Câu chuyện buồn về bà lão bán rau giữ chứ Tín khiến người đọc không khỏi xúc động.
“Ăn rau không chú ơi?”, một giọng khàn khàn, run run làm anh giật mình. Trước mắt anh, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn, bên cạnh là vài mớ rau muống xấu mà có lẽ cho cũng không ai lấy.
“Ăn hộ tôi mớ rau…!”, giọng bà cụ vẫn khẩn khoản cùng ánh mắt gần như van ơn. Liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, bần thần một lát rồi chợt quay đi, anh đáp nhanh: “Dạ, cháu không bà ạ.”
Anh chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác đó vụt qua nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình”, cái suy nghĩ ích kỷ của con người thời nay lại nhen lên trong đầu anh.
“Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi!”, tiếng bà cụ yếu ớt.
“Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn ăn!”, tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Anh ngoái lại, cau mày đợi cô gái đi khuất. Quay xe lại chỗ bà cụ: “Rau này bà bán bao nhiêu??
“Năm nghìn một mớ”, bà cụ mừng rỡ.
Anh rút tờ hai mươi nghìn đưa cho bà cụ.
“Sao chú mua nhiều thế?”, bà cụ gặng hỏi.
“Con mua cho cả bạn. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua lấy!”, anh nói vội.
Nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của mình. Nhưng lần này lại khác, sự thiện lương ẩn giấu trong con người được thể hiện ra khiến anh cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Anh đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Anh thích ngắm mưa, thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, thích thả trí tưởng tượng. Chợt nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, anh nghĩ đến những phận người, nghĩ đến bà cụ…
“Nghĩ thế đủ rồi đấy!”, giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy nghĩ của anh. Ngồi xuống, anh dán mắt vào màn hình máy tính cùng những đường di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền anh không thấy bà cụ nhưng cũng không để ý lắm. Bản thân đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, anh cuống cuồng lo công trình của mình chậm tiến độ. Anh đã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật xách xe máy chạy loanh quanh, anh vẫn thường làm như vậy và có lẽ đó cũng là sở thích.
Ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy người phụ nữ đang nói chuyện. Chưa kịp châm điếu thuốc, anh chợt giật mình bởi giọng oang oang của một người phụ nữ: “Bà bán rau chết rồi”.
“Bà cụ hay đi qua đây hả chị?”, chị bán nước khẽ hỏi.
“Tội nghiệp bà cụ!”, một giọng người đàn bà khác.
“Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.”
Nghe đến đây mắt anh chợt nhòa đi, điếu thuốc từ từ rơi khỏi môi.
∗∗∗
Đọc xong câu chuyện, có lẽ mỗi người đều có những cảm xúc khác nhau. Bạn có thể trách người đàn ông hay thương cảm cho bà cụ bán rau, dù nghèo những vẫn giữ lời hứa, hay suy ngẫm về thông điệp mà câu chuyện muốn truyền tải.
Có thể mọi người thấy câu “Lời nói gió bay” ngày nay rất phổ biến. Nhiều người tùy tiện hứa hẹn, đối với đề nghị của người khác cũng nhanh nhảu đồng ý nhưng không thực hiện đến cùng, lâu dần thành thói quen, cảm thấy như mới chỉ nói ra miệng, có thực hiện hay không cũng không thành vấn đề.
Kỳ thực người xưa cho rằng nói lời hứa, giữ chữ Tín là một việc nghiêm túc, người quân tử không hứa hẹn bừa bãi, làm không được thì sẽ không tùy tiện nói. Nhưng nếu là việc mà họ nhận lời thì bất kể khó khăn thế nào đi nữa, họ cũng sẽ cố gắng kiên trì thực hiện. Nếu chúng ta cân nhắc hơn về lời nói của mình, suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định thì khi ấy, từng lời mà bạn nói ra đều bao hàm chữ Tín và của bản thân, khiến người khác tin tưởng, thể hiện nhân cách kiên định, có chủ kiến, “trước sau như một” của chính mình.
Bài đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Học chấp nhận chính là chìa khóa của hạnh phúc