Để diễn tả cái sự tình “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, trong dân gian còn có câu thành ngữ: “Trung ngôn nghịch nhĩ”, ý tứ là: lời nói thẳng thật thì thường khó nghe…

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Sử ký-Lưu Hầu Thế Gia”.

Năm 207 công nguyên, sau khi Lưu Bang đánh chiếm được Hàm Dương, liền vào trong cung nhà Tần xem xét, thấy của cải chất như núi, mỹ nữ nhiều vô kể, thì trong lòng bỗng cảm thấy rất hiếu kỳ và thỏa mãn, những muốn hưởng dụng hết tất cả.

Phàn Khoái là thuộc hạ của Lưu Bang, khi nhận biết ra ý đồ này của chủ nhân, liền hỏi Lưu Bang:

– Ngài muốn làm một đại phú ông, hay muốn thống trị thiên hạ?

Lưu Bang trả lời rằng:

– Đương nhiên là muốn thống trị thiên hạ rồi.

Phàn Khoái lại nói:

– Trong cung Tần của cải vô số, mỹ nữ đông đúc, những thứ này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới triều nhà Tần bị diệt vong, vậy đại vương không thể nào ở lại trong cung, mà hãy nhanh chóng trở về Bá Thượng. Nhưng Lưu Bang không chịu nghe theo.

Biết lắng nghe điều tốt, đó là đức của bậc minh quân. (Ảnh: Youtube)

Sau khi biết được việc này, mưu sĩ Trương Lương mới nói với Lưu Bang rằng:

– Vua Tần vì không giữ đúng đạo trị quốc, cho nên nhân dân mới nổi lên làm phản, nhờ thế đại vương mới chiếm được những thứ này, giờ đây đại vương đã làm nên đại nghiệp rồi thì phải giữ vững hình ảnh của mình, phải sống tiết kiệm qua ngày. Nay mới tới cung nhà Tần mà đã muốn hưởng lạc sao được? Lời nói thẳng tuy nghe trái tai, nhưng lại có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy đắng nhưng giã tật. Vậy mong đại vương hãy nghe theo lời của Phàn Khoái.

Lưu Bang nghe xong nghĩ rằng, sau này mình được cả thiên hạ thì của cải, mỹ nữ sớm muộn gì cũng được hưởng, bèn nhận lời nghe theo, và coi cung nhà Tần là một nơi thị phi, là cạm bẫy, bèn hạ lệnh cho quân sĩ niêm phong các phủ đệ và kho báu, đóng cửa cung lại rồi trở về Bá Thượng.

***
Lời bàn:

Lời nói thẳng tuy nghe trái tai, nhưng lại có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy đắng nhưng giã tật. Người biết tiếp thu những “lời ngay tiếng thật” thì thường phải có đức khiêm nhường, bao dung và nhẫn lại, còn phải biết xả bỏ đi cái “Tôi” của mình và tôn trọng người khác nữa. Giống như trăm sông đổ về biển là bởi vì biển biết đặt mình nơi chỗ thấp mà dung nạp nước trăm sông, người biết lắng nghe lời thẳng thật, thậm chí là nghe được cả những lời khó nghe để rồi tự sửa mình thì ắt sẽ dễ làm nên nghiệp lớn.

Lưu Bang làm thống lĩnh cử Hàn Tín làm đại tướng quân, tuy lòng không vui nhưng xét có lợi cho quân sĩ vẫn nhẫn nại lắng nghe. (Ảnh: Youtube)

Xưa nay dường như ai cũng thích ăn ngon, mặc đẹp, ở nhàn… và nghe những lời tán tụng ngọt ngào, chỉ hiềm một nỗi “mật ngọt” thì đâu chỉ có “chết ruồi”! Bậc đế vương mà thích nghe lời xu nịnh thì mất nước; tướng giỏi mà thích nhận tiếng hay thì dễ chủ quan kiêu ngạo; làm người mà không tôn trọng sự thật, không dám tiếp thu lời nói ngay thẳng và phóng hạ được cái “Tôi” của bản thân mình thì đâu có thể coi là bậc quân tử được.

Mới hay: kẻ mạnh không phải là kẻ chỉ biết nói cho người khác nghe, mà quan trọng hơn là cần phải biết nghe người khác nói. Khi xưa, Lưu Bang mà không biết lắng nghe lời nói ngay thẳng của Trương Lương, Phàn Khoái thì có lẽ ông ta cũng chỉ sớm trở thành bậc đại cự phú mà thôi chứ đâu dễ gì mà ngự ở ngôi Hoàng đế thiên tử được.

Đường Phong