Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

 Đường Lưu Yến, mới bảy tuổi
Thi Thần đồng, quan Chính tự.
Cậu tuy nhỏ, đã làm quan
Trò đang học, hãy gắng sức.
Người nỗ lực, đều được vậy.

Chó canh đêm, gà báo sáng
Nếu không học, sao nên người?
Tằm nhả tơ, ong gây mật
Người không học, không bằng vật.

Diễn giải

Lưu Yến triều Đường mới 7 tuổi đã được tiến cử tham gia Thần đồng thi (tên một khoa thi khảo thí thời nhà Đường dành cho các bạn nhỏ thông minh), thông qua đó mà được đảm nhiệm chức quan Chính tự. Cậu tuy nhỏ tuổi nhưng đã ra làm quan. Chúng ta là những người mới đi học, chỉ cần chăm chỉ nỗ lực thì cũng có thể đạt đến thành công như vậy.

Chó có thể thay người mà canh cửa vào ban đêm, đề phòng kẻ gian xâm nhập. Gà trống có thể gáy để báo rằng trời sáng. Những con vật này có đều có thể trung thành với chức vụ của chúng, nếu chúng ta không thể dụng tâm học tập, chỉ sống những ngày tháng mơ mơ hồ hồ, liệu có xứng đáng làm người không?

Con tằm có thể nhả tơ, cung cấp nguyên liệu cho con người làm y phục. Con ong có thể lấy hoa làm mật, cung cấp thực phẩm cho con người. Người ta nếu không nỗ lực học tập, há chẳng phải không bằng chúng sao?

Câu chuyện tham khảo

Lưu Yến tư chất thông minh

Lưu Yến triều Đường dù diện mạo không đẹp nhưng lại là một Thần đồng. Năm Lưu Yến 7 tuổi, khi Đường Huyền Tông đến Thái Sơn tế Trời, Lưu Yến dâng một bài thơ tên là “Đông phong tụng”. Đường Huyền Tông nghe xong thì vô cùng tán thưởng, bèn triệu kiến cậu. Huyền Tông thấy Lưu Yến nhỏ tuổi nên nghi ngờ “Đông phong tụng” không phải là bút tích cậu, thế là ra lệnh Tể tướng Trương Duyệt ra đề khảo thí. Sau khi Trương Duyệt xem xong, phát hiện Lưu Yến đúng thật là một cậu bé tư chất thông minh, không hổ danh là Thần đồng. Huyền Tông bèn phong Lưu Yến làm quan Chính tự, phụ trách việc in ấn văn tự và hiệu đính sách cổ.

Có một lần, Huyền Tông nói với Lưu Yến: “Cậu là quan Chính tự, rốt cuộc có thể sửa bao nhiêu chữ?”. Lưu Yến nghe xong liền quỳ xuống nói: “Chữ trong thiên hạ có thể sửa, chỉ có một chữ bằng (朋: bọn), thần không thể sửa”. Vốn là thời đó trong triều có nhiều người kết bè đảng làm điều xấu, người ta gọi “bằng thử vi gian” là phê phán những người làm xằng làm bậy. Lưu Yến nói không thể sửa chữ “bằng” là chỉ sự việc đó.

Lưu Yến dù tuổi nhỏ đã hiểu rõ đạo lý, lo lắng cho quốc gia, chán ghét kết đảng trục lợi, cho nên sau khi lớn lên ông trở thành người phi phàm. Ông làm đến chức Tể tướng, là vị quan tốt yêu dân như con, tận lực với chức trách.

Phạm Trọng Yêm chăm học

Thời nhà Tống có vị Tể tướng là Phạm Trọng Yêm, ông không những là nhà văn hóa mà còn là nhà chính trị, quân sự rất có thành tựu. Thành tựu của ông không chỉ là dựa vào vận may và thiên phú, mà còn dựa vào tinh thần hiếu học, trải qua nỗ lực mà đạt được.

Khi Phạm Trọng Yêm 2 tuổi thì phụ thân qua đời. Vì nhà rất nghèo nên mẹ ông tái giá với một người họ Chu. Lớn lên, ông vì khuyên em trai cùng cha khác mẹ không được tùy tiện hoang phí tiền bạc nên bị chế giễu không phải là con nhà họ Chu. Sau khi biết được thân phận của mình, ông liền cáo biệt mẫu thân, một mình đến học xá Nam Đô, đi theo nhà tri thức lớn lúc bấy giờ là Thích Đồng Văn mà học tập sách vở.

Ông sống một cuộc sống nghèo khó, kiên trì đọc sách bất kể ngày đêm, đọc đến khuya mới nghỉ ngơi. Có lúc đọc sách mệt quá, ông bèn dùng nước lạnh rửa mặt, sau khi tỉnh lại tiếp tục đọc. Khi không có tiền mua gạo, ông bèn nấu cháo kê loãng để ăn. Đợi đến khi cháo loãng lạnh đi rồi đông lại, ông cắt thành 4 phần, 2 phần cho buổi sáng và 2 phần cho buổi tối. Ông lại cắt dưa muối thành mười mấy phần để ăn thêm với cháo, như thế mới lấp đầy bao tử.

Có một lần, đoàn xe của Hoàng đế Tống Chân Tông đi qua chỗ gần ông, các bạn học bèn bỏ việc đọc sách mà chạy ra ngoài xem, chỉ có Phạm Trọng Yêm không ra, vẫn miệt mài đọc sách. Một người bạn học chạy đến chỗ ông rồi bảo: “Nhanh ra xem! Đây là cơ hội nghìn năm khó gặp, đừng bỏ lỡ”. Nhưng Phạm Trọng Yêm chỉ nói: “Không cần gấp. Tương lai gặp cũng không muộn”, sau đó ông cúi đầu tiếp tục đọc sách. Quả nhiên, năm tiếp theo ông đỗ Tiến sĩ và gặp được Hoàng đế.

Nhờ khắc khổ học tập nhiều năm như vậy, Phạm Trọng Yêm nghiên cứu thấu đáo Ngũ kinh của Nho gia, sau này trở thành người có học vấn uyên bác. Đến thời Tống Nhân Tông, ông làm đến chức Tể tướng. 

Phạm Trọng Yêm – Vị quan mẫu mực lo trước dân, vui sau dân (ảnh minh họa: Epochtimes).

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

 唐劉晏,方七歲
舉神童,作正字。
彼雖幼,身己仕
爾幼學,勉而致。
有為者,亦若是。

犬守夜,雞司晨
苟不學,曷為人。
蠶吐絲,蜂釀蜜
人不學,不如物。

Âm Hán Việt

 Đường Lưu Yến, phương thất tuế
Cử Thần đồng, tác chính tự. 
Bỉ tuy ấu, thân kỷ sĩ
Nhĩ ấu học, miễn nhi trí.
Hữu vi giả, diệc nhược thị. 

Khuyển thủ dạ, kê tư thần
Nhược bất học, hạt vi nhân. 
Tầm thổ ty, phong nhưỡng mật
Nhân bất học, bất như vật.

Pinyin Hán ngữ

 Táng liú yàn, fāng qī suì
Jǔ shén tóng, zuò zhèng zì.
Bǐ suī yòu, shēn jǐ shì
Ěr yòu xué, miǎn ér zhì.
Yǒu wéi zhě, yì ruò shì.

Quǎn shǒu yè, jī sī chén
Gǒu bù xué, hé wéi rén.
Cán tǔ sī, fēng niàng mì
Rén bù xué, bù rú wù.

Chú giải

(1) Đường: triều Đường. 

(2) Lưu Yến: tên người.

(3) Phương: mới (phó từ).

(4) Cử: đề cử.

(5) Tác: đảm nhận.

(6) Chính tự: tên chức quan phụ trách việc xuất bản văn tự và hiệu đính sách cổ.

(7) Thân: bản thân. 

(8) Sĩ: làm quan. 

(9) Trí: đạt được, làm đến.

(10) Hữu vi giả: người ra sức hành động, chịu khó nỗ lực. 

(11) Diệc: cũng.

(12) Nhược thị: giống như vậy.

(13) Thủ dạ: bảo vệ vào ban đêm. 

(14) Tư: phụ trách, quản lý. 

(15) Cẩu: nếu như.

(16) Hạt: vì sao.

(17) Nhưỡng: sản xuất.

(18) Vật: động vật.

Đọc sách bút đàm

Lưu Yến xuất hiện ở những chương cuối trong “Tam tự kinh”, ông cần mẫn đọc sách từ nhỏ, trở thành Thần đồng, là tấm gương cho các bạn nhỏ đi học noi theo. Ông là nhân vật điển hình về lý tưởng học tập để giúp đời thời cổ đại. Thời xưa, học tập đèn sách có thể làm quan, điều đó không sai, nhưng mục đích làm quan không phải vì bản thân mà là để trợ giúp quân vương thực hành vương đạo, tạo phúc cho quốc gia và bách tính.

Lưu Yến là người Nam Hoa, Tào Châu (nay là Đông Lãng tỉnh Sơn Đông), tự Sĩ An. Cả đời ông trải qua 4 đời vua là Đường Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông, Đức Tông, làm quan đến chức cao nhất là Tể tướng. Ông phụ trách việc quản lý tài chính mấy chục năm, tận sức giúp đất nước phát triển kinh tế về công thương nghiệp. Vì ông làm việc hiệu quả cao, thành tích lớn, liêm khiết, yêu nước thương dân nên được người đời xưng tụng là nhà quản lý “có ích cho quốc gia, chưa từng hà khắc với nhân dân”. Những năm đầu Kiến Trung thời vua Đường Đức Tông (năm 780), vì bị Dương Viêm hãm hại, tài sản của ông bị tịch thu, trong nhà chỉ còn một ít sách và một vài thạch lúa gạo mà thôi.

Phần sau đề cập đến các loài động vật với bổn phận và trách nhiệm khác nhau, mục đích là muốn nói làm người cũng phải có bổn phận làm người. Người đọc sách là để hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ làm người, có thể tận tâm làm tròn bổn phận của mình, nếu không thì không bằng các loài động vật đó. Lưu Yến sống một đời không hổ thẹn, mọi người chỉ cần nỗ lực chăm học, cũng có thể được như ông. 

Theo Chánh Kiến
Mạn Vũ biên dịch

Video: Học cách làm chủ bản thân: ‘Gió lớn không lay chuyển được núi!’

videoinfo__video3.dkn.tv||68ddc9d48__