Có người thắc mắc, vì sao cả đời thờ Phật, cúng Trời mà sao vẫn luôn gặp chuyện chẳng lành, điều xui xẻo? Thực ra ông Trời vốn rất công bằng, quyết không thiên vị ai. Câu chuyện dưới đây có thể cho bạn một lời giải thích.
Người xưa nói, tâm người sinh ra một ý niệm thì cả trời đất đều biết cả (Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri). Dù đó là thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần khẽ động là chấn động mười phương, chính là “người nói thì thầm, trời nghe như sấm”.
Trong sách cổ cũng chép lại những câu chuyện như thế. Chuyện dưới đây chép trong “Đức dục cổ giám”.
Tai họa từ đâu đến?
Vào năm Gia Tĩnh thời nhà Minh, tại Giang Tây có một người tên là Du Đô. Thời còn đi học, ông cùng một nhóm bạn lập nên hội “Văn Xương xã”, nguyện thề cùng nhau trân quý văn tự, giấy vở, sách thánh hiền, giới cấm sát sinh, vứt bỏ tà dâm, không nói lời ác phạm khẩu nghiệp, hành thiện tích đức. Thế nhưng, cả bảy lần đi thi Hương, Du Đô đều không đậu.
Vợ Du Đô sinh hạ được 5 trai, 4 gái. Chẳng may, các con ông đều chết yểu cả, chỉ còn lại 1 trai, 1 gái. Cậu con trai ấy rất mực thông minh, lại có hai nốt ruồi lạ ở dưới bàn chân trái. Vợ chồng Du Đô rất mực yêu quý nó. Nhưng khi lên 6 tuổi, trong một lần đi chơi, cậu bé thất lạc không tung tích.
Vợ ông vì quá đau buồn mà thường xuyên khóc thương tới mức cuối cùng bị mù cả đôi mắt. Ông Du Đô thất vọng, suy sụp, lại lâm vào cảnh bần hàn, khốn cùng nên càng chán nản hơn. Ông luôn tự hỏi rằng không biết mình đã làm điều gì sai để phải chịu tội khổ, quả báo oan nghiệt như thế.
Bước sang tuổi 40, cứ vào tháng Chạp hàng năm, ông Du Đô lại viết một tờ sớ, đặt lên bàn thờ khấn vái, rồi đốt cho Táo quân, cầu mong Táo quân hiển linh nói cho ông biết rõ sự tình. Cứ như thế, 7 năm trôi qua, ông Đô vẫn chờ trong vô vọng.
Đêm Giao thừa năm ông 47 tuổi, như thường lệ trong bốn bức tường nhà lạnh lẽo chỉ có ông, người vợ mù và cô con gái nhỏ đang ngồi lặng lẽ bên nhau. Bỗng bên ngoài có tiếng người gõ cửa, ông Đô với tay cầm cây nến đi ra.
Bên ngoài là một ông lão đầu đội mũ ô sa vuông, quần áo rộng thùng thình, tự nhận mình họ Trương, từ phương xa tới. Nghe nói nhà ông Đô đang buồn rầu lo lắng, nên tới hỏi thăm.
Cuộc viếng thăm bất ngờ
Thấy người này ăn mặc và lời nói có chút khác thường nhưng ông Đô vẫn mời vào nhà, cung kính tiếp đón. Trong cuộc trò chuyện, ông Đô kể lại cảnh ngộ của mình, rồi trong lúc cao hứng còn đọc cho vị khách tới thăm bài sớ mình viết cho Táo quân vào mỗi dịp Tết.
Ông lão họ Trương trầm ngâm hồi lâu, nói: “Tôi vốn biết chuyện nhà ông từ lâu. Trong đầu ông chứa đầy ý nghĩ tà niệm, truy cầu hư danh. Sớ văn ông gửi cho Táo quân cũng chứa đầy oán hận, lại có ý không tôn kính Ngọc Đế. Chỉ sợ sau này ông còn phải gánh lấy sự trừng phạt nặng nề hơn“.
Nghe những lời đó, ông Du Đô vô cùng kinh ngạc, vội hỏi: “Tôi nghe người xưa nói tất cả việc thiện, việc ác đều có ghi chép, chi tiết tới chân tơ kẽ tóc. Tôi và những người bạn trong hội Văn Xương xã khi xưa có phát nguyện hành thiện, và đều cẩn trọng thực hiện theo, làm sao lại có thể coi là hư danh được?”.
Ông lão nói: “Vậy ông hãy nghe cho kỹ nhé! Các ông nói là trân quý sách Thánh hiền nhưng lại dùng giấy có văn tự để bọc đồ ăn, để lau bàn ghế, rồi tùy tiện đốt bỏ. Các ông thề nguyện phóng sinh mà trong bếp vẫn không ngừng sát sinh cua, tôm, cá. Còn khẩu nghiệp thì lại càng nặng nề. Lời nói của ông mang đầy giọng trào phúng, châm biếm người khác. Mỗi lời đều như mũi dao sắc làm kích động tới Thần Phật không biết bao nhiêu cho kể.
Chuyện tà dâm mặc dù không có rõ ràng xác thực, nhưng khi nhìn thấy con gái nhà người ta dung mạo mĩ miều, trong lòng ông vẫn bị rung động, chỉ là không có duyên để kết thành tội. Không những thế, ông lại cho rằng điều mình làm xằng bậy lại không nghiêm trọng. Những tấu sớ ông đốt hàng năm đều được chuyển lên Ngọc Đế rồi.
Ngọc Đế cũng đã từng cử người đi điều tra chuyện của ông nhưng không có một việc thiện nào đáng để ghi chép. Ngược lại, chỉ càng nhìn thấy các loại lòng tham, dâm dục, đố kỵ tràn đầy trong ông. Trong ông chỉ chứa đầy hận thù mà lại đòi phúc báo. Ý nghĩ của ông chứa đầy ác ý như vậy chỉ sợ trốn không thoát khỏi tai họa chứ còn cầu xin gì phúc báo được nữa?”.
Sau khi ông Du Đô nghe được câu chuyện, trong lòng vô cùng hoảng hốt, sợ hãi quỳ sụp xuống đất khóc ròng mà nói: “Ông đã tinh thông những sự việc âm gian như vậy, chắc chắn là Thần, cầu xin ông hãy ra tay cứu độ chỉ bảo”.
Ông Trương nói: “Ông nói ông tin Thần, tin Phật nhưng lòng tin đó không sâu sắc, những việc hành thiện cũng không lâu dài, chỉ là làm qua quýt cho xong chuyện. Ông thử nghĩ xem đã làm những việc như vậy mà còn kỳ vọng được phúc báo chẳng phải giống như trồng cây gai lại mong muốn được hưởng quả ngọt hay sao?
Hy vọng từ nay về sau ông có thể vứt bỏ sự tham lam vô độ, trừ bỏ sự phóng túng bừa bãi, không màng danh lợi, không cầu phúc báo, tận sức hành thiện làm việc tốt, kiên trì lâu dài sẽ tự có hiệu nghiệm. Bởi gia đình ông rất thành kính với ta, nên ta đến để điểm hóa, nhắc nhở ông”.
Nói xong, ông lão đi vào bếp và biến mất. Tới lúc này, gia đình ông Đô mới biết đó là Táo quân nhà mình hiển linh tới cứu giúp, đoạn vội vàng thắp hương lễ tạ.
Hành thiện thay đổi vận mệnh, tìm lại được con trai mất tích
Ngày hôm sau là sáng mùng một Tết, trước bài vị tổ tiên và bàn thờ trời đất, gia đình ông phát nguyện tích đức hành thiện, tu tâm thanh khiết theo chỉ dạy, quyết loại bỏ các loại dục vọng. Mỗi lời nói cử chỉ, ông đều tự kiểm soát bản thân và luôn nhắc nhở mình “Trên đầu ba thước có thần linh“, không lừa gạt hay làm điều xấu. Không những vậy, gia đình ông còn thường xuyên khuyên người khác tích đức hành thiện, khuyến thiện mọi người.
Gia đình ông Đô cứ âm thầm tích đức hành thiện như vậy. Đến năm ông 50 tuổi, ông được tiến cử làm thầy dạy cho con trai của Trương Cư Chính, một học giả nổi tiếng thời ấy. Sau khi được tuyển chọn, ông cùng vợ và con gái tới Nam Kinh sống.
Một ngày nọ, ông Du Đô tới bái kiến Dương Công, một vị thái giám ở trong hoàng cung. Vị thái giám gọi 5 người con nuôi ra chào hỏi. Trong đó có một cậu bé tuổi chừng 16 đã khiến ông Du Đô ấn tượng mạnh mẽ. Nhìn tướng mạo, dáng vẻ của cậu có gì đó rất quen thuộc gần gũi, liền tới hỏi tung tích quê quán.
Cậu bé trả lời: “Con là người Giang Tây, khi còn nhỏ đã đi đến một thuyền chứa lương thực và bị thất lạc gia đình. Bây giờ con chỉ nhớ mang máng về tên họ cũng như làng xóm khi xưa”.
Hỏi tới đây, ông Du Đô có hơi ngạc nhiên, liền bảo cậu bé cởi giầy ra và cho xem bàn chân trái, quả nhiên thấy hai nốt ruồi vẫn còn đó. Ông kêu lên và khóc nấc: “Đội ơn Trời Phật phù hộ hiển linh, đây đúng là con trai con rồi”.
Vị thái giám cũng kinh ngạc không kém, liền đưa cha con ông về nhà. Về đến nhà ông liền kể rõ sự tình cho vợ mình nghe. Vợ ông ôm chặt lấy cậu con trai bị thất lạc bấy lâu mà khóc lóc thảm thiết, tới mức máu và nước mắt hòa làm một. Cậu con trai cũng khóc ròng mừng mừng tủi tủi khi tìm lại được gia đình, tay nâng khuôn mặt tràn đẫm lệ của mẹ, lau khô những giọt lệ trên mắt, trên má mẹ.
Đột nhiên, như một phương thuốc thần kỳ, đôi mắt người mẹ bỗng nhiên lại sáng rõ như xưa. Ông Du Đô nhìn thấy cảnh gia đình đoàn viên thì trong tâm mãn nguyện vui mừng. Với ông như vậy là đủ, cũng chẳng mong cầu quan tước gì, xin từ chức về cố hương. Nghe được câu chuyện của ông, Trương Cư Chính vô cùng khâm phục, liền tặng rất nhiều vật phẩm, cho phép ông toại nguyện.
Trở về quê hương, gia đình ông càng nỗ lực hành thiện tích đức. Sau khi con trai kết hôn, lại sinh liền cho ông 7 người cháu trai, sau này đều học hành thành tài, kế thừa truyền thống ham học của cha ông.
Ông Du Đô cũng đích thân chép lại câu chuyện gặp Táo quân và việc thay đổi tích đức, hành thiện, lưu lại làm bài học giáo dục cho con cháu noi gương. Ông sống thọ tới 80 tuổi rồi mới qua đời. Mọi người đều nói bởi ông tích đức hành thiện, kịp thời hối cải nên mới nhận phúc báo to lớn, cải biến cả số mệnh.
Bình Nhi
Xem thêm:
- Đời người có 4 nỗi khổ lớn nhất, làm cách nào giải trừ phiền muộn?
- Dũng khí lớn nhất đời người là nhận sai, kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình
- Lời tâm sự của một ni cô: Thần tích hiển linh – tôi đã khỏi ung thư dạ dày kỳ diệu như thế nào?