Hầu hết mọi người đều biết đến bức tượng khổng lồ trên vách núi Lăng Vân có tên là “Lạc Sơn Đại Phật”. Nằm cách thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc 160 km về phía Nam, bức Lạc Sơn Đại Phật được tạc vào năm 713 sau Công Nguyên, thuộc triều đại nhà Đường. Bức tượng nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y.
Khách thập phương đến thăm tượng Phật đều nhìn thấy, hai chân tượng hạ xuống mặt sông, hai tay đặt trên đầu gối, tư thế ngồi rất cân xứng, thần thái nghiêm túc trang nghiêm. Chân như đang bước xuống sông và lưng dựa vào núi, tượng Phật đã tạo thành một kỳ quan hiếm có. Trải qua hàng ngàn năm, bức tượng vẫn khiến lòng người chấn động.
Tọa lạc tại Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc cũng có một bức Đại Phật. Nếu đem so sánh với Lạc Sơn Đại Phật thì bức tượng này còn thua kém nhiều, hoàn toàn không có danh tiếng gì.
Ở độ cao 70 mét so với mặt nước, có một khối đá hình đầu Phật cao 16 mét, ngay cả phần đầu cũng chưa tạc xong, một con mắt vẫn chưa được hoàn thành. Mãi đến những năm gần đây, chính quyền địa phương mới cho người khắc hoàn tất con mắt còn lại. Cho dù bức tượng không nổi danh nhưng cũng không thể xem thường tác giả của bức điêu khắc này. Nếu như bức tượng được hoàn thành thì có lẽ tượng Phật này cũng không kém trang nghiêm so với bức Lạc Sơn Đại Phật. Ngẫm lại, hẳn chúng ta sẽ thấy lịch sử còn để lại nhiều điều tiếc nuối.
Lại nói đến người điêu khắc hai bức tượng Phật vĩ đại này. Vào thời điểm khởi đầu tạc Lạc Sơn Đại Phật, có 2 người là hòa thượng Hải Thông và sư phụ pháp sự Hải Năng. Hải Thông hòa thượng sinh ra tại Quý Châu, xuất gia tu hành năm 12 tuổi. Sau này ông đi vân du đến Tứ Xuyên, bái pháp sư Hải Năng tại núi Lăng Vân làm sư phụ. Từ đó, hai thầy trò cùng nhau tu hành, vân du thiên hạ.
Một ngày, hai thầy trò vân du đến Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu. Lúc ấy thiên tai kéo đến khiến cho lũ lụt cuốn trôi các thôn làng và đồng ruộng chìm trong biển nước. Người dân địa phương không có nhà để về, phải sống lay lắt trong hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Mang theo tấm lòng từ bi phổ độ, hai thầy trò đã cùng bàn bạc để tạc một bức tượng lớn tại nơi này, trấn giữ yêu tà, mang Phật Pháp chiếu rọi chúng sinh. Vậy là hai thầy trò đã đến khu núi đá ở địa phương điêu khắc tượng Phật.
Không lâu sau khi công việc tạc tượng diễn ra, họ bất ngờ hay tin rằng, ở Gia Châu nơi họ tu hành cũng đang gặp trận đại hồng thủy và thiệt hại xảy ra còn đau xót hơn. Hai thầy trò quyết định rằng, một người sẽ trở về núi Lăng Vân để điêu khắc tượng Phật, còn một người ở lại hoàn tất bức tượng dang dở. Sư phụ Hải Năng tuổi tác đã cao, đi đứng không nhanh nhẹn, vậy nên chỉ có thể để Hải Thông trở về, còn mình thì ở lại tiếp tục tạc tượng tại nơi này.
Hòa thượng Hải Thông rời đi, sư phụ Hải Năng đã không quản ngày đêm để tạc tượng Phật. Dân chúng gần đó nghe nói có vị cao tăng điêu khắc tượng Phật, họ liền kéo nhau tìm đến. Nhìn thấy bức tượng tuyệt đẹp, cao lớn vượt tầm mắt, mọi người đi ngang qua đều dừng chân vái lạy, tỏ lòng tôn kính.
Nhưng Hải Năng tuổi tác đã cao, công việc tạc tượng không phải ngày một ngày đôi là có thể hoàn thành. Sau rất nhiều năm miệt mài, sư phụ Hải Năng đã đổ bệnh khi tâm nguyện vẫn chưa thành. Bức tượng chưa thể hoàn tất, trên gương mặt vẫn còn thiếu một con mắt vẫn chưa tạc xong. Sư phụ Hải Năng đành ngậm ngùi mang theo tiếc nuối rời xa cõi hồng trần. Vì vậy mà bức tượng Phật dang dở đã lưu lại đến ngày nay.
Trở lại với hòa thượng Hải Thông. Ông vừa phải kiếm kinh phí, vừa phải vượt qua muôn vàn khó khăn mới có thể đến Lăng Vân bắt đầu công việc điêu khắc. Nhưng không lâu sau đó, ông nhận được tin sư phụ Hải Năng bệnh nặng nên đã vội vàng đến Quý Châu. Đến nơi, ông mang theo nỗi buồn thương tiếc kể lại sự tình cho dân chúng và quyết tâm đem linh cữu của sư phụ về núi Lăng Vân để an táng.
Tuy nhiên khi vừa xuống thuyền, trên sông bất ngờ mọc đầy hoa sen khiến thuyền tiến lên không được, lùi lại cũng không xong. Hải Thông biết rằng không thể làm trái Thiên ý, đành phải an táng sư phụ ngay tại nơi đất khách quê người. Từ đó về sau, sư phụ Hải Năng không thể làm bạn cùng học trò Hải Thông được nữa.
Bức tượng hình mặt Phật chưa hoàn tất đã tồn tại ở đó qua hàng ngàn năm mưa nắng. Nhưng kỳ lạ thay, biết bao phong ba tuế nguyệt cũng không thể làm đổi thay gương mặt Phật từ bi. Chỉ có điều, bức tượng nằm ẩn sâu trong núi rừng và người bên ngoài chưa từng biết đến. Cho đến đầu thế kỷ này, khi cây rừng bị chặt phá, bức tượng mới được lộ ra, đồng thời chính quyền địa phương cũng cho điêu khắc nốt một con mắt còn khuyết thiếu.
Thật vậy, so với bức “Lạc Sơn đại Phật” nổi tiếng thì bức tượng Phật này lại có chút cô đơn tịch mịch. Nếu như lúc trước hòa thượng Hải Năng có thể hoàn thành tâm nguyện của mình, có lẽ hai thầy trò họ đã cùng nhau viết nên giai thoại về hai tượng Phật nổi tiếng thế giới. Nhưng ngay cả như vậy, Lạc Sơn Đại Phật vẫn được gọi là “Sơn thị nhất tọa Phật, Phật thị nhất tọa sơn” (núi là Phật, Phật cũng là núi). Cho đến tận hôm nay, bức tượng này vẫn được vinh danh là “Bức tượng Phật bằng đá tự nhiên lớn nhất thế giới”.
Có lẽ lý do bức tượng Phật chưa hoàn thành vẫn ẩn chứa nhiều nỗi bi ai, ngoài việc tác giả đã mang theo sự tiếc nuối rời đi, cùng với đó là tình hình kinh tế, văn hóa, địa lý tại Quý Châu cách biệt với các địa phương khác. Đến hôm nay, con đường đến để chiêm ngưỡng tượng Phật này vẫn còn rất khó đi, so với đường đến thăm bức Lạc Sơn Đại Phật thì còn khó khăn hơn nhiều.