Trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, tham có nghĩa là ham muốn vật chất. Trên thế gian có ba thứ hấp dẫn con người đó là: rượu, sắc và tiền tài. Tham lam ba thứ đó không chỉ hại mình mà còn hại người.

Tham rượu

Rượu ban đầu được dùng làm vật cúng tế. Rượu còn được dùng như dược liệu, dưỡng sinh, có tác dụng lưu thông máu huyết, giãn xương cốt. Rượu còn được dùng làm môi chất trong nghi lễ tiếp đãi chủ khách, bằng hữu, tri kỷ. Các tao nhân mặc khách “bầu rượu túi thơ”, hội hữu làm thơ, ngâm thơ đã thành ký ức đẹp về người xưa.

Nhưng nếu uống nhiều rượu quá sẽ mất hết cả lý trí dẫn đến họa diệt thân. Thời Tam Quốc, Trương Phi là vị tướng dũng mãnh, một mình đứng trên cầu Trường Bản thét vang khiến tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Kiệt đứt ruột, vỡ gan, ngã nhào xuống ngựa. Nhưng chỉ vì rượu mà Phi rước họa vào thân. Sau khi Quan Vũ để mất Kinh Châu rồi bại vong bởi quân Đông Ngô, Trương Phi vì chuyện ấy mà đau buồn, uống rượu thay cơm, mượn chén giải sầu. Ông lệnh cho hai tướng Phạm Cương và Trương Đạt phải may đủ cờ trắng, áo giáp trắng để ba quân mặc đồ tang sang đánh Đông Ngô. Hai tướng nói rằng không thể may kịp, thế là Trương Phi liền quát võ sĩ, sai trói hai người vào gốc cây, đánh mỗi người năm chục roi. Phạm Cương, Trương Đạt bị dồn vào đường cùng, giữa đêm cùng nhau vào trướng lấy đầu Trương Phi.

Còn ngày nay, rượu bia đã bị lạm dụng bừa bãi. Buồn cũng uống, vui cũng uống, thăng chức uống, lĩnh lương uống, gặp nhau uống, sinh con uống, tân gia, cưới hỏi, ma chay, sang cát, lễ Tết… đều uống. Uống quá nhiều rượu sẽ dẫn đến nghiện, thậm chí còn bị ngộ độc, mất cả mạng sống. Đó là tác hại trực tiếp đối với cá nhân.

Thêm nữa, nếu uống rượu rồi tham gia giao thông mà lỡ xảy ra mệnh hệ gì, thì chẳng phải khiến người thân trong gia đình khổ sở vì ta sao? Vợ có thể mất chồng, con có thể mất cha, cha mẹ có thể mất con… Người uống rượu nhiều, khi sinh con sẽ tăng rủi ro những vấn đề về não bộ ở thai nhi, dẫn đến suy yếu giống nòi. Có nhiều vụ việc nghiêm trọng dẫn đến án mạng cũng vì những “lời ra tiếng vào” trong lúc say. Cho nên nói uống rượu hại người cũng là có căn cứ.

Tham sắc

Nhìn lại lịch sử, trên thế giới đã từng tồn tại một số nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ, bao gồm Ai Cập, Babylon, La Mã… Trong đó, Ai Cập, Babylon và La Mã cổ đại đã sớm bị diệt vong. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong ấy chính là dâm loạn.

Bức họa “Ngày cuối cùng của Pompeii” (1833, Karl Bryullov)

Theo Herodotus – nhà sử học người Hy Lạp ghi chép lại thì trong cuộc đời, mỗi một người phụ nữ Babylon đều phải đến miếu thờ Thần Aphrodite làm gái mại dâm và giao hợp với một số người đàn ông xa lạ. Vị Pharaoh cuối cùng của Ai Cập cổ đại là nữ hoàng Cleopatra VII. Để giữ được ngôi vị, Cleopatra VII lần lượt kết hôn với hai người em trai cùng cha khác mẹ là Ptolemy XIII và Ptolemy XIV. Tuy nhiên, với các Pharaoh thời ấy thì điều đó không bị coi là vô đạo đức. Còn theo ghi chép của nhà sử học Edward Gibbon, thời ấy ở La Mã có nhà tắm Caracalla chứa được 2300 người tắm cùng một lúc. Nam nữ tắm chung hỗn tạp, hành vi dâm loạn xảy ra nhiều vô kể…

Văn hóa truyền thống coi trọng và đề cao đạo đức, lễ nghi. Đặc biệt vấn đề quan hệ nam nữ lại càng yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt. Xã hội hiện đại ngày nay nói nhiều đến giải phóng tình dục, tự do yêu đương. Con người cũng không còn tin tưởng vào luật nhân quả, thiện ác có báo nữa, không học theo lời dạy của bậc Thánh nhân, đạo đức trượt dốc, đặc biệt ở phương diện quan hệ nam nữ.

Chìm trong sắc dục, người ta khó chống lại được những cám dỗ đến từ những người khác giới, do vậy rất dễ phạm sai lầm. Lâu dần, điều đó không chỉ làm tổn hại thân thể của bản thân, khiến tinh huyết hao tổn, tinh lực suy kiệt, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với gia đình và người khác. Những vụ đánh ghen đầy bạo lực, gia đình ly tán vì người thứ ba… cũng vì tham sắc dục mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Vì một chút dục vọng tầm thường, bạn sẵn sàng trở thành kẻ bất Nhân, bất Lễ, bất Nghĩa, bất Trí, bất Tín hay sao! Bởi, chỉ nghĩ đến khoái cảm hay nhu cầu thỏa mãn dục vọng của bản thân là bất Nhân. Hành động vô lối, tùy tiện là bất Lễ. Hủy hoại đạo đức và sự ổn định trong xã hội là bất Nghĩa. Chỉ theo đòi hỏi của cơ thể mà không dùng tới lý trí là bất Trí. Phản bội người hôn phối là bất Tín.

Tham tiền tài

Tiền chỉ là công cụ chứ không phải mục đích sống. Người xưa dạy: “Tiền là vật ngoại thân”. Chúng ta đến đây với hai bàn tay trắng đến khi trăm tuổi lâm chung thì những của cải kia có còn quan trọng với chúng ta nữa đâu. Năm xưa chỉ vì tham con ngựa và cái áo đẹp mà có người dẫn đến họa vong quốc diệt thân. Lệnh doãn nước Sở thời Xuân Thu là Nang Ngõa là người rất tham lam. Ông tham ngựa quý của Đường Hầu, tham áo lông cừu của Thái Hầu, kết quả khiến nhiều chư hầu khác bất mãn và họ đã liên quân lại đánh nhau với Sở, khiến nước Sở suy bại, để rồi chính ông cũng mất đi vị trí quan Lệnh doãn, trốn chạy sang nước khác, cuối cùng phải tự sát.

Lão Tử trong “Đạo Đức Kinh” có giảng: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi”, tức là biết đủ sẽ không nhục, biết dừng sẽ không nguy. Nang Ngõa chính là bởi không hiểu đạo lý này, nên mới dẫn đến cái họa vong quốc diệt thân như vậy.

Tranh vẽ Lão Tử (ảnh: Naver).

Còn ngày nay, người ta chỉ vì một chút lợi nhỏ mà tranh giành đấu đá với người thân, rồi từ mặt nhau đến già, thậm chí có người còn dùng hung khí đánh nhau, coi nhau như kẻ thù. Mới đây, vụ án Nguyễn Văn Đông chém tử vong 4 người trong gia đình em ruột gây rúng động ở Đan Phượng (Hà Nội), nguyên nhân cũng vì tranh chấp… 0,5m đất.  

Tiền có thể từ từ kiếm được, nhưng người thân một khi đã mất đi thì cả đời ân hận. Có những anh em một nhà khi cha mẹ còn đó mà đã chẳng nể mặt, tranh giành tài sản. Hành vi này không chỉ làm đau lòng mẹ cha mà còn là những trái bom nổ chậm trong quan hệ anh em, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào sau này.

***

Ba cái tham này không chỉ hại bản thân mình mà còn hại đến người khác thậm chí khiến một quốc gia bại vong. Những bài học thời xưa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. “Biết đủ thường vui”, chỉ khi biết đủ ta mới có thể kiềm chế những ham muốn dục vọng, ta mới biết điều gì mới thật sự có ý nghĩa!

Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__

Từ Khóa: