Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Ít ai biết rằng, ngoài Vạn Lý Trường Thành, Tần Thuỷ Hoàng còn có một công trình khác mang đậm trí tuệ cổ nhân, một công trình vĩ đại từng khiến các nước Âu châu với khoa học kỹ thuật hiện đại cũng phải nghiêng mình thán phục.

Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là hoàng đế đầu tiên của đất nước Trung Hoa thống nhất, người đã mở ra hơn 2.000 năm thiết chế hoàng gia trên mảnh đất Thần châu này. Là một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Á Đông, xung quanh vị Hoàng đế này có rất nhiều câu chuyện ly kỳ bí ẩn, làm tốn nhiều bút mực của giới chuyên gia. Có người ca ngợi ông là ‘anh hùng’, lại có người gọi ông là ‘bạo chúa’. Nhưng dẫu người đời có khen chê thế nào, thì vẫn có những việc ngỡ là vậy nhưng lại không phải vậy.

Chính là:

Thực thực hư hư, đâu là chân lý?
Bậc Thánh nhân minh bạch tỏ tường.

Thế giới muôn màu, vàng thau lẫn lộn, tốt – xấu, đúng – sai, chỉ có thể dùng trí huệ Thánh nhân để đo lường mới có thể đưa chúng ta đến bến bờ chân lý. Lịch sử dẫu sao cũng đã qua rồi, nhưng bài học năm nao thì vẫn còn nguyên đó. Ai thấu tỏ thì lấy làm bài học, ai chưa hay thì coi như chuyện qua rồi. Vậy nên việc đúng hay sai nay ta tạm gác lại. Hôm nay, chúng tôi muốn giới thiệu với quý độc giả về một Tần Thuỷ Hoàng từ một góc nhìn hoàn toàn khác.

Người châu Âu có câu ngạn ngữ nổi tiếng lưu truyền khắp thế giới: “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”. Họ hoàn toàn có quyền tự hào khi sở hữu những đại lộ được xây dựng từ thời La Mã hơn ngàn năm qua. Tuy nhiên từ trước khi đế quốc La Mã đạt đến thời kỳ thịnh vượng, cách đó 400 năm Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng một con đường cao tốc sớm nhất trong lịch sử, gọi là “Trì Đạo”. Danh tiếng của nó không thua gì Vạn Lý Trường Thành, khiến hậu thế không khỏi bất ngờ, kinh ngạc.

Sự việc được bắt đầu từ khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước Tề, Triệu, Hàn, Yên, Sở, Nguỵ, mở ra một triều đại mới. Sau khi thống nhất Trung Nguyên, vì để thuận tiện trong việc trị vì 6 nước này, thì ngoài việc sử dụng một loại tiền tệ duy nhất, ông còn tiến hành xây dựng một hệ thống đường đại đạo xuyên suốt Trung Nguyên. Lấy kinh đô Hàm Dương làm trung tâm, đại lộ rộng lớn bao phủ khắp giang sơn bờ cõi, từ phía Bắc đến Đông Bắc, từ phía Đông đến Đông Nam bao trùm toàn bộ Trung Nguyên, đương thời người ta gọi đại lộ này là Trì Đạo.

Cuốn “Thống nhất vương triều đích sản sinh – Tần” chép rằng, Trì Đạo được người đương thời xem là “Thiên tử chi đạo”, nghĩa là con đường của thiên tử. Những đại lộ này rộng 50 bộ (28-30 m), cứ 3 trượng là trồng cây; phần đường ở chính giữa là dành riêng cho thiên tử, lấy hàng cây làm ranh giới, hai bên dành cho người đi lại. Tuyến đường này thông suốt toàn bộ Trung Nguyên nhưng nổi tiếng nhất thì có 7 trục đạo chính bao gồm: Thượng Quận đạo, Lâm Tấn đạo, Đông Phương đạo, Võ Quan đạo, Tần Sạn đạo, Tây Phương đạo, Tần Trực đạo.

Tuyến đường này thông suốt toàn bộ Trung Nguyên nhưng nổi tiếng nhất thì có 7 trục đạo chính bao gồm: Thượng Quận đạo, Lâm Tấn đạo, Đông Phương đạo, Võ Quan đạo, Tần Sạn đạo, Tây Phương đạo, Tần Trực đạo. (Ảnh: wikipedia.org)

Ngoài ra, trong vài năm ngắn ngủi sau khi kiến lập vương triều, Tần Thuỷ Hoàng còn kiến thiết “Ngũ Xích Đạo” ở biên cương tây nam và “Tân Đạo” ở Hồ Nam, Giang Tây và giữa lưỡng Quảng, lập nên một mạng lưới giao thông khắp cả nước lấy kinh đô Hàm Dương làm trung tâm. Nếu như “Trực Đạo” là để bắc phạt Hung Nô, là đường xuyên qua sơn cốc, vượt qua thảo nguyên, tổng chiều dài một ngàn tám trăm dặm (900 km) thì “Ngũ Xích Đạo” là đường tạc đèo vượt núi, thông đến khu vực Vân Nam Quý Châu, còn “Tân Đạo” là đường mới xây dựng theo tiêu chuẩn giống như Trì Đạo nhưng thông đến Dương Việt ở Nam hải.

Nói riêng về “Trực Đạo”, đây là con đường đi qua 14 huyện Tuần Ấp, Hoàng Lăng, Phúc Huyện, Cam Tuyền, An Tắc,… xuyên qua cao nguyên Hoàng Thổ cho tới quận Cửu Nguyên, một mạch thẳng tắp nên được gọi là “Trực Đạo”. Đoạn gấp khúc vòng qua núi qua sông dài hơn 700 km, hơn một nửa kiến trúc xà cầu là ở trên đỉnh núi, một phần nhỏ còn lại là xây dựng trên thảo nguyên và sa mạc. Chiều dài của con đường này cũng tương đương với chiều dài biên giới Italia. Trục đường chính có thể đồng thời xếp 12 chiếc xe tải lớn thành hàng ngang hoặc 50 ô tô con cùng đi một lúc. Vị trí mặt đường rộng nhất có thể làm sân đỗ và cất cánh của một chiếc máy bay cỡ trung thời hiện đại.

Có một điều đặc biệt là, toàn bộ 900 km đường thẳng đều làm bằng đất bazan và được đầm một cách cẩn thận, tỉ mỉ tới mức ngày nay cây cối vẫn không thể mọc được, chỉ có cỏ dại bám trên đó. Theo ghi chép từ các tài liệu lịch sử, chỉ trong vòng hai năm rưỡi, con đường này đã được hoàn thành. Điều này gây không ít kinh ngạc cho các kiến trúc sư cầu đường trên thế giới.

Sau khi Trì Đạo hoàn thành, Tần Thuỷ Hoàng ngoài thì mở rộng biên cương, trong thì trấn áp nội loạn, thực thi mọi việc tất cả đều hết sức nhanh chóng, thuận lợi. Theo thống kê, toàn bộ tuyến đường Trì Đạo có chiều dài 6800 km. Chúng ta biết rằng, thời kỳ đó chưa có thiết bị cơ giới hay máy móc, ngay cả các công cụ bằng sắt cũng rất hạn chế, dụng cụ lao động lại vô cùng thô sơ. Vậy mà Trì Đạo lại là con đường san núi lấp sông, đường đi gặp núi phá núi, gặp hồ lấp hồ, có thể băng qua bất kể điều kiện địa hình phức tạp nào.

Không cần nói cũng có thể hình dung việc xây dựng Trì Đạo thời ấy khó khăn cỡ nào. Thế nhưng, toàn bộ hệ thống Trì Đạo lại được thi công trong vẻn vẹn 10 năm, hơn thế nữa, nó còn được tiến hành song song với quá trình xây dựng và tu bổ Vạn Lý Trường Thành. Sau khi hoàn thành, cả Vạn Lý Trường Thành và Trì Đạo đã mang lại lợi ích thiên cổ mà không ai có thể phủ nhận được.

Khi Trì Đạo hoàn thành, việc giao thông đi lại trở nên thần tốc phi thường, đã giảm tải rất nhiều sức người và sức của trong những cuộc binh đao cũng như giao thương qua lại. (Ảnh: wikipedia.org)

Khi nghiên cứu di chỉ của Trì Đạo, các nhà khoa học đương đại đã rất kinh ngạc khi phát hiện rất nhiều tuyến đường Trì Đạo chạy song song với các đại lộ cao tốc ngày nay của Trung Quốc.

Kể từ khi Trì Đạo hoàn thành, việc giao thông đi lại trở nên thần tốc phi thường, đã giảm tải rất nhiều sức người và sức của trong những cuộc binh đao cũng như giao thương qua lại.

Chúng ta vẫn thường nhìn nhận rằng trí tuệ và công cụ của con người hơn 2000 năm trước là lạc hậu, kém phát triển, thế nhưng họ lại tạo ra được công trình trí tuệ như vậy thì quả là điều không thể nghĩ bàn. Khi càng nghiên cứu sâu hơn, kết quả thu được lại càng khiến các nhà khoa học ngày nay đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Thế giới vẫn thường cho rằng người Tây phương đã xây dựng đường cao tốc đầu tiên trên Trái Đất. Vào năm 150 Công Nguyên, đế quốc La Mã cho xây dựng bức tường thành Antoninus từ Scotland đến La Mã, tiếp đó là hệ thống đại đạo Jerusalem, tác dụng của hai công trình này cũng tương đồng với Vạn Lý Trường Thành và Trì Đạo của Tần Thuỷ Hoàng, vừa chống ngoại, lại vừa an nội. Quy mô của đại lộ La Mã hoành tráng là vậy, nhưng chiều dài của nó chỉ là 5900 km, vẫn còn kém xa so với công trình Trì Đạo của Tần Thuỷ Hoàng.

Cho nên, lại một lần nữa, Tần Thuỷ Hoàng đã khiến cả thế giới phải khâm phục. Mỗi một quyết định, một công trình của ông đều để lại dấu ấn nghìn thu mà cho đến tận ngày nay, người ta vẫn không ngừng phát hiện những di sản mà ông để lại. Những di sản này dù đứng từ góc độ nào mà xét cũng đều thể hiện tài năng và trí huệ của người xưa.

Theo Soundofhope
Tử Kính biên dịch