Tác giả: Lưu Hiểu

Trong quá khứ khoảng ba đến bốn nghìn năm, Hoàng Hà, con sông mẹ của dân tộc Trung Hoa, đã hơn một nghìn lần bị vỡ đê ở hạ lưu, gây ra 26 lần thay đổi dòng chảy lớn do lũ lụt, ảnh hưởng to lớn đến môi trường địa lý của đồng bằng Hoa Bắc. Do đó, chính phủ các triều đại đều phải cử quan lại đến trị thủy sông Hoàng Hà. Thời nhà Thanh, đã có một vài viên quan lại tài giỏi trong việc trị thủy Hoàng Hà, trong đó đốc hà Lật Dục Mỹ thời Đạo Quang được coi là một trong những người thành công nhất. “Thanh Sử Cảo” đã đánh giá ông như sau: “Thực tâm thực lực, xứng đáng đứng đầu trong số các quan trị hà thời bấy giờ, không chỉ có việc sáng tạo ra phương pháp xây dựng bằng gạch là đáng ghi nhớ.”

Trước khi hiển đạt đã có khí độ phi phàm, thoát khỏi kiếp nạn có hậu phúc

Lật Dục Mỹ sinh năm 1778 tại huyện Hồn Nguyên, tỉnh Sơn Tây ngày nay. Khi còn trẻ, ông đã có tướng mạo tuấn tú, khí độ phi phàm. Năm mười bảy tuổi, vì gia cảnh nghèo khó nên ông định bỏ học. Ân sư của ông, một cống sinh nào đó, rất coi trọng nhân phẩm và học thức của ông, nên đã miễn học phí và giữ ông lại tiếp tục học tập, còn cho ông ở lại nhà, cùng con trai mình học tập.

Cống sinh có một cô con gái, đoan trang xinh đẹp, thầm yêu mến Lật Dục Mỹ, nhưng không hề nói ra. Cống sinh cũng có ý định gả con gái cho ông, nhưng cũng không nói với Lật Dục Mỹ.

Nhà hàng xóm của Cống sinh là một phú hộ, con trai của phú hộ cũng theo Cống sinh học tập. Lật Dục Mỹ và con trai của Cống sinh ở chung một phòng, nhưng không chung giường, còn con trai của phú hộ thì ở một mình trong phòng đối diện. Con trai của phú hộ lén nhìn thấy con gái xinh đẹp của Cống sinh, liền muốn cưới nàng làm vợ, nhưng bị Cống sinh từ chối. Con trai của phú hộ bèn ôm hận trong lòng mà về nhà.

Một đêm nọ, con trai của phú hộ cho rằng Cống sinh từ chối mình là vì Lật Dục Mỹ, nên nảy sinh ý định giết người. Hắn thừa lúc đêm tối và lúc họ say rượu, trèo tường vào nhà Cống sinh, chạy thẳng đến giường của Lật Dục Mỹ, chém đầu ông rồi bỏ đi.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, Lật Dục Mỹ kinh hoàng phát hiện con trai của Cống sinh nằm trong vũng máu, liền la thất thanh. Cống sinh chạy đến, nhìn thấy cảnh tượng thảm khốc của con trai mình, đau đớn tột cùng, nghi ngờ Lật Dục Mỹ say rượu giết con mình, liền báo quan. Huyện lệnh cảm thấy Lật Dục Mỹ không giống kẻ sát nhân, nhưng lại không tìm được hung thủ thực sự, không thể định án, nên đành tạm giam ông trong ngục.

Thấy Lật Dục Mỹ bị giam trong ngục, con trai của phú hộ dùng lễ vật hậu hĩnh để cầu hôn con gái của Cống sinh. Lần này Cống sinh đồng ý, chọn ngày lành tháng tốt để kết hôn. Sau khi kết hôn, hai người ân ái, sống rất hạnh phúc. Hơn một năm sau, họ có một con trai. Một ngày nọ, con trai của phú hộ say rượu lỡ miệng nói ra một chút chuyện liên quan đến vụ giết người năm xưa, khiến vợ nghi ngờ, vợ tiếp tục truy hỏi nhưng hắn không chịu nói. Vợ bèn nói: “Chàng cứ nói thật đi. Bây giờ chàng và thiếp là vợ chồng, ân nghĩa sâu nặng, có gì phải giấu giếm đâu?” Con trai của phú hộ bèn kể cho vợ nghe chuyện mình đã giết nhầm em trai của nàng.

Vợ của hắn, tức là con gái của Cống sinh, biết được sự thật thì vô cùng bi phẫn. Hôm sau thừa lúc chồng đi vắng, nàng liền thắt cổ con trai mình, rồi đến nha môn đánh trống kêu oan. Vụ án giết người lúc này mới được làm sáng tỏ, con trai của phú hộ chịu tội, con gái của Cống sinh tự vẫn ngay trên công đường. Lật Dục Mỹ được thả ra khỏi ngục, năm sau trở thành Bạt Cống sinh. Ông cảm kích đại nghĩa của con gái Cống sinh, lập bài vị thờ cúng nàng. (Theo “Đối Sơn Dư Mặc”)

Yêu dân như con

Thời Gia Khánh, Lật Dục Mỹ từng giữ chức huyện lệnh các huyện Ôn, Mạnh, Tây Hoa tỉnh Hà Nam. Thời Đạo Quang, ông nhậm chức huyện lệnh huyện Võ Trĩ, sau đó là đạo đài Khai Quy Trần Hứa và án sát sứ Hà Nam, hộ lý tuần phủ (nghĩa là đại lý tuần phủ), nhiều lần tham gia các công trình tu sửa và phòng chống vỡ đê Hoàng Hà.

Trong thời gian nhậm chức, ông quan tâm tật khổ của trăm họ, thậm chí không sợ đắc tội với quan trên. Năm Gia Khánh thứ 18 (1813), huyện Tây Hoa bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, người dân thiếu ăn thiếu mặc. Lật Dục Mỹ báo cáo lên quan trên để xin cứu tế, nhưng chưa đợi phê duyệt đã tự ý mở kho phát chẩn cho dân. Quan trên vô cùng tức giận vì ông tự ý hành động, trách mắng Lật Dục Mỹ nghiêm khắc, nhưng ông lại nói: “Tôi một ngày còn làm quan, không nỡ một ngày không hết lòng vì dân, bị bãi chức vì việc này có gì phải hối tiếc!”

Khi nhậm chức đốc hà thì mộng vào miếu Hà Thần

Năm Đạo Quang thứ 15 (1835), Lật Dục Mỹ nhậm chức đốc hà hai tỉnh Hà Nam và Sơn Đông, chủ trì công việc trị thủy ở hai tỉnh Dự và Lỗ. Để trị thủy Hoàng Hà, ông thường xuyên đi khảo sát thực địa, mỗi khi gặp nguy hiểm, ông đều đích thân đến hiện trường.

Một lần, tại Ninh Lăng, Hoàng Hà bị vỡ đê, tường đổ nhà sập, vô số người và gia súc chết. Lật Dục Mỹ lập tức cởi bỏ quan bào, mặc quần áo gọn nhẹ, mạo hiểm đến chỗ vỡ đê để xem xét tình hình, đồng thời dẫn dắt người dân chặn đê Hoàng Hà. Sau đó, một mặt ông dâng sớ lên triều đình xin giảm miễn thuế và lương thực, một mặt ông tổ chức quần chúng khơi thông sông ngòi, tu sửa ruộng đồng, giúp người dân nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất và đời sống.

Sau khi điều tra nghiên cứu, Lật Dục Mỹ rất coi trọng việc chỉnh trị các nguy cơ tiềm ẩn như bãi bồi và các rãnh nước trên hai bờ hạ lưu Hoàng Hà. Ông chọn phương pháp “ném gạch đắp đập” để thay thế phương pháp tảo công để kiểm soát dòng nước, và nhanh chóng đạt được thành công. Tảo công là một loại công trình thủy lợi đặc biệt được tạo ra trong thời cổ đại ở Trung Quốc, được làm từ các lớp bó cành cây, lau sậy, rơm rạ và đất đá, có thể được sử dụng để bảo vệ bờ, chặn dòng và xây đập.

Đây là một cuộc cách tân trong công trình trị thủy trên Hoàng Hà, ông dâng sớ lên hoàng đế xin mở rộng “ném gạch đắp đập” để phòng chống lũ lụt, nhưng lại bị một số quan lại trong triều đình cực lực phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã nhận được sự ủng hộ của hoàng đế. Một số đập gạch do Lật Dục Mỹ xây dựng trong thời gian nhậm chức thậm chí còn được giữ lại cho đến trước năm 1949. Ông còn biên soạn cuốn sách “Lật Cung Cần Công Chuyên Bá Thành Án”, ghi chép chi tiết quá trình sáng tạo và biện pháp cụ thể của việc thi công gạch.

Trong thời gian ông nhậm chức, các công trình đê điều thời nhà Thanh, các kỹ thuật cứu hộ, chặn dòng và các công trình hà khác đều được cải tiến và nâng cao. Chẳng hạn như xây dựng đập dài trên Hoàng Hà, lấp các nhánh sông và rãnh nước ở vùng bãi bồi, đào kênh dẫn nước, xả bùn cố định đê, v.v. (Theo “Thanh Sử Cảo”)

Trong năm năm Lật Dục Mỹ nhậm chức đốc hà, sông Hoàng Hà không có đại họa nào xảy ra trong năm năm. Năm Đạo Quang thứ 20 (1840), ông qua đời trên cương vị đốc đà, hoàng đế Đạo Quang sắc phong ông là thái tử thái bảo, thụy là “Cung Cần”, làm văn tế cho ông, còn xây dựng phủ đệ và lăng mộ cho ông. Trên đường linh cữu của ông được đưa về Sơn Tây, người dân đã lập bàn thờ cúng tế dọc đường, tiễn đưa ông bằng nước mắt, hàng ngàn dặm không dứt.

Hậu thế để tưởng nhớ Lật Dục Mỹ, đã xây dựng từ miếu cho ông, tôn ông làm “Thần sông”, gọi là “Lật Đại Vương”, và điều này cũng có nguyên nhân.

Theo “Bắc Đông Viên Bút Lục Tục Biên” ghi lại, trong thời gian Lật Dục Mỹ nhậm chức, ông từng mộng thấy mình vào miếu Hà Thần, nhìn thấy ba bức tượng thần ngồi cạnh nhau, ông liền hỏi họ là ai. Người trông coi hương khói của miếu nói: “Ở giữa là Đại Vương nào đó, bên trái là Đại Vương nào đó.” Tượng thần bên phải mặc triều phục, đội mũ cát, đi giày nhọn, dùng vải che mặt, hỏi là ai thì người trông coi miếu lại không trả lời.

Một lát sau có người nói với Lật Dục Mỹ: “Ngươi ngàn vạn lần đừng đến hành quán (nhà khách) công trường ở Hồ Gia Truân.” Lật Dục Mỹ liên tục khấu đầu rồi đi ra. Đến Hồ Gia Truân, chỉ thấy sóng to gió lớn, rồi giật mình tỉnh giấc.

Từ đó, Lật Dục Mỹ đi lại trên sông, không bao giờ ngủ lại ở Hồ Gia Truân. Năm Đạo Quang Canh Tý (1840), có khâm sai đến vùng Đông Hà để kiểm tra vật liệu, Lật Dục Mỹ đi theo đến các công trình, bất đắc dĩ phải ở lại Hồ Gia Truân một thời gian ngắn.

Hôm đó đang ăn cơm trưa, Lật Dục Mỹ đột nhiên nôn mửa, đờm nghẹn ở khí quản, không nói được. Hai người hầu và một võ quan đi theo bên cạnh, nhất thời cũng hoảng loạn không biết làm gì. Lật Dục Mỹ một tay nắm tay võ quan, một tay chỉ vào quần áo của mình. Võ quan biết ông muốn thay quần áo, liền mở rương của ông ra xem, triều phục đều đã được đặt ở bên trong.

Đương thời, cả nước đang cử hành quốc tang vì hoàng hậu qua đời, căn bản không cần đến lễ phục như vậy, có lẽ là Lật Dục Mỹ có cảm giác chẳng lành, đã chuẩn bị trước. Vì vậy, ông mặc triều phục, đội mũ cát, đi giày nhọn nhập liệm. Hóa ra tượng thần trong miếu Hà Thần chính là dáng vẻ của Lật Dục Mỹ khi qua đời. Ông ra đi là để làm Thần sông, đó cũng là lý do tại sao người dân tôn ông làm Hà Thần.

Năm sau khi Lật Dục Mỹ qua đời, Hoàng Hà vỡ đê ở Tường Phù, thành tường nguy kịch, sắp đổ sập. Trong lúc nguy cấp, đột nhiên có một thiếu niên lớn tiếng hô: “Hãy phá bỏ lầu thành phía nam, dùng gạch ngói phá dỡ để lấp vào chỗ kia.” Theo cách này, có người nhìn thấy thần giáp vàng dẫn dòng nước chảy xiết đổi hướng, từ bên cạnh thành chảy đi. Người dân đều nói đây là sự phù hộ linh thiêng của Lật Dục Mỹ trên trời.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch