẳng biết làm sao, Hy Hòa dựa mặt trời chỉ biết nhìn than thở. Đất bát hoang cũng cảm thọ khí thế ngút trời, tứ hải quá nửa bị che khuất.Ngực nó chắn mặt trời như mà đêm che phủ, mịt mù như lúc trời đất chửa khai thiên. Đột nhiên thân thể lật nghiêng quay tròn bay, lập tức thấy ráng chiều phổ chiếu, mây khói tiêu tan.Sau bay tận 6 tháng chỉ nghỉ có 1 lần, hạ xuống bờ biển. Bỗng bay ngang che kín mặt trời, bỗng từ trên trời lao thẳng xuống. Hơi thở khắp vô biên đồng nội, mỏ mổ giữa hồ lớn mênh mông.Nó bay dũng mãnh, gió lốc nổi lên, biển xanh gào thét, núi biếc đổi màu. Thủy thần Thiên Ngô kinh hoàng kiếp sợ, Đông Hải Thần run sợ bất an. Cự Ngao đội núi còn giấu đầu tháo chạy, Trường Kình nhào lộn cũng ẩn dưới biển sâu. Ngao co đầu, Kình giấu râu, chỉ nhìn còn không dám. Tôi cũng chẳng ngờ nó lại thần kỳ quái dị như thế này, đó là Tạo Hóa làm ra vậy!Đại Bằng chẳng sánh nổi Hoàng Hộc đảo Bồng Lai, khoe xiêm y vàng bạc với cúc vàng? Đại Bằng cũng thẹn với Phượng Hoàng Thương Ngô, khoe bộ lông rực rỡ hoa vân. Những loài chim muông này, đã từ lâu bị thần tiên sai khiến, đã từ lâu thuần phục trong lồng.Tinh Vệ cần cù ngậm cành lấp biển, Viên Cư bi sầu chẳng uống ăn. Thiên Kê trên cây bàn đào báo sáng, Kim Ô phát sáng giữa mặt trời. Chẳng thể khoáng đạt thỏa thích, lại câu nệ thủ thường thế này? Đều chẳng được như Đại Bằng tiêu dao, chẳng có loài nào sánh nổi với Đại Bằng.Đại Bằng chẳng kiêu căng hung bạo, luôn luôn thuận thời ứng thế. Tham ngộ Đại Đạo, trường thọ diên niên, uống no nguyên khí của trời đất. Ở Dương Cốc nơi mặt trời mọc đùa giỡn bồi hồi, du ngoạn Viêm Châu nơi Nam Hải, thỏa sức vẫy vùng.Chẳng bao lâu, con chim hiếm gặp Đại Bằng, nói: “Đại Bằng vĩ đại thay! Thật là thỏa chí. Cánh phải của tôi che kín cực Tây, cánh trái phủ kín cõi Đông, vượt qua đất lớn, bay lượn vòm trời, lấy mơ hồ làm tổ, lấy hư vô làm chỗ chơi. Tôi mời anh du ngoạn, tôi với anh cùng bay”. Đại Bằng đồng ý, vui vẻ đi cùng. Hai con chim khổng lồ này đã bay vào thiên không bát ngát, mà mấy con chim sâu nhỏ bé lại đứng bên bờ giậu mà cười chê”.

Bài phú đọc lên nghe tràn đầy khí phách tiêu dao, trong lời văn thấy có giọng của Trang Tử trong “Tiêu dao du” (Nam Hoa Kinh). Lý Bạch lại ví mình như con chim Bằng, ngao du sơn thuỷ, uống đầy tinh khí đất trời mà gặp được con chim hiếm khác cùng nhau tiêu dao tự tại. Khí phách ấy đúng là không có ở người thường.

Hai con chim khổng lồ này đã bay vào thiên không bát ngát, mà mấy con chim sâu nhỏ bé lại đứng bên bờ giậu mà cười chê“. Bài phú kết thúc với một giọng điệu cảm khái như vậy, cũng chính là nói lên ý tứ rằng người quân tử như chim Bằng không mong được loài chim sâu nhỏ bé hiểu được chí hướng của mình. Người quân tử cũng chắc chắn không thể ở cùng chỗ kẻ tiểu nhân.

Lý Bạch từng vào cung vua, làm thượng khách của Đường Minh Hoàng, lại được Dương Quý Phi vô cùng mến mộ. Thế nhưng cuộc sống cung đình thực là ngột ngạt, chốn gai góc cũng không phải là nơi chim loan, chim phượng đậu. Lý Bạch chán nản, ngày đêm chỉ biết làm bạn với bầu rượu, túi thơ, lại bị Dương Quốc Trung gièm pha, xúc xiểm.

Không lâu sau, Lý Bạch từ giã Đường Minh Hoàng. Vua tặng cho biết bao vàng bạc cũng không cầm một nén. Cuối cùng Đường Minh Hoàng tuyên bố Lý Bạch có thể uống rượu tại bất cứ quán hàng nào ông đi qua, triều đình sẽ trả tiền rượu. Vậy là Lý Bạch lại tiếp tục chống kiếm lên đường, ngao du bốn biển như loài chim Bằng ngạo nghễ, khí phách kia.

Để thay lời kết cho kỳ này, mời quý độc giả thưởng thức lại một trong những bài thơ rất được yêu mến của Lý Bạch: “Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng).

Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi yêu minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân
Nguyệt ký bất giải ẩm
Ảnh đồ tùy ngã thân
Tạm bạn nguyệt tương ảnh
Hành lạc tu cập xuân
Ngã ca nguyệt bồi hồi
Ngã vũ ảnh linh loạn
Tỉnh thì đồng giao hoan
Tuý hậu các phân tán
Vĩnh kết vô tình du
Tương kỳ mạc Vân Hán

Tạm dịch thơ: 

Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới hoa
Cất chén mời trăng sáng
Mình với bóng là ba
Trăng đã không biết uống
Bóng chỉ quấn theo ta
Tạm cùng trăng với bóng
Chơi xuân cho kịp mà!
Ta hát, trăng bồi hồi
Ta múa, bóng rối loạn
Lúc tỉnh cùng nhau vui
Say rồi đều phân tán
Gắn bó cuộc vong tình
Hẹn nhau tít Vân Hán.

(Bản dịch của Tương Như)

Theo Epochtimes
Nam Phương biên dịch

Video: Người vô Thần chỉ tin vào khoa học, các nhà khoa học lại tin vào Thần học

videoinfo__video3.dkn.tv||29d1b41b6__