Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Hàn Tín (229 – 196 TCN) là người Hoài Âm, tỉnh Giang Tô. Ông là một danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch, được vua Hán Cao Tổ ca ngợi là: “Nắm trong tay trăm vạn quân, đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy, ta thật không bằng Hoài Âm Hầu”. Thời Hán Sở tranh hùng, ông là 1 trong “tam kiệt nhà Hán” có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm. Nhưng mấy ai biết, thuở chưa thành danh vì gia cảnh bần cùng mà ông phải chịu biết bao sự khinh rẻ của mọi người. 

Hàn Tín sinh ra trong gia cảnh bần cùng, sa sút vì vậy trong lịch sử không có nhiều ghi chép chi tiết về gia đình ông. Có ghi chép nói rằng, Hàn Tín sinh sống cuộc sống thanh bần cùng người mẹ của mình. Ngay từ nhỏ Hàn Tín đã được tiếp xúc với binh thư và bảo kiếm, đồng thời cũng nhận được sự giáo dục tốt đẹp. Cũng có ghi chép nói rằng, tổ tiên của Hàn Tín thuộc tầng lớp quý tộc trong xã hội.

Sau khi mẹ qua đời, cuộc sống của Hàn Tín càng thêm khốn khó. Ông thường xuyên không có cơm ăn. Bởi vì nghèo khổ nên Hàn Tín cũng phải chịu đủ mọi ánh mắt và sự khinh bỉ, bắt nạt của người khác. Tuy nhiên, ông cũng được một số người bố thí, giúp đỡ. Về chuyện Hàn Tín bị người khác nhục mạ, trong lịch sử cũng có rất nhiều câu nói có liên quan như: “Làm khách nhà Xương Đình”, “Chịu nhục chui háng”, “Bát cơm ngàn vàng”, “Co được giãn được”… 

Hình tượng nhân vật Hàn Tín trong tác phẩm điện ảnh. Ảnh theo qulishi.com

Viên quan nhỏ địa phương là Nam Xương Đình thấy Hàn Tín có tướng mạo đường hoàng, không phải hạng phàm phu tục tử, hiện tại bị khó khăn vây khốn nhưng tương lai nhất định sẽ làm nên việc lớn vì vậy đã rất quan tâm Hàn Tín, thường mời về nhà mình ăn cơm. Sau một thời gian, vợ của Nam Xương Đình sinh lòng hiềm khích và muốn đuổi Hàn Tín đi. Một lần Hàn Tín đến nhà Nam Xương Đình ăn cơm, vợ của Nam Xương Đình nấu ăn sớm rồi để cho người nhà ăn hết tất cả đồ ăn và dọn dẹp sạch sẽ.

Lúc Hàn Tín đến nhà Nam Xương Đình ăn cơm, ông phát hiện ra trên bàn ăn trống trơn, ngay cả “cơm thừa canh cặn” cũng không còn. Hàn Tín vừa nhìn thấy vậy liền hiểu ra ngay, lập tức quay đầu bước đi. Từ đó về sau, Hàn Tín không còn đến nhà Nam Xương Đình ăn cơm nữa. Cũng vì chuyện này mà phát sinh ra hai câu nói: “Xương Đình chi khách”“Xương Đình lữ thực” (Tạm dịch: Làm khách nhà Xương Đình).

Trong lịch sử có rất nhiều điển tích về Hàn Tín. Một lần ông đến bên bờ sông câu cá gặp một bà lão giặt quần áo. Bà lão biết tình cảnh khó khăn của Hàn Tín nên rất đồng cảm. Bà thường xuyên chia sẻ đồ ăn của mình cho Hàn Tín. Hàn Tín vô cùng cảm kích trong lòng nên đã thề rằng sau này nhất định sẽ báo đáp ân huệ của bà.

Về sau, Hàn Tín “mặc áo gấm” trở về quê hương, đã tặng cho bà lão nhiều vàng bạc để tỏ lòng biết ơn sự tương trợ khi xưa. Câu nói “Nhất phạn thiên kim” (Tạm dịch: Bát cơm ngàn vàng) cũng từ đây mà ra. Ý nói rằng, nhận của người một chút ân huệ dù ít ỏi giống như “dòng nước chảy nhỏ giọt”, nhưng báo đáp người lại tràn đầy giống như “dòng suối chảy tuôn trào”.

“Bát cơm ngàn vàng” – Hàn Tín báo ơn. Ảnh theo jianshu.com

Một sự việc khác cũng thể hiện rõ rằng ngay từ thời niên thiếu, Hàn Tín đã ôm ấp hoài bão, chí lớn. Đó là năm Hàn Tín 15 tuổi, mẹ của ông qua đời. Mặc dù gia cảnh bần cùng là vậy, nhưng ông vẫn chọn một khu đất rộng và cao để chôn cất mẹ. Khu vực đất xung quanh mộ mẹ ông đủ để cho vạn người dân cư trú. Điều này cho thấy rằng, năm ấy, Hàn Tín tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã tin tưởng chính bản thân mình tương lai có thể làm được việc lớn, được phong chức tước cao.

Thời Hàn Tín chưa thành danh còn có một việc lưu truyền đến muôn đời sau là chuyện Hàn Tín “chịu nhục chui háng”. Thời ấy, gia cảnh bần cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng chí hướng của Hàn Tín đặt ở nơi cao xa nên ông thường đeo bên mình một thanh bảo kiếm. Trong thành Hoài Âm có một kẻ vô lại là con trai của một người đồ tể, kẻ vô lại này rất ngang ngược, thường hay bắt nạt người khác. Một lần vì muốn hạ nhục Hàn Tín nên hắn ta đã ở nơi đông người mà chặn đường ông.

Kẻ vô lại nói: “Ngươi khoác kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Ngươi dám sát nhân thì chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi chui háng ta mà đi”. Đối mặt với sự khiêu khích đột nhiên xảy đến này, Hàn Tín không hề sợ hãi mà nhìn thẳng vào kẻ vô lại thật lâu. Cuối cùng, thần sắc không hề thay đổi, ông thực sự đã chui qua háng của kẻ vô lại mà đi.

Hàn Tín nhẫn nhục chui háng. Ảnh theo jianshu.com

Người thản nhiên chịu nhục có thể phân làm hai loại: Một loại là người có ý chí tinh thần sa sút, sống tạm bợ, chỉ biết hưởng an nhàn bản thân. Còn loại kia là người có chí hướng cao xa, co được giãn được, nhẫn chịu được gánh nặng. Đây là những người biết nhìn xa trông rộng. Thời xưa người ta gọi họ là “hào kiệt chi sĩ”, hay “kẻ sĩ hào kiệt”. Những người này tất có khí tiết hơn người thường. Người bình thường thấy nhục liền “tuốt kiếm tương đấu”. Người xưa cho rằng, đây không phải là cái “dũng” của kẻ sĩ.

Người đại dũng trong thiên hạ, gặp nguy mà không kinh, gặp rủi ro vô cớ mà không phẫn nộ. Người làm được việc lớn, ắt phải có tâm đại nhẫn, có tĩnh khí. Hàn Tín thực sự đã làm được điều này. Cho đến tận ngày nay, những điển tích Hàn Tín chịu nhục vẫn còn được lưu truyền mãi. Nhắc đến khả năng “nhẫn nhịn”, không ai không nhớ đến ông để làm tấm gương mà noi theo.

Video: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường

videoinfo__video3.dkn.tv||266fb0fc4__