Nếu xứ Trung Hoa có Đường Huyền Tông (685-762) từng du ngoạn Cung Trăng, ngắm nhìn tiên nữ múa, lắng nghe tiếng nhạc du dương nơi tiên cảnh, khắc ghi âm luật và vũ điệu trong tâm để viết nên tác phẩm ‘Nghê thường vũ y khúc” nổi tiếng nhất của đại Đường, thì ở nước Đại Việt vào thế kỷ 15 cũng có một vị hoàng đế tài hoa vẹn toàn từng du ngoạn chốn Bồng Lai nơi tận cùng dải Ngân Hà. 

Đó chính là hoàng đế Lê Thánh Tông, và chuyến du ngoạn xuất thần của ông đã được ông đề cập trong thi phẩm “Tự thuật”:

五十年華七尺軀
剛腸如鐵卻成柔
風吹窗外黃花謝
露浥庭前綠柳癯
碧漢望窮雲杳杳
黃梁夢醒夜悠悠
蓬萊山上音容斷
冰玉幽魂入夢無

Tự thuật – Thơ của vua Lê Thánh Tông

Ngũ thập niên hoa thất xích khu,         
Cương trường như thiết khước thành nhu.
Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ,     
Lộ ấp đình tiền lục liễu cù.                    
Bích hán vọng cùng vân diểu diểu,    
Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du.     
Bồng Lai sơn thượng âm dung đoạn,   
Băng ngọc u hồn nhập mộng vô?

Bức tranh thiên đường của họa sĩ Akiane Kramarik người Mỹ

Dịch thơ  
Bảy thước thân này mấy mươi thu,
Lòng cương như thép vẫn thành nhu.
Ngoài song gió cuốn hoa vàng rụng,
Trước đình sương ướt liễu sầu u.
Vọng cùng sông Ngân cao vời vợi,
Tỉnh mộng Hoàng Lương dạ thẫn thờ.
Bồng Lai chốn ấy đâu dung diện,
U hồn thánh khiết nhập mộng chưa?

Thưởng thức thi phẩm

Cặp câu đối đầu tiên của bài thơ: “Ngũ thập niên hoa thất xích khu, Cương trường như khiết khước thành nhu” mô tả khái quát chân dung của nhân vật chính: Thân cao bảy thước, tuổi đã năm mươi, sự cương nghị quật cường thuở nào giờ đã nhường chỗ cho mềm mại nhu mì. Chữ “cương” – cứng và “nhu”- mềm được dùng ở đây thật kỳ diệu, nó không chỉ mô tả về tính khí mà còn cả hình thể khi cơ bắp đã mềm không còn săn chắc, đồng thời lại cũng triển hiện sự trưởng thành của trí huệ sau tất cả những trải nghiệm cuộc đời. Khi hoa niên dần cạn, những hoài bão tuổi trẻ, cũng chính là sứ mệnh nhân sinh khi đến thế gian đã hoàn thành, thì điều mà nhân vật chính hướng đến cũng không còn như xưa nữa. Ông hướng tới điều gì?

Cặp câu đối tiếp theo: “Phong suy song ngoại hoàng hoa tạ, Lộ ấp đình tiền lục liễu cù” vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đầy ưu tư, ngoài song gió cuốn hoa vàng rụng, trước đình sương ướt liễu sầu u. Nhà thơ ngắm nhìn hình ảnh gió thổi “hoàng hoa tạ” qua song cửa, mà chìm đắm vào những suy tư về năm tháng nhân sinh trong vòng tuần hoàn sinh lão bệnh tử. Cảnh tượng tiếp theo, những cành liễu hao gầy run rẩy trong sương ướt trước sân đình, gợi lên nỗi niềm băn khoăn lạc lối của nhà thơ, có lẽ chính trong tâm trạng ấy mà nhà thơ đã thiếp đi lúc nào không hay.

Cặp câu đối tiếp theo “Bích hán vọng cùng vân diểu diểu, Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du”, cảnh tượng đột chuyển, nhà thơ dẫn người đọc đến một phương trời khác. Ông chốc lát bỗng nhiên xuất thần bay lên, bay mãi đến tận cùng của dải Ngân Hà xanh thẳm cao vời, nhưng rồi đột ngột tỉnh mộng. “Hoàng lương mộng” nhắc đến một câu chuyện thời nhà Đường, kể rằng có một chàng trai nghèo tên là Lư Sinh nương nhờ một lữ điếm. Lúc chủ điếm đang chưng hoàng lương (hạt kê vàng), Lư Sinh có một giấc mộng phú quý, thấy mình trong mộng giàu có phong lưu chẳng thiếu thốn gì. Nhưng khi chàng tỉnh dậy, thì hoàng lương vẫn chưa chín, bụng vẫn đói meo, khiến chàng tỉnh ngộ. Câu chuyện này ẩn dụ rằng dù có vinh hoa phú quý thì một đời cũng chỉ ngắn ngủi như một giấc mộng hư huyễn mà thôi. Cuộc du ngoạn lên xứ sở thiên đường của nhà thơ cũng ngắn ngủi như vậy, khiến cho ông khi tỉnh mộng mà dạ vẫn bàng hoàng chấn động.

Cặp câu đối cuối “Bồng lai sơn thượng âm dung đoạn, Băng ngọc u hồn nhập mộng vô”, lưu lại dư vị của một nỗi niềm nhung nhớ và luyến tiếc khôn nguôi. Những dung diện thần tiên và âm hưởng chốn Bồng Lai mới đây thôi còn sống động, giờ đã tan biến trong hư vô. Nhà thơ thân là hoàng đế, tại đỉnh cao của quyền lực và phú quý cõi trần gian, nhưng ông dường như chẳng màng đến thực tại nữa, bởi ông đã nhìn thấy sự thù thắng nơi cõi Phật. Kỳ thực, cổ nhân luôn tin rằng linh hồn con người đến từ Thiên Thượng, nơi đó mới là cố hương của họ, chốn trần gian dẫu phong lưu thế nào, cũng chẳng qua chỉ là quán trọ mà thôi, vì vậy mà chẳng còn muốn quay về thực tại. Câu cuối “Băng ngọc u hồn nhập mông vô” chính là khắc họa nỗi niềm mong mỏi ấy, chỉ mong sao linh hồn cô đơn thánh khiết của mình lại nhập vào giấc mộng thần tiên.

Nhân vật đằng sau bài thơ Đường

Vua Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗 25/8/1442 – 3/3/1497) là vị Hoàng đế thứ 5 của nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1460 đến khi qua đời vào năm 1497, là Hoàng đế trị vì lâu nhất thời Hậu Lê. Thời kỳ của ông đánh dấu sự hưng thịnh của nhà Hậu Lê nói riêng và chế độ phong kiến Việt Nam nói chung với tên gọi Hồng Đức thịnh trị (洪德盛治).

Trong 37 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã ban bố nhiều chính sách hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, kinh tế, giáo dục – khoa cử, luật pháp và tôn giáo, đưa Đại Việt trở thành một cường quốc tại Đông Nam Á. Đại Việt sử ký toàn thư có lời bình của sử quan Nho thần đời sau về ông: “Vua lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, thực là anh hùng tài lược, Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không hơn được.”

Lê Thánh Tông tên húy là Lê Tư Thành, là con trai út của Lê Thái Tông, mẹ là Ngô Thị Ngọc Dao, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả thần sắc ông như sau: “Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc phi thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”.

Ngày 27/7 âm lịch năm Đại Bảo thứ 9 (1442), vua Lê Thái Tông băng hà. Các quan theo di chiếu tôn Thái tử Bang Cơ, con Thần phi Nguyễn Thị Anh, anh trai khác mẹ mới 1 tuổi của Tư Thành lên ngôi, tức Lê Nhân Tông, Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Năm 1445, Tư Thành được phong tước Bình Nguyên vương, được vào ở kinh sư, học cùng các vương khác tại Kinh diên. Các quan Kinh diên thấy Tư Thành dáng điệu đường hoàng, trí tuệ hơn người, lại sống kín đáo, không để lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở thánh hiền, ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chỉ không biết mệt mỏi, lại được Thái hậu yêu mến như con đẻ, được Nhân Tông coi như người em hiếm có.

Vua Lê Thánh Tông

Ngày 3/10 âm lịch năm Diên Ninh thứ 6 (1459), Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân, anh trai của Lê Nhân Tông tạo phản, giết Nhân Tông và Thái hậu rồi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Lê Tư Thành được cải tước hiệu thành Gia vương. Lê Nghi Dân lên ngôi, tin dùng nịnh thần, sát hại bề tôi cũ và thay đổi pháp chế, không được lòng người. Nhóm trọng thần Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang muốn binh biến nhưng bị bại lộ, tất cả đều bị giết.

Sau đó, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Lê Yên, Lê Giải, Trịnh Đạc, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Khoái, Trịnh Văn Sái, Nguyễn Đức Trung, Lê Vĩnh Trường, Nguyễn Yên… cùng bàn với nhau làm binh biến. Ngày 6/6/1460, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đến Nghị sự đường tại cửa Sùng Vũ, sai đóng các cửa, đem cấm binh dẹp nội loạn, giết bè đảng của Trần Lăng, rồi cùng các đại thần kéo vào bức tử Lê Nghi Dân.

Ngày 18/6/1460 âm lịch, Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế tại điện Tường Quang, đặt niên hiệu Quang Thuận, còn xưng hiệu Thiên Nam Động chủ, Đạo Am chủ nhân, Tao Đàn nguyên súy, dùng tên Lê Hạo trong văn kiện ngoại giao với nhà Minh. Vừa lên ngôi, ông đại xá thiên hạ, xử tử tướng cai quản cấm binh Lê Đắc Ninh vì tiếp tay cho Lê Nghi Dân tạo phản, truy phong Nội quan Đào Biểu (đã tử tiết cùng Nhân Tông trong đêm đảo chính) tước 1 tư và ban 5 mẫu ruộng công để cúng tế. Sau đó ông phát tang cho Lê Nhân Tông, rước bài vị vào Thái miếu, thụy hiệu Nhân Tông Tuyên Hoàng đế, Thái hậu Nguyễn Thị Anh được đặt thụy Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, trước đó trời đã lâu không có mưa, nhưng ngay sau khi rước bài vị Nhân Tông vào Thái miếu, đêm hôm sau liền có mưa lớn.

Dưới sự trì vì của Lê Thánh Tông, thực lực nước Đại Việt hùng mạnh, không những giữ vững biên cương phía bắc, mà còn mở mang bờ cõi về phía nam và phía tây. Ông thường bảo với triều thần: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do Thái Tổ đế lại”, kỳ thực, ông còn làm được hơn thế. Có vài lần ông phải điều binh đánh Bồn Man, Lão Qua quấy rối phía Tây (1460, 1467, 1469), “giặc cổ” xâm phạm trấn An Bang – Quảng Ninh (1467), quân của Sầm Tổ Đức, Lý Lân nước Minh (1467), quân người dân tộc thiểu số miền núi (Sơn Man) từ châu Bằng Tường bên Minh quấy nhiễu phía Bắc (1473, 1474), nhưng chỉ khi chinh phục Chiêm Thành (1471) và Bồn Man, Lão Qua (1478-80) mới dùng đến đại quân. Các chính sách quân sự của Thánh Tông đã góp phần củng cố nền cai trị của triều Lê, đưa Đại Việt trở thành cường quốc ở bán đảo Trung-Ấn.

Mùa thu năm 1471, sau khi chinh phục Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông ban bố Hoàng triều quan chế, khẳng định: “Đất đai bờ cõi nay đã khác xưa nhiều lắm, không thể không thân hành nắm quyền chế tác, làm trọn đạo biến thông”, cho nên phải thay đổi, theo đó ông bỏ các chức Tướng quốc, Bình chương và Bộc xạ; đặt Thái sư, Thái úy, Thái phó, Thái bảo, Thiếu sư, Thiếu úy, Thiếu phó, Thiếu bảo làm các chức quan đầu triều, coi cả văn lẫn võ. Dưới các chức này, ban văn trong triều có các cơ quan sáu bộ, sáu tự, sáu khoa, Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Đông các, Quốc tử giám, Quốc sử viện, Phủ doãn, Cung sư phủ, Tư thiên giám, Thái y viện, Bí thư giám, Trung thư giám, Hoa văn giám,… 

Lê Thánh Tông cũng  nổi tiếng là vị hoàng đế quản lý quan lại hết sức chặt chẽ. Hàng ngày ông đều hội kiến với các tướng lĩnh cao cấp nhất của mình. Ngoài ra, sau mỗi buổi thiết triều, ông thường gặp riêng các quan đứng đầu Lục bộ và Ngũ phủ để bàn bạc. Hoàng đế cũng dõi theo sát sao hành xử của hàng ngàn viên quan lớn nhỏ trong triều đình. Ngay từ khi mới lên ngôi, ông đã tạo ra một cảm giác kết nối sâu sắc giữa mình với các đại thần, mỗi lời khen chê của ông đều thể hiện ông nắm rõ tiểu sử và sự nghiệp của họ. Có lần hoàng đế con ban mứt trái cây cho các đại thần để bày tỏ sự cảm kích đồng thời cổ vũ họ làm việc chăm hơn nữa. Ông cũng ban hành hàng loạt sắc lệnh, cảnh báo và nghiêm cấm các quan văn võ không được tham ô, hối lộ, gian dối, biếng nhác, trễ nải, bóc lột sức quân và dân để vỗ béo bản thân, thu thuế chậm chạp, không hoàn tất công việc đúng kỳ hạn, sống phóng đãng, chìm đắm tửu sắc, gia đạo không nghiêm, lễ lạc quá đà,…

Dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông, dân số Đại Việt cũng tăng gấp bội, từ 1,9  triệu lên tới 4,4 triệu nhân khẩu. Ông  rất chú trọng nông nghiệp. Ngay từ khi mới lên ngôi, tháng 3 âm lịch năm 1461, ông đã ra sắc chỉ cho các quan, huyện, lộ, trấn, xã nhằm tối đa hóa sản xuất. Ông lập các chức quan Hà đê, Khuyến nông để dễ chăm lo việc nông trang. Ông còn ra lệnh cho Hộ bộ và các quan địa phương báo cho ông biết nơi nào có đất hoang, rồi ông dụ phủ huyện đôn đốc dân đi khai hoang, mở ruộng. Ông cũng đặt ra những quy định về quyền tư hữu ruộng đất, nghiêm trị những người cưỡng đoạt, lấn chiếm ruộng của người khác.

Về khoa cử, Lê Thánh Tông ban hành rất nhiều cải cách nhằm phát triển chế độ khoa cử tuyển quan kiểu Nho giáo. Có thể nói, Lê Thánh Tông trị vì Đại Việt 38 năm, dưới thời ông, sự phát triển của Nho giáo ở Việt Nam đã lên đến đỉnh thịnh. Các bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bắt đầu dựng vào thời đại của ông không chỉ có ý nghĩa về lĩnh vực giáo dục, mà chúng thực sự là các công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, lưu lại tới ngày nay trở thành di sản văn hóa thế giới.

Việc biên soạn lịch sử được Lê Thánh Tông ý thức hơn hết, với tư cách là những công cụ để nối liền đạo thống; khôi phục xây dựng kho tư liệu sử liệu dân tộc sau giai đoạn bị triệt tiêu văn hóa, sách vở thời thuộc Minh. Nhà vua kén chọn sử quan rất cẩn thận; thời bấy giờ có nhóm sử quan Lê Nghĩa được ca ngợi vì chép sử rất ngay thẳng, Thánh Tông có lần muốn xem quốc sử nhưng Lê Nghĩa không cho xem. Một sử quan có vai trò nổi bật khác vào thời Hồng Đức là Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiêm Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên. Chính Ngô Sĩ Liên là người được Lê Thánh Tông giao việc biên soạn một bộ quốc sử mới mang tên Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 15 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến khi Lê Thái Tổ đánh đuổi người Minh về nước năm 1428. Bộ sách này còn tồn tại tới ngày nay và là một tư liệu sơ cấp không thể thiếu cho việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời trung đại. Theo Lê Quý Đôn, Lê Thánh Tông còn sai Ngô Sĩ Liên chép sử về 3 triều vua đầu của nhà Lê (Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông nhà Lê) gọi là Tam triều bản kỷ. Ngoài ra, Thánh Tông đã nhiều lần ra chiếu sưu tầm tư liệu, sách vở và dã sử trong dân gian.

Vào năm 1483 Lê Thánh Tông chủ biên bộ sách Thiên Nam dư hạ tập, sai các văn thần như Đỗ Nhuận, Nguyễn Trực biên soạn. Sách được biên soạn theo loại sách hội yếu, thông điển, gồm 100 quyển ghi chép đầy đủ các chế độ, luật lệ, văn thư, điển lệ, các giấy tờ văn thư hành chính (như chiếu, dụ, cáo, sắc…). Hiện nay, bộ sách thất lạc gần hết, chỉ còn lại 10 tập chép tay viết về các mảng quan chế, điều luật, bản đồ, sớ văn; Thơ, văn, điển lệ, điều luật, chinh chiến, quan chức, thiên văn, địa lý, lịch sử… của nhà Lê, từ Lê Thánh Tông trở về trước.

Lê Thánh Tông là một nhà thơ và phê bình văn học, vừa sáng tác văn thơ, vừa nghiên cứu, phê bình. Năm 1495, ông sáng lập ra Hội Tao đàn, xưng làm Tao đàn Nguyên soái, xướng họa thơ ca cùng Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận và nhiều quần thần khác, tổng cộng 28 người. Hội Tao đàn ra đời đánh dấu bước phát triển cao về văn chương đương thời. Thơ văn của ông chứa đựng tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc thâm khắc. Ông sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như: Quỳnh Uyển cửu ca, Châu cơ thắng thưởng, Chinh tây kỉ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xúy, Cổ tâm bách vịnh… tất cả khoảng trên 300 bài (bằng chữ Hán), Hồng Đức quốc âm thi tập (bằng chữ Nôm). Số lượng tác phẩm thi văn chữ Hán của Lê Thánh Tông thực tế có thể còn nhiều hơn, nhưng còn lại đến nay chỉ có khoảng 350 bài.

Ngoài thơ chữ Hán, Lê Thánh Tông còn có khá nhiều thơ Nôm, tập trung chủ yếu trong Hồng Đức quốc âm thi tập. Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính xác các bài thơ Nôm của ông. Những bài văn Nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn có thể coi là bài văn biền ngẫu có giá trị bậc nhất của thế kỷ XV. Trong đó, không chỉ ghi chép thơ văn, mà còn ghi chép về lý luận phê bình văn học, về lịch sử, kinh tế, quan chế, địa lý v.v…

Lê Thánh Tông là người dẫn đầu phong trào mới này, cả về nghệ thuật thể hiện, cả về tư tưởng triết học. Thánh Tông di thảo là dấu mốc quan trọng ghi nhận bước trưởng thành của truyện ký Đại Việt viết bằng chữ Hán, ra đời trước cả tập “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI).

Lê Thánh Tông khuyến khích các quan lại và tự mình tích cực sử dụng chữ Nôm như một sự tự tôn và tự cường. Trong một bài thơ Nôm, ông tự trình bày về mình: “Trống dời canh còn đọc sách, Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.”

Tuy nhiên, vua Lê Thánh Tông trong đời cũng có những sai lầm, một trong số đó đã dẫn đến ông mất sớm ở tuổi 55. Ông đã nạp quá nhiều phi tần, dẫn đến long thể sớm hao tổn, cuối cùng mắc bệnh mà ly thế. Hà Nhậm Đại, sĩ phu đời Mạc làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, có bài thơ vịnh Thánh Tông Thuần Hoàng đế, vừa khen vừa tiếc:

Thánh Tông Thuần Hoàng đế
Nhật thướng thiên trung hoàng đạo khai,
Đế vương sự nghiệp hiện hùng tài.
Bình sinh học vấn chân cao mại,
Nữ tử yên tri thị họa thai.

Tài liệu tham khảo: Wikipedia, Wikipedia, Hương Thảo dịch thơ và biên soạn