Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Dùng bạo lực để giành lấy chiến thắng là chuyện của kẻ vũ dũng. Bậc quân tử vốn không cần động đao binh vẫn có thể khiến kẻ khác quy thuận. Trong lịch sử, chuyện những bậc chí sĩ, quân tử dùng mưu trí mà khuất phục kẻ thù có rất nhiều, quả là đếm không xuể. Câu chuyện về Nguyễn Trãi chính là một ví dụ tương tự.
Năm 1407, mượn danh nghĩa “Phù trần diệt Hồ”, nhà Minh xâm phạm bờ cõi nước Việt. Nhà Hồ mau chóng tổ chức kháng chiến. Tuy nhiên, chỉ sau không đầy một năm, cuộc kháng chiến thất bại. Quân Minh chiếm được nước Việt, thiết lập nền cai trị, lịch sử gọi là “Bắc thuộc lần thứ 4”.
Tất nhiên nền cai trị của nhà Minh không mấy yên ổn. Khắp nơi trong nước, khởi nghĩa nổ ra. Các nghĩa quân yêu nước liên tục khiến quan quân nhà Minh phải vất vả chống đỡ. Điển hình nhất là khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo nổ ra năm 1418. Để định kế lớn, Lê Lợi tôn Nguyễn Trãi làm quân sư, cùng bàn mưu chống giặc.
Vốn thông minh, hiếu học, Nguyễn Trãi nổi tiếng là người học rộng, tài cao, có kiến thức về nhiều lĩnh vực. Nhà sử học Phan Huy Chú ca ngợi ông rằng: “Tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng, kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả”. Lúc 20 tuổi, Nguyễn Trãi dự khóa thi của triều đình và đỗ Thái học sinh, cùng cha vào triều làm quan cho nhà Hồ dưới đời vua Hồ Quý Ly năm 1400.
Khi quân Minh đánh bại Hồ Quý Ly, cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải sang Trung Quốc. Ông theo cha lên cửa ải và tỏ ý muốn ở bên hầu hạ. Nhưng Nguyễn Phi Khanh không đồng ý và khuyên ông nên về lo cứu nước báo thù nhà. Từ đó Nguyễn Trãi phiêu bạt khắp nơi, vẫn hằng nuôi chí báo thù nhà, đền nợ nước, giành lại nền tự chủ cho nước nhà.
Sau 13 năm lưu lạc gió bụi, năm 1420, Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Ông dâng lên Lê Lợi bản “Bình Ngô sách”, trong đó vạch ra nhiều kế sách lớn để đánh quân Minh, đặc biệt là chú trọng tâm công, đánh vào lòng người để dành chiến thắng. Nhận thấy đây là một nhân tài hiếm gặp, Lê Lợi lập tức trọng dụng Nguyễn Trãi và phong chức cho ông làm Tuyên phong đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân.
Trong những năm tháng đầu tiên, nghĩa quân Lam Sơn gặp rất nhiều khó khăn, thường bị quân Minh vây hãm, đánh cho thất trận. Trước tình thế đó, Lê Lợi có ý giảng hoà với quân Minh để tận dụng thời gian củng cố lực lượng. Năm 1423, Bình Định Vương Lê lợi cử người mang lễ vật cùng thư do Nguyễn Trãi viết tới gặp nhà Minh cầu hòa. Nhờ những lời lẽ hợp tình hợp lý của Nguyễn Trãi, tướng nhà Minh khi ấy là Trần Trí nhanh chóng chấp thuận.
“Mưu phạt tâm công” dùng đức trị người, không binh đao cũng thắng trận
Tranh thủ thời gian hoà hoãn hiếm hoi, Lê Lợi dẫn quân về Lam Sơn, nhanh chóng củng cố lực lượng. Đến tháng 10 năm 1424, nghĩa quân tiến vào Nam, tấn công đồn Đa Căng, thành Trà Lân và bao vây thành Nghệ An. Gần một năm sau, Bình Định Vương tiếp tục mở cuộc tấn công vào Tân Bình, Thuận Hoá và liên tiếp giành thắng lợi, làm chủ một vùng rộng lớn. Quân Minh lúc này chỉ còn biết co cụm, chờ cứu viện từ phương bắc.
Lúc này, thay vì hãm giặc đến đường cùng, tránh cảnh “chó cùng rứt giậu”, Nguyễn Trãi đã dùng kế “mưu phạt tâm công”, dùng lý lẽ xác đáng, đánh vào lòng người để chiêu dụ các tướng nhà Minh đầu hàng. Sử sách chép lại rằng đích thân ông đã 5 lần vào thành địch dụ hàng. Trong thư gửi Vương Thông nghị hòa, ông viết: “Nay các ông kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải như thịt trên thớt, cá trong nồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa.
Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dù thời cùng vận khốn, cũng nếm mật nằm gai, không chịu đem lòng kia khác, lẽ nào ngày nay, lại chịu tin theo những lời bất nghĩa của các ông. Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chúa cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham thì những người chống các ông sẽ kéo nhau ra hàng, như Trương Phi, Lã Bố, các ông lại bị chính thuộc hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên”.
Nguyễn Trãi đã viết hàng chục bức thư như thế để chiêu dụ các tướng Vương Thông (Đông Quan), Thái Phúc (Nghệ An) và các tướng lĩnh khác ở Tân Bình, Thuận Hoá. Trước những lời lẽ đầy thuyết phục và lý luận đanh thép, có sức nặng tựa như vạn hùng binh của ông, quan quân nhà Minh đã phải mềm lòng, quy phục. Sau khi nhận được thư của Nguyễn Trại, đại tướng quân Minh là Vương Thông đã chấp thuận giảng hoà, mở hội thề với Lê Lợi ở Đông Quan, rút quân về nước, từ bỏ quyền lực ở nước Việt.
Chính nhờ kế sách mưu phạt tâm công độc đáo này, nước Việt đã giành lại được chủ quyền mà không phải trải qua quá nhiều trận chiến đổ máu, tránh được cho chúng sinh một cuộc lầm than, máu chảy đầu rơi. Sau này, khi thay mặt Lê Lợi soạn “Bình Ngô Đại Cáo” để bố cáo thiên hạ, Nguyễn Trãi tổng kết lại thắng lợi của cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh bằng những câu này:
“Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”
Con người Nguyễn Trãi là sự hoà trộn của Nho giáo, Phật Giáo và Đạo giáo
Trong tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” bất hủ của mình, Nguyễn Trãi viết:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”
Có thể thấy tinh thần nhân nghĩa, lấy thiện nghĩa, chí nhân để diệt hung tàn, trấn áp cường bạo là tư tưởng chủ đạo của cả một đời Nguyễn Trãi. Bậc chính nhân, quân tử luôn lấy thiện đãi người, dùng khoan dung, độ lượng cải biến nhân tâm. Nguyễn Trãi lấy 3 tấc lưỡi của mình mà khiến hàng vạn quân giặc phải cởi giáp quy hàng, tâm phục khẩu phục, dùng một ngọn bút lông mà cương nghị, sắc sảo chẳng kém gì kiếm đao. Khí chất ấy người phàm thực không dễ có được vậy.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư“, cuối năm 1427, quân Lam Sơn giành được thế chủ động, bao vây chặt 8 vạn quân Minh ở Đông Quan. Các tướng sĩ đều muốn đánh lấy Đông Quan, dùng máu quân Minh để rửa nhục, báo thù cho bách tính vô tội từng chết trong tay quân giặc. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi đã cân nhắc đến an nguy của bách tính, phân tích chỗ mạnh yếu của quân địch và khuyên Lê Lợi nghị hòa, cho đối phương một con đường sống. Theo ông, đánh thành để trả thù vào lúc đó không phải là việc khó khăn nhưng sẽ khiến nhiều người thiệt mạng, đôi bên cùng tổn thương, ngọc đá đều nát.
Nguyễn Trãi dùng lời uý lạo các tướng sĩ rằng: “Phục thù báo oán là thường tình của người thường, nhưng không muốn giết người là hảo tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình giết đi thì chẳng còn gì ghê gớm hơn việc làm không lành ấy. Nếu vì hả giận trong chốc lát mà để muôn đời mang tiếng giết kẻ đã hàng, thì chi bằng cho muôn vạn người được toàn tính mạng để dập tắt mối chiến tranh về sau, sử xanh ghi chép nghìn thuở còn thơm, há chẳng tốt đẹp sao?“.
Hơn nữa, nếu làm cỏ quân Minh, Nguyễn Trãi cho rằng “về sau dễ bị nhà Minh trả thù, chi bằng thừa lúc kẻ thù lâm vào thế cùng mà hòa hiếu để tạo phúc cho chúng sinh hai nước”. Thấy thấu tình đạt lý, Lê Lợi chấp nhận và tha cho tướng sỹ nhà Minh về nước.
Với Nguyễn Trãi:
“Việc nhân nghĩa cốt để yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Vậy nên trong mọi quyết định, ông đều nghĩ cho bách tính đầu tiên. Thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, Nguyễn Trãi khuyên người người nên tu thân theo đạo trung dung, tuân theo tam cương ngũ thường, đặc biệt là đạo hiếu và đạo trung. Hiểu sâu sắc tư tưởng Phât giáo và Đạo giáo, ông cũng khuyên người ta không nên coi trọng vật chất, nên sống lương thiện, không ham danh lợi, làm người cần khoan dung độ lượng và luôn nghĩ cho người khác. Đất nước có bình an thì trăm dân mới ấm no hạnh phúc. Thời loạn lạc có người nhân nghĩa, bậc quân vương mới có thể tạo phúc cho chúng sinh.
Mặc dù cuộc đời ông kết thúc trong oan trái, nhưng lịch sử đã trả lại sự công bằng cho ông, cũng như trả lại công bằng cho hết thảy những tấm lòng cảm mến trước đạo đức và tài năng của ông. Thế hệ tương lai đã có thể nhìn vào một tấm gương sáng của quá khứ, một bậc anh tài, trượng nghĩa thực thụ như Nguyễn Trãi.
Tú Linh
Xem thêm: