‘Em gái một nhà văn’ là truyện ngắn kể về hành trình đưa người anh từ một kẻ nát rượu thành người sống có ích cho xã hội của một người em gái. Câu chuyện thấm đẫm tinh thần nhân văn và có tính giáo dục cao. Cứu một người sa ngã là điều không đơn giản, ngoài cái “tâm” thì cần có sự khéo léo và kiên định mới có hy vọng làm được.

Nhà có hai anh em. Lần ba uống rượu say, chơi trong đám bài, cãi lộn, bị người ta đấm một quả vào mặt, ngã vật vào tường, ai cũng tưởng con bạc ngủ. Đám bạc tan nghe người ta kêu, má kêu xích lô đến đón. Bả khóc rú lên khi thấy ba đã lạnh cứng… Lúc ấy hai anh em đang chơi nhảy lò cò. Thấy má khóc hai đứa chạy vô ngó, thấy ba ngủ như mọi lần say rượu, lại ra ngõ chơi…

Rồi má đến ở nhà chú xích lô. Má có thêm em Tèo, em Tuột, em Thôi, em Út Lớn, em Út Nhỏ… Trước má còn ghé thăm, sau hai anh em trông mỏi mắt, dắt nhau đến nhà chú xích lô, thấy má khóc lại dắt nhau về với bà nội.

Chuyện ấy xảy ra đã lâu lắm, tưởng như không còn ở trên đời, nếu Tết vừa rồi, người em không khóc nấc lên trước bàn thờ bà nội và ba má. Em có một tổ hợp may mặc. Tèo, Tuột, Thôi, Út Lớn, Út nhỏ đứa làm bảo vệ, đứa đứng máy, ăn lương theo sản phẩm, bữa trưa được người chị cho không, khỏi tính vô lương.

Người anh là một nhà giáo. Anh mắc lỗi (anh hay bảo thế) đam mê văn chương, đàn bà và rượu… Nên nghèo cũng chẳng phải do số kiếp. Từ khi người em làm nên, thương anh, hay cho tiền xài. Cũng không rõ có phải vì thế hay vì hậm hực bởi nỗi bất công ở đời anh thề nguyền không đụng đến văn chương nữa… Bạn bè bảo anh là nhà văn không có tác phẩm. Đã thế, việc trường lớp anh cũng bỏ bê, khiến bà hiệu trưởng đã ba lần khuyên anh nên tự làm đơn xin thôi việc. Anh cóc cần đơn từ. Ai đuổi cứ đuổi. Đời anh bị đuổi từ lúc nhỏ xíu rồi.

Ảnh minh họa: djoefbladet

Người anh bị đuổi thiệt. Anh trở thành thằng nghèo, không có tiền, không có đàn bà và cũng chẳng có văn chương. Anh vẫn độc thân. Trơ trọi trên đời. Anh mò đến đám bạc. Không phải để chơi. Có tiền đâu mà chơi, mà để xin tiền. Chẳng có ai cho lấy một xu. Cướp thì không dám. Anh bèn thò tay định thó vài ngàn trên chiếu… Một quả đấm còn nặng hơn cả búa tạ thoi vào bụng, ruột gan tưởng nát hết. Đám bạc ù chạy, bỏ lại cả một số tiền. Anh chết vật đè lên chúng…

Người em thuê xích lô đến. Chị lẳng lặng bế anh đặt lên xe, lẳng lặng vơ hết số tiền trên chiếu bỏ vô giỏ… Về đến nhà thì anh tỉnh lại, miệng vẫn còn ri rỉ máu. Lúc ấy sắp giao thừa. Và như ta đã biết, trước bàn thờ, chị đã khóc. Tèo, Tuột, Thôi, Út Lớn, Út Nhỏ khóc theo. Rồi họ xúm vào lau rửa, xoa bóp, bón cháo… cho anh. 

Ít lâu sau, anh khoẻ lại, nằng nặc đòi em xếp chân bảo vệ. Người em chiều ý với một điều kiện là anh làm bảo vệ không lĩnh lương, mọi sinh hoạt em lo cho. Nửa thời gian còn lại, mỗi ngày phải viết một trang sách, kể về chính cuộc đời của mấy anh em. Khi nào cuốn sách viết xong, anh sẽ được lãnh một số tiền đủ mua một căn nhà nhỏ để tự lập. Trời ơi, viết hết 365 trang thì người ta thành nhà văn hẳn hoi! Mà mong ước của người em chỉ là anh thành người tốt…

Người anh nhận lời và bắt tay vào việc. Những trang đầu viết xong, anh đưa cho em đọc. Em khóc và đặt những trang ấy lên bàn thờ. Anh xúc động, đêm ấy viết 20 trang.

Ảnh minh họa: Báo Hải Dương

Mới có nửa năm, cuốn sách đã viết xong. Người em đã bỏ tiền ra in nó. Không biết có đúng không, chị khoe với anh trai mình cuốn sách lời hai mươi triệu. Chị đưa cả số tiền ấy cho anh và giục anh đi tìm một căn nhà, đúng như chị đã hứa. Người anh đã khất lần… Anh còn muốn viết nữa, viết nữa…. và anh đã trở thành một nhà văn.

Bây giờ chỉ cần nói bút danh này, bút danh kia của anh là đã có nhiều người nhận ra anh. Và cũng chỉ đến bây giờ, do anh đã quá nổi tiếng, nên tôi mới tiết lộ rằng, cuốn sách đầu tiên in ra của anh, hiện nay đang nằm trên gác nhà tôi, đủ cả 5000 bản. Người em là bạn thân của tôi. Chị rất tin cái gác nhà tôi biết giữ mồm giữ miệng, chí ít là đến lúc anh đã thành danh.

Nhị Nguyễn

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||8638f66c8__