Lịch sử những cuộc chiến đã để lại biết bao bài học về binh pháp ảo diệu, cơ trí, thế nhưng có một kiểu dụng binh chẳng cần thế trận, tính toán nào mà vẫn giành chiến thắng.

Nhạc Phi thời đầu nhập ngũ kháng Kim, tuy chức vị thấp kém nhưng nhờ võ công và tài năng phi phàm đã được lão tướng Tông Trạch của nhà Tống xem trọng. Tuy vậy, Tông Trạch xuất thân là quan văn, có vài điểm không tán đồng với phương thức tác chiến của Nhạc Phi: “Mưu dũng và tài nghệ của cậu vượt xa các tướng giỏi thời xưa. Chỉ có điều cậu thích dã chiến (đánh trận mà không theo binh thư luật lệ nào) [*], chỉ e đây không phải kế sách vẹn toàn”.

Hồi đáp của Nhạc Phi đã cho thấy trí huệ hơn người của ông: “Đợi khi bố trận xong rồi mới tác chiến, đây vốn là phép tắc thông thường trong việc dùng binh. Nếu muốn vận dụng được hết cái linh hoạt xảo diệu của nó, thì cần phải dụng tâm suy nghĩ, tùy cơ ứng biến mới phải”. Lĩnh ngộ trác việt đối với binh pháp của Nhạc Phi và những chiến công trước đó của ông khiến Tông Trạch vốn là người chinh chiến nơi sa trường lâu năm cũng phải tấm tắc khen ngợi.

Vậy thì, Nhạc Phi đã phát huy chỗ xảo diệu trong binh pháp, đạt đến hiệu quả khiến đối phương bất ngờ không kịp trở tay như thế nào?

Phương Đông cũng có “con ngựa thành Troy”

Trong “Tống sử” có ghi chép, lần đầu tiên Nhạc Phi ra trận chính là dùng “chiến thuật mai phục” dập tắt phản loạn nơi quê nhà Tương Châu. Khi đó, tặc khấu do Đào Tuấn, Giả Tiến Hòa cầm đầu gây họa một phương, triều đình đã nhiều lần cử binh đến bao vây tiêu diệt nhưng đều thất bại. Nhạc Phi không nỡ nhìn thấy bà con dân làng chịu khổ, đã chủ động xin đi giết giặc. Ông dẫn theo hơn hai trăm quân sĩ để đối kháng với đại quân mấy nghìn người của Đào Tuấn.

Sau khi quân Tống hành quân 500 dặm đến Tương Châu, Nhạc Phi vốn không vội khai chiến, mà là dùng mưu lược phòng thủ nghiêm ngặt, dự liệu đường đi nước bước của quân địch. Trước tiên, ông cử 30 người giả làm thương nhân vận chuyển lượng lớn hành trang đến gần doanh trại của giặc. Quả nhiên, thủ hạ của Đào Tuấn bị lợi ích dẫn động bắt 30 thương nhân giả đó vào doanh trại.

Sau khi dụ địch thành công, Nhạc Phi lại cử 100 người mai phục dưới chân núi của trại địch. Ngày hôm sau, Nhạc Phi dẫn theo mấy mươi người đến trước trại địch khiêu chiến. Đào Tuấn cậy mình người đông thế mạnh, vô cùng khinh địch, vắt chân ngồi trên lưng ngựa, vừa lớn tiếng mắng chửi vừa ra nghênh chiến.

Trong lúc hai quân giao chiến, Nhạc Phi giả vờ bại trận rút lui dẫn địch đến nơi phục binh chờ sẵn. Nhạc Phi xung trận tiên phong, anh dũng giết địch, quân Tống hai bên đường khí thế như vũ bão đánh giáp quân địch từ hai mặt. Bọn người Đào Tuấn trong ngoài thành bị đánh đến trở tay không kịp, lập tức trở nên rối loạn, bại trận trong chớp nhoáng. Nhạc Phi lần đầu tác chiến, đã vận dụng binh pháp hết sức linh hoạt, đạt đến kỳ tích lấy ít thắng nhiều trong chiến trận. 

Tâm lý chiến

Năm đầu niên hiệu Tĩnh Khang (năm 1126), Tống, Kim hai nước khai chiến ở Thái Nguyên. Nhạc Phi phụng mệnh dẫn theo hơn trăm kị binh nhẹ, phụ trách trinh thám tình hình quân địch. Trên đường xuất phát bất ngờ đụng phải lượng lớn quân Kim. Trong thời khắc đánh nhau trực diện, hai bên không kịp bố trận binh pháp để điều binh khiển tướng. Nhạc Phi quyết đoán mau lẹ, hét lớn một tiếng, liều mình xông vào giữa quân Kim đột phá vòng vây. Quân Tống thấy thủ lĩnh xung phong đi trước cũng được khích lệ bội phần, tất cả cùng Nhạc Phi anh dũng giết địch, thể hiện ra năng lực thực chiến kinh người.

Nhạc Phi xung trận (ảnh: Wikimedia).

Quân Kim hung hãn ngược lại bị sĩ khí của đội quân Nhạc Phi chấn nhiếp, tự làm loạn thế trận, trân trân nhìn đối phương thoát khỏi vòng vây mà không dám tiến lên đuổi theo. Kẻ thù gặp nhau giữa đường, hơn nữa thực lực của quân địch lớn hơn bên mình gấp mấy lần, thông thường người ta đều sẽ sinh ra tâm lý khiếp sợ, không chiến tự bại. Tuy vậy, Nhạc Phi lại lấy tinh thần dũng mãnh không sợ hãi và võ công trác tuyệt đối phó, chính là đạt đến hiệu quả lấy ít mà chế phục nhiều, đánh đâu thắng đó. Không phải đây cũng là vận dụng chiến thuật tâm lý trong binh pháp một cách khéo léo hay sao?

Sau sự kiện Tĩnh Khang không lâu, Nhạc Phi đầu quân cho “đội quân Cần Vương” do Khang vương Triệu Cấu đứng đầu, dốc sức trong quân đội của Tông Trạch. Đội quân của Tông Trạch một đường xuất phát đến Biện Kinh (Khai Phong, Hà Nam ngày nay), dọc đường phá tan tầng tầng lớp lớp phòng tuyến của quân Kim. Thời gian này diễn ra rất nhiều các trận chiến lớn nhỏ, Nhạc Phi cũng lập được vô số chiến công trong đó. Mùa đông, quân Tống đóng quân ở vùng Hoạt Châu, Hà Nam, giằng co với quân Kim ở bên kia sông Hoàng Hà. Nước sông đóng băng, Nhạc Phi cùng các tướng sĩ khác tập luyện kỹ năng cho kỵ binh ngay trên lớp băng, chuẩn bị vượt sông đánh địch.

Dũng khí không cần thế trận

Có một lần, Nhạc Phi cùng hơn trăm kỵ binh đang tập luyện trên sông băng. Đột nhiên, một lượng lớn quân địch từ bờ sông bên kia tập kích. Nhạc Phi quyết đoán mau lẹ, khích lệ quân sĩ rằng: “Quân địch tuy nhiều, nhưng chúng không hề biết thực hư quân ta thế nào. Ta hãy nhân lúc bọn chúng còn chưa đứng vững chân mà tấn công ngay, như vậy nhất định sẽ giành được phần thắng”.

Nói xong, Nhạc Phi dẫn theo kỵ binh xông vào trận địch. Quân Kim có một viên đại tướng, vung thanh đại đao khiêu chiến, Nhạc Phi ung dung nghênh chiến. Ông dùng binh khí chống đỡ, chém thanh đại đao của tướng địch mẻ sâu hơn một tấc, cuối cùng một đao kết liễu tướng địch. Quân Kim thấy chủ tướng chết trận cũng không còn tâm trạng ứng chiến. Hơn một trăm quân Tống thừa thắng đuổi theo, đại phá quân địch.

Mưu lược quân sĩ của Nhạc Phi không khỏi khiến người ta liên tưởng đến Hàn Tín, đại nguyên soái, khai quốc công thần của nhà Hán. Trong “trận chiến bối thủy” ông cũng đã vận dụng binh pháp linh hoạt, bày trận tựa sông, phá tan 20 vạn quân Triệu. Cả Nhạc Phi và Hàn Tín đều đã đại phá quân địch với binh lực cực ít và tổn thất nhỏ nhất, giành thắng lợi bằng trí mưu, để lại cho hậu thế một bài học sâu sắc kể cả về mặt dụng binh lẫn phép xử thế trên đời. 

Tùy cơ ứng biến, quả là đạo dùng binh cao nhất vậy. 

[*]: Theo từ điển Hán việt hvdic.thuvien.net

Vũ Dương
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Từ Khóa: