Là một trong hai vị duy nhất trong lịch sử Trung Hoa vinh danh là “quốc sĩ vô song”, hay “Chiến Thần”, nhưng cuộc đời binh nghiệp của Nhạc Phi cũng lận đận với bốn lần tòng quân mới gặp được chủ hiền mà trọng tài. Ông đã cho thấy, ngoài tài năng khí chất phi phàm, phải có tâm nguyện tận trung báo quốc kiên định, nhiều lần bị từ chối vẫn không thoái lui, mới có thể hoàn thành nghiệp lớn.
Ba lần tòng quân phải rời khỏi quân doanh
Năm 1127, niên hiệu nhà Tống từ “Tĩnh Khang” đổi thành “Kiến Viêm”. Tống Cao Tông đăng cơ xưng đế, lịch sử Trung Hoa từ Bắc Tống chính thức quá độ sang Nam Tống. Tân thiên tử mới hơn 20 tuổi, đối với quân Kim nên đánh hay là hòa thái độ vẫn chần chừ không quyết định. Nhạc Phi khi đó còn rất trẻ, đã dâng lên một tấu chương với lời lẽ khẩn thiết, tình cảm mãnh liệt:
“Bệ hạ đăng cơ, trăm họ có chỗ quy về, quốc gia có người chủ trì, đã hoàn toàn phá tan được âm mưu diệt vong nhà Tống của người Kim”. Quân đội tận trung ngày một lớn mạnh, quân Kim lại lơi lỏng khinh địch, đây chính là thời cơ tốt cho việc thống lĩnh đại quân tiến hành bắc phạt. Nhưng bọn người Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn lại ra sức xúi giục hoàng đế dời đô sống an phận. Nhạc Phi mong Cao Tông có thể về đến Khai Phong ở Đông Kinh, chủ trì đại nghiệp kháng Kim. Ông rất có lòng tin bày tỏ rằng, đến khi đó “tướng soái một lòng, quân sĩ dốc sức”, “có thể khôi phục lại Trung Nguyên”.
Khi đó Nhạc Phi mới chỉ 25 tuổi, chức quan chẳng qua chỉ là thất phẩm, nhưng trong thư lời lẽ đanh thép, khí thế hùng hồn, đánh trúng thời cuộc rối ren, tấm lòng trung dũng và gan dạ sáng suốt phi phàm của ông thật khiến người người bội phục. Nhưng trong triều đình, gian thần phái chủ hòa vẫn xúi giục hoàng đế cúi mình đầu hàng, còn các trung thần trong phái chủ chiến lại rơi vào cục diện có chí mà không thể phát huy. Bọn người Hoàng Tiềm Thiện mượn cớ “quan nhỏ vượt chức, nói lời gàn dở”, tước mất chức quan của Nhạc Phi, đuổi Nhạc Phi ra khỏi quân doanh, khiến ông phải rơi vào cảnh một thân một mình, lang bạt đây đó.
Nhạc Phi từ năm 20 tuổi đã buộc tóc tòng quân, sau bởi cha mất nên phải về lại quê nhà. Sau khi chịu tang xong, ông lần nữa lại tòng quân, bởi mất đi giấy ủy nhiệm, bị buộc phải rời khỏi quân đội. Và đây là lần thứ ba kể từ sau khi tòng quân vì dâng thư nói thẳng mà bị bọn gian thần giáng chức. Mặc dù cuộc đời trong quân ngũ từ sớm đã ma nạn trùng trùng, nhưng chí hướng tận trung báo quốc thẳm sâu trong tâm của Nhạc Phi không hề tiêu giảm. Ông dứt khoát đi về phía bắc, đi đến tiền tuyến kháng Kim, cũng chính là chiêu phủ ty Hà Bắc đang chiêu mộ nghĩa quân nằm ở phủ Đại Danh (vùng đông nam huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc ngày nay).
Lần thứ tư tòng quân, trở thành “quốc sĩ”
Ở chiêu phủ ty có một người tên Triệu Cửu Linh đón tiếp Nhạc Phi. Vị quan viên được danh thần kháng Kim Lý Cương tiến cử này, những năm cuối thời Bắc Tống vô cùng tán thưởng năng lực tác chiến của Nhạc Phi và cho rằng ông là “kỳ tài thiên hạ”, nên đã ra sức tiến cử với Chiêu phủ sứ Trương Phủ.
Trương Sở cũng là một đại tướng yêu quý hiền tài, sử sách ghi lại rằng, dù Nhạc Phi do đắc tội giới quyền thế mà bị bãi miễn chức quan, tuy vậy Trương Sở lại trịnh trọng “đối đãi với ông như hàng quốc sĩ”. “Quốc sĩ” chính là chỉ rường cột ưu tú, xuất chúng nhất của quốc gia, thường được tôn xưng là “quốc sĩ vô song”. Trong lịch sử, chỉ có vị đại tướng dụng binh như Thần, nhất thống thiên hạ như Hàn Tín mới xứng với xưng hiệu tôn quý này. Mà Trương Sở xem Nhạc Phi như “Chiến Thần” tái sinh, đặt ông ở vị trí quan trọng nhất trong việc chống Kim cứu nước.
Vậy Trương Sở tiếp đãi vị quốc sĩ này như thế nào đây? Trước tiên, ông nóng lòng muốn biết được bản lĩnh thật sự của Nhạc Phi, bèn hỏi: “Một mình ông có thể chống chọi được bao nhiêu quân địch?”. Nhạc Phi đáp: “Việc dùng binh không thể chỉ trông chờ cái dũng, mà trước tiên cần phải kể đến mưu lược”.
Theo cách nhìn của Nhạc Phi, nếu chỉ có một thân võ nghệ thôi thì không thể trở thành tráng sĩ xuất sắc được, mưu trí mới là then chốt quyết định thành bại, cũng chính là đạo lý “để đánh thắng quân địch, tài trí nhất là biết dùng mưu, thấp hơn thì dùng các biện pháp ngoại giao, thấp hơn nữa là dùng vũ lực, hạ sách nhất mới phải đánh thành”. Nhạc Phi dẫn ra ví dụ trong “Tống sử”, đại phu nước Tấn thời Xuân Thu là Loan Chi đã dùng bụi bặm dẫn dụ địch vào bẫy, nhờ vậy mà đánh bại quân Sở, hoặc như Mạc Ngao nước Sở dùng kế sách tiều phu đánh bại nước Giảo… để luận chứng tính quan trọng của mưu lược nơi chiến trường. Trương Sở càng nghe càng thêm bội phục, khen rằng: “Người cầm quân ngoài ông ra, thật không còn người nào khác!”.
Hai người càng chuyện trò càng thấy hợp nhau, Nhạc Phi hùng hồn nói với Trương Sở ý nghĩa của việc thu phục lại giang sơn đã mất. Khai Phong là đô thành của Bắc Tống, có Hà Bắc làm hàng rào mới có thể vững chắc được. Nếu Trương Sở nguyện ý xuất binh chinh chiến, ông càng nguyện ý lấy thân báo quốc, vạn chết không từ. Kinh qua lần nói chuyện tường tận này, Trương Sở càng vững tin Nhạc Phi là kỳ tài thiên hạ chỉ có thể gặp chứ không thể cầu, liền đặc cách để ông từ thân phận bình dân đảm nhậm chức Tu võ lang, thống lĩnh trung quân, rất mau lại thăng ông lên chức Võ kinh lang.
Tuy Nhạc Phi không giữ chức đại tướng quân như Hàn Tín, nhưng ông ngoài Tông Trạch ra lại gặp được một Bá Nhạc hết lòng ủng hộ mình, mở ra cuộc đời chinh chiến lần thứ tư. Dựa vào thần lực trời sinh và lòng son dạ sắt, Nhạc Phi đã mau chóng kiến lập công trạng, trở thành đại anh hùng “dũng quán tam quân” trong quân đội nhà Tống.
Khi đánh nhau với quân Kim, thủ lĩnh Vương Ngạn chuẩn bị ngừng chiến, Nhạc Phi vũ dũng hơn người khuyên can không được, đành phải dẫn theo một lượng nhân mã ít ỏi đơn độc xuất chiến. Ông khích lệ sĩ tốt dưới trướng rằng: “Chúng ta người tuy ít, nhưng cũng nên gắng sức đánh thắng trận này, kẻ nào không thể liều mạng giết giặc, chém!”. Thế là Nhạc Phi và quân Kim quyết trận sống mái, bản thân ông cũng bị thương hơn mười mấy chỗ, cuối cùng đã đẩy lùi được quân Kim.
Hay như năm Kiến Viêm thứ 3 (năm 1129), Nhạc Phi dùng 800 quân đối đầu với bọn tặc khấu Vương Thiện, Tào Thành với 50 vạn quân trong tay ở cổng Nam Huân, phía nam thành Khai Phong. Khi đó, ngoài thành tiếng trống trận vang trời, quân Tống đều lo lắng không thể thắng trận, Nhạc Phi trái lại vỗ ngực nói một cách quả quyết rằng: “Hãy xem ta phá địch cho các ông!”. Ông một mình cưỡi ngựa đi đầu, trái cầm cung tiễn, phải mang thiết thương, dẫn theo các dũng sĩ ứng chiến. Tất cả tung hoành ngang dọc trong quân địch, ác chiến kịch liệt khoảng 5, 6 giờ đồng hồ, quả nhiên đánh đến quân Kim đại loạn, tả tơi manh giáp.
Về khả năng tác chiến, vũ dũng, mưu lược, gan dạ, trung nghĩa của Nhạc Phi đều là nhất đẳng, thật xứng là chiến thần lưỡng Tống! Hơn nữa ông luôn đi tiên phong, tiếp năng lượng cho mỗi vị tướng sĩ xung quanh, thêm nữa ông cũng đã tập hợp được một lượng lớn các dũng sĩ trung can nghĩa đảm như ông, tổ thành đội quân Nhạc gia lớn mạnh nhất, tinh nhuệ nhất thời Nam Tống.
Vũ Dương
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung