Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn   

Rằng mừng giận, với thương sợ

Yêu ghét muốn, đủ thất tình.

Bầu đất da, gỗ đá kim

Tơ và trúc, đủ bát âm.

Diễn giải

Vui, giận, buồn (thương), sợ, thích, ghét và muốn là 7 loại cảm xúc bẩm sinh của mỗi người, còn gọi là “thất tình”. Trung Quốc cổ đại dùng 8 loại vật liệu là: quả bầu, đất dính, da thuộc, gỗ mộc, ngọc thạch, kim loại, dây tơ, tre trúc để chế thành nhạc cụ, gọi là “bát âm”. Vật liệu chế tác khác nhau nên thanh âm phát ra cũng có đặc trưng riêng. 

Câu chuyện tham khảo: Hoàng Đế và âm nhạc

Đối với người Trung Quốc cổ đại, âm nhạc là công cụ liên hệ với Trời và Thần. Âm nhạc không chỉ là để thưởng thức và giải trí, mà còn nhằm mục đích điều hòa lễ tiết thiêng liêng trong mối quan hệ với Trời đất. 

Nhạc cụ Trung Quốc được phát minh từ rất sớm, trong “Thi Kinh” đã đề cập đến các loại nhạc cụ. Căn cứ ghi chép trong sách sử, Phục Hy tạo đàn sắt, Nữ Oa tạo tiêu, Linh Luân (nhạc quan thời đại Hoàng Đế) tạo chuông, Thần Nông tạo đàn cầm năm dây. 

Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Chánh Kiến.

Hoàng Đế lệnh cho Linh Luân định ra nhạc luật, gồm 12 luật tức là 12 âm giai (một chuỗi âm xếp theo thứ tự cao thấp). Linh Luân ở núi Tây tìm thấy cây trúc có độ dày vừa phải, dùng thân trúc mà vót thành ống. Khi ông thổi vào ống trúc tự mình làm, đột nhiên có vài con phượng hoàng hạ xuống ở cái cây bên cạnh ông. Đầu tiên, con phượng hoàng trống xướng lên, âm lần thứ nhất của nó với thanh âm của Linh Luân thổi ống trúc là tương đồng. Tiếp đến, nó lại xướng ngũ âm, Linh Luân nhanh chóng gọt ra sáo trúc có thể phát ra ngũ âm. Con phượng hoàng mái xướng sáu âm, Linh Luân nhanh chóng gọt sáo trúc cho sáu âm này. Linh Luân đem 12 sáo trúc này xếp thành âm luật, thế là hình thành 12 luật. Để bảo tồn vĩnh cửu 12 âm, Hoàng Đế ra lệnh đúc 12 chuông đồng có thể biểu đạt chuẩn xác âm của sáo. Sau đó, tất cả các thang âm đều phải khớp với chuông đồng. 

Ngoài việc lệnh cho Linh Luân chế tạo chuông, trong trận chiến với Xi Vưu, Hoàng Đế đã từng chế tác một chiếc trống trận đặc biệt có thể tự thân đánh trống để tăng cường quân uy. Trống này dùng da của quái thú sống ở Đông Hải gọi là Quỳ chế thành, dùi trống là khúc xương to nhất của thân thể Lôi Thần. Khi Hoàng Đế đánh chiếc trống đặc biệt này lên, âm thanh truyền ra ngoài 500 dặm, trời đất vì thế mà biến sắc. 

Ngoài ra, Hoàng Đế khi hội họp quỷ Thần thiên hạ ở núi Thái Sơn cũng đã từng sáng tác bản nhạc “Thanh Giốc”. Khúc nhạc này khí lực vạn quân (rất nặng rất mạnh, 1 quân = 30 cân) làm “kinh Thiên địa, khóc quỷ Thần”. Đây thực sự là khúc nhạc của Thiên thượng, người bình thường không thể nghe. Sau khi đánh bại Xi Vưu, vì để chúc mừng thắng lợi, Hoàng Đế lại sáng tác một tập “Cương cổ khúc”, cũng là khúc nhạc khí thế phi phàm. 

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 11: Hoàng Đế và âm nhạc

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán 

曰喜怒 曰哀懼 

愛惡欲 七情具

匏土革 木石金 

絲與竹 乃八音

Âm Hán Việt

Viết hỷ nộ, viết ai cụ

Ái ố dục, thất tình cụ. 

Bào thổ cách, mộc thạch kim

Ty dữ trúc, nãi bát âm.

Pinyin Hán ngữ   

Yuē xǐ nù – yuē āi jù 

Ài wù yù – qī qíng jù

Páo tǔ gé – mù shí jīn 

Sī yǔ zhú – nǎi bā yīn

Chú giải

(1) Hỷ: vui vẻ, hạnh phúc.

(2) Nộ: phẫn nộ, tức giận.

(3) Ai: buồn thương.

(4) Cụ: sợ.

(5) Ái: thích.

(6) Ố: căm hận, chán ghét. 

(7) Dục: mong muốn, một loại ý nghĩ muốn được thoả mãn.

(8) Thất tình: 7 loại cảm xúc, tâm trạng là: mừng, giận, buồn (thương), sợ, yêu, ghét, muốn.

(9) Cụ: có, đầy đủ.

(10) Bào: quả bầu, hình dạng giống hồ lô. Chỉ việc dùng quả bầu chế thành nhạc cụ như sênh (làm bằng quả bầu, khoét 13 lỗ, dùng để thổi), vu (nhạc khí thời cổ giống sênh, có 36 lỗ, về sau bớt xuống còn 23 lỗ). 

(11) Thổ: đất dính. Chỉ nhạc cụ làm từ đất dính, như trống đất. 

(12) Cách: da thuộc. Chỉ nhạc cụ làm từ da thuộc, như trống. 

(13) Mộc: gỗ. Chỉ nhạc cụ làm từ gỗ, như chúc (nhạc cụ thời xưa, để dạo lên khi ban nhạc bắt đầu biểu diễn).

(14) Thạch: phiến ngọc hay phiến đá. Chỉ nhạc cụ làm từ đá hoặc ngọc, như thạch khánh (làm bằng đá ngọc, hình như cái thước cong, có thể treo lên giá).

(15) Kim: kim loại. Chỉ nhạc cụ dùng kim loại chế tác thành, như chuông và chiêng.

(16) Ty: dây. Chỉ nhạc cụ dùng sợi mà phát ra âm thanh, như tỳ bà, đàn cầm, đàn sắt.

(17) Trúc: ống tre/trúc. Chỉ nhạc cụ dùng ống tre/trúc phát ra âm thanh, như tiêu (thổi dọc), sáo (thổi ngang).

(18) Âm: nguyên là thanh âm, ở đây chỉ nhạc cụ.

Ảnh minh hoạ: Chụp màn hình video Chánh Kiến.

Đọc sách bút đàm

Từ bốn mùa bốn phương, ngũ hành ngũ thường, đến đây giảng thất tình và bát âm. Văn hoá truyền thống phương Đông cho rằng con người có thất tình lục dục. Ở đây, “dục” (muốn) trong dục vọng cũng được quy về thất tình, thực ra là vì để trẻ em dễ ghi nhớ. Trong cổ thư “Hoàng đế nội kinh”, một đại kinh điển của nền y học Đông phương, thất tình bao gồm: thích, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, hoảng; cho rằng vui quá hại tim, giận hại gan, ưu sầu và lo nghĩ quá độ hại tỳ vị, bi thống đau khổ quá độ hại phổi, sợ hãi và bị dọa đến phát sợ hại thận. Cho nên người suy nghĩ quá độ thông thường khẩu vị không tốt; người trong tâm khiếp sợ trực tiếp tổn thương thận, đại tiện tiểu tiện cũng không khống chế được. 

Điều Nho gia nhận thức so với y học không hoàn toàn tương đồng. Nho gia vì sao lấy yêu, ghét, muốn liệt vào thất tình? Vì Nho gia đặc biệt chú trọng lấy tâm Nhân – Nghĩa đối đãi người. Cảm xúc của yêu, cảm xúc của thích, cảm xúc của ghét, cảm xúc của hận, còn có các chủng dục vọng, đều có nguồn gốc từ tư tình. Không có cách nào khống chế cảm xúc không chỉ khiến con người trực tiếp tổn hại thân thể bản thân, mà còn rất dễ khiến người ta mất đi lý tính. Vì yêu sinh hận, vì hận thậm chí hại người giết người. Những cảm xúc này, chỉ khi hiểu để khống chế nó thì mới không bị lạc mất tâm trí, tránh gây đại hoạ. Cho nên khi người xưa giảng tình, nhất định phải theo chữ Nghĩa, có tình còn có Nghĩa, trao đi tình cảm còn phải hợp với Lễ. Không thể vì tình mà hại người hoặc là tự sát xem nhẹ mạng sống. 

Người xưa từ đầu đến cuối rất lý tính khi đối đãi với cảm xúc. Từ nhỏ phải giáo dục trẻ em khống chế cảm xúc, chỉ yêu cầu theo đạo lý bất biến Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín mà làm người. Trong khi đó, nhiều người hôm nay vì tình mà có thể giết người hoặc tự sát, thái độ đối đãi với sinh mệnh không nghiêm túc, đối với gia đình và hôn nhân cũng thiếu đi trách nhiệm, băng hoại đạo đức và mất khống chế cảm tình, tạo thành bao nhiêu vấn đề của gia đình và xã hội, bao nhiêu bệnh hoạn tinh thần hiện đại phức tạp khó giải. Do đó, trong phương diện dạy dỗ trẻ nhỏ, thời xưa rõ ràng là rất lý tính và cao minh. 

Đến bát âm, điều giảng ra là về nhạc cụ, liên quan tới nhạc lý, vũ đạo thời cổ đại. Âm nhạc thời cổ đại vốn dùng để trị bệnh và liên thông thiên địa, tự nhiên, có thể thông qua đó mà dự đoán được hưng suy của quốc gia. Trong “Nhạc ký” có ghi: “Xem xét âm nhạc của một quốc gia có thể biết được trạng thái chính trị của quốc gia đó, cũng có thể biết làm thế nào để sửa trị”. Âm nhạc quá buồn thương bi phẫn, tình ái nam nữ đến mức dâm loạn… biểu thị sự bại vong của quốc gia, báo hiệu tình trạng hỗn loạn và băng hoại đạo đức. Phản ánh đến nhân thể, sẽ làm hại tỳ vị, gan, thận và phổi; dẫn đến chức năng các bộ phận đó thất thường, trăm bệnh đều sinh. 

Cung Thương Giốc Chủy Vũ là ngũ âm thời cổ đại. “Nhạc vũ tiên tung chi bát: Thẩm nhạc tri chính, hoạ phúc tiền tri” cũng viết:

“Âm nhạc thời thái bình thịnh thế, an ổn tường hòa lại hân hoan vui sướng, quốc gia này nhất định chính trị thông suốt, con người an hòa. Âm nhạc thời loạn thế, đầy rẫy ái hận và phẫn nộ; quốc gia này nhất định đi ngược đạo lý. Âm nhạc thời vong quốc, tràn đầy bi ai và ưu tư, bách tính sẽ rơi vào khốn cảnh của tuyệt vọng. Đạo của thanh âm với chính trị là tương thông. Trong ngũ âm, âm Cung đại biểu cho quân vương, âm Thương đại biểu cho quần thần, âm Giốc là dân, âm Chủy biểu thị sự việc, âm Vũ biểu thị sự vật. 5 điều này: quân vương, quần thần, nhân dân, sự việc, sự vật nếu không loạn, thanh âm sẽ hài hòa. Nếu âm Cung loạn thì tiếng nhạc sẽ phóng túng rối loạn, quân vương của quốc gia này sẽ kiêu ngạo phóng túng vô độ. Âm Thương loạn, tiếng nhạc sẽ giằng xé, biểu thị quan viên quốc gia này bại hoại. Âm Giốc loạn, thanh âm đau buồn, bách tính nhiều oán hận căm phẫn. Âm Chủy loạn, thanh âm bi ai, quốc gia có sự việc bất an. Âm Vũ loạn, giai điệu nghiêng đổ, biểu thị tài vật quốc gia thiếu hụt. Nếu ngũ âm đều loạn, quốc gia này cách bờ vực diệt vong không còn xa nữa”. 

Do đó có thể thấy rằng, âm nhạc có thể dùng để dự báo thịnh suy tồn vong của một quốc gia. Nho sinh thời cổ đại am hiểu âm nhạc mới có thể trị quốc, cũng có thể dưỡng sinh.

Theo Chánh Kiến

Mạn Vũ biên dịch

Video: Bạch Long Mã: Nốt nhạc trầm lặng giữa một bản hùng ca

videoinfo__video3.dkn.tv||b6cf64ab5__