Thiên tài âm nhạc Amadeus Mozart để  lại một di sản âm nhạc đồ sộ và tuyệt vời bậc nhất cho nhân loại. Âm nhạc của ông không chỉ hay mà còn mang những ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Những tác phẩm như vậy không chỉ nổi tiếng đương thời mà còn là những kinh điển cho tương lai. Vở opera “Don Giovani” là một tác phẩm như vậy.

Wolfgang Amadeus Mozart (27 tháng 1 năm 1756 – 5 tháng 12 năm 1791) là một trong những nhà soạn nhạc theo chủ nghĩa âm nhạc cổ điển vĩ đại nhất ở châu Âu. Ông tài hoa hơn người, là người đã tạo ra một số lượng lớn các tác phẩm âm nhạc trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ có 35 năm của mình. Sự đa dạng và chất lượng của các tác phẩm của ông là chưa từng có trong lịch sử của nghệ thuật âm nhạc. Không có thể loại âm nhạc cổ điển hay hiện đại nào mà không thể tìm thấy chút gì đó trong những kiệt tác mà Mozart để lại. Không có nhạc cụ nào trong các nhạc cụ cổ điển mà không tìm thấy một chương nhạc tuyệt vời mà Mozart đã viết cho nó. Các buổi hòa nhạc của Mozart, sonatas, giao hưởng, serenade v.v. đã trở thành hình thức chính của âm nhạc cổ điển sau này.

Wolfgang Amadeus Mozart. (Ảnh: Wikipedia)

Opera là sáng tác chính và cũng là đặc trưng của Mozart. Cả cuộc đời ông đã viết 22 vở opera quy mô lớn. Thú vị nhất trong số này phải kể đến 3 tác phẩm chính là “Đám cưới của Figaro”, “Don Giovanni” và “Cây sáo thần”. Các thế hệ sau này gọi Mozart cùng với Christoph Willibald von Gluck (1714-1787), Wilhelm Richard Wagner (1813-1883) và Giuseppe Verdi (1813-1910) hợp xưng thành “bốn vị vua” trong lịch sử opera châu Âu.

Nhân vật Don Giovanni do diễn viên nổi tiếng người Bồ Đào Nha Francisco D’Andrade thủ vai. (Ảnh: Julius Cornelius Schaarwächter/ Wikipedia)

Bối cảnh sáng tác và điểm đặc biệt của “Don Giovanni”

Vào đầu năm 1787, sau khi Mozart biểu diễn thành công vở opera “Đám cưới Figaro” ở Prague, ông được “Kịch đoàn Ý” tại địa phương ủy quyền sáng tác một vở opera Ý. Sau khi nhận được kịch bản của tác giả, ông một lần nữa cùng với L. Da Ponte tái kết hợp và cho ra mắt bản “Don Giovani” vào cuối tháng 10 năm 1787. Vở opera “Don Giovanni” sau đó đạt được thành công rất lớn. Năm 1788, vở kịch đã được trình diễn lần đầu tiên tại Vienna, Áo.

Kịch bản của L.Da Ponte được lấy cảm hứng từ một bộ phim hài của Ý “Il Convitato di Pietra” (năm 1787, kịch bản G .. Bertati, nhạc G..Gazzaniga) và câu chuyện của “Thạch khách” từ truyền thuyết của Tây Ban Nha, một nhân vật hay coi thường các quy phạm đạo đức, thường thích “trêu hoa ghẹo nguyệt”, giống như vị quý tộc phong lưu quen thuộc – Don Juan.

Don Juan dành cả đời mình vây quanh những người phụ nữ quý tộc. Hắn ta từng cám dỗ một cô gái từ một gia đình quý tộc và giết chết cha cô. Sau đó, Don Juan đã nhìn thấy bức tượng của người cha cô gái quý tộc trong một nghĩa trang. Bức tượng đá biết nói khiến Don Juan bị sốc, nhưng hắn vẫn mời bức tượng đá cùng đi ăn tối. Linh hồn của bức tượng đá là Don Gonzalo đồng ý tham dự bữa tối và yêu cầu bắt tay với Don Juan. Khi Don Juan vừa vươn tay ra, hắn đã bị bức tượng đá kéo xuống địa ngục ngay lập tức.

Don Giovanni và Zerlina trong vở opera “Don Giovani”. (Ảnh: Wikipedia)

Câu chuyện đầu tiên về Don Juan trong lịch sử được ghi trong cuốn sách “El burlador de Sevilla y convidado de piedra” được viết bởi Tirso de Molina vào năm 1665. Mặc dù “Don Giovanni” cùng giống như nhiều vở opera khác lấy Don Juan là nhân vật chính nhưng nó lại là tác phẩm nổi bật nhất trong số nhiều phiên bản khác nhau. Kịch bản L.Da Ponte viết cho vở opera này được phân loại là kịch “Dramma giocoso” (khôi hài hí kịch), trong khi chính Mozart lại thêm vào những chương nhạc “Opera buffa” (hí ca kịch). Vì thế mà khi kết hợp lại với nhau, “Don Giovanni” bao hàm đầy đủ các yếu tố hài kịch, bi kịch và thậm chí cả các nhân tố siêu nhiên.

Âm nhạc “Don Giovanni” của Mozart theo dòng điêu khắc về những đặc điểm của nhân vật trong vở kịch, trong cấu trúc cơ bản của hí kịch, rõ ràng được thêm vào sự kịch tính, ma mị, run sợ khiến cho vở hài kịch Ý ban đầu có vẻ tràn đầy những trò đùa và sự châm biếm, thực ra là có trọng tâm thâm trầm cùng thi ý sâu sắc hơn. Buổi biểu diễn âm nhạc opera và thế giới đen tối đan xen và đa dạng, đầy căng thẳng kịch tính, phản ánh cảm hứng sắc sảo của một thiên tài âm nhạc.

Don Juan được vẽ bởi Max Slevogt. (Ảnh: Wikipedia)

Ảnh hưởng của vở opera “Don Giovani”

Sau khi Mozart qua đời, “Don Giovanni” trở thành nhân vật được mọi người yêu thích nhất của thế kỷ 19. Nó được đặc biệt ca ngợi bởi nhiều nhà văn, trong đó E. T. A. Hoffmann (1776-1822) và nhà văn Đan Mạch S. A. Kierkegaard (1813-1855). Vở opera này rất thịnh hành trong thời kỳ của chủ nghĩa lãng mạn, nó đã thổi phồng Don Juan thành một anh hùng có số phận bi thảm, người đã cố gắng thoát khỏi thành kiến đạo đức xã hội mà hắn cho là gò bó, nhưng lại là một anh hùng trong bi kịch bảo thủ của xã hội. Điều này đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim truyền hình, vũ kịch, nhạc kịch, sáng tác điện ảnh khác liên quan đến Don Juan

Trong kỷ nguyên của Mozart, vở “Don Giovanni” đã lấy sức mạnh siêu nhiên của thần để trừng phạt những tội ác của Don Juan, kéo hắn xuống địa ngục. Câu chuyện này có nhiều sự bất đồng trong xã hội lúc bấy giờ. Trong cuốn sách “Mozart And the Enlightenment – Truth, Virtue and Beauty in Mozart’s operas”, Nicholas Tiel đã đề cập đến ảnh hưởng của Don Juan đối với xã hội.

Từ quan điểm của xã hội phân chia tầng lớp lúc đó, Don Juan đại diện cho nhóm xã hội tầng lớp trung lưu theo đuổi chủ nghĩa tự do cá nhân. Theo quan điểm nhiều người xem vở kịch này, hắn ta là một người gợi tình, nhạy cảm, hành động hoàn toàn theo sở thích và cảm xúc cá nhân. Những ý tưởng và hành vi của hắn đã hợp lý hóa cho chủ nghĩa theo đuổi khoái lạc và sự nuông chiều tự do cá nhân của các nhà duy vật thuộc tầng lớp trung lưu. Trong vở opera của Mozart, qua vụ giết người của Don Juan, cách đùa bỡn phụ nữ, lừa dối và ngụy trang cho những ham muốn của chính mình, thực sự đã đại diện cho ham muốn về dục vọng và bạo lực, tượng trưng cho một tầng lớp xã hội bị thối rữa về đạo đức và nhân cách.

Hành vi của Don Juan là vì muốn đe dọa trật tự xã hội dựa trên những quy phạm. Nói cách khác, hắn giống như những người theo chủ nghĩa duy vật thuần túy, thách thức những tín ngưỡng vào thần linh. Trong vở opera này, Mozart đã sử dụng sức mạnh siêu nhiên, sức mạnh của thần linh để trừng phạt tội ác của Don Juan và kéo hắn xuống địa ngục.

Mặc dù có rất nhiều sự không tán thành ở việc mô tả địa ngục trong nghệ thuật của thế kỷ 18, nhưng Mozart đã không đem số mạng của Don Juan chôn vùi dưới địa ngục mà chỉ là đã cố tình khống chế và trấn giữ lại nó. Từ phần âm nhạc này, Mozart đã khiến khán giả cảm thấy rung động và kinh hoàng trước số phận của Don Juan. Mozart qua đây cũng bày tỏ thái độ đối với hành vi sai trái của hắn ta, khẳng định rằng những hành động đó là hết sức nghiêm trọng. Mozart cũng tin rằng tội ác của một người như Don Juan chỉ có thể bị trừng phạt bởi những hình phạt nghiêm khắc nhất của Thần.

Hình ảnh Don Juan bị kéo xuống địa ngục. (Ảnh: Wikipedia)

Mời quý độc giả thưởng thức vở opera ‘Don Giovanni’ của Mozart:

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch