Trong những thứ trên đời, Ivan Aivazovsky yêu biển nhất. Ông nói rằng ông có thể vẽ biển một cách dễ dàng và nhanh chóng. Khi cảm hứng đã nổi lên, ông sẵn sàng dẹp các việc không liên quan đến sáng tác sang một bên.
Là một người đẹp trai, thành đạt, có địa vị cao trong xã hội và dường như đúng là một mẫu người hạnh phúc, nhưng ông không phải là kẻ nịnh đầm và người luôn theo đuổi phụ nữ đẹp – như lối sống khá phóng đãng của giới họa sỹ đương thời. Ông không lạm dụng rượu, tích cực giúp đỡ thành phố quê hương, nơi đã là bệ phóng cho sự nghiệp của đời ông, và quan trọng hơn nữa, đó còn là nơi có những cảnh đẹp làm tâm hồn nghệ sĩ của ông say đắm. Ông luôn chủ động trong việc sáng tác: chọn chủ đề, địa điểm, và phong cách sáng tác.
Hãy cùng nghe đôi lời tự sự của chính ông, để có thể hiểu thêm về con người và tác phẩm của nhà danh họa Nga vĩ đại này.
“Hạnh phúc đã mỉm cười với tôi, khi thiên nhiên đi vào trong tác phẩm”
Thiên nhiên, trong sự sâu thẳm của nó, là để dành cho người họa sỹ khám phá; những người họa sĩ chúng ta luôn cần nhớ điều này. Con người được ban tặng trí nhớ không hẳn là để lưu giữ những ấn tượng của thiên nhiên sống động, con người có thể sao chép xuất sắc giống một chiếc máy ảnh, nhưng người họa sỹ chân chính thì không bao giờ nên làm như thế. Bút lông không thể nắm bắt được hết sự biến động của những hiện tượng tự nhiên sinh động. Nếu chỉ đơn thuần mô tả một tia chớp, một cơn gió, hay tiếng sóng vỗ thì đâu cần tới bàn tay họa sỹ.
Trong số các bạn, có những người mong muốn dâng hiến bản thân mình cho hội họa phong cảnh và hội họa biển, và tìm thấy trong những bức tranh của tôi nhiều ấn tượng. Nhưng tôi nói, rằng sự bắt chước sẽ gây tác hại cho chính sự phát triển của hội họa. Các bạn có thể học hỏi các kỹ thuật từ họa sỹ này hoặc họa sỹ khác, nhưng sau đó, bạn phải tự nghiên cứu thiên nhiên và tự mình sao chép nó. Hãy cố gắng trở thành con người hiện thực ở mức độ cao nhất, ngay cả khi kĩ năng về hội họa và kiến thức về thiên nhiên của bạn chưa đủ để bạn có thể tự do chuyển tải những cảm hứng nghệ thuật của riêng mình lên những tấm toan.
Vào mùa đông, tôi thường sống tạm bợ ở Peterburg, nhưng mỗi khi mùa Xuân vừa chớm, nỗi nhớ cố hương lại kéo tôi trở về Crưm, trở về với biển Đen.
Phải chăng tôi luôn quay lại với biển Đen là vì tính chất của những con sóng biển ở đó là khác hẳn so với sóng ở đại dương ở Saint-Peterburg? Kỳ thực thì sóng biển vẫn chỉ là sóng biển, nhưng sóng đại dương thường lớn và hiệu ứng của chúng khi đánh vào bờ biển thoai thoải là hơi khác so với sóng nhỏ. Tất nhiên, sự phản chiếu của ánh sáng lên sóng lớn và sóng nhỏ cũng là khác nhau.
“Đối với tôi, sống cũng có nghĩa là làm việc”
Đúng là tôi không thể chỉ ra được những tác phẩm tốt nhất của mình, nguyên nhân là ngay sau khi kết thúc vẽ tranh, tôi nhìn ra ngay trong đó có nhiều khiếm khuyết và tự an ủi rằng sắp tới sẽ vẽ tốt hơn, bởi vậy, tôi thường không thích giữ chúng lại lâu.
Một trong những cái dở của tôi khi sáng tác, là rất khó từ bỏ các thói quen, không gạt bỏ đi được tất cả những lối mòn. Ngoài những ấn tượng mạnh về những khoảnh khắc của thiên nhiên, mà sau đó tôi nóng lòng mong đợi đến giây phút bắt đầu vẽ lại chúng, thì trong những trường hợp khác, chính tôi phải thừa nhận là tôi rất không cẩn thận, không làm gì ra hồn cả.
“Tất cả các bức tranh của tôi chỉ là sự mô phỏng kém cỏi của thiên nhiên vĩ đại”
Chủ đề của những bức tranh được tạo thành trong trí nhớ của tôi, giống như là chủ đề sáng tác của nhà thơ.
Tất cả những tranh vẽ được tán dương của tôi đều là nhỏ nhặt, khi đứng trước thiên nhiên vĩ đại; chúng chỉ làm cho tôi phấn khích trong khoảnh khắc, còn hạnh phúc lớn lao của tôi, đó phải là thành công trong sự hoàn thiện bản thân.
“Những bức tranh, trong đó nguồn sức mạnh chính là ánh sáng mặt trời, được tôi coi là đẹp nhất”
Sau khi vẽ phác thảo trên mảnh giấy nhỏ, tôi không thể rời khỏi vuông vải vẽ, khi mà cây bút vẽ của tôi còn chưa diễn tả xong mọi thứ trong bức tranh. Tôi giống như con ong mật, hút mật từ những bông hoa để dâng hiến công sức của minh, làm quà tạ ơn mẹ tổ quốc nước Nga.
Đêm . Bi kịch trên biển đá cẩm thạch – Ivan Konstantinovich Aivazosky 1897
“Sự nhẹ nhàng cảm nhận trong tranh có được từ lao động nặng nhọc”
Ý tưởng hóa thiên nhiên sống động là sự cực đoan mà tôi luôn tránh xa trong những bức họa của tôi, nhưng tôi thường cảm nhận được chất thơ của thiên nhiên, cảm nhận và cố gắng truyền cảm nó bằng cây bút vẽ của mình. Sự hấp dẫn của đêm trăng, sự lạnh lẽo của hoàng hôn trong trẻo, nỗi sợ hãi từ những cơn bão táp và giông tố theo đuổi tâm hồn – đó là những cảm xúc tạo hứng khởi cho tôi khi vẽ tranh.
Ngọn hải đăng Neapolitanski – Ivan Konstantinovich Aivazosky (1842, 87×69 см)
“Tôi luôn phải rượt đuổi theo hiện thực biến đổi trên mỗi bức tranh”
Với những vật thể ở phía xa được vẽ trong tranh của tôi, bắt buộc tôi phải vẽ rõ nét hơn, sống động hơn và chi tiết hơn. Trong ký ức của mình, tôi thường lưu giữ rất lâu những hình ảnh và màu sắc tạo cảm hứng, như những nơi phong cảnh đẹp hay khoảnh khắc nào đó của bão tố.
Sau khi nghiên cứu kỹ những biến đổi của bầu khí quyển, trò chơi của ánh của sáng và bóng tối trên những con sóng biển, trên đỉnh núi, trên những tán lá cây, tôi mới có thể tái hiện chúng, cũng như những gì đó đã quen thuộc đối với tôi từ lâu. Nhưng sự thay đổi nhanh chóng của cảnh quan đã thôi thúc tôi, thúc dục tôi phải vẽ nhanh hơn. Nhưng nói gì thì nói, trí tưởng tượng của tôi vẫn mạnh hơn khả năng hấp thụ những ấn tượng thực tiễn.
Theo Artchive.ru
Văn Minh biên dịch