Tôi là con ngựa sắt của chàng hoàng tử đến từ vương quốc Cà Phê. Chà, phải chăng bạn vẫn đang thắc mắc: Hoàng tử nào? Vương quốc ở nơi đâu? Có thể bạn đã từng nghe về anh rồi đấy. Anh tên là Masanori Nishikawa, người đã sưởi ấm trái tim Hương Cảng bằng những ly cà phê miễn phí trên đường phố ở Loan Tể, Hồng Kông.
Còn tôi? Tôi chính là chiếc xe đạp đã cùng anh rong ruổi khắp đông tây, từ Á sang Âu, rồi từ Âu lại về Á, qua 37 quốc gia với quãng đường hơn 90.000 km. Đi đến đâu tôi đều tặng cho mọi người những ly cà phê thật nồng ấm, vì thế ai ai cũng gọi tôi là “thiết mã cà phê”.
Hoàng tử của tôi, anh Masanori Nishikawa, đến Hồng Kông với tâm nguyện hòa bình. Anh đứng đó, bên ngoài ga tàu điện Loan Tể (Wanchai MTR Station), với những cốc cà phê nghi ngút khói. Rất nhiều người qua đường dừng chân trò chuyện với anh, chụp ảnh cùng anh, nhận món quà của anh với nụ cười như muốn tan trong nắng, hòa trong gió. Họ trao cho anh những cái ôm thắm thiết, tặng anh những tấm thiệp nhỏ xinh, vẽ tặng anh bức tranh đầy màu sắc, rồi lại viết cho anh những lá thư thơm thơm mùi giấy mực.
Cứ như thế cho đến ngày cuối cùng, mọi người đã đến tận nơi tạm biệt trước khi anh trở về Nhật Bản. Tất nhiên, bạn biết đấy, đó là một ngày bùng nổ cảm xúc! Nhưng hãy cứ để mặc anh tan chảy trong cái ôm và cái hôn tiễn biệt, để tôi có thể tranh thủ thời gian đi chào hỏi những người bạn của riêng mình.
Đầu tiên, tôi đến chào bác tàu điện. Tôi vẫn chưa có cơ hội chuyện trò cùng bác dù ngày nào cũng đứng ngay bên ngoài nhà ga Loan Tể. Nhưng bởi hôm nay là ngày cuối cùng, tôi đã lấy hết dũng khí để thổ lộ niềm ngưỡng mộ bấy lâu.
Tôi nói: “Bác tàu điện ơi, ước gì cháu cũng trở nên cao lớn và hùng vĩ giống như bác”.
Bác tàu điện đáp: “Ồ, chỉ là tàu điện thôi, có gì đáng nói đâu?”.
Tôi hào hứng kể: “Bác không biết đấy thôi, ở quê hương Nhật Bản của cháu tàu điện là người bạn thân thiết của mọi nhà. Mọi người đi làm bằng tàu điện, đi học bằng tàu điện, đi chơi cũng bằng tàu điện. Ngay cả khi vào đêm xe đạp chúng cháu phải nằm yên một chỗ thì nhà ga vẫn tấp nập đón khách lên tàu”.
Bác tàu điện bật cười: “Thì ra cu cậu thích làm tàu điện là để phục vụ mọi người à? Nhưng giờ thì ta có được phục vụ ai đâu! Cháu không biết sao, tàu điện Hồng Kông đã biến thành đoàn tàu chết chóc. Cảnh sát hễ xông vào ga điện ngầm là phong tỏa các lối thoát hiểm rồi tha hồ mà xịt hơi cay, phun khí độc, rồi lại tùy tiện đánh đấm và bắt giữ người vô tội mà không sợ bị ai nhìn thấy”.
Tôi vẫn nuôi một tia hy vọng: “Vậy những đoàn tàu chạy ngoài trời thì sao, thưa bác? Cháu vẫn ước được giống như đoàn tàu trên tuyến đường sắt phía Đông, ngày nào cũng được ngắm núi ngắm biển, ngắm mặt trời lên rồi lại ngắm hoàng hôn buông xuống… Chao ôi là thơ mộng!”.
Bác tàu điện cao giọng nói: “Cháu đang nói đến đoàn tàu chạy qua Ho Man Tin rồi tiến thẳng đến biên giới La Hồ phải không? Đó mới thực là tấn trò đời trong mọi tấn trò đời đấy, anh bạn nhỏ ạ. Không biết bao nhiêu anh hùng bất khuất, không biết bao nhiêu dũng sỹ tự do của Hương Cảng đã bị trói lên tàu rồi lén lút đưa về nhà tù Đại Lục. Cháu nói xem, thơ mộng để mà làm gì?”.
“Nhưng dẫu sao cũng sẽ tự hào lắm vì được chuyên chở những vị khách anh hùng…”, tôi tự nhủ.
Bác tàu điện thở dài: “Đó không phải đoàn tàu chở khách, mà là chở ‘tội ác sau rèm’! Họ bịt kín cửa sổ, rồi mặc nhiên hành ác. Máu của những người yêu tự do đã nhuộm đỏ sàn, in lên tường, lên cửa… Đó là tội ác, thật sự là tội ác, ngay cả nghĩ thôi ta cũng không dám nghĩ đến nữa rồi”.
Tôi hỏi: “Tại sao lại như vậy? Chẳng lẽ không còn công lý hay sao?”.
Bác tàu điện cười chua chát: “Chẹp chẹp, anh bạn nhỏ có biết đây là đâu không mà còn mơ đến công lý? Hễ rơi vào tay Bắc Kinh rồi thì công lý chỉ có trong hài kịch mà thôi! Ta tự hỏi công lý ở đâu khi biểu tình ôn hòa thì bị coi là bạo loạn, còn cảnh sát bắn người lại được ca ngợi là phục vụ vì dân?”.
Nhìn vẻ mặt buồn thiu của bác, tôi không biết làm gì hơn là nói những lời an ủi. Bác còn kể cho tôi một vài câu chuyện khác, hầu hết đều khiến tôi rơi nước mắt. Đó là câu chuyện về những anh hùng thời đại, người mà bác gọi là “thiên thần đích thực của Hồng Kông”. Nhưng làm thế nào để hiểu hơn về họ? Bác tàu điện chỉ tay về phía xe cứu thương đậu ở bên kia đường.
Tôi rối rít cảm ơn bác rồi háo hức chạy về phía anh bạn xe cứu thương. Mặc dù anh bạn đang nằm nghỉ ở đó, nhưng khuôn mặt vẫn hằn lên vẻ mệt mỏi.
Tôi bắt đầu: “Nghe nói cậu là xe chuyên chở các thiên thần tự do của Hồng Kông?”.
Anh bạn cúi xuống nhìn tôi, rồi buồn bã đáp: “Cậu nói đúng, họ là thiên thần, nhưng là những thiên thần gãy cánh. Nhiệm vụ của tôi là đưa họ đến các khu bệnh xá”.
Tôi hiểu điều anh bạn ấy nói. Đã có quá nhiều, quá nhiều người bị thương qua 7 tháng biểu tình. Trong cuộc chiến mà cảnh sát gần như chẳng có chút hề hấn nào, còn người biểu tình thì thương tật khắp nơi, mất tích vô số, và chết người như thường nhật, phải nói rằng những chiếc xe cứu thương này chính là một hậu phương đắc lực.
Tôi nói: “Cậu đã làm được điều cao cả, nhưng sao trông cậu buồn thế?”.
Anh bạn lắc đầu đáp lời tôi: “Cậu chẳng hiểu được đâu. Tôi sinh ra là để cứu người, nhưng họ lại bắt tôi phải làm cái việc hại người”.
Tôi ngạc nhiên: “Hại người???”.
“Đúng vậy. Họ ngụy trang tôi thành xe của bệnh viện, nhưng tài xế lại là cảnh sát. Họ tùy ý bắt bớ, nhồi nhét người biểu tình lên xe, rồi lợi dụng màn đêm đưa tù nhân đến bệnh viện tâm thần. Tôi không biết cảnh sát đã làm gì ở đó, nhưng rõ ràng là những ai bị giam giữ ở đây, khỏe mạnh đến mấy thì cũng trở nên què quặt, tỉnh táo đến mấy thì cũng thành điên loạn tâm thần. Tôi đã chẳng giúp được gì, mà lại còn góp phần tiếp tay cho tội ác. Anh nói xem, tôi không buồn sao được?”.
Tôi chưa biết trả lời ra sao thì đúng lúc ấy một chiếc xe jeep của cảnh sát lao tới, đỗ ngay cạnh anh bạn xe cứu thương. Tôi bèn lên tiếng chào người bạn mới tới: “Chào anh, ngày nào tôi cũng thấy các anh chạy trên phố, nhưng hôm nay được làm quen thế này, thật hân hạnh cho tôi quá”.
Xe jeep tỏ ra ngạc nhiên: “Ở đây ai ai cũng sợ hãi thậm chí là khinh bỉ khi nhìn thấy tôi, chỉ có mỗi anh bạn là niềm nở”.
Tôi đáp: “Tôi đến từ Nhật Bản. Ở đất nước tôi, cảnh sát luôn khiến người ta cảm thấy an lòng, lẽ dĩ nhiên những chiếc xe cảnh sát cũng sẽ được chào đón”.
Xe jeep nói: “Còn ở Hồng Kông, cảnh sát là hiện thân của ác quỷ. Ấy vậy mà ngày nào tôi cũng phải chở họ đi như thế đấy!”.
Tôi thầm nghĩ, có phải vì thế mà người ta mới gọi cảnh sát là ‘cảnh sát đen’? Nếu đúng như vậy thì quả thực đáng buồn. Tôi nói với anh bạn xe jeep: “Tôi từng nghe cậu chủ Masanori kể rằng cảnh sát Hồng Kông từng là hình mẫu số 1 của châu Á, vì sao nay lại trở thành quỷ dữ cho được?”.
Xe jeep trầm ngâm một lúc rồi đáp: “Nào chỉ có cảnh sát thôi đâu, mà quan chức cũng thế, người của công chúng cũng thế, kẻ có tiền có quyền đều thế. Khi triều đại đỏ tràn sang, bất cứ ai tin vào nó, nghe lời nó, đi theo nó, phụng sự nó, thì đều trở thành quỷ dữ cả. Nó có thể biến người hiền thành kẻ ác, biến dân lành thành lưu manh, biến doanh nhân thành những kẻ quỵ lụy trước tiền quyền. Anh có biết thế mạnh của Bắc Kinh là gì không? Chính là tà biến nhân tâm!”.
Tôi cảm thấy chưa đủ thuyết phục lắm, nên nói: “Tôi đã ở Hồng Kông một tuần, tôi thấy ai ai cũng tốt bụng và chân thành, không giống ‘tà’ một chút nào”.
Xe jeep đáp: “Những người anh gặp trên phố đa phần là giới trẻ, là những người yêu tự do, họ đâu dễ bị món mồi danh lợi của Bắc Kinh dụ dỗ. Anh hãy xem những sinh viên biểu tình, họ sống bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tin vào lý tưởng của tự do. Tiền có làm cho họ lóa mắt không? Không hề. Bạo lực có khiến họ run sợ không? Cũng không. Họ sinh ra vì lý tưởng và sẵn sàng chết cho lý tưởng. Nếu như có người đối mặt với quỷ dữ đã đồng hóa thành quỷ dữ, thì họ lại lựa chọn làm thiên thần”.
Tôi gật đầu và nói với cả xe jeep và xe cứu thương: “Các anh đều phân biệt được chính tà, nhưng vì sao vẫn tiếp tục phục vụ cho cái ác như thế?”.
Lần này anh bạn xe cứu thương nhanh nhảu trả lời: “Chúng tôi chỉ là những vật vô tri, bị đặt đâu thì phải nằm ở đó, nào đâu có cái quyền tự quyết cho riêng mình? Chỉ tiếc là biết bao người có tri có giác, có khả năng làm chủ bản thân, vậy mà vẫn nhắm mắt làm liều, bán lương tâm mình cho quỷ dữ”.
Anh bạn xe jeep cũng tiếp lời: “Còn anh xe đạp, anh đang làm gì ở đây?”.
Tôi nhìn xuống cái bộ dạng cũ kỹ, thô sơ và bé nhỏ của mình, thật đối lập với hai anh chàng cao to bệ vệ trước mặt, và càng đối lập hơn khi so với bác tàu điện ở bên kia đường. Tôi ngượng ngùng đáp: “Tôi cũng không làm gì đặc biệt cả, chỉ là giúp cậu chủ chở cà phê ra phố để tặng khách qua đường. Cậu chủ tôi nói rằng: đây là ‘cà phê vì hòa bình’ với hy vọng mang lại chút ấm áp cho mọi người”.
Cả anh bạn jeep và xe cứu thương đều nhìn tôi, trong ánh mắt của họ có một chút gì đó khang khác, một cảm xúc nào đó rất khó diễn tả thành lời. Họ nói: “Ở cái xứ sở nơi chính tà giao tranh này, một thái độ ủng hộ hay một tiếng nói chính nghĩa cũng đáng kính trọng muôn phần. Anh bạn nhỏ, anh thật may mắn vì được làm những điều cao quý. Còn chúng tôi, đằng sau lớp sơn bóng loáng và dáng vẻ đồ sộ này lại là những linh hồn đang héo úa. Giờ thì chúng tôi lại ước được như anh đấy: là một chiếc xe đạp giản dị, nhưng có thể tự do đi khắp nơi làm việc tốt cho đời”.
Từ bên kia đường, bác tàu điện cũng nghe thấy cuộc trò chuyện của ba chúng tôi. Bác vẫy tay khi thấy tôi tạm biệt và chuẩn bị trở về: “Này chàng trai bé nhỏ, hãy thay ta nhắn nhủ với những người bạn của cháu ở bên kia hải đảo rằng: Việc chính nghĩa không phân biệt lớn nhỏ, hào nhoáng hay thô sơ, chỉ cần có thể làm thì hãy cứ làm thôi…”.
Tôi cúi đầu chào bác và chào hai anh bạn bên cạnh mình. Đúng vậy, việc tốt không phân lớn nhỏ, tôi cũng không cần phải mang cái vẻ cao lớn và đồ sộ mới có thể làm nên những điều tốt đẹp. Nếu bạn không thể thay đổi một cuộc chiến, thì hãy cứ ủng hộ chính nghĩa bằng những gì bạn có. Ngày mai, rồi lại ngày mai nữa, tôi vẫn sẽ ra đường mang theo những ly cà phê – cà phê miễn phí, cà phê vì hòa bình…