Nhà thơ thời Đường thịnh thế này tài hoa vẹn toàn, tính tình phẩm cách càng khiến người ta khâm phục, có thể khiến Lý Bạch làm thơ về ông, Vương Uy vẽ chân dung ông. Ông là ai?

Thành Trường An vào những năm Khai Nguyên (713 – 741), đột nhiên xuất hiện một thư sinh lớn tuổi. Ông đã 40 tuổi, mặc một chiếc áo bào trắng giản dị không hoa lá, chỉ bằng một câu thơ “Vi vân đạm hà hán, sơ vũ tích ngô đồng” mà đoạt giải nhất thi phú Thái học. Chỉ sau một đêm, đại danh Mạnh Hạo Nhiên lan truyền khắp các quan lại công khanh. Tuy nhiên, trong khóa thi năm đó, ông lại thất bại ngay từ đầu. Người đàn ông trung niên áo trắng trong kinh thành năm đó bỗng biến mất, nhưng núi Lộc Môn ở Tương Dương lại có một ẩn sĩ đơn độc vãng lai. 

Thời điểm hoàng hôn là khi những ngư dân Tương Châu dưới chân núi huyên náo nhất. Ngư phu vội vã vượt sông, thôn dân hối hả về nhà. Ông luôn chèo một con đò nhỏ, hướng về xứ thâm u tịch mịch nhất mà đi. Ông vọng ngắm sắc núi cảnh rừng, cảm thụ sự tịch liêu tăng lên gấp bội, thể nghiệm cảnh giới thanh tú độc xứ của ẩn sĩ cổ đại. Ông dùng thi bút ghi lại cảm ngộ khi trở về trong đêm, thành tựu một giai tác của ông. Đó chính là bài thơ:

山寺鳴鐘晝已昏,漁梁渡頭爭渡喧。
人隨沙岸向江村,余亦乘舟歸鹿門。
鹿門月照開煙樹,忽到龐公棲隱處。
巖扉松徑長寂寥,惟有幽人自來去。

“Dạ quy Lộc Môn ca” (Đêm trở về Lộc Môn)

Sơn tự minh chung trú dĩ hôn, 
Ngư lương độ đầu tranh độ huyên. 
Nhân tùy sa ngạn hướng giang thôn, 
Dư diệc thừa chu quy Lộc Môn. 
Lộc Môn nguyệt chiếu khai yên thụ, 
Hốt đáo Bàng Công thê ẩn xứ.
Nham phi tùng kính trường tịch liêu, 
Duy hữu u nhân tự lai khứ.

Tạm dịch
Chuông chùa vừa điểm đã hoàng hôn,
Bến đò huyên náo tiếng ngư thôn.
Người theo bờ cát về nơi xóm,
Riêng ta ngược đò quy Lộc Môn.
Lộc Môn trăng chiếu tan sương khói,
Bỗng đây rồi xứ ẩn Bàng Công.
Đường tùng vách núi trường hiu quạnh,
Duy có mình ta tự độc hành.

Thưởng thức thi cảnh

“Dạ quy lộc môn ca”, ngay từ tiêu đề “Dạ quy” (trở về vào đêm) rất có thâm vị. Đương thời, gia viên của Mạnh Hạo Nhiên ở Giản Nam viên, ngoại ô phía nam thành Tương Dương, nằm ở bờ tây sông Hán; Núi Lộc Môn mà ông ẩn cư nằm ở bờ đông sông Hán, hai xứ cách biệt nhau bởi dòng sông, chỉ có thể đáp thuyền qua sông mới đến nơi. Khi sắc trời dần tối, Mạnh Hạo Nhiên không trở về nhà, mà một mình một đò chèo đến núi Lộc Môn. Ông gọi đó là “quy”, ám thị ông coi núi Lộc Sơn mới thực sự là ngôi nhà của mình, nơi ông trở về là sơn thủy, là tự nhiên, là sự an trí của tinh thần, là miền tịch liêu của tâm cảnh. 

Mạnh Hạo Nhiên chèo con đò cô độc của mình ngược hướng hành nhân, một mình tiến vào nơi mà ông ấy coi như thắng địa ẩn cư: núi Lộc Môn. Bức ảnh cho thấy tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Công Vọng, người đứng đầu trong bốn bậc thầy của triều đại nhà Nguyên, “Diệm Khê Phóng Đái Đồ”. (phạm vi công cộng)

Bài thơ này mô tả đoạn hành trình của tác giả từ Kiến Nam viên đến núi Lộc Môn, cũng chính là hành trình tâm lộ của lựa chọn nhân sinh khi ông niên hoa dần lão mà sĩ đồ thất ý. Hai câu đầu triển hiện những gì nghe và thấy khi chèo thuyền trên sông nước, khi mặt trời lặn xuống đằng Tây, thi nhân bằng những tiếng chuông ngân điệp điệp trên núi Lộc Môn, đưa người đọc vào thi cảnh mênh mang, xa thẳm.

Tiếng chuông sơn tự có thể nhắc nhở thời gian, đồng thời cũng có tác dụng cảnh tỉnh nhân tâm, thôi thúc tinh tấn. Khi sắc trời chạng vạng, người thế tục nghe thấy tiếng chuông, họ biết đã đến thời khắc phải trở về nhà. Trước bến thuyền Ngư Lương, ngư dân ồn ào náo nhiệt, ngư thuyền vội vã qua sông. Trên bờ cát sông Hán, dân làng đã kết thúc công việc và cùng nhau trở về nhà. Nhà thơ cũng đến thời khắc về nhà, lắng nghe tiếng chuông trầm chậm thanh viễn, nhìn dòng người nhộn nhịp huyên náo mà như thể đứng trước ngã ba đường.

Một bên là sự thuần tịnh của thâm sơn để thanh tu, một bên là sự phù hoa của danh lợi hồng trần. Nhà thơ đã kiên định đưa ra sự lựa chọn: “Dư diệc thừa chu quy Lộc Môn.” Cùng với lời hiệu triệu của tiếng chuông chiều thanh thản, ông chèo chiếc đò đơn độc, ngược hướng các hành nhân, một mình trở về với núi Lộc Môn.

Khác với sự ồn ào trên bến dưới thuyền, nơi núi Lộc Môn có một cảnh trí hoàn toàn khác biệt. Trăng xuất mây giăng, như thể có một bàn tay vô hình xua tan sương khói, những bóng cây trong mông lông dần dần lộ ra đường nét. Trong bất tri bất cảm, nhà thơ đã đến được nơi mà hiền sĩ Bàng Đức Công đời trước từng ẩn cư.

“Lộc Môn nguyệt chiếu khai yên thụ, Hốt đáo Bàng Công thê ẩn xứ.” Hai câu này được viết như mộng như huyễn, không một dấu vết. Ông hạ chữ “khai” ở đây thật vi diệu, triển hiện tinh tế quá trình trăng lên xóa tan sương mù, sơn dung hiển hiện, có một loại thể nghiệm như tiến dần vào giai cảnh. Chữ “hốt” (bỗng) càng tạo cảm giác liễu ám hoa minh, trong bế tắc u mê bỗng nhiên được khai sáng, càng đột hiển vẻ đẹp tiên cảnh ẩn dật thoát tục của núi Lộc Môn.

Từ họa diện mà xét, hai câu này họa nên một không khí thâm u thanh tịch, hình thành một trường cảnh riêng biệt, trái ngược với khung cảnh náo nhiệt khi chúng nhân trở về nhà lúc hoàng hôn. Điều này cũng cho thấy thi nhân không dễ mà lội ngược dòng đời quy về ở ẩn: Muốn chọn sự ninh tĩnh tâm linh, viễn ly những phân phân ưu ưu nơi trần thế, cũng tất nhiên phải từ bỏ sự ấm áp nơi miền nhân thế mà tiếp thụ nỗi thanh khổ cô liêu của kiếp ẩn cư.

Tâm thái của nhà thơ trước sự lựa chọn này như thế nào? Ông nói: “Nham phi tùng kính trường tịch liêu.” Những vách núi cao lớn tĩnh mặc không lời, những sơn lộ xa xăm vô tận, mang đến cho người ta cảm giác lạnh lẽo tịch liêu. Tuy nhiên, câu “Duy hữu u nhân tự lai khứ” đã nói ra sự thú vị của ẩn dật. Chữ “u nhân” ở đây biểu đạt hình ảnh nhà thơ một mình đến một mình đi. Ông nguyện noi gương bậc tiên hiền Bàng Đức Công, vào núi để thể nghiệm cuộc sống ẩn cư điềm đạm và tự tại này, đồng thời lại vừa có thể tự do ra vào trần thế.

Bài thơ “Dạ quy Lộc Môn ca” không trang điểm điêu khắc, mà tùy bút điểm mực, trong không linh u mịch càng trình hiện ra sự tương phản và biến hóa thú vị. Từ hoàng hôn đến trăng sáng, từ con đò chậm rãi lướt trên sông đến quy ẩn trong núi, từ nơi người đông như đan như dệt đến nơi độc lai độc vãng, cảnh giới càng lúc càng cô quạnh, tình trí càng lúc càng thâm sâu. Thi nhân không hề gọt rũa trau chuốt, mà chữ chữ siêu phàm, thông qua một đêm đến núi Lộc Môn mà mô tả hành trình mình ngược dòng trở về ẩn cư nơi thâm u tịch mịch. 

Câu chuyện đằng sau bài thơ Đường

Mạnh Hạo Nhiên là một thi nhân phái sơn thủy điền viên trong giới Đường thi, cũng nổi tiếng như Vương Duy. Ông làm thơ chủ trương: “Nhất khí huy sái, diệu cực tự nhiên”, thi phong của ông thanh tân nhẹ nhàng, điềm tĩnh mà giàu sức sống, nâng tầm trường phái thơ sơn thủy điền viên lên cảnh giới cao hơn. Mạnh Hạo Nhiên rất giỏi thơ thể cổ, nỗ lực sáng tác thơ cận thể (thơ có cách luật), nhưng lại không câu nệ cách luật, từng được các nhà bình thơ ca ngợi là “Văn tòng tự thuận, âm vận khanh thương”.

Chân dung Mạnh Hạo Nhiên do người nhà Thanh vẽ. (phạm vi công cộng)

Nhà thơ thời Đường thịnh thế này tài hoa vẹn toàn, tính tình phẩm cách càng khiến người ta khâm phục, có thể khiến Lý Bạch làm thơ về ông, Vương Uy vẽ chân dung ông. Lý Bạch từng hết lời tán thán ông: “Ngô ái Mạnh phu tử, phong lưu thiên hạ văn; Hồng nhan khí hiên miện, bạch thủ ngọa tùng vân.”

Mặc dù không thể tìm thấy chân tích mà Vương Duy lưu lại, nhưng có người nhà Tống đã lưu lại một mô tả sinh động: Mạnh Hạo Nhiên dáng người cao dài, nghiêm và gầy, mặc áo choàng trắng, đội mũ chóp, cưỡi một con tuấn mã, trông phong nhã, uy nghiêm, sống động.

Mạnh Hạo Nhiên, người có cả tài năng và khí khái, lại không phải là người may mắn trong quan trường. Ông cả đời áo trắng, loay hoay tiến lui giữa sự nghiệp và quy ẩn, giữa nhập thế và xuất thế. Cuối cùng, ông mang theo vài phần tráng chí chưa thỏa mà từ bỏ con đường danh lợi nhân gian, trở về với sơn thủy thiên nhiên, trở thành “Mạnh tiên nhân” được thế nhân ngưỡng mộ.

Triều Đường với quốc lực cường thịnh, mang đến bầu không khí xã hội khai phóng, văn nhân thời Đường đại đa số cũng tự tin tích cực bôn tẩu tứ xứ, mưu cầu công danh. Mạnh Hạo Nhiên thời kỳ niên thiếu, cũng hay một mình vào núi sâu ở ngoại ô. Núi Lộc Môn quê ông, từ cổ đại chính là nơi danh sĩ Bàng Đức Công thời mạt Hán ẩn cư tại đây cùng gia đình những năm cuối đời. Mạnh Hạo Nhiên đối với vị ẩn sĩ chí cao khí sáng này vô cùng kính ngưỡng, nên đã chọn tự mình đến ở nơi phong cảnh sơn thủy thanh tao tịch mịch này.

Chàng trai trẻ họ Mạnh chưa lĩnh ngộ được ý nghĩa của ẩn cư, dù say sưa với núi rừng, cũng thường bày tỏ ước vọng được kiến công lập nghiệp, cũng như thổ lộ nỗi buồn vì sự nghiệp chưa thành. Điều này có lẽ đến từ ảnh hưởng của nền tảng gia đình. “Duy tiên tự Trâu Lỗ, gia thế trọng Nho phong”, Mạnh Hạo Nhiên quê ở Sơn Đông, gia phong trọng Nho giáo, ông từ nhỏ đã trưởng thành trong bầu không khí nồng đậm Nho học, hoài bão lý tưởng thanh cao muốn giúp thiên hạ. “Trùng thiên tiện hồng hộc, tranh thực tu kê vụ”, ông khinh thường làm loài phàm điểu tranh ăn, hy vọng được làm một con thiên nga bay lượn trên bầu trời, thi triển tài học bình sinh nơi thiên địa rộng lớn. 

Trước bốn mươi tuổi, Mạnh Hạo Nhiên hoặc chuyên tâm học hành, hoặc ngao du sơn thủy, chờ đợi thời cơ xuất sơn. Năm bốn mươi tuổi, ông đến đô thành Trường An, kinh đô phồn hoa nhất của nhà Đường, bước trên con đường đa phương cầu sĩ. Triều Đường có đa chủng đa dạng phương thức tuyển chọn nhân tài, Mạnh Hạo Nhiên dường như đã thử tất cả các cách nhưng cuối cùng đều thất bại: “Tọa quan thùy điếu giả, đồ hữu tiện ngư tình” là can yết (yết kiến người có quyền chức để mưu cầu địa vị); “Do liên bất tài tử, bạch thủ vị đăng khoa” là khoa cử; “Thùy năng vi dương hùng, nhất tiến cam tuyền phú” là hiến thơ phú. Còn có Mạnh Hạo Nhiên những năm cuối đời nương tựa Trương Cửu Linh, “Cộng lý phân kinh quốc, triều hiền quý sở tài”, là gia nhập Mạc phủ.

Sự thất bại của Mạnh Hạo Nhiên là thiên ý, cũng là do tính tình của ông. Ông dâng một bài thơ tặng Đường Huyền Tông, ngâm câu “Bất tài minh chủ vứt”, làm phật ý hoàng thượng; Các quan viên tiến cử ông nhập kinh làm quan, nhưng ông vì bữa tiệc rượu mà thất hẹn, tự cắt đứt sự nghiệp quan trường. Khi làm phụ tá, ông cũng sớm mệt mỏi với công việc văn thư, không lâu liền từ chức ra đi.

Trải qua nhiều thập kỷ loanh quanh và thất bại, Mạnh Hạo Nhiên cuối cùng cũng nhận ra, rằng chí hướng của mình không nằm tại quan trường. Vô luận là sự quyến rũ của sông núi ở Tương Dương quê hương ông, hay là phong hoa dị địa của Ngô Việt ở Giang Nam, đều có thể giúp xoa dịu nỗi đau tâm linh, quên đi phiền não nơi trần thế. Chí hướng và niềm vui của Mạnh Hạo Nhiên nằm tại sông núi, cuối cùng ông đã phóng hạ được những chấp niệm đối với công danh, rũ bỏ đi những phù hoa, hào nhoáng mà hồi quy về núi Lộc Môn quê hương, nơi ông ẩn cư từ thời niên thiếu, để toàn thân dung nhập vào trong cảnh giới siêu phàm của sơn thủy.

Cho dù thất bại công danh, cho dù cả đời tịch mịch, nhưng dung diện tuấn mỹ của ông cũng không còn phiền muộn, đôi lông mày phong thần tán lãng của ông cũng không còn uất kết. Mộ chân quy ẩn, đó mới là điểm đến mà Mạnh Hạo Nhiên tìm kiếm. Danh hiệu “Mạnh tiên nhân” có lẽ là vinh dự tối cao của ông trong đời này.

Tác giả: Lan Âm, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch