Tác giả: Doãn Gia Huy

Hài hước dí dỏm được người nay yêu thích, người xưa cũng vậy. Dưới đây là một câu chuyện cười có từ gần hai ngàn năm trước, trích từ cuốn “Tiếu Lâm” do Hàn Đan Thuần (khoảng 132-221, cuối thời Đông Hán đến thời Tam Quốc) biên soạn. Những câu chuyện tiếu lâm của người xưa kể về điều gì? 

Học ‘thuật tàng hình’ của bọ ngựa – Chuyện ngớ ngẩn của mọt sách

Ở đất Sở có một thư sinh nghèo, trong nhà trống rỗng, thùng gạo cạn đáy, nhưng lại cứ muốn tìm vàng trong sách. Hôm nọ, anh chàng đọc cuốn “Hoài Nam Tử”, đọc đến một câu khiến mắt sáng lên: “Bọ ngựa rình ve, tự che bằng lá, có thể ẩn hình.”

Anh ta vỗ đùi kêu lên: “Ha! Thật là ghê gớm! Hóa ra bọ ngựa dùng lá cây che thân, lại có thể tàng hình không ai thấy – trên đời lại có kỳ thuật như vậy!”

Nói xong, anh chàng lập tức chạy ra ngoài nhà, ngửa đầu nhìn lên cây lớn, hy vọng tìm thấy bọ ngựa đang chờ bắt ve. Tìm mãi tìm mãi, cuối cùng trời không phụ lòng người, anh ta đã tìm thấy. Trên một cành cây có một con bọ ngựa quả nhiên đang ôm lá núp mình, lặng lẽ nhắm vào một con ve đang kêu không ngừng. Thư sinh nghèo vô cùng kích động, vội vàng đưa tay bắt lấy con bọ ngựa cùng với chiếc lá, vui mừng nói: “Chiếc lá này chắc linh lắm!”

Ai ngờ chiếc lá vừa rời tay, đã lẫn vào đống lá rụng dưới đất. Anh ta lật qua lật lại, dường như lá nào cũng giống lá nào, không tài nào phân biệt được đâu là “lá linh”. Bất lực, nhưng không muốn bỏ cuộc, anh ta bèn quét sạch tất cả lá rụng trên mặt đất, gom được mấy đấu, vác về nhà.

Về đến nhà, anh chàng lần lượt nhặt từng chiếc lá áp lên mắt kiểm tra, cứ thử một chiếc lá lại hỏi vợ: “Nàng có thấy ta không?”

Vợ anh ta lúc đầu còn cười nói “thấy”, sau thấy anh ta thử mấy chục chiếc lá vẫn không bỏ cuộc, cuối cùng không thể nhẫn nại được nữa, nghĩ bụng: “Thôi thì mình đùa một chút vậy.” Thế là tùy tiện nói: “Không thấy, không thấy!”

Thư sinh nghe vậy mừng rỡ: “Thành rồi! Ảo thuật tàng hình quả thực linh nghiệm!” Lập tức ôm chiếc “lá linh” này, thẳng tiến ra chợ lớn.

Đến trước quầy hàng, anh ta một tay cầm chiếc “lá linh” che một mắt, một tay lấy những món đồ mình thích trên quầy, định quay người rời đi. Người bán hàng liền hô: “Kẻ trộm!” Lính tuần chợ lập tức bắt lấy thư sinh, anh ta còn kinh ngạc kêu lên: “Gì? Sao các ngươi nhìn thấy ta?!”

Lại nha trói anh ta giải đến quan huyện. Quan huyện hỏi han một hồi, anh ta kể lại chi tiết quá trình mình sử dụng “thuật tàng hình lá bọ ngựa”. Quan huyện nghe xong cười ngặt nghẽo, nói với lại nha: “Kẻ này là tên ngốc, đáng thương lắm, thả hắn đi.”

Tên ngốc may gặp được vị quan khoan dung độ lượng, thoát khỏi một kiếp, khỏi phải ngồi tù; tâm thuật bất chính, đầu óc không tỉnh táo, ngày nào đó khó mà bảo đảm anh ta sẽ không hồ đồ phạm lỗi.

Trong sách có đạo, nếu chỉ trích dẫn câu chữ trong sách ra mà nâng niu, thử nghiệm, chẳng phải là biến sách thánh hiền thành “chuyện cười” sao?

Kết cục của việc bị lừa “ngàn vàng mua phượng” vì sao lại tốt gấp mười lần?

Người mua gà rừng với giá phượng hoàng, kết quả nhận được gấp mười lần hồi báo, chuyện này là sao? (shutterstock)

Ở đất Sở có một người gánh hàng rong, trên vai gánh một con gà rừng, vừa đi vừa rao bán khắp các ngõ ngách. Tình cờ có một người đi đường thấy bộ lông con gà màu sắc rực rỡ, liền gọi anh ta lại hỏi: “Này, đây là con chim gì vậy? Trông thật thoát tục!”

Người bán hàng nghe vậy, nảy ra một kế, lập tức nghiêm mặt đáp: “Đây là thần điểu trên trời, phượng hoàng đó!”

Người đi đường nghe vậy mắt liền trợn tròn nói: “Gì? Phượng hoàng trong truyền thuyết sao?! Tôi từ nhỏ đã nghe nói phượng hoàng là loài chim phi phàm, không ăn khói lửa nhân gian, không ngờ hôm nay tôi lại gặp được! Anh bán không?”

Người bán hàng không vội vàng, giả bộ tiếc của nói: “Phượng hoàng sao có thể dễ dàng buôn bán? Bất quá… nếu bác thành tâm, có thể cân nhắc bán cho bác.”

Người đi đường lập tức móc ra ngàn vàng để mua. Người bán hàng lắc đầu nói: “Ha… ngàn vàng cũng khó dứt tình.”

Người đi đường nóng ruột, liền nói: “Gấp đôi! Ngàn vàng gấp đôi!”

Người bán hàng giả bộ miễn cưỡng gật đầu: “Thôi được thôi, bác thành tâm cầu mua, tôi đành phải dứt tình vậy.”

Người đi đường mừng rỡ như nhặt được bảo, nâng niu con “phượng hoàng” cẩn thận mang về nhà, chuẩn bị dâng lên Sở Vương. Ai ngờ qua một đêm, con “phượng hoàng” này đã chết.

Người đi đường nhìn con chim chết, giậm chân kêu trời, nhưng anh ta không phải xót của mất hai ngàn vàng, mà chỉ tiếc không thể dâng phượng hoàng lên Sở Vương. Chuyện này lan truyền khắp làng, mọi người nghe xong đều tiếc cho anh ta: “Người này một lòng dâng phượng hoàng quý giá cho quốc quân, lòng trung thành của anh ta đáng biểu dương, ý trời không thành, thật là đáng tiếc!”

Chuyện này truyền đến hoàng cung. Sở Vương cảm động trước tấm lòng thành của người này, cảm thán: “Lại có bá tánh trả ngàn vàng mua phượng, muốn dâng lên ta, lòng ta rất vui!” Lập tức hạ lệnh triệu kiến người này ban thưởng hậu hĩnh, gấp mười lần số tiền anh ta mua “phượng” lúc đầu.

Trong “Hồng Lâu Mộng” có một câu đối:

“Giả tác chân thì chân diệc giả; Chân tác giả thì giả diệc chân” (Giả làm thật thì thật cũng như giả, thật làm giả thì giả cũng như thật). Ngẫm nghĩ kỹ, một giả, một thật, làm sự hô ứng cho hai câu chuyện trong bài, chẳng phải là “thật” diệu hay sao! 

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch