Gia Cát Lượng Khổng Minh là một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài ba. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông. Ông đại diện cho tầng lớp văn nhân chí sĩ mang theo tinh thần yêu nước mà muốn tận trung báo quốc. Ca khúc Ngọa long ngâm chính là nỗi lòng của một văn nhân chí sĩ Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng biểu tự Khổng Minh hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam Quốc.
Ngọa Long Ngâm có nghĩa là khúc ngâm về con rồng nằm ẩn mình nơi sơn lâm. Ca khúc bày tỏ lên nỗi lòng khao khát tìm được một minh chúa mà đem tài mọn trí nhỏ phụng sự cống hiến cho xã tắc muôn dân. Ông đau đáu mong mỏi đợi chờ một minh vương trong cái họa của những kẻ lọc lừa mị ảnh, ngu muội hạn hẹp thì nhởn nhơ như lũ sâu bọ mà sách nhiễu muôn dân.
Gia Cát Lượng là hình ảnh của một nhân sĩ với tài năng xuất chúng
Ngọa Long Ngâm diễn tả sâu sắc nỗi lòng của một văn nhân chí sĩ yêu nước với khát vọng được tận trung báo quốc
Ca khúc do Vương Kiến viết lời được sử dụng trong phim Tam quốc diễn nghĩa khi nói về Gia Cát Lượng. Lời ca trong sáng, giọng ca trầm ấm truyền tải được suy tư, nỗi lòng của Khổng Minh.
‘‘Thủa niên thiếu người chăm chỉ sách đèn, tu tâm dưỡng tính, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, một bụng đầy kinh luân. Dù là kẻ nông phu, người vẫn canh cánh nỗi lo nước nhà. Nhưng ai biết được nhiệt huyết của kẻ chốn sơn lâm như người.
Phượng hề… phượng hề… phượng muốn bay cao. Thời loạn thế biết phải làm sao, chỉ đành nén tiếng thở dài.
Minh chúa ba lần tới lều cỏ mới gặp được, cùng người luận bàn chuyện thiên hạ thật tâm đắc. Nửa đời gặp tri kỷ, từ đây người thỏa ước nguyện. Ngày mai dắt kiếm theo minh chúa, từ đây quạt lông vũ cũng người chính chiến chốn bụi trần.
Long à… long à… đã gặp được minh chúa. Một tiếng trường tiêu thỏa nỗi lòng.
Bao năm chinh chiến ngược xuôi, người chỉ ước sau này được về nơi chốn cũ. Nơi có trăng thanh gió mát, nơi có chim kêu vượn hót, người mặc sức đàn ca
Đạo trời biến đổi khôn lường, vận số sao khó tìm. Thành bại ở mưu người, một lời thác con côi, làm người cả đời cúc cung tận tụy. Kẻ trượng phu sống ở trên đời, hãy vì chuyện thái bình của dân’’.
Chỉ với những ca từ ngắn gọn mà tác giả đã lột tả được trọn vẹn khí chất và đạo đức cốt cách của Gia Cát Lượng. Đồng thời ông cũng gửi gắm tới người nghe một cách trọn vẹn tâm tư và nỗi khao khát được cống hiến cho dân cho nước của Khổng Minh.
Gia Cát Lượng từ nhỏ đã mồ côi, nhưng ông sớm thể hiện ý chí của mình.
Vốn ham học hỏi và thông minh, ông lại rất mê đọc sách, tìm hiểu về kinh luân, binh pháp nên ông được coi là một người tài giỏi nhất trong ba anh em họ Gia Cát.
Tài năng và trí tuệ của Gia Cát Lượng được Tư Mã Huy đánh giá: “Bọn nho sinh đời nay chỉ là một phường tục sĩ, hạng tuấn kiệt hai người, đó là Ngọa Long và Phượng Sồ. Ngọa Long tức Gia Cát Khổng Minh, Phượng Sồ tức Bàng Thống tự Sĩ Nguyên. Có được một trong 2 người đó thì có thể định được thiên hạ” . Chính vì điều ấy mà Lưu Bị ba lần tới lều cỏ để được thỉnh mời Gia Cát Lượng xuất sơn phò tá cho mình.
Gia Cát Lượng gặp được Lưu Bị, cùng đàm đạo về thế sự. Như cá gặp nước, tìm được người cùng chung chí hướng nỗi lòng được cởi bỏ. Gia Cát Lượng dốc lòng mà phò tá Lưu Bị.
Được Gia Cát Khổng Minh giúp Lưu Bị cùng với Tôn Quyền đánh bại Tào Tháo ở Xích Bích, lấy Kinh Châu, định Tây Xuyên, dựng nước ở đất Thục, cùng với Ngụy ở phía bắc, Ngô ở phía đông làm thành thế chân vạc. Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, Khổng Minh giữ chức Thừa tướng, phía đông hòa Tôn Quyền, phía nam bình Mạnh Hoạch.
Trong cương vị thừa tướng, Gia Cát Lượng đã dốc tâm điều hành công việc quản lý triều chính. Ông liên tục đóng góp trí tuệ và sức lực của mình trong việc chinh phạt và củng cố giang sơn.
Không chỉ có thành tựu về quân sự, chính trị, ông còn là một nhà phát minh lỗi lạc khi tạo ra màn thầu, khinh khí cầu và một thiết bị giao thông vận tải tự động kỳ bí nhưng hiệu quả được gọi là “trâu gỗ ngựa máy” (Mộc Ngưu Lưu Mã).
Mặc dù ông thường được tin là đã phát minh ra loại nỏ có thể bắn liên tục nhiều mũi tên và được gọi là “Nỏ Gia Cát”, loại nỏ bán tự động này là một phiên bản cải tiến của loại đã xuất hiện trong thời kỳ Chiến Quốc (mặc dù có tranh luận rằng cung thời Chiến Quốc là bán tự động hay chỉ đơn giản là gắn nhiều chiếc nỏ lên một giá gỗ để bắn cùng một lúc). Tuy nhiên, phiên bản của Gia Cát Lượng có thể bắn xa hơn và nhanh hơn.
Một kiểu đầu của khinh khí cầu được sử dụng để truyền tín hiệu quân sự, được gọi là đèn lồng Khổng Minh, cũng được mang tên ông. Nó được cho là phát minh bởi Gia Cát Lượng khi ông bị bao vây bởi Tư Mã Ý.
Sách “Lã thị Xuân Thu” có ghi: “Gia Cát Lượng dùng nỏ liên châu để tập kích giết được danh tướng Trương Cáp, gọi nỏ ấy là “nguyên nhung”, lấy sắt làm tên, mỗi mũi tên dài tám tấc, mỗi nỏ bắn ra mười tên, thực là một vũ khí sát thương mãnh liệt”
Trần Thọ trong Tam quốc chí có viết: “Gia Cát Lượng thường hay tư lự hao tổn bởi nỏ liên châu, trâu gỗ, ngựa máy đều là những ý nghĩ kỳ lạ; suy diễn binh pháp làm ra bát trận đồ, thật là huyền bí vậy”.
Gia Cát Lượng nắm chắc binh pháp, có tài nghệ cầm binh, mưu lược hơn người nên ông được biết đến trong Tam quốc diễn nghĩa như một bậc kì tài siêu phàm.
Khổng Minh một lòng tận trung báo quốc, công chính liêm khiết
Ông là một hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh của trí tuệ mà giới văn nhân chí sĩ yêu nước ấp ủ trong mình. Ẩn mình để trau dồi kiến thức, tu tâm dưỡng tính chờ gặp minh vương là dốc lòng phò tá.
Cũng mang trong mình nỗi lo cho bách tính, thấy đất nước tan nát binh đao, thấy dân tình loạn lạc khổ cực. Người chí sĩ ấy đau đáu nỗi lo nước nhà.
Khi có cơ hội thì tận tâm tận lực, dốc toàn bộ trí tuệ mà chinh chiến gây dựng bề thế lại giang sơn.
Ông không ôm mộng danh lợi, nhưng lại mang theo tâm nguyện phục hưng nhà Hán.
Gia Cát Lượng đặt sự hưng vượng của quốc gia lên trên cả danh lợi hay vinh nhục cá nhân. Ông từng tuyên bố rằng: “Nếu như diệt được nước Ngụy, chém đầu Tào Duệ, đưa hoàng thượng về cố đô Lạc Dương thì đến lúc đó tôi cùng chư vị đồng liêu được thăng quan tấn tước, cho dù được thưởng mười loại báu vật tôi cũng xin nhận huống chi là cửu tích”
Câu nói thể hiện được lòng trung thành của Khổng Minh. Nhà thơ Đỗ Phủ đã có bài thơ ca ngợi lòng trung thành của Gia Cát Lượng khi đến thăm đền thờ ông:
Miếu thờ thừa tướng là đây
Cấm thành rừng bách phủ đầy trước sau
Nắng xuân cỏ biếc một màu
Tiếng oanh trong lá toả vào không gian
Ba lần cầu kiến cao nhân
Hai triều đã tỏ lão thần tận tâm
Kỳ sơn giữa trận từ trần
Khách anh hùng để tần ngần lệ rơi.
Có một giai thoại thể hiện cho sự công chính và liêm khiết của Gia Cát Lượng khi ông tự viết biểu tâu lên Hậu chủ Lưu Thiện rằng: “Nhà thần ở Thành Đô có tám trăm gốc dâu, ruộng xấu mười lăm khoảng, cái ăn mặc của con cái xem ra đầy đủ. Đến như thần gánh vác việc ở bên ngoài, cũng chẳng có gì khác người, cái ăn cái mặc đều trông vào cửa quan, chẳng chút tơ hào cho riêng mình, ấy là để lâu dài thước tấc vậy. Đến ngày thần mất, trong nhà chẳng để thừa gấm vóc, bên ngoài không có điền sản dư dôi, chính là để khỏi phụ lại lòng tin tưởng của Bệ hạ vậy”.
Thủa xưa người ta thường nói: Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Nhân tài sinh xuất từ trong khổ luyện. Những văn nhân chí sĩ dùng trí tuệ của mình mà gây dựng đất nước, tận tâm báo trung. Đó là cái phúc của đất nước ấy. Và nếu như một đất nước mà nhân tài tề tựu chính là nguyên khí dồi dào là báo hiệu cho sự thịnh vượng của một quốc gia.
Gia Cát Lượng coi trọng việc bồi dưỡng và đào tạo nhân tài. Ông coi việc tu tâm dưỡng tính, đọc sách thánh hiền, dung bồi đạo đức là giá trị cốt lõi mà con người nhất định phải có. Chính vì thế mà lời ông dạy con mãi được người đời ghi nhớ và học theo:
‘‘Ta (nên) làm theo đạo của kẻ quân tử, tu thân thanh tịnh, cần kiệm dưỡng đức, đạm bạc để nuôi chí, tĩnh lặng để nghĩ xa. Ta (nên) học lấy sự thanh tịnh, tài do học mà có, chẳng học chẳng rộng tài, chẳng có chí thì chẳng thành công, buông thả hại cho tinh thần, mạo hiểm khó thuần được tính’’
Mời quý vị cùng Đại Kỷ Nguyên thưởng thức Ngọa Long Ngâm:
Tịnh Tâm