Thời cổ đại, mỗi khi đất nước có thiên tai địch hoạ khiến muôn dân lầm than, các minh quân luôn có một cách ứng xử rất độc đáo: tự nhận lỗi, lấy thân mình chịu khổ để cứu vớt sinh linh. Dưới đây là một vài câu chuyện như vậy trong lịch sử Á Đông.

Thần Nông nếm cỏ độc

Trong thời cổ đại, người ta đều săn bắn chim thú lấy thịt làm thức ăn chính. Trong thời đại của Thần Nông (một trong Tam hoàng thời cổ đại), dân số nhiều lên, nhu cầu về thực phẩm cũng theo đó tăng mạnh. Chỉ săn bắn là không thể đáp ứng được sinh kế của người dân. May thay, ngũ cốc được thiên thượng ban xuống, Thần Nông lại dạy dân cách cày ruộng, canh tác, trồng ngũ cốc, mở mang nghề nông. Nhờ vậy, cuộc sống của trăm họ lại được ấm no. Nhưng khi cuộc sống vật chất đã đủ đầy hơn, lòng người lại ngày càng phức tạp. Đạo đức trở nên suy bại, tự nhiên bị phá huỷ, người ta bắt đầu mắc những chứng bệnh hiểm nghèo. Khi ấy, chẳng ai biết làm thế nào để trị khỏi bệnh dịch, rất nhiều người phải bỏ mạng chết thảm.

Chứng kiến sinh linh đồ thán, bách tính phải chịu khổ, Thần Nông bèn trèo đèo lội suối, tìm đến danh sơn đại xuyên trong thiên hạ, thu thập tất cả các loại kỳ hoa dị thảo. Ông dùng roi thần quật những loại cỏ này cho đến khi chúng giã thành nước. Sau đó chính ông lại nếm thử vị của các loại thảo mộc đó để tìm hiểu đặc tính dược liệu của chúng. Thần Nông đã dùng chính cơ thể của mình để thử thuốc như vậy, mỗi ngày thử tận 70 loại.

Tương truyền, ông có một cơ thể trong suốt như pha lê, có thể nhìn thấy tất cả các cơ quan nội tạng bên trong. Chỉ cần thảo mộc có độc, nội tạng của ông sẽ chuyển sang màu đen. Vì thế trong nháy mắt có thể nhìn thấy rõ nơi nào đang trúng độc, từ đó tìm hiểu được độc tính, dược tính của thảo mộc đối với cơ thể. Một hôm, ông tình cờ phát hiện rằng lá non của một loại cây xanh, có hoa màu trắng, sau khi uống vào có thể làm sạch các cơ quan nội tạng. Ông gọi thứ lá màu xanh này là “Tra”, người đời sau đổi thành “Trà”. Từ đó, Thần Nông mỗi ngày thử thuốc và trúng độc vài lần, tất cả đều nhờ vào lá trà để giải độc. 

Để tìm ra cách chữa bệnh cho dân lành, Thần Nông thậm chí đã đánh cược cả mạng sống của mình, thử hàng trăm loại thảo mộc. Cuối cùng khi đã nắm vững tất cả dược tính của cây cỏ, Thần Nông ghi chép, liệt kê ra những loại nào là thuốc trị bệnh, loại nào là độc dược không thể dùng. Tương truyền, Thần Nông chính là người soạn ra Thần Nông bản thảo kinh, cuốn sách được cho là đặt định nền tảng căn bản cho Trung Y thời cổ đại. 

Tranh vẽ chân dung Thần Nông (ảnh: Wikipedia).

Chuyên Húc gieo mình xuống biển

Chuyên Húc là một trong Ngũ đế huyền thoại của Trung Hoa. Khi còn tại vị, ông lấy đức trị quốc, cai quản thiên hạ cực kỳ tốt đẹp. Sử sách ghi lại rằng, phàm là những nơi mặt trời chiếu sáng tới thì đều là nơi ông trị vì. Thiên hạ đều quy phục ông. Vương quốc mà ông cai quản cực kỳ rộng lớn. Bản kinh chép Đôn Hoàng có tên Thiên địa khai bách dĩ lai đế vương ký có ghi lại rằng: Thời Chuyên Húc tại vị, quốc gia của ông đã từng gặp phải 5 năm hạn hán nghiêm trọng. Chuyên Húc tự trách mình tu dưỡng đạo đức không tốt khiến thiên thượng giáng xuống tai hoạ cho bách tính. 

Ông bèn lập đàn cầu mưa và để không liên luỵ đến bách tính ông lấy chính mình làm vật hiến tế. Chuyên Húc nhảy xuống biển nhưng chỉ chốc sau đó có một con cá lớn cõng ông trên lưng nổi lên mặt nước. Tấm lòng chân thành của Chuyên Húc đã cảm động cả Trời cao. Lập tức trời mưa xuống, năm đó bách tính được mùa to. 

Thương Thang tự mình hiến tế

Ngay khi nhà Thương khai quốc đã xuất hiện một trận hán hạn vô cùng nghiêm trọng liên tiếp trong mấy năm. Nguồn nước cạn kệt, thực vật chết khô, hoa màu tàn lụi, rất nhiều người dân bị chết đói. Để giải trừ hạn hán, vua Thương Thang đã lập các đàn tế ở vùng ngoại ô, cầu xin thiên thượng ban mưa xuống. Nhưng suốt 7 năm trời vẫn không mưa. Thương Thang quyết định chọn một ngọn núi tên là Tang Lâm nằm ở ngoài thành làm nơi hiến tế, đích thân dẫn Y Doãn và các đại thần khác tổ chức lễ tế cầu mưa.

Sau lễ tế, trời vẫn không mưa. Thương Thang liền lệnh cho các sử quan xem quẻ. Kết quả của quẻ bói đó là: Ngoài việc sử dụng cừu, bò còn phải dùng người để hiến tế. Thương Thang nói rằng ông đang cầu mưa cho bách tính thì sao có thể lấy dân lành làm vật hiến tế được. Bởi vậy, ông quyết định lấy mình làm vật tế Thần. Sau khi Thương Thang cắt tóc, móng tay, trai giới tắm rửa sạch sẽ liền lệnh cho mọi người dựng giá trên đống củi, hướng lên trời cao cầu xin sám hối.

Thương Thang khấn rằng, tội lỗi là của một mình ông, không thể vì vậy mà trừng phạt muôn dân và nếu Trời giáng tội thì hãy giáng tội xuống đầu ông. Sau khi dứt lời cầu nguyện, Thương Thang bước lên bục cao, bên dưới đã được chất đầy củi. Khi chuẩn bị châm lửa, đột nhiên có một cơn gió lớn không biết từ đâu thổi đến, bầu trời phủ đầy mây đen rồi bắt đầu đổ mưa lớn. Quả đúng là trận mưa giải hạn mang đến phúc lành cho muôn dân.

Người ta tin rằng Thương Thang là vị vua được Thần phái đến cứu giúp muôn dân. Ông vì người dân mà chẳng ngại hy sinh bản thân mình. Chính điều đó đã cảm động Thiên Đế, nhờ vậy mà được ban mưa. Câu chuyện của Thương Thang đã trở thành nguồn gốc cho điển tích nổi tiếng: “Thang đảo Tang Lâm” (vua Thương Thang cầu đảo ở Tang Lâm). 

Thương Thang là một nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc và là một trong 5 Ngũ đế (ảnh: Wikipedia).

Đường Thái Tông nuốt châu chấu

Năm Trinh Quán thứ 2 (627), một trận hạn hán nghiêm trọng xảy ra gần kinh thành Trường An. Châu chấu phá hoại mùa màng khắp nơi. Châu chấu bay đến đâu, hoa màu, lương thực, đồng ruộng đều trở nên hoang tàn. Một ngày nọ, Đường Thái Tông dạo trong vườn nhìn thấy châu chấu đang phá hoa màu, liền bắt lấy vài con, nói: “Bách tính dựa vào ngũ cốc để duy trì cuộc sống, vậy mà nhà ngươi lại ăn mất ngũ cốc, ta thà để các ngươi ăn phổi ăn ruột của ta. Đừng tàn hại bách tính nữa”.

Tả hữu liền khuyên ngăn rằng: “Thưa bệ hạ, thứ đáng ghê tởm này không ăn được. Ăn vào chỉ sợ sinh bệnh!”. Đường Thái Tông nói: “Trẫm thà để tai họa của bách tính chuyển sang một mình ta! Trẫm vì dân mà chịu họa, sao có thể chỉ vì sợ sinh bệnh mà né tránh đây!”, nói xong liền nuốt mấy con châu chấu. Cựu Đường thư chép rằng, sau đó nạn châu chấu đã không còn nữa, mùa màng lại được tươi tốt. Lòng nhân nghĩa của Đường Thái Tông quả thực đã làm cảm động trời đất. 

Vua Đường lấy dân làm gốc, thà tự mình chịu khổ chứ không để bách tính chịu cơ cực. Nhờ vậy mà Trời cao phù hộ cho Đại Đường quốc thái dân an, tạo ra một trong những thời đại rực rỡ nhất của lịch sử Trung Hoa, sử gọi là “Trinh Quán chi trị”. 

Vua Lê Thái Tông đã xuống chiếu tự trách tội

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam cũng có rất nhiều vị minh quân tự xuống chiếu trách tội mình mỗi khi có thiên tai, địch hoạ. Đây là chiếu tự trách tội của vua Lê Thái Tông. Đọc bản chiếu này người ta hiểu vì sao dân gian truyền tụng nhau câu nói: “Đời vua Thái Tổ Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. 

“Mấy năm nay hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ hay là do quản tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ các ngươi nên chỉ ra những lầm lỗi kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu dần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư).

***

Bậc quân vương xưa luôn kiểm điểm, hướng vào trong mà tìm ra cái sai từ mình, sẵn sàng nhận lỗi trước mỗi tai ương, biến cố bất thường của Đất Trời. Bởi Thiên Nhân hợp nhất, lòng người có oán, uất thì mới có thiên tai. Người ở trên vạn người vô đức thì Trời mới giáng họa cảnh báo. Nếu là việc loạn lạc trong xã hội, dân đói nghèo, lầm than, đời sống không thuận, lợi ích bị đe dọa, thì chắc chắn người làm vua, làm quan phải biết nhận lỗi và sửa sai ngay tức thì. Đó đều có xuất phát điểm từ quan niệm làm quan thì để làm gì và phải làm gì.

Video: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường 

videoinfo__video3.dkn.tv||266fb0fc4__