Một khách sạn mang phong cách và dáng dấp của một tòa lâu đài thời Trung cổ nhưng không có vẻ lạnh lùng mà trái lại rất ấm cúng, tiện nghi và sang trọng. Đây cũng là một điểm nhấn cảnh quan ấn tượng của thành phố Quebec.
Château Frontenac là một khách sạn có tầm vóc lịch sử ở Thành phố Quebec, Canada. Khách sạn nằm ở khu phố cổ trong quận lịch sử Upper Town, hiện được quản lý bởi Fairmont Hotels and Resorts. Khách sạn được đặt theo tên của Louis de Buade, Bá tước Frontenac – Toàn quyền của New France trong hai thời kỳ, từ 1672 đến 1682, và từ 1689 đến 1698.
Khai trương vào năm 1893, tòa nhà theo phong cách Lâu đài (Châteauesque) cao 79,9m, gồm 18 tầng. Chiều cao của tòa nhà càng trở nên rõ rệt vì bản thân nền móng của nó đã nằm ở độ cao 54m trên một khối đất cao lớn bên bờ sông Saint Lawrence. Khách sạn này thuộc một dự án xây dựng chuỗi khách sạn lớn khi đó của ngành đường sắt. Từ khi khánh thành nó đã được mở rộng ba lần, lần cuối cùng vào năm 1993. Từ năm 1981 tòa nhà đã được chỉ định là Di tích lịch sử quốc gia Canada.
Château Frontenac là một trong những khách sạn đường sắt lớn của Canada được xây dựng bởi Canada Pacific Railway. Phong cách kiến trúc được sử dụng trong toàn bộ khách sạn đóng vai trò là khuôn mẫu cho các khách sạn đường sắt lớn khác của Canada được xây dựng vào quãng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Thiết kế tháp giống như pháo đài trung tâm có nguồn gốc từ các lâu đài thời trung cổ mà được thấy trên khắp thung lũng sông Loire của Pháp. Các yếu tố đặc trưng của kiến trúc Châteauesque bao gồm hình dạng ngoài bất đối xứng, với mái dốc, các tháp lớn và tháp canh hình tròn và đa giác có chu vi lớn, đầu hồi và cửa sổ mái trang trí công phu, và các ống khói cao. Bậc thềm bên ngoài của khách sạn phần lớn được làm bằng đá xám, với khung thép ốp gạch chạy thẳng lên tòa nhà.
Các vật liệu tạo nên nội thất của tòa nhà bao gồm các tấm gỗ gụ, cầu thang bằng đá cẩm thạch, đá chạm khắc, sắt rèn và vòng tròn bằng kính. Tuy nhiên, trái ngược với các tòa nhà theo phong cách Châteauesque khác được tìm thấy ở Pháp, Château Frontenac không sử dụng các yếu tố của kiến trúc Ý, thay vào đó nhấn mạnh hơn vào các yếu tố Gothic. Khách sạn cũng thu hút một số yếu tố từ phong cách kiến trúc Victoria, với các bề mặt đa sắc phong phú trên khắp bề ngoài của nó.
Được xây dựng vào năm 1892 -1893, Château Frontenac ban đầu được thiết kế bởi kiến trúc sư Bruce Price. Bản vẽ của Price là một một khách sạn hình móng ngựa, được tạo thành từ bốn cánh có chiều dài không bằng nhau, được kết nối theo các góc tù. Các phòng sử dụng chung chiếm phần lớn hai tầng đầu tiên trong thiết kế của Price. Đề xuất ban đầu của Price chỉ là một cấu trúc hình khối vuông, tuy nhiên cùng với việc hoàn thành một dự án công cộng khác – một bậc thềm lớn bằng gỗ (Terrasse Dufferin) bao quanh – đã dẫn đến sự xây dựng khách sạn thành một tòa nhà đẹp như tranh vẽ.
Kể từ khi hoàn thành, khách sạn này đã trải qua nhiều lần mở rộng và cải tạo lớn, do một số kiến trúc sư và công ty kiến trúc khác nhau thực hiện. Trong đó William Sutherland Maxwell là người đã hai lần mở rộng khách sạn ở quy mô lớn, một vào quãng năm 1908 -1909, và lần tiếp theo vào các năm 1920 -1924. Lần cải tạo vào những năm 1990 được thực hiện bởi công ty kiến trúc Arcop có trụ sở tại Montreal. Khách sạn một lần nữa được mở rộng vào năm 1993, với việc bổ sung một cánh cung mới, bao gồm hồ bơi, trung tâm thể dục và sân thượng ngoài trời.
Lối vào cổng chính của khách sạn được đánh dấu bằng một số cổng xe với các đầu hồi lớn và một mái vòm. Cổng xe dẫn hướng khách vào sân trung tâm cũng như lối vào sảnh chính của khách sạn. Sau khi một tòa tháp cao nhất được bổ sung vào năm 1924, khách sạn này đã trở thành tòa nhà cao nhất thành phố Quebec. Nó nắm giữ vị trí này cho đến năm 1930, khi công trình Édifice Price nằm ở phía đông bắc của khách sạn được hoàn thành. Mặc dù nhiều tòa nhà ở Thành phố Quebec ngày nay đã cao hơn khách sạn, nó vẫn tiếp tục chiếm một vị trí nổi bật trên đường chân trời của thành phố, vì tọa lạc trên mũi đất cao nhìn ra sông Saint Lawrence.
Năm 2011, khách sạn được bán cho Ivanhoé Cambridge. Ngay sau đó, ông đã sửa chữa lại phần xây dựng và thay thế các mái nhà bằng đồng của tòa nhà. Công ty này còn đầu tư thêm để cải thiện và nâng cấp chung trong toàn khách sạn. Kết quả là các phòng hội nghị đã được mở rộng, các nhà hàng được tu sửa lại, sảnh khách sạn được hiện đại hóa, và 60% số phòng của khách sạn đã được cải tạo lại phần nội thất.
Theo Wikipedia
Clip hay: