Rồi Bằng rót nước vào, liên tục 3 nước khiến tôi lấy làm lạ lắm. Tôi đón chén thưởng hương, thấy mùi hương hơi nhạt, rồi đón chén trà, nước nhạt, hơi vàng pha chút sắc đỏ, uống thấy đăng đắng, nhạt nhạt, chỉ có chút dư vị hơi ngọt nhẹ.
Hữu và Bằng là đôi bạn tâm giao, đã là tri kỷ của nhau mấy năm nay, từ khi hai người cùng tham gia một diễn đàn trên mạng. Hai người đều có xu hướng hoài cổ, thích các thú vui tao nhã, và đặc biệt là rất ngưỡng mộ bát nhã của cổ nhân: cầm, kỳ, thư, hoạ, thi, tửu, hoa, trà.
Tuy nhiên có một bất đồng nhỏ, Hữu khăng khăng cho rằng phải thay trà bằng cà (tức cà phê), vì cà phê mới xứng là thú chơi tao nhã hiện đại, còn trà là thời xưa, khi chưa có cà phê.
Cũng cần nói thêm, Hữu và Bằng tuy là tri kỷ mà chưa từng gặp mặt. Hữu người Tây Nguyên, thích uống cà phê từ bé. Còn Bằng người Hà Nội, vẫn mang bóng dáng của ông đồ xưa, ưa yên tĩnh, thích cổ cầm, thư pháp, cây cảnh và tất nhiên là yêu thích trà.
Bất đồng nho nhỏ này cũng khiến hai người nhiều lần tranh luận nảy lửa. Bằng cho rằng cà phê hương quá đậm, vị quá đắng, quá béo ngậy, chỉ thích hợp cho Tây, theo lối sống nhanh, được mỗi tác dụng tỉnh táo. Trà thơm dịu dàng, thanh khiết, vị trà có chút chan chán đăng đắng để rồi có dư vị ngọt đọng mãi trong miệng.
Còn Hữu cho rằng, sáng sớm nhấm nháp một ly cà phê đen, đặc, quánh, tìm về thế giới nội tâm, thưởng thức hương thơm ngào ngạt, cảm nhận vị đắng, ngậy đầu lưỡi, đầu óc thanh tỉnh, thân thể đầy năng lượng, là khởi đầu không gì tốt bằng cho một ngày mới.
Nhân có công việc ra Hà Nội, Hữu và Bằng mới có cơ hội gặp nhau tại nhà Bằng. Hai người mới cảm nhận được tâm tình của Khổng Tử “Hữu bằng tự viễn phương lại, bất diệc lạc hồ?” (Có bạn từ phương xa đến, chẳng phải vui lắm thay) và tình cảm chan chứa của Vương Bột:
Hải nội tồn tri kỷ
Thiên nhai nhược tỉ lân
Dịch thơ:
May còn tri kỷ trên đời
Cách xa góc biển chân trời xá chi
Bằng mời thêm tôi đến, cùng đón tiếp Hữu rất chân tình, ấm áp, chứa chan tình cảm quý mến, trân trọng. Bằng lấy ra bộ ấm trà tử sa cổ, và gói trà Đinh Ngọc, được gói bọc cất giữ kỹ, chỉ đem ra dùng khi hội ngộ với bằng hữu tri kỷ. Cũng nhân dịp này, Bằng muốn giới thiệu cho Hữu biết nghệ thuật trà: Nhất Thủy – Nhì Trà – Tam Pha – Tứ Bình – Ngũ Quần anh.
Bằng dùng nước mưa hứng từ cây cau chứa ở chum nước. Hàng tháng Bằng vẫn về quê để lấy nước mưa. Bố Bằng là người sành trà, ông trồng hơn chục cây cau và hứng nước mưa chứa vào hơn chục cái chum nước, chỉ dành riêng để uống trà.
Hữu lần đầu tiên ra Hà Nội, và cũng lần đầu được thưởng trà. Anh thích thú ngắm bộ trà cụ tử sa nâu sẫm, tinh xảo, bóng nhoáng, thấy cách thức Bằng đun nước, lấy trà, tráng ấm chén, tráng trà, pha trà, đôi tay Bằng nhẹ nhàng, lướt uyển chuyển như múa, phòng khách bỗng yên tĩnh lạ thường.
Hữu thấy lòng bỗng lắng xuống, nghe thấy cả tiếng tim đập nhè nhẹ, khiến Hữu không dám thở mạnh. Bằng rót trà ra chén tống, rồi rót ra chén nhỏ, mỗi chén úp lên một chén thưởng hương, một lát nhấc ra, Bằng cung kính 2 tay đưa chén thưởng hương cho khách.
Một mùi thơm thanh khiết, dịu dàng, Hữu thích lắm, hít mấy hơi dài, hương thơm đầy lồng ngực, rồi thấm vào từng huyết quản, tới các tế bào, khiến đầu óc tỉnh táo, lâng lâng, một cảm giác mà Hữu chưa từng trải nghiệm.
Bằng hai tay trang trọng nâng chén trà mời khách, chủ khách cung kính, lặng lẽ đón chén trà, nước trà trong veo, xanh vàng, sóng sánh trong chiếc chén nhỏ. Đưa chén lên môi, Hữu chưa muốn uống ngay, hít hít mấy hơi dài khoan khoái, rồi mới nhắp một ngụm nhỏ.
Chao ôi, một vị khó tả, ngòn ngọt lại chan chát, thơm thơm, thấm vào lưỡi, cổ họng, trong miệng giờ chỉ còn lại vị ngọt thanh khiết, cái dư vị thanh thanh hơi ngọt ngọt đó đọng mãi trong miệng. Hữu như thấy mình ngược thời gian về thời cổ đại, thấy Bằng như một nho sỹ, thanh khiết, tiết tháo, có phong thái hoài cổ, trân quý tình bạn.
Bao lo toan đời thường phút chốc tiêu tan, trong cái không gian nhỏ này, người vật dường như không phải người và vật ở cõi hồng trần kia, như lạc vào cảnh thế ngoại đào nguyên vậy.
Hữu nói: “Trước nay chỉ uống trà ở quán, thấy nó nhạt nhẽo vô vị, nay mới được mở rộng tầm mắt. Xin hỏi bạn loại trà gì vậy? Nhật hay Trung Quốc?”.
Bằng khiêm tốn nói: “Đây chỉ là loại trà thường vùng Thái Nguyên thôi bạn ạ”.
Rồi chuyến công tác của Hữu cũng kết thúc, hôm cuối Hữu đến chào Bằng và tôi, có đem theo mấy gói trà, anh nhờ người mua giúp, gửi từ Thái Nguyên về, tặng tôi và Bằng một ít, và đem về nam tiếp đãi bạn bè trong đó.
Chúng tôi lại ngồi với nhau thưởng trà. Sau khi tráng ấm chén, bóc gói trà ra, Bằng hơi lặng người, cho trà vào ấm, không rót nước ngay, lại đặt xuống, nói với Hữu: “Bạn ạ, uống rượu là vua, có người hầu kẻ hạ, còn thưởng trà là nô lệ, tự mình phục vụ mình. Cái thú của thưởng trà là tự mình sửa soạn, pha trà. Không gian uống trà giữa những người tri kỷ này, thì sự có mặt của một người khác thì đó là khách tục phá hỏng tiệc trà. Thưởng trà là thưởng cái tâm tĩnh, tình hòa, cũng là thưởng thức cái tình bằng hữu vậy”.
Rồi Bằng mới rót nước vào, liên tục 3 nước khiến tôi lấy làm lạ lắm. Tôi đón chén thưởng hương, thấy mùi hương hơi nhạt, rồi đón ché trà, nước nhạt, nơi vàng pha chút sắc đỏ, uống thấy đăng đắng, nhạt nhạt, chỉ có chút dư vị hơi ngọt nhẹ.
Hữu cũng sững người ra, nói: “Tôi nhờ người quen, mua ít trà ngon, vừa là chút lễ tặng hai bạn, cũng là đem vào nam tặng bạn bè, nhưng thấy không được như trà hôm trước”
Bằng cười nói: “Ồ, đây chính là loại trà ngon, gọi là Quân tử trà, hương thanh hơn nên thấy hơi nhạt, đó là thanh đạm, giống như khí chất người quân tử. Vị hơi đắng, tức là gian nan thử chí anh hùng, dư vị phải chờ một lúc mới ngọt nhẹ, chính là lòng nhân của người quân tử, tiên tha hậu ngã (người trước, mình sau). Vị trà này là trà của người quân tử, như dư vị cuộc đời người quân tử, có cay đắng chua chát trước, rồi mới được hưởng hạnh phúc ngọt ngào, êm đềm thanh đạm”
Hữu và tôi mới vỡ lẽ, cười vui vẻ, thì ra hôm nay mới được thưởng thức loại trà đặc biệt này: Quân tử trà.
Về nhà, mở gói Quân tử trà được tặng ra, tôi ngây người, sao giống như loại trà của bà bán nước đầu ngõ vậy? Tôi pha thử, vừa đắng vừa chát, nước lại đỏ quạch. À, tôi vỡ lẽ, thì ra Bằng đã phát hiện ra, nên cố ý để nước nguội đi, pha ít trà, nhiều nước cho thật loãng, nhạt rồi mới rót ra thưởng thức, thấy Bằng đích thực là người quân tử, là cao thủ trà đích thực: “Thưởng trà là thưởng thức tình bằng hữu”.
Triêu Lộ