Sinh thời, Chu Mạnh Trinh là bậc nhân sỹ nổi tiếng ở sự phóng khoáng hào hoa, thành thạo cả cầm, kỳ, thi, họa và còn giỏi cả về kiến trúc. Ông cũng được dân gian biết đến là người có cá tính khá mạnh mẽ qua giai thoại tặng hoa trà chơi khăm cụ đồ Nho – Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Chu Mạnh Trinh sinh năm 1862, có tên chữ là Cán Thần, hiệu Trúc Vân, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay.

Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, thân phụ là Chu Duy Tĩnh làm quan đến chức Ngự sử. Vốn tư chất rất thông minh hoạt bát, năm 19 tuổi Chu Mạnh Trinh đã đỗ tú tài. Năm 25 tuổi, ông đỗ giải nguyên. Năm 31 tuổi, thi đỗ Tam giáp tiến sĩ nên người đương thời gọi ông là ông nghè Phú Thị.

Sau khi đỗ tam giáp tiến sĩ, Chu Mạnh Trinh được bổ làm Tri phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Thời gian sau ông được giao chức Án sát tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Tiếc rằng thọ mệnh của Chu Mạnh Trinh không dài, ông mất vào cuối năm 1905, khi mới 43 tuổi.

Chân dung Chu Mạnh Trinh. (Ảnh: Wikipedia)

Quán quân vịnh thơ Kiều tặng hoa trà chơi khăm Nguyễn Khuyến

Chuyện kể rằng Mùa xuân Ất Tỵ (1905), bên hồ Bán Nguyệt, Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan tổ chức cuộc thi vịnh thơ Kiều. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được mời làm chủ khảo, Giải nguyên Hiệp Biện Đại học sĩ Dương Lâm làm Phó chủ khảo. Cuộc thi thu hút rất nhiều văn sỹ và giới tri thức nổi tiếng thời bấy giờ tham gia, tạo thành Tao đàn Hưng Yên. Trong cuộc thi này Chu Mạnh Trinh đoạt giải nhất về thơ Nôm. Lúc bấy giờ Chủ khảo Nguyễn Khuyến chấm thơ của Chu Mạnh Trinh khen là khá hay, tuy nhiên khi đọc đến hai câu trong bài vịnh Sở Khanh:

“Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay”…
thì Nguyễn Khuyến tỏ vẻ không bằng lòng, phê ngay vào bên cạnh rằng:

“Rằng hay thì thực là hay,
Đem “nho” đối “xỏ” lão này không ưa”.

Chu Mạnh Trinh biết được, có ý giận Nguyễn Khuyến. Một thời gian sau, Mạnh Trinh được cử làm quan Án sát ở Hưng Yên, nhân dịp tết Nguyên đán, Chu Mạnh Trinh gửi tặng Nguyễn Khuyến một chậu hoa trà – loài hoa có sắc nhưng không có hương, có hàm ý chê Nguyễn Khuyến khi đó mắt lòa không nhận ra được cái sắc của hoa. Hiểu được “thâm ý” của người tặng, Nguyễn Khuyến làm một bài thơ gửi Chu Mạnh Trinh như sau:

“Tết đến người cho một chậu trà
Đương say còn biết cóc đâu hoa!
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng, bác đó a?

Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi già!
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà!”

Tương truyền, khi người nhà trở về và đưa bài thơ của Nguyễn Khuyến gửi, Chu Mạnh Trinh đọc xong vừa thẹn vừa ân hận.

Chu Mạnh Trinh gửi tặng Nguyễn Khuyến một chậu hoa trà – loài hoa có sắc nhưng không có hương, có hàm ý chê Nguyễn Khuyến khi đó mắt lòa không nhận ra được cái sắc của hoa. (Ảnh: wikimedia.org)

Thi phẩm để đời: “Hương Sơn phong cảnh ca”

Mang phong cách nhà Nho tài tử, trong hoàn cảnh xã hội phong kiến suy tàn, Chu Mạnh Trinh có khuynh hướng thoát ly, hưởng lạc. Nhưng những sáng tác của ông lại thể hiện tình cảm yêu nước, đề cao văn hóa dân tộc. Ông thích ngao du thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, ngâm vịnh thi phú.

Những bài thơ và ca trù của Chu Mạnh Trinh thể hiện sự tài hoa uyên bác của một danh sỹ phong lưu, từng trải nhưng không kém phần tinh tế, lãng mạn. Trong đó bài “Hương Sơn phong cảnh ca” được rất nhiều người biết đến như một trong những tác phẩm kiệt xuất nhất nằm trong kho tàng sáng tác văn học đồ sộ của Chu Mạnh Trinh.

Phải nói ngay rằng âm nhạc đã góp phần tạo nên vẻ đẹp quyến rũ của bài thơ này. Bình thường, bất cứ bài thơ hay nào cũng có một nền nhạc riêng của nó, cho dù nó được viết theo lối tự do hay theo thể cách luật. Nhưng khi một thi sĩ lại chủ động viết theo thể hát nói, thì rõ ràng nhạc điệu và nhạc tính trong thi phẩm càng thể hiện địa vị tiên phong.

Có thể thấy khá rõ lời thơ chập chờn, chấp chới bay trong nhịp điệu, còn nhạc điệu như đang dìu từng lời thơ bay lượn trong cái thế giới trong lành, thanh tịnh của chốn Hương Sơn. Tất cả cứ lâng lâng chơi vơi, cứ khoan hòa dìu dặt như cái nhịp chèo, nhịp bước của du khách càng ngày càng nhập sâu vào lòng cảnh trí thanh vắng, mơ màng, vừa trần gian vừa thoát tục.

Nếu như đang nghe lời thơ được hát ngâm theo thể thức ca trù, với lối ngàn rung, buông bắt, với tiếng đàn, tiếng phách, tiếng trống điểm nhịp rất riêng thì tất cả giọng ngất ngây, khoan khoái của một tâm hồn đang ân thưởng cái “Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay” càng có dịp tràn ra đầy đủ. Rõ ràng khi chọn thể hát nói để phô bày những cảm xúc của mình về Hương Sơn, dường như hồn thơ của Chu Mạnh Trinh đã nương mình đúng chỗ. Vậy là thơ và nhạc đã tạo nên tuyệt tác thi phẩm này:

“Mưỡu:
Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe Kinh.

Hát nói:
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt?

Lần tràng hạt niệm “Nam vô Phật”,
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu!”.

Khe Yến là một trong những thắng cảnh ngày nay. (Ảnh: VNE)

Toàn bài thơ đều viết bằng những câu dài với 7 hoặc 8 tiếng. Duy có câu mở đầu là ngắn đặc biệt: “Bầu trời cảnh bụt”

Câu thơ vẽ không gian, nhưng vang lên như một vỡ lẽ kì thú của chốn nước non này: Đây là thế giới của cảnh bụt. Câu thơ bốn tiếng khác nào như mở ra một cổng trời, một miền non nước, một thế giới, mà ở trên cánh cổng ấy khắc bốn chữ giới thiệu du khách về cái xứ sở sắp bước vào. Kia là thuộc về cảnh bụt. Nó không phải là đất Phật như Tây Trúc, nhưng cảnh sắc ở đây đều thuộc về bụt, đều ngấm vị thiền.

Và bốn tiếng ấy dường như cũng đã xác định chủ âm của bài thơ. Bắt đầu từ đây ngòi bút của Chu Mạnh Trinh sẽ chuyển động theo cảm hứng ấy và làm sống dậy từng nét thanh tú của danh lam, vừa đem lại vị thiền cho thắng cảnh. Đầu tiên là cái nhìn lướt bao quát:

“Kìa non non, nước nước, mây mây”

Cảnh non nước đã được điệp trùng, luyến láy theo cái lối đặc trưng của ca trù, khiến cho nó vừa có vẻ như quấn quýt lại vừa như trải dài như vô tận. Phần lớn những nơi được xem là danh thắng đều là chốn sơn thủy hữu tình, có núi non, có rừng suối, với những chim bay, cá lượn. Hương Sơn cũng thế! Nhưng Hương Sơn là cảnh bụt, cho nên:

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”..

Quả thật là chốn sơn thủy hữu tình, có núi non, có rừng suối, với những chim bay, cá lượn. (Ảnh: NewBranch)

Chim ở đây dường như đã quên mình là chim, cá ở đây đã quên mình là cá. Tự bao giờ chúng đã thành những tín đồ. Có phải bầu không khí bao trùm lên Hương Sơn là không khí thiền – vị thiền tan vào rừng mơ, vị thiền đã hòa vào suối Yến mà chim cá ở đây cũng được thanh tẩy, cũng hòa nhập vào làm một với cảnh bụt chốn này. Tiếng chim “thỏ thẻ“, dáng cá “lửng lơ” và giờ đây là “tiếng chày kình”…

Những âm thanh, dáng điệu ấy tạo nên cái bầu không khí rất Hương Sơn. Chim cúng trái, cá nghe kinh, con người đi vào cảnh thảng thốt với tiếng chày kình… Tất cả tạo nên một không khí linh thiêng, thoát tục. Có lẽ chỉ với những hình ảnh như thế thôi, cái thần thái của Hương Sơn đã nhập vào thơ rồi!

Thế rồi, thi sĩ cứ say sưa thưởng ngoạn cảnh Hương Sơn như một tạo tác nguy nga, mĩ lệ của tạo hóa bày ra sống động dưới trời Nam:

“Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Vũng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh”

Những từ “này” để trỏ liên tiếp gợi sự phong phú, gợi thế liên hoàn, lại gợi được cả cái cảm xúc được ân thưởng thỏa thuê. Cảnh sắc thật giàu có, đủ cả suối, chùa, am, động… tất cả cứ như bày đặt ra theo bước du khách. Chu Mạnh Trinh lại kết hợp cả lối tạo hình với những nét vừa mĩ lệ vừa hư huyền, với những màu vừa lộng lẫy vừa cách điệu, với những mảnh khối vừa trầm tĩnh vừa biến ảo. Trong dăm ba câu mà ta như đã thấy được con mắt tạo hình của thi sĩ lúc ngây ngất ngước lên, khi mải mê nhìn xuống, vừa nắm bát cái bóng nguyệt lồng trong thăm thẳm tầng hang, đã đuổi theo những thang mây lượn cùng vách núi:

“Nhác trông lên ai khéo họa hình,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt.
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây”…

Suối Giải Oan nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn. (Ảnh: Pinterest)

Với những câu thơ này, du khách đường như đã đặt những bước chân cuối cùng vào chốn Hương Sơn. Tuy nhiên, thú Hương Sơn chưa phải đã hết bởi nếu như tiếng chày kình oanh động, tiếng chuông Hương Sơn ngân nga mới đánh thức người khách tang hải trong cái giấc mộng lớn của cuộc đời, thì đến đây, đến khi này cuộc hành hương mới kết thúc: Ấy là cái khoảnh khắc thi nhân quên mình là thi sĩ để mà sống trong phút giây cái nỗi niềm của một Phật tử:

“Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật,
Cửa từ bi công đức, xiết là bao”…

Kẻ vãn cảnh đã cởi bỏ lốt tục lấm bụi trần ai để tâm hồn chan hòa với chốn này. Vẻ đẹp của thắng cảnh, vị thiền của danh lam đã hòa nhập kẻ vãn cảnh với người hành hương trong cái trạng thái tâm linh thanh cao và yên tịnh ấy. Sức quyến rũ cuối cùng của Hương Sơn dường như ở đấy.

Là một nhân sỹ tài hoa và tràn trề thi hứng, luôn yêu mến và tạo dựng ra những di tích lịch sử văn hóa tươi đẹp trên vùng đất Hưng Yên, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh quả thực đã bồi đắp rất nhiều giá trị văn hóa trường tồn cho quê hương đất nước. Bởi vậy, tài năng tên tuổi và thơ ca của ông cũng trở nên sống mãi với thời gian.

Đường Minh