“Cô ấy là ai?”, mọi người hỏi. “Người đàn bà xa lạ”, Kramskoi trả lời ngắn gọn. Người yêu của vị quan chức cao cấp nào đó? Người tình của hoàng đế? Hay một nữ anh hùng sử thi? Con gái của người họa sĩ? Chúng ta mãi mãi chỉ có thể đoán định chứ không thể biết câu trả lời chính xác.
Kramskoi để lại khá nhiều ghi chép trong các nhật ký và thư, tuy nhiên không hề có một đề cập nào đến “Người đàn bà xa lạ” này trong đó… Tuy nhiên…
Điều gì ẩn sau sự khinh nhờn trong đôi mắt “người đàn bà xa lạ”?
Triển lãm các họa sĩ “lang thang” lần thứ 11 năm 1883 được tổ chức tại Saint Petersburg. Trên các trang báo địa phương có thông tin “không khuyến khích độc giả trẻ tuổi”. Lý do là trong số những bức tranh dân túy và chỉ trích, như một vị khách từ thế giới khác, lọt vào bức “Người đàn bà xa lạ” của Kramskoi. Một phụ nữ đẹp ăn mặc trang nhã và đậm nét quý phái, với cái nhìn ẩn chứa nét cao ngạo (kiêu hãnh) và còn điều gì đó nữa rất khó tả. Chính vì bức tranh này mà đã lập ra hạn chế độ tuổi từ 16+.
Khung cảnh là một buổi sáng mờ sương tại trung tâm thành phố Saint Petersburg. Một quý cô ăn mặc thời trang mới nhất ngồi xe ngựa mui trần dạo trên đại lộ Nevsky. Phía sau là cung điện Anichkov, chiếc áo palto kiểu “Skobelev”, găng tay da Thụy Điển thanh lịch, vòng vàng đeo tay hài hòa cùng ngọc trai gắn trên chiếc mũ duyên dáng “Francis” với chiếc lông đà điểu.
Một thân hình thanh mảnh với gương mặt mà người xem khó có thể rời mắt đi. Và cặp mắt của cô – bí ẩn chính của bức tranh. Do đôi mắt lấp lánh đến mức khó tin này mà cô còn được gọi là Mona Liza Nga. Bí ẩn trong tuyệt tác của Leonardo – nụ cười của Mona Liza, điều đáng ngạc nhiên nhất trong “Người đàn bà xa lạ” – cặp mắt cô với rất nhiều cảm xúc trái chiều. Sâu, gần như đen, ánh mắt nhìn xuống đầy kiêu kỳ, kiêu ngạo, nhưng ẩn sau sự khinh nhờn dường như có sự bất an và dễ bị tổn thương. Một khuôn mặt xinh đẹp gợi cảm, thu hút và đồng thời xa cách.
Tất cả khung cảnh, thời gian và trang phục chỉ là phông cho “người đàn bà xa lạ” ấy. Đây là bức chân dung có sự thu hút đặc biệt của gương mặt, nhất là đôi mắt.
Ánh mắt có nét buồn nội tâm, nhưng dường như vẫn giữ được sự thanh khiết của người con gái đã yêu, đã từng đau khổ vì tình yêu, từng đã mất mát nhưng vẫn giữ được tấm lòng son. Cặp mắt như hỏi tác giả rất nhiều điều. Ánh mắt dù đa đoan nhưng đã bình thản với niềm tin vào bản thân, tin vào Thiện tâm trong mỗi người…, phải chăng đó chính là niềm tin chân chính vào an bài của Thượng đế.
Và tin vào câu chuyện về sức mạnh đáng kinh ngạc của cái đẹp. Trong “Người đàn bà xa lạ” thể hiện đặc biệt nghịch lý và tài năng của Ivan Kramskoy. Ông có quan điểm khá rõ ràng về các nhiệm vụ của nghệ thuật và về lý tưởng của một người phụ nữ – một người mẹ thuần khiết, một người vợ, rất đạo đức, tâm linh, không có hoa mỹ. Nghịch lý là cuộc sống của ông và những bức tranh của ông thường đi ngược lại những ý tưởng mà ông tuyên bố.
Chúng ta không biết tên nguyên mẫu, nhưng chúng ta biết con người Kramskoi Ivan – một người chồng yêu thương vợ, người cha hết lòng vì con, một họa sĩ vẽ chân dung bậc nhất, một người có chính kiến, người đánh giá rất cao giá trị đạo đức, luôn hướng đến thế giới tâm linh.
Kramskoi, bậc thầy thể hiện nội tâm nhân vật qua ánh nhìn
Kramskoi từng kể về sự cô đơn, về sự đối đầu của một người cô độc trước đám đông, về sự khinh thị của xã hội với người và ngược lại.
Trong bức “Chúa Kitô trên hoang mạc” (1872) của Kramskoi, Chúa Kitô để cứu giúp con người ngài đã lo nghĩ thâu đêm, quên cả thời gian, không gian, cũng như thân thể mình.
Không có hành động nào cả, nhưng người xem dường như cảm thấy cuộc sống của tinh thần, ý nghĩ to lớn của việc mà Chúa làm – lặng lẽ thực hiện như một người cha.
Trong bức ‘cậu bé Do Thái bị xúc phạm’, ánh mắt của cậu bé – chính là cái nhìn của Kramskoi vào xã hội Nga đương thời. Ông thực sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người đàn ông nhỏ này. Ánh mắt này đã tạo nên khoảng ngăn cách an toàn với xã hội mà chúng ta thấy trong “Người đàn bà xa lạ”.
Qua bức “Nỗi đau khôn nguôi”, Kramskoi lại thể hiện nỗi đau mất con của vợ và bản thân (họ đã mất hai người con trai khi còn rất nhỏ). Người phụ nữ trong tranh đã không còn khóc nữa, nhưng nỗi đau trong sư kiềm chế đáng khâm phục. Sự kiềm chế thể hiện tất cả chiều sâu và tính bi kịch. Có lẽ Kramskoi dù không chảy nước mắt, nhưng trái tim ông vẫn thổn thức khóc khôn nguôi.
Nỗi đau đã làm ông càng thêm bao dung hơn. Ông cảm thông với nỗi đau của người khác hơn. “Người đàn bà xa lạ” có nhiều điểm tương đồng với con gái của tác giả Sophia Kramskaya. Cô con gái dù còn trẻ đã phải trải qua khảo nghiệm sâu sắc, sự phản bội của mối tình đầu tuổi 16. Sophia đính hôn với một bác sĩ trẻ Botkin Sergey. Nhưng như an bài nghiệt ngã của định mệnh, vị bác sĩ đã bội ước và sau đó kết hôn với cô bạn gái của Sophia – Alexandera Tretyakova – con gái thứ hai của nhà sưu tầm tranh nổi tiếng Pavel Tretyakov.
Sophia đã dũng cảm và cao thượng giữ gìn tình bạn với Alexandra. Cô đã cho ta thấy tấm lòng cao thượng, nhẫn nại và niềm tin. Niềm tin vào tương lai, tin những người thân (trong đó đáng nói nhất là cha cô – họa sĩ Kramskoi Ivan), tin vào Thượng đế. Niềm tin – điều quý giá nhất của người phụ nữ, nó càng tôn thêm vẻ đẹp đích thực, vẻ đẹp vĩnh hằng – trên nền tảng một tình yêu vị tha, vô điều kiện, vô biên. Điều này Ivan Kramskoi đã nhìn thấy ở cô từ tuổi ấu thơ. Một vẻ đẹp lý tưởng dưới con mắt họa sĩ và người cha giầu tình cảm.
Bí ẩn lớn nhất của Kramskoi, điều mà sẽ không được khám phá đến cùng – tên tác phẩm nói về nó. Nhưng nhìn vào “Người đàn bà xa lạ” ta khó rời mắt được.
Nếu không có những mối quan hệ phức tạp trong xã hội Nga đang suy thoái, có lẽ sẽ không có kiêu ngạo, khinh thị trong con mắt “người đàn bà xa lạ”, mà chỉ có sự bao dung, nữ tính thuần khiết, ngây thơ … Nhưng có lẽ ông để bảo hộ, che chở cho “người đàn bà” đã tự đưa mình vào bức tranh.
Đúng hơn là có lẽ Kramskoi đã đưa ánh mắt của mình với cái nhìn đời của một họa sĩ điêu luyện kết hợp với sự trong trắng của Sophia đã tạo ra cặp mắt bí ẩn tuyệt đẹp của nàng Gioconda Nga.
Dù nguyên mẫu là ai, thân phận nhân vật “Người đàn bà xa lạ” như thế nào, thì về mặt nghệ thuật Kramskoi đã rất xuất sắc. Nhưng cao hơn hết là nghệ thuật “thổi” sự sống cho nhân vật. Đã hơn một thế kỷ nhưng bức tranh vẫn tiếp tục “ngắm nhìn” mọi người, trò chuyện với người xem, nhắc nhở chúng ta về sự vĩnh hằng của vẻ đẹp chân chính.
Thiên Sơn